Bạn có phải là một empath – người thấu hiểu cảm xúc? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
17 Thg 06, 2021
Tâm Lý Học

Bạn có phải là một empath – người thấu hiểu cảm xúc?

Năng lực thấu hiểu cảm xúc được giải thích qua khái niệm Empath. Cùng xem liệu bạn cũng sở hữu “sức mạnh” này.
Bạn có phải là một empath – người thấu hiểu cảm xúc?

Đồi @anngshill cho Vietcetera

Bạn nhìn nhận nỗi đau của người khác như nỗi đau của mình. Bạn dễ dàng nhận diện được cảm xúc của người đối diện khi trò chuyện và là chỗ dựa tinh thần đáng tin cậy. Nếu vậy, khả năng cao bạn là một empath – người thấu hiểu cảm xúc.

Empath là gì?

Empath (tạm dịch: người thấu cảm) là người có khả năng phân biệt, hòa hợp và thấu hiểu cảm xúc của những người xung quanh. Một người thấu cảm có thể kết nối cảm xúc và suy nghĩ của họ với người khác, đặt bản thân trong tình huống người bên ngoài để cảm nhận điều mà họ đang cảm nhận.

Nói ngắn gọn, empath chính là người có mức độ đồng cảm và thấu hiểu cảm xúc cao hơn bình thường.

Bạn có phải là một empath?

Có nhiều bài kiểm tra khác nhau, điển hình như bài kiểm tra sử dụng 20 câu hỏi tự trả lời của nhà tâm lý Judith Orloff, hoặc đánh giá trên thang điểm từ trải nghiệm của một Empath bởi Tara Meyer-Robson. Nhưng đa phần đều cần bạn tự đánh giá về bản thân.

Dưới đây là một vài câu hỏi tổng hợp về dấu hiệu của người thấu cảm. Nếu bạn trả lời “đúng” cho gần như mọi câu thì khả năng cao bạn là một empath:

  • Bạn phải gánh chịu sự căng thẳng của người khác.
  • Trong quá khứ, bạn từng bị đánh giá là quá nhạy cảm.
  • Bạn dễ bị choáng ngợp bởi đám đông.
  • Mọi người tìm đến bạn để nạp “nguồn năng lượng” mới.
  • Người khác cho rằng bạn hay đồng cảm.
  • Bạn nhận diện cảm xúc rất nhanh.
  • Bạn cảm nhận được nỗi đau của người khác.
  • Bạn vô thức bắt chước hành động của người khác.

Lưu ý: Các câu trên chỉ nhằm định hướng cho bạn về các dấu hiệu của empath, còn kết quả phụ thuộc vào cách đánh giá và niềm tin của bạn về chính mình (seft-concept).

người thấu cảm
Một "empath" có khả năng đồng cảm xúc cao hơn bình thường

Khái niệm “người thấu cảm” đến từ đâu

1. Nguồn gốc

“Empath” bắt nguồn từ thể loại văn khoa học viễn tưởng, ban đầu được sử dụng để chỉ những người có khả năng “thần giao cách cảm”. Từ empath được xuất hiện đầu tiên trong cuốn tiểu thuyết “The Empath” của nhà văn J.T McIntosh người Scotland.

2. Mối liên kết với khoa học

Các nhà khoa học tìm ra tế bào thần kinh phản chiếu (mirror neurons), chúng tương tự tấm gương phản chiếu hành động và cảm xúc của người khác, cho phép ta phản ứng lập tức với cảm xúc của họ.

Các nhà nghiên cứu cho biết vài người sở hữu nhiều tế bào này hơn bình thường, giúp họ có năng lực thấu hiểu cảm xúc tốt hơn. Ngoài ra, một nghiên cứu đánh giá khả năng đọc biểu cảm gương mặt giữa người và động vật cho thấy những người có thể nhận diện biểu cảm chính xác cũng có mức độ đồng cảm cao hơn bình thường. Tốc độ đọc cảm xúc chính là một trong những đặc trưng của người thấu cảm.

Cách empath bảo vệ bản thân

Một người thấu cảm là chỗ dựa tinh thần, nơi an ủi cảm xúc cho những người xung quanh. Thông qua việc thấu hiểu cảm xúc, họ biết đối phương đang gặp vấn đề gì cần được giúp đỡ.

Tuy nhiên, liên tục hấp thu cảm xúc có thể dẫn đến đồng cảm tiêu cực (negative empathy). Đó là khi bạn ôm lấy quá nhiều tâm tư của người khác vào mình, dẫn đến tình trạng kiệt quệ tinh thần và nhượng bộ cho các hành động của họ.

Nhiều người hiểu lầm thấu cảm là phải sống trong đau buồn của người khác, để rồi cảm thấy tội lỗi và bất lực trong mối quan hệ nếu không giúp đỡ và chia sẻ được nỗi đau đó. Vô hình trung, nó khiến thấu cảm chuyển sang hướng tiêu cực.

người thấu cảm
Sức mạnh chỉ phát huy khi empath biết cách tránh tình trạng kiệt quệ cảm xúc

Thấu cảm chỉ mang đến kết quả tốt đẹp khi bạn biết cách bảo vệ bản thân mình trước tiên. Dưới đây là vài gợi ý chăm sóc cho những người thấu cảm:

1. Dành thời gian cho bản thân:

Thấu hiểu cảm xúc của người khác giúp bạn dễ nhìn thấy nhu cầu của người khác, dẫn đến mong muốn giúp đỡ họ. Nhưng để làm tốt việc đó, bạn nên làm sạch “miếng bông” hút cảm xúc của mình trước.

2. Đưa ra giới hạn chia sẻ:

Mỗi người chúng ta đều có một giới hạn để lắng nghe chia sẻ và giúp đỡ người khác vì ta còn nhiều việc ưu tiên cần phải giải quyết hơn. Vì thế, đặt ra giới hạn thông tin mà bạn có thể “hấp thụ” sẽ tránh được tình trạng kiệt quệ khi phải lắng nghe quá nhiều.

3. Tìm một chỗ dựa tinh thần đáng tin cậy:

Luôn là chỗ dựa cho người khác không có nghĩa bạn không cần ai để chia sẻ. Để gạt bớt những vấn đề chồng chéo lên nhau từ bản thân cho đến người xung quanh, hãy cho phép mình tìm đến sự giúp đỡ từ những người mà bạn tin cậy như bạn thân, gia đình,...