Bạn WFH có thấy đau cổ không? | Vietcetera
Billboard banner
08 Thg 07, 2021
Cuộc SốngChất Lượng Sống

Bạn WFH có thấy đau cổ không?

Cơn đau vùng cổ - "Tech neck" là căn bệnh của cuộc sống gắn với công nghệ. Chúng đặc biệt trở nên nghiêm trọng hơn khi chúng ta phải làm việc tại nhà!

Bạn WFH có thấy đau cổ không?

"Tech neck" đang khiến không ít người mắc phải cảm thấy khó chịu | Nguồn: Freepik

Tech neck được hiểu nôm na là những cơn đau ở vùng cổ, nguyên nhân phổ biến là do tư thế sử dụng các thiết bị công nghệ không đúng cách trong thời gian dài. Song, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát và ngăn ngừa căn bệnh công nghệ này. 

Nguyên nhân gây hội chứng "Tech neck"

Một cuộc khảo sát ở Norway và Canada đã chỉ ra: Mỗi năm, có từ 27 đến 48% người trong độ tuổi lao động ở hai quốc gia này mắc các bệnh về cổ. Con số này được khảo sát dựa trên những người làm việc ở các lĩnh vực khác nhau (bao gồm cả nhân viên văn phòng) vào những năm trước dịch bệnh.

Sau khi đại dịch bùng phát, nhiều nhân viên, người lao động phải thường xuyên làm việc tại nhà. Điều này cũng khiến các vấn đề về cổ trở nên trầm trọng hơn nữa.

Tech neck
Làm việc tại nhà làm tăng nguy cơ mắc Tech Neck | Nguồn: IPA Physio

Khi chúng ta làm việc với máy tính hoặc cúi đầu để sử dụng điện thoại, các cơ ở sau gáy phải co lại để giữ cố định phần đầu. Theo thời gian, những cơ này sẽ có dấu hiệu mệt mỏi, đau nhức mỗi lần chúng ta cúi đầu. Đây gọi là hội chứng Tech neck. 

Từ trước đến nay, chúng ta đều nghe theo những lời khuyên từ các bác sĩ, chuyên gia y tế hoặc những nhà trị liệu rằng hãy ngồi thẳng lưng khi làm việc trên máy tính. Tiếc thay, đây lại là lời khuyên không chính xác.

Bởi lẽ khi ngồi thẳng lưng, mọi lực của cơ thể đều sẽ dồn xuống phần đĩa đệm ở lưng dưới. Không những thế, việc này còn khiến các cơ ở gáy phải hoạt động hết công suất để cố định đầu ngẩng cao. Do đó, khi ngồi thẳng lưng hàng giờ liền, chúng ta sẽ bị đau cả lưng lẫn cổ. 

tech neck
Ngồi thẳng lưng khi làm việc thôi chưa đủ, chúng ta cần ngồi thẳng lưng đúng cách | Nguồn: Pinterest

Vì sao làm việc tại nhà dễ khiến chúng ta mắc "Tech neck" hơn?

Những vấn đề phát sinh khi làm việc tại nhà không chỉ dừng lại ở câu chuyện bàn ghế ngồi làm không đạt chuẩn mà còn ở việc bản thân chúng ta không thể hài hòa giữa công việc và cuộc sống thường nhật. Nhiều người vẫn thường xuyên làm việc ngay trên giường ngủ, dành nhiều thời gian để làm hơn là nghỉ ngơi. 

Tech neck
Nhiều người thường lựa chọn làm việc ngay trên giường khi wfh | Nguồn: InsideHook

Rõ nét hơn, chúng ta có thể thấy việc để màn hình máy tính ở tầm nhìn thấp sẽ khiến cổ và vai cong về phía trước. Đây là một trong những thói quen phổ biến nhất khi làm việc tại nhà vì chúng ta thường để laptop trên đùi, giường ngủ hoặc những chiếc bàn thấp.

Bên cạnh đó, nhịp sinh hoạt thay đổi, áp lực từ công việc, dịch bệnh khiến chúng ta dễ mắc Coronasomnia (chứng mất ngủ thời đại dịch) cũng như kiệt quệ cả sức lực lẫn tinh thần. Điều này dẫn đến tình trạng không muốn vận động, ngồi làm việc uể oải, sai tư thế khiến cổ và lưng bị tác động nặng nề. 

Dấu hiệu nhận biết bạn đang gặp "Tech neck"? 

Cứng cổ, co thắt cổ và đau giữa hai bả vai là những triệu chứng phổ biến của bệnh lý này. Thậm chí, một số trường hợp không thể ngẩng cổ lên liền sau một thời gian dài cúi đầu nhìn điện thoại. 

Tệ hơn nữa, hội chứng này có thể khiến người bệnh bị tê hoặc ngứa ran cả hai cánh tay do dây thần kinh ở cổ bị chèn ép nặng nề.

tech neck
Đau gáy và hai bên vai là dấu hiệu dễ nhận biết của hội chứng Tech Neck | Nguồn: Physio Plus

Bên cạnh đó, bạn cũng nên lưu ý nếu cơ thể có những dấu hiệu sau:

  • Cổ và vai bị gù: Khi mắc Tech Neck, các cơ ở cổ, ngực và lưng trên có nguy cơ bị suy giảm chức năng, khiến tổng thể bị mất cân bằng
  • Cơ thể hoạt động kém linh hoạt. 
  • Đau nhức đầu: Các cơn đau ở cổ hoàn toàn có thể tác động đến vùng đầu của chúng ta. Chưa kể, sử dụng điện thoại, máy tính trong thời gian dài có thể khiến mắt mỏi, nhức đầu. 

Khi nào bạn cần đi khám bác sĩ?

Thông thường, những cơn đau liên quan đến hội chứng Tech neck không quá nghiêm trọng. Song một số triệu chứng bất thường có thể xảy ra và bạn cần đi khám ngay khi cơ thể xuất hiện những dấu hiệu này:

  • Cơn đau đầu xuất hiện với tần suất dày đặc và trầm trọng hơn.
  • Những cơn đau không thuyên giảm dù bạn đã thay đổi tư thế làm việc, tập luyện thường xuyên. 
  • Cánh tay và bàn tay yếu dần, thường bị tê, mất cảm giác hoặc ngứa ran.
  • Cơn đau khiến bạn mất ngủ
  • Cơ thể xuất hiện những triệu chứng của các bệnh lý khác như viêm khớp, thoái hóa đốt sống cổ,... 
Tech neck
Nếu đau cổ đi kèm với triệu chứng mất ngủ, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay | Nguồn: Pinterest

Việc thăm khám sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh lý mà bạn đang gặp phải. Từ đó, họ sẽ có cách điều trị chính xác, dứt điểm. 

Những cách ngăn ngừa hội chứng "Tech neck" tại nhà

1. Giữ điện thoại, màn hình máy tính ngang tầm mắt khi dùng

Để màn hình điện thoại hay laptop ngang tầm mắt của mình không chỉ giúp chúng ta ngăn ngừa hội chứng Tech Neck mà còn giảm thiểu khả năng lão hóa vùng da ở cổ. Điều này xảy ra phổ biến ở phụ nữ và nó ngày càng được trẻ hóa.

Nguyên nhân là vì khi cúi đầu xuống, chúng ta vô tình tạo ra những nếp gấp trên da vùng cổ. Lâu dần, vùng da đó sẽ bị “tách rời” khỏi lớp biểu bì và dẫn đến tình trạng lão hóa sớm.

tech neck
Đặt màn hình laptop, điện thoại ngang tầm mắt là cách tối ưu ngăn ngừa Tech Neck | Nguồn: Bustle

2. Vệ sinh sạch sẽ vùng cổ

Nghe có vẻ không liên quan nhưng kỳ thực việc vệ sinh vùng cổ cũng có ảnh hưởng đến hội chứng Tech neck. Chúng ta thường chăm sóc kỹ da mặt, da tay,... nhưng lại hiếm khi quan tâm đến phần cổ.

Điều này sẽ khiến ô nhiễm, bụi bẩn tích tụ lâu ngày gây viêm da, làm trầm trọng hơn những bệnh liên quan đến vùng cổ, trong đó có hội chứng Tech Neck.

3. Thường xuyên vận động, nghỉ giải lao khi làm việc tại nhà

Cứ cách vài tiếng đồng hồ ngồi làm việc, bạn hãy dành 2-3 phút để nghỉ ngơi, tạo điều kiện để cơ thể được thư giãn. Bạn nên tận dụng thời gian nghỉ này để đi dạo xung quanh nhà, giữ cột sống thẳng, xoay đầu nhẹ nhàng và thả lỏng cơ bắp.

tech neck
Cơ, xương, khớp cũng cần được thư giãn sau thời gian làm việc | Nguồn: FlexiSpot

4. Tập những bài tập căng cơ vùng cổ

Hiện nay, có nhiều động tác tập luyện vùng cổ giúp phần cổ được thư giãn, tăng khả năng nâng đỡ trọng lượng đầu và giảm thiểu tác động xấu lên đốt sống cổ. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể áp dụng những bài tập tác động trực tiếp lên vùng bụng và lưng dưới.

Bởi đây là cơ quan hỗ trợ phần lưng trên và cổ của chúng ta. Song song với việc tập luyện, bản thân chúng ta cần điều chỉnh cột sống theo đúng tư thế chuẩn khi di chuyển hoặc ngồi làm việc. 

5. Điều chỉnh tư thế ngủ

Tư thế ngủ và chứng đau cổ có mối liên hệ mật thiết với nhau. Các chuyên gia y tế khuyên bạn nên nằm ngủ ngửa hoặc nghiêng để làm giảm cơn đau cổ. 

  • Nằm ngửa sẽ giúp cơ thể duy trì hình dáng tự nhiên của cột sống. Chúng ta chỉ nên kê một chiếc gối thấp, giữ cho đầu, cổ và lưng trên cùng một đường thẳng. 
  • Đối với những người thích ngủ nghiêng, bạn cần loại gối chuyên dụng để đầu - cổ được cân bằng, tránh quá cao hoặc quá thấp. 
tech neck
Nằm sấp là tư thế ngủ quen thuộc của nhiều người song tư thế này sẽ khiến tình trạng đau cổ thêm trầm trọng | Nguồn: Healthline

Tuyệt đối không nằm sấp khi ngủ. Tư thế này sẽ khiến đầu của bạn bị chèn ép cả đêm, gây áp lực lên vai và cột sống cổ.