Bespoke và cách nam giới “chiến” với body-shaming | Vietcetera
Billboard banner

Bespoke và cách nam giới “chiến” với body-shaming

Để vượt qua những lời miệt thị ngoại hình, chúng ta sẽ chọn trang phục che đi hết khuyết điểm hay dũng cảm đối diện với các số đo và tìm cách biến chúng thành lợi thế?
Bespoke và cách nam giới “chiến” với body-shaming

Nguồn: Kim Bespoke, Pinterest

Mỗi khi nghĩ đến bespoke, trong đầu bạn có lẽ sẽ bật lên từ khóa “giá tiền cao”, “thời trang cao cấp”. Thế nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ khi nói về chúng. Trong bài viết này, bespoke sẽ được khai thác dưới góc nhìn mới của tâm lý và cả việc giải phóng nam giới khỏi những quan niệm về thời trang không còn phù hợp.

Bộ bespoke ảnh hưởng đến tâm lý thế nào?

Trang phục từ lâu đã được khoa học chứng minh là ảnh hưởng đến tâm trí, hành vi và ứng xử. Tuy nhiên, khi tham gia vào quy trình làm đồ bespoke thì chúng ta có những khám phá mới về bản thân, những mặc cảm sâu sắc nhất mà ta che giấu về cơ thể.

alt
Trang phục may đo với tay nghề thượng thừa giúp "phù phép" cơ thể | Nguồn: Kingsman Wiki

Bespoke và haute couture là hai thánh đường cao cấp của may đo. Chúng đều là những sản phẩm thủ công với các chất liệu thượng hạng. Tuy nhiên, để haute couture và bespoke thật sự được tôn sùng còn có những lý do khác. Lý do đầu tiên nằm ở khả năng phù phép cơ thể từ những thợ thủ công tay nghề thượng thừa. Việc may đo và cá nhân hóa các điều chỉnh có thể mang lại các “ảo ảnh” để che khuyết điểm.

Đồng thời, chúng tạo ra hiệu ứng “giả dược” để nâng cao sự tự tin cho tâm lý người mặc. Một ví dụ đơn giản, để khắc phục tâm lý tự ti khi chân ngắn – lưng dài thì trong bespoke sẽ có những chiếc quần cạp cao, cách xếp ly, độ dài ống quần và mắt cá chân để tạo hiệu ứng dài người ra. Tuy nhiên, về mặt thẩm mỹ, dài thêm bao nhiêu cm là đủ, cạp nên cao đến đâu là hoàn hảo cho cơ thể (của riêng bạn) thì chỉ người lành nghề mới làm được.

Kế đến, bespoke là minh chứng cho tâm lý “quiet luxury” được nhiều người theo đuổi. Một số người cho rằng nhìn bespoke cũng không khác gì vest thông thường. Tuy nhiên, bespoke được xếp vào quiet luxury khi sự đắt tiền của chúng đòi hỏi những cách thẩm định tinh tế. Chỉ những dân chơi thứ thiệt mới có thể nhận biết chất liệu của chiếc áo, chỉ cần hé mở mặt trong áo cũng đủ biết tay nghề của thợ khéo léo ra sao.

alt
Vải len Vicuña đắt đỏ nhưng vẫn rất "quiet luxury" cho các bộ bespoke | Nguồn: Robb Report

Đơn cử như những bộ bespoke được may từ vải len Vicuña đắt nhất thế giới. Thoạt nhìn, khó ai biết được chúng cao giá đến vậy. Nhưng nhìn kĩ, chạm vào sẽ thấy độ mềm mại, độ nhẹ khác biệt so với cashmere - cũng là một loại vải cao cấp khác. Tất cả những thứ này đều không phô trương nhưng đủ sức nặng để tạo nên tâm lý tự tin cho người mặc và đẳng cấp về gu thưởng thức.

Và cuối cùng, bespoke đòi hỏi sự rèn giũa bản thân. Bespoke là trang phục đi theo tôn chỉ: manners maketh man (tạm dịch: nhân cách tạo nên con người). Nó không chỉ giúp bạn đẹp về giao diện mà lập tức đặt bạn vào vị thế của người cần học cách cư xử đúng mực như một quý ông. Bộ bespoke là “giám thị” nghiêm khắc về cách cư xử của người đàn ông với thế giới.

Các quy tắc và đàn ông cũng có nhu cầu giải phóng cơ thể

Khi nói đến một bộ bespoke là nói đến danh sách của những quy tắc, bao gồm cả việc may và mặc chúng. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải hiểu rằng các quy tắc của bespoke đặt ra là để đảm bảo hai tiêu chí: đầu tiên là sự thoải mái, kế đến là phù hợp cho tính chất của những nơi mà chúng ta diện chúng.

alt
Các quy tắc trang phục trong may bespoke giúp tạo nên sự thoải mái cho người mặc | Nguồn: Kim Bespoke

Đơn cử như các chất liệu của bespoke thường thoáng mát, nhẹ, càng cao cấp càng thoải mái. Và trong quá trình may đo, các thợ lành nghề cũng sẽ tính toán làm sao để khi bạn diện một bộ đồ rất trang trọng nhưng khi đi đứng, ngồi đều cảm thấy dễ chịu, linh hoạt. Nhìn thì có vẻ bespoke là một thứ đầy những yêu cầu nhưng thực tế nó lại được đo ni đóng giày cho sự thoải mái của người mặc. Từ bespoke, chúng ta có thể thắc mắc rằng những trang phục khác của nam giới có phải lúc nào cũng thoải mái, đơn giản, dễ chịu không?

Phụ nữ luôn đấu tranh đòi tự do thể hiện trong trang phục. Nhưng các quy tắc ăn mặc và cả những sự không thoải mái có thể xảy ra ở cả hai giới. Có bao giờ bạn bắt gặp hình ảnh một người đàn ông chật ních trong chiếc áo sơ mi, hay mệt mỏi không biết phải che bụng, giấu đùi ra sao khi mặc quần tây chưa? Tủ đồ nữ có nhiều form dáng để thay thế, không quần thì váy, chật chỗ nào có thể cut-out cho khoảng thở. Nhưng tủ đồ nam thì không nhiều lựa chọn đến vậy.

alt
Không phải lúc nào nam giới cũng thoải mái với trang phục của mình | Nguồn: Gentleman's Gazette

Cách thay đổi tủ đồ của nam giới thường tập trung vào kích cỡ quần áo hay màu sắc hơn là các form dáng mới. Đơn cử như nữ tay to thì có thể thêm voan vùng bắp tay để tạo hiệu ứng thẩm mỹ đồng thời che khuyết điểm. Nhưng nam giới tay quá to, hay bụng quá khổ thì chỉ có thể mua áo… to hơn để che đi. Thậm chí, có người còn đùa rằng nam giới chỉ có thể giải phóng cơ thể khi họ cởi trần mà thôi. Tuy nhiên bài viết này chỉ đề cập đến khía cạnh tiện lợi của trang phục. Còn việc quyền cởi ở cả hai giới sẽ là một câu chuyện khác.

Cách đây hơn một trăm năm, Gabrielle Chanel giải phóng phụ nữ bằng cách hạ eo, bỏ corset để không phải diện đồ rườm rà. Và từ đó đến nay, nữ giới có vô vàn kiểu quần áo mới, nhiều chiến dịch để đòi quyền được đa dạng hóa trong trang phục nữ. Nhưng đàn ông thì trước khi muốn được thoải mái thì vẫn phải là… đàn ông theo các quan niệm xã hội trước đã. Dù ngày nay, việc nam giới mặc crop-top, váy hay trang phục cắt xẻ dần trở nên phổ biến nhưng nó vẫn khá giới hạn trong những người nổi tiếng, giới thời trang.

Tìm đúng chỗ cần sửa, đừng che đậy!

Nam giới và chuyện bị miệt thị ngoại hình là điều không hiếm nhưng ít khi trở thành một chủ đề được thảo luận nghiêm túc. Đàn ông cũng sợ bị phán xét, cũng sợ nhìn các chỉ số cơ thể. Ngay cả trong việc may đo bespoke, một người cũng cần có chút dũng khí khi bước vào phòng đo. Nó là một quá trình đi từ phấn khích đến sự thật khi nghe người đo đọc các chỉ số của mình. Nhưng người thợ lành nghề biết biến số đo bất lợi thành lợi thế hơn là cố gắng phớt lờ nó. Anh Huỳnh Kim Bảo (founder Kim Bespoke) cho biết nam giới có nhiều quan điểm chưa đúng về ngoại hình và khuyết điểm cơ thể.

alt
Anh Huỳnh Kim Bảo (giữa) là người có nhiều kinh nghiệm trong ngành bespoke. Quan điểm của anh với trang phục nam là tìm kiếm sự phù hợp hơn là sự vừa vặn | Nguồn: NVCC

Anh cho biết một số người thích che các khuyết điểm một cách vội vã mà không nghĩ đến phương án đối diện với nó và tìm cách biến khuyết thành ưu. Không phải cứ muốn che khuyết điểm là chọn những trang phục thùng thình, thật rộng hay kiểu dáng hầm hố để đánh lừa thị giác. Đó có thể là xu hướng thời trang và những bộ trang phục cho chúng ta khỏa lấp mặc cảm tạm thời.

Tuy nhiên, về lâu dài, anh Kim Bảo cho rằng chúng ta nên khắc phục khuyết điểm bằng các thủ thuật may đo. Tìm đúng “điểm nóng” và nâng cấp nó lên. Trong đó, thay vì đi tìm một bộ trang phục vừa vặn, anh Bảo cho rằng chúng ta nên chọn một bộ trang phục phù hợp. Bởi sự vừa vặn không phải lúc nào cũng đẹp. Đơn cử như chân to, nếu may vừa ôm sát chân lại càng làm người bị ngắn đi. Thay vào đó, một chiếc quần ống suông, điều chỉnh cạp quần sẽ tạo cảm giác cân đối hơn.

alt
Body-shaming không thể qua đi bằng cách che đậy các khuyết điểm. Hãy tìm cách khắc phục và chỉnh sửa nó thông qua các bộ trang phục dành riêng cho bạn | Nguồn: permanentstyle

Thời trang ngày nay cho chúng ta những thiết kế “One size fits all”, nhưng đó cũng chính là nhược điểm của những bộ quần áo này. Chúng ta khó có thể điều chỉnh các khuyết điểm cá nhân và cảm giác về “body-shaming” vẫn sẽ luôn tồn tại. Chúng ta giấu đi không có nghĩa nó biến mất. Trong khi đó, khi tìm đến các quy tắc ăn mặc và những kỹ thuật nhà nghề sẽ giúp chúng ta thay đổi cuộc sống một cách sâu sắc hơn.