Cùng với sự phát triển vượt bậc của Internet, thế hệ ngày nay đã có góc nhìn cởi mở hơn trước đây rất nhiều. Tuy nhiên, hiểu đúng về suy nghĩ cởi mở vẫn gây nhiều khó khăn với không ít người.
Tiếp thu một điều mới lạ, thậm chí ngược lại với niềm tin vốn có của bản thân có thể gây hoang mang, thậm chí dẫn đến bất hòa nhận thức. Do vậy, bài viết này sẽ làm sáng tỏ định nghĩa của suy nghĩ cởi mở cùng một số cách tham khảo.
Thế nào được gọi là cởi mở?
Cởi mở (open-minded) thường được hiểu là sẵn sàng cân nhắc hoặc lắng nghe những ý tưởng, ý kiến và thông tin, dù nó mới lạ và khác biệt với quan điểm của mình.
Để dễ hiểu hơn, thạc sĩ tâm lý Kendra Cherry đã phân tách và giải thích khái niệm này theo các khía cạnh sau:
- Trong ngôn ngữ hằng ngày, cởi mở đồng nghĩa với khoan dung hoặc không phán xét.
- Theo tâm lý học, đó là mức độ sẵn sàng xem xét các quan điểm khác nhau hoặc thử trải nghiệm mới.
- Ngoài ra, cởi mở còn là việc đặt câu hỏi và tìm kiếm thông tin thách thức niềm tin của mình.
- Nó cũng bao hàm sự tôn trọng quyền tự do bày tỏ niềm tin và quan điểm của người khác, cho dù bạn không hẳn là đã đồng tình.
Đương nhiên, cởi mở vẫn có giới hạn nhất định trong thế giới quan của mỗi người. Nó không ngụ ý bạn phải đồng ý với mọi hệ tư tưởng. Nhưng nỗ lực để phân tích những góc nhìn khác nhau và dành cho chúng sự thấu cảm, chính điều đó đã là cởi mở rồi.
Đặc điểm của người cởi mở?
Cũng theo thạc sĩ Kendra Cherry, những người cởi mở thường có đặc điểm sau:
- Tò mò về những gì người khác suy nghĩ.
- Có khả năng thử thách những quan niệm của chính mình.
- Không tức giận khi mắc lỗi sai.
- Có sự đồng cảm cho người khác.
- Tư duy về những gì người khác đang suy nghĩ.
- Khiêm tốn về kiến thức và chuyên môn của bản thân.
- Muốn được lắng nghe những gì người khác muốn và cần nói ra.
- Tin rằng ai cũng có quyền chia sẻ niềm tin và suy nghĩ của họ.
Những yếu tố tác động đến tư duy cởi mở của một người?
- Tính cách: Cởi mở là 1 trong 5 chiều tính cách góp mặt trong bài trắc nghiệm tâm lý Big Five (hòa đồng, tự chủ, bất ổn cảm xúc, hướng ngoại, cởi mở). Các yếu tố này có thể là bẩm sinh hoặc đến từ luyện tập, với tỷ lệ di truyền là 21%.
- Chuyên môn: Nghiên cứu cũng đề xuất rằng, những người cho rằng mình có chuyên môn trong một lĩnh vực thường ít cởi mở hơn. Bên cạnh đó, chuẩn mực xã hội cũng công nhận và cho phép các chuyên gia giữ vững quan điểm cố hữu của họ hơn. Đây được gọi là dogmatism effect (tạm dịch: hiệu ứng giáo điều).
- Thoải mái với sự mơ hồ: Nghiên cứu cho rằng người ít thoải mái với sự mơ hồ cũng ít cởi mở hơn. Những điều không chắc chắn dễ khiến con người cảm thấy khó chịu và bất an. Vì vậy, nhiều người có xu hướng duy trì niềm tin cố hữu của mình để giữ mọi thứ đơn giản và dễ hiểu.
Giá trị của việc trở nên cởi mở?
Khi có tư duy cởi mở, bạn sẽ sở hữu những ích lợi quý giá như sau:
- Có thêm hiểu biết và trải nghiệm mới: thông qua việc thách thức niềm tin hiện tại và cân nhắc những ý tưởng khác biệt, từ đó từng bước thoát khỏi vùng an toàn.
- Sự trưởng thành: khi bạn học được cách tiếp nhận quan điểm trái chiều với thái độ bình tĩnh để phân tích các khía cạnh của nó.
- Tinh thần trở nên mạnh mẽ hơn: đến từ việc liên tục đối mặt với bất hòa nhận thức để tiếp cận với hiểu biết khác với quan niệm cố hữu.
Làm thế nào để trở nên cởi mở hơn?
Bản thân việc suy nghĩ cởi mở hơn là một thử thách, vì não bộ chúng ta tiếp nhận thông tin theo cơ chế đồng bộ hóa. Cơ chế này phân loại thông tin mới vào phần khung tri thức có sẵn bằng cách bổ sung thêm hoặc điều chỉnh lại cho phù hợp với những gì sẵn có.
Tuy nhiên những biến chuyển của cuộc sống không phải lúc nào cũng như những gì lường trước, vì thế chúng ta cần phải chuyển cơ chế tiếp nhận thông tin từ hướng đồng bộ qua hướng thích nghi. Sự thích nghi là khi bạn phải xây dựng những nền tảng hiểu biết mới hoàn toàn thay vì chỉ tiếp thu thông tin ủng hộ những gì mình đã biết.
Để hình thành sự thích nghi, chúng ta cần:
1. Vượt qua thiên kiến xác định
Thiên kiến xác định khiến chúng ta tập trung tìm kiếm những thông tin ủng hộ cho niềm tin sẵn có, đồng thời từ chối những bằng chứng thách thức tư duy của mình.
Nếu bạn liên tục thấy bản thân chỉ đồng ý với những điều bởi vì nó hợp với quan điểm vốn có của mình, hãy xem xét những yếu tố góp phần chi phối quan điểm của bạn. Đó có thể là môi trường giáo dục, định kiến xã hội hoặc buồng vang thông tin chỉ cho bạn tiếp cận với những gì gần với niềm tin của mình.
2. Không ngừng đặt nghi vấn
Theo tiến sĩ kinh tế Võ Đình Trí: “Hoài nghi được hiểu là việc đặt ra các câu hỏi để tìm kiếm bằng chứng, hoặc kết nối các dữ kiện/thông tin để xác nhận một điều gì đó có nhiều khả năng là đúng hay không.[…] Sự hoài nghi trước hết cần thiết cho từng cá nhân, để tiếp cận được những cái khách quan hay bản chất của vấn đề.”
Vì thế, luyện tập phản xạ hoài nghi bằng cách đặt câu hỏi là một việc quan trọng để mở mang hiểu biết của cá nhân. Khi tiếp cận một vấn đề mới, bạn có thể thử những câu hỏi như sau:
- Mức độ hiểu biết thực sự của mình về chủ đề này?
- Nguồn thông tin này đáng tin cậy như thế nào?
- Mình đã xem xét các ý tưởng/ ý kiến khác chưa?
- Mình có bất kỳ thành kiến nào có thể ảnh hưởng đến suy luận của mình không?
3. Kiên nhẫn với những điều mình không đồng ý
Khi vừa nghe một điều trái với quan niệm sẵn có, ta có thể cố gắng tìm cách phủ định đối phương. Nhưng khi nóng vội phủ nhận, chúng ta không có thời gian để cân nhắc vấn đề một cách toàn diện. Thay vì học hỏi và tiếp thu, việc này chỉ đơn thuần là cảm xúc hơn thua mang lại sự hài lòng nhất thời.
Do vậy, bạn nên cho bản thân một quãng thời gian suy nghĩ và đánh giá vấn đề bằng những câu hỏi sau trước khi phản hồi:
- Lập luận của chính mình có dựa trên nhiều nguồn tham khảo không?
- Mình có sẵn sàng xem xét lại ý kiến khi đối mặt với những bằng chứng mâu thuẫn không?
- Mình có tiếp tục giữ ý kiến này không ngay cả khi có bằng chứng phủ nhận nó?
4. Khiêm tốn về hiểu biết của mình
Mặc dù bạn có thể là chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó, não bộ vẫn luôn tồn tại nhiều khiếm khuyết hơn bạn muốn thừa nhận.
Khi một người tin rằng đã biết tất cả những gì cần biết, người đó sẽ ít sẵn sàng tiếp nhận thông tin mới và sáng tạo ý tưởng mới. Đây chính là hiệu ứng Dunning-Kruger. Thiên kiến này khiến bản thân đánh giá quá cao kiến thức của mình về một chủ đề và mù quáng trước những thiếu sót.
Rèn luyện tính khiêm tốn sẽ luôn cho bạn cơ hội để nhận ra những khuyết thiếu, cũng như học hỏi kiến thức và kinh nghiệm mới lạ từ thế giới muôn màu xung quanh.