“Bẻ khoá” Photoshop có trở thành câu chuyện dĩ vãng? | Vietcetera
Billboard banner

“Bẻ khoá” Photoshop có trở thành câu chuyện dĩ vãng?

Nhân dịp ứng dụng Photoshop được Adobe tung phiên bản “freemium” không phải trả phí, tôi nhớ về những mánh khoé “xài chùa” xưa kia.
“Bẻ khoá” Photoshop có trở thành câu chuyện dĩ vãng?

Nguồn: Tin học 88

Tầm chục năm trước, tôi có chiếc laptop đầu tiên. Giống như bản thân hệ điều hành của cỗ máy, được “bẻ khoá” (crack) ở một hàng “cài win dạo 50 nghìn đồng” trên phố Lý Nam Đế (Hà Nội), phần mềm chỉnh sửa ảnh cũng được anh kỹ sư tin học tốt bụng sử dụng thủ thuật để tôi được “xài chùa” với giá phải chăng.

Nhiều đứa trẻ cấp ba thời ấy có sở thích “chụp phông xoá teen,” tôi không phải ngoại lệ. Nhưng chiếc iPhone 4s của tôi không có khẩu độ đủ lớn như máy ảnh chuyên nghiệp, hay tính năng làm mờ hậu cảnh như điện thoại thời nay. Tôi lên Photoshop để “xoá phông” hoặc “xoá teen” theo sở thích.

Sau một tác vụ nặng, Photoshop trên chiếc laptop cùi bắp “sập.” Tham khảo hàng loạt diễn đàn mạng, tôi tự biết cách crack mà không phải trả tiền cho anh kỹ sư phần mềm nào cả.

Vì sao “bẻ khoá” Photoshop từng thông dụng đến vậy?

Câu trả lời đơn giản nhất: “vì rẻ.” Ở Việt Nam, không phải ai cũng có thói quen trả tiền cho ứng dụng trên máy tính và smartphone. Giá thuê bao $21 hàng tháng (khoảng 500 nghìn đồng) để tải và sử dụng Photoshop trên máy tính vượt quá ngân sách chi tiêu của rất nhiều người.

Đối với cả các doanh nghiệp nhỏ, như các hàng chụp ảnh thẻ hoặc in ấn quảng cáo, trả tiền để mua Photoshop có bản quyền cũng không phải điều người ta sẵn sàng. Lần đầu tôi biết tới khái niệm “bẻ khoá” Photoshop xảy ra ở một hiệu ảnh thẻ. Hôm đó tôi cùng bố vội vàng chạy ra hiệu chụp ảnh chân dung để nộp hồ sơ vào trường cấp hai.

httpsvietceteracomuploadsimages19jun2022trungtamanhkythuatso20lehongphong317350jpeg
Một tiệm ảnh thẻ ở Hà Nội | Nguồn: Toplist

Giữa tình thế nước sôi lửa bỏng thì Photoshop của hiệu bỗng ngưng hoạt động. Trong sự giục giã của khách hàng, anh chủ hiệu nhoay nhoáy cắm một chiếc ổ cứng di động vào CPU và rút dây mạng. Như một đầu bếp chuyên nghiệp, anh thả file này vào folder nọ, rồi gõ code mấy lần. Phần mềm chỉnh sửa ảnh sau đó bỗng dưng hồi sinh.

Khi phải tự crack phần mềm trên máy, tôi cũng học theo anh chủ hiệu ảnh: tải và lưu sẵn file cài đặt phần mềm trên các diễn đàn tin học vào ổ cứng di động, rồi không quên lưu file “amtlib” để kéo dài thời hạn dùng thử phần mềm từ 3 ngày thành mãi mãi.

httpsvietceteracomuploadsimages19jun2022downloadphotoshopcs6fullcrackpng
File amtlib - công cụ bẻ khoá thần kỳ | Nguồn: ICT Sai Gon

Tôi hoàn toàn không hiểu từng thao tác có ý nghĩa gì mà chỉ rập khuôn làm theo hướng dẫn trên YouTube. Làm nhiều thành quen, có lúc này tôi cảm tưởng mình biến thành sinh viên Đại học Bách khoa, và lúc khác tôi trở thành hacker.

Nhưng thao tác bẻ khoá nhuần nhuyễn này dần biến mất. Tốc độ của đời sống càng nhanh, tôi càng cảm thấy biến thành hacker thực sự tốn thời gian. Khi cần phải chỉnh sửa ảnh hoặc thiết kế, tôi chuyển sang dịch vụ Canva và nhiều app miễn phí khác trên điện thoại hoặc máy tính bảng.

Nghĩ lại thời còn chăm bẻ khoá phần mềm, tôi nhận ra một trong những lý do khiến mình ngại trả tiền là bởi thao tác chuyển tiền quá lằng nhằng. Giờ đây, khi một số ví điện tử ở Việt Nam có thể sử dụng để thanh toán quốc tế, tôi nghe theo tiếng gọi của sự tiện lợi.

Cái chết của “bẻ khoá” trong thời đại subscription

Khi các phương thức giao dịch điện tử tiện lợi lên ngôi, hầu hết bạn bè và đồng nghiệp xung quanh tôi không còn sợ phải trả tiền cho dịch vụ phần mềm. Bản thân tôi cũng nhận thấy 60 nghìn đồng một tháng cho thuê bao Apple Music, hay phí Netflix thường niên được chia sẻ với 4 đứa bạn khác không phải những con số quá lớn.

Tất nhiên những phương thức “lách luật” vẫn tồn tại, ví dụ như chuyện không ai thực sự có nhu cầu xem Netflix trên 5 thiết bị cùng lúc. Họ chia sẻ tài khoản hay thậm chí bán “slot” trên các diễn đàn mạng để tiết kiệm tiền. Trả 500 nghìn đồng “subscription” hàng tháng cho Adobe cũng là một con số “nhà giàu” nên tôi chấp nhận sử dụng nhiều app miễn phí cùng lúc trên điện thoại hoặc iPad còn hơn.

Tôi chắc chắn sẽ trở thành một khách hàng của Adobe sau khi phiên bản freemium, hay phiên bản web miễn phí của Photoshop được phổ biến trên toàn thế giới. Điểm khác biệt rõ rệt nhất giữa xài chùa và trả tiền bản quyền là độ “mượt” của ứng dụng. Giống như độ chênh lệch về chất lượng phim trên Phim Mới và Netflix, tôi tin rằng Photoshop hàng chính chủ (dù nó chỉ là hàng miễn phí) sẽ mượt mà hơn khá nhiều so với hàng crack.

httpsvietceteracomuploadsimages20jun202210jpeg
Tạo biển quảng cáo tiệm cắt tóc trên Photoshop | Nguồn: Tin học 88

Hạn chế của phiên bản freemium là nó không có đầy đủ mọi tính năng như bản trả tiền. Nhưng đây cũng là lúc ta cần tự hỏi, nhu cầu sử dụng của mình đang ở đâu? Sự tiện lợi gắn liền với lối sống thực dụng. Nên nghĩ một cách thực dụng thì nếu như tôi chỉ cần xoá phông hoặc chèn chữ vào ảnh, tôi sẽ không mua subscription của Adobe làm gì.

Tạm kết: khi sự tiện lợi chiến thắng

Điểm then chốt nhất của sự dịch chuyển giữa hàng xài chùa của ngày xưa và hàng chính chủ của ngày nay có lẽ không nằm ở việc ý thức về tôn trọng bản quyền của chúng ta cao hơn. “Gian hùng” tin học nào rồi cũng sẽ phải đổ gục trước sự tiện lợi.

“Từ rẻ cho đến miễn phí” và “dễ sử dụng” nên được hiểu như những phương châm của thời hiện đại. Hãy thử nghĩ mà xem, mọi cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đều bùng nổ ở khoảnh khắc con người tìm ra phương thức thực hiện tác vụ đời sống một cách dễ dàng và tiện lợi hơn.

Phiên bản freemium của Photoshop dĩ nhiên không phải là cách mạng. Nó là một phần của quá trình chuyển giao dịch vụ lên nền tảng internet, kéo dài hơn một thập kỷ nay. Chiến lược miễn phí của Adobe cũng không khiến 10 kết quả đầu tiên hiện ra khi ta gõ “photoshop” vào Google là 10 bản hướng dẫn cách crack phần mềm.

Nhưng nó là cơ hội để ta nhận ra rằng một thói quen hay lối sống cũ có thể dễ dàng bị lược bỏ đến nhường nào khi có sự can thiệp của sự tiện lợi. Có nhiều hơn một thái độ để đối diện với sự đổi thay.

Ta có thể nghĩ về cái cũ một cách rất lãng mạn theo kiểu “crack phần mềm là một phần không thể thiếu trong sự nghiệp hacker của tôi.” Hoặc giống như tôi, trong trường hợp này chúng ta có thể không phải “fan” của lối sống cũ.