Bạn biết rõ việc hút thuốc lá có thể gây hại cho sức khỏe nhưng vẫn khó từ bỏ được. Bạn biết có một bài kiểm tra quan trọng vào ngày mai nhưng không thể ngừng lướt điện thoại. Hay bạn cố an ủi chỉ ăn thêm một xíu thôi dù mục tiêu của bạn là sẽ giảm được 2 cân.
Sự mâu thuẫn “nghĩ một đằng làm một nẻo” này còn được mang tên là "bất hòa nhận thức".
Bất hòa nhận thức là gì?
Bất hòa nhận thức (cognitive dissonance) miêu tả sự căng thẳng được tạo ra khi bạn gặp mâu thuẫn giữa niềm tin và hành động thực tế. Sự bất hòa này buộc bạn phải chọn một trong hai: thay đổi niềm tin hoặc thay đổi hành động để giảm đi mức độ bức bối do trạng thái này gây ra.
Khái niệm được phát triển đầu tiên bởi Leon Festinger qua nghiên cứu về một nhóm người tin rằng trái đất sẽ bị hủy diệt bởi một trận lũ lụt. Khi biết trận lũ không hề diễn ra, một vài thành viên chấp nhận họ đã tự lừa mình. Còn các thành viên có niềm tin mãnh liệt hơn lại cố tìm một giải thích khác (như trận lũ lụt không xảy ra vì lòng trung tín của nhóm) để tiếp tục củng cố cho hành động hiện tại.
Ông cho rằng trong chúng ta luôn có sự thúc đẩy để giữ niềm tin và hành vi tương đồng với nhau. Nhưng khi gặp bất hòa, một yếu tố phải được thay đổi để giảm sự mâu thuẫn.
Vì sao bất hòa nhận thức lại diễn ra?
1. Hành vi bắt buộc tuân thủ
Bất hòa nhận thức xảy ra khi bạn bị bắt buộc làm một điều gì đó nhưng trong thâm tâm lại không muốn. Chẳng hạn bạn không muốn làm bài kiểm tra, nhưng đó lại là chỉ định của giáo viên. Sự mâu thuẫn diễn ra khiến bạn cảm thấy bức bối và khó chịu, buộc bạn phải học bài dù muốn hay không.
Nguyên nhân này được tìm ra trong một thí nghiệm của Festinger and Carlsmith. Họ cho hai nhóm học sinh làm những công việc nhàm chán (như ngồi lật trang sách). Một nhóm được nhận 1 đô tiền thưởng và nhóm còn lại nhận 20 đô.
Dù cả hai nhóm đều cảm thấy công việc nhàm chán, nhóm 1 đô trong tình trạng bất hòa cao hơn vì nhận giá trị tiền thưởng thấp kèm theo tình thế bắt buộc. Để giảm sự bất hòa, họ đánh giá trải nghiệm thú vị hơn nhóm 20 đô (giá trị tiền thưởng cao cho họ lí do để làm việc này).
2. Quá trình đưa ra lựa chọn
Khi đối mặt với hai sự lựa chọn, bạn gặp trạng thái bất hòa nhận thức vì phải chấp nhận đánh mất lợi ích của lựa chọn còn lại. Ví dụ nếu như chọn học bài, bạn đánh đổi thời gian thư giãn của mình, nhưng nếu chọn nằm lướt điện thoại, điểm số của bạn có thể bị ảnh hưởng.
Phát hiện này bắt nguồn từ thí nghiệm của Brehm, khi ông quan sát những người cần phải chọn ra một món đồ họ mong muốn để sở hữu. Nhóm người trải nghiệm bất hòa nhận thức cao đánh giá món đồ họ chọn có sức hút hơn những thứ còn lại, dù mức độ yêu thích đều bằng nhau.
3. Nỗ lực đã bỏ ra
Bất hòa nhận thức xảy ra khi chúng ta dành nhiều công sức nỗ lực để đạt được một mục tiêu nhưng kết quả lại không như mong đợi. Nhờ đó, bạn tự an ủi rằng mình đã không bỏ ra quá nhiều sức lực để thực hiện hoặc kết quả không quan trọng đến vậy.
Yếu tố này được tìm thấy trong nghiên cứu của Aronson và Mills khi cho một nhóm sinh viên nữ tham gia đọc những đoạn văn về tình dục. Những người đọc các chủ đề mang tính “xấu hổ” nhất lại đánh giá trải nghiệm này tích cực nhất vì họ muốn bào chữa rằng việc tham gia thí nghiệm này không tệ đến vậy.
Có cách giảm mâu thuẫn trong suy nghĩ và hành động không?
Trạng thái bất hòa nhận thức gây ra những cảm giác khó chịu, phiền toái và có thể khiến chúng ta rơi vào trường hợp:
- Cố gắng che giấu niềm tin hoặc hành động
- Bao biện cho sự lựa chọn của mình
- Né tránh hoặc e ngại bàn luận về chủ đề nhất định.
Vì thế chúng ta muốn giảm sự mâu thuẫn này xuống hết mức có thể. Dưới đây là ba phương án mà bạn có thể tham khảo để giảm thiểu sự mâu thuẫn này:
- Thay đổi hành vi hoặc niềm tin: Nếu sự mâu thuẫn nằm ở hành vi, thay đổi hành động của bạn sẽ giảm bất hòa nhận thức. Một vài hành vi khó thay đổi hơn vì đã trở thành thói quen. Chẳng hạn, bạn có thể dễ dàng tắt điện thoại để học bài nhưng từ bỏ thuốc lá cần nhiều nỗ lực hơn.
- Nghiên cứu thêm thông tin: Trong thời đại thông tin, những cập nhật mới khiến bạn nhận ra nhiều điều không chính xác như mình tưởng. Thu thập nhiều thông tin khác nhau sẽ giúp giảm sự mâu thuẫn trong suy nghĩ và hành vi. Tuy nhiên bạn cũng nên cẩn thận xem xét thông tin để tránh hậu quả nghiêm trọng.
- Giảm tầm quan trọng của nhận thức: Bạn có thể tự thuyết phục bản thân hoặc thay đổi góc nhìn để giảm mức độ quan trọng của suy nghĩ hay hành động bạn đang có. Nếu bài kiểm tra chỉ chiếm số điểm nhỏ và bạn biết không cần tốn nhiều sức lực vẫn có thể qua môn, thì có lẽ giải khuây một chút cũng không sao.