5 Khái niệm giúp bạn nhẹ nhàng bước vào "quiet luxury"  | Vietcetera
Billboard banner

5 Khái niệm giúp bạn nhẹ nhàng bước vào "quiet luxury" 

Một nét xa xỉ không phô trương đang là thứ mà nhiều người tìm kiếm. Nhưng hơn cả việc giàu mà giấu, "quiet luxury" còn nhiều điều hấp dẫn hơn ta tưởng. 
5 Khái niệm giúp bạn nhẹ nhàng bước vào "quiet luxury" 

Nguồn: Timeinternational

Với người chơi đồ hiệu, có thể tạm chia ra làm hai mục đích: phục vụ khoái cảm cá nhân, hai là phục vụ cho mục đích giao tiếp, địa vị xã hội. Thì nay, người giàu có vẻ cảm thấy họ không cần nói với thế giới là tôi giàu nữa.

Tâm lý này được thể hiện qua câu "Money talks, wealth whispers" (tạm dịch: “Người nhiều tiền thích khoe mẽ, người giàu thực thụ thích mọi thứ kín đáo”). Trong năm 2023, thế giới xa xỉ bắt đầu đề cập đến cụm từ quiet luxury. Chúng ta có thể tạm dịch nó là sự xa xỉ thầm lặng, ám chỉ phong cách thời trang cao cấp nhưng an tĩnh, kín đáo, ít phô trương. Thay vì chưng diện hàng tá logo hay thiết kế đẹp nhưng bị làm quá, giới thượng lưu quay về với khởi đầu của hàng xa xỉ - Tay nghề và chất liệu.

Để hiểu hơn về "quiet luxury", mời bạn đi sâu hơn vào 5 khái niệm sau đây.

1. Logo-free fashion

Logo-free fashion chỉ những thiết kế không đính nhiều logo hay chọn logo làm điểm nhấn. Năm 2021, giới thời trang choáng ngợp với Fendace - sự hợp tác giữa Versace và Fendi. Tuy nhiên, các thiết kế đầy logomania dường như “chết yểu” khi chúng quá phô trương và nhanh lỗi thời.

Giờ đây, các logo được thay thế bằng các chi tiết bí mật, chẳng hạn như một đường khâu nhỏ khéo léo ở gấu áo. Hoặc thay vì logo quá nổi bật, một số thương hiệu thời trang thiết kế họa tiết logo chìm, đơn cử như logo nằm trong ren, hoặc ở lớp vải thứ hai…

alt
Logo ẩn hiện trong BST Xuân Hè 2023 của CHANEL | Nguồn: Vogue

Series phim Succession đã giúp “quiet luxury” phổ biến hơn với chi tiết chiếc mũ bóng chày không logo, thoáng có vẻ đại trà do nhân vật Kendall Roy thường xuyên mang. Nhưng ta phải ngã ngửa khi biết chiếc nón “giản dị” này lại có giá lên đến $605 , thuộc thương hiệu Loro Piana - cái tên gắn liền với những chất liệu vải thượng hạng.

Nhắc đến mua sản phẩm không thương hiệu cần nói đến mô hình của Muji. Tuy nó là đồ gia dụng, cũng không phải luxury nhưng cho thấy concept không logo vẫn được yêu thích. Bạn vẫn luôn cảm thấy thoải mái, dễ chịu khi mua sắm mà không cần biết nhà sản xuất là ai. Và khi mua, khách hàng tận hưởng sản phẩm hơn là khoe khoang chúng.

Và đây cũng là mục đích ban đầu của một sản phẩm xa xỉ. Đó là quan tâm đến tay nghề, sự tinh tế, tinh thần, câu chuyện chứ không phải mượn một cái logo để cảm thấy vượt trội hơn người khác. Tinh thần hàng xa xỉ đến cuối cùng vẫn rất nhẹ nhàng, giản dị và bình lặng. Đó là sự sáng tạo tâm huyết, tỉ mẩn chứ không phải ồn ào, khoe mẽ.

2. Stealth wealth

Stealth wealth, tạm dịch là lối sống giàu sang nhưng…ẩn dật. Phong cách này tập trung những người muốn đời tư bình lặng, ít bị dòm ngó nên chọn cách không khoa trương về những thứ phù phiếm.

Mục tiêu của sự giàu mà như không giàu này là ưu tiên tự do tài chính, hạnh phúc cá nhân và quyền riêng tư. Thay vì chi tiêu vào sự giàu có dễ thấy, những người này có xu hướng tập trung vào các mục tiêu tài chính dài hạn như đầu tư, tiết kiệm và xây dựng sự giàu có bền vững để đảm bảo an toàn trong tương lai.

alt
Nhiều người giàu không muốn cho thế giới biết tài sản của mình | Nguồn: That Bag These Shoe

Phong cách ăn mặc của nhóm này hướng đến vẻ có gu, nhưng ít gây chú ý. Đó có thể là những kiểu dáng cổ điển rất “old-money” hay “intellectual chic” như áo khoác, áo sơ mi và quần tây được thiết kế riêng, mang tông màu trung tính, có thể mặc ở nhiều dịp khác nhau thay vì những thiết kế chạy theo mốt.

Chất liệu cũng là yếu tố tiên quyết để thể hiện tính đẳng cấp của “hội giàu ngầm”. Len cashmere, lụa, lông cừu,... kết hợp với tay nghề khéo léo của những nhà thiết kế để cho ra đời những chiếc áo măng tô, quần âu, áo thun cùng các phụ kiện thời trang khác. Một vài thương hiệu được ưa chuộng cho phong cách này có thể kể đến Max Mara, Dries van Noten, Brunello Cucinelli, và Loro Piana.

3. Ultra-rich

Ultra-rich, hay giới siêu giàu, được định nghĩa là những cá nhân có tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên. Với lượng tài sản khủng, giới tinh hoa chỉ chiếm 1% dân số thế giới, nhưng lại có khả năng kiểm soát hơn 20% sự thịnh vượng của một quốc gia.

Giới siêu giàu gồm hai nhóm: những người giàu mới nổi và những gia đình giàu lâu đời. Chúng ta đã nghe nhiều về những tỷ phú tự thân như Elon Musk hay Jeff Bezos. Thế nhưng, quyền lực và lượng tài sản của họ không là gì khi so với những gia đình siêu giàu. Tại Hàn Quốc, chaebol được dùng để ám chỉ những nhà tài phiệt, những tập đoàn gia đình khổng lồ chi phối nền kinh tế, chính trị, xã hội tại Hàn Quốc như Samsung, LG hay Hyundai. Hay tại Mỹ, gia đình Walton - nhà sáng lập Walmart - có tổng tài sản ròng trị giá hơn 247 tỷ USD vào cuối năm 2020.

alt
Lee Boo Jin, con gái chủ tịch tập đoàn Samsung, là nữ tỷ phú với gu thời trang thanh lịch | Nguồn: Saostar

Như một lẽ đương nhiên, khi có quyền lực và nhiều tài sản trong tay, họ không cần phải ăn mặc phô trương để thể hiện sự giàu có của mình. Tiến sĩ tâm lý học thời trang Dion Terrelonge cho biết “quiet fashion” được giới siêu giàu ưa thích vì “Nó là một cách thể hiện bạn là ai qua những gì bạn mặc nhưng không phải mọi người đều dễ dàng tiếp cận “khí chất” này. Chỉ những người hiểu biết mới hiểu rằng bạn đang mặc một thứ gì đó danh giá.” Quả là một cách “lọc” bớt đi những người đu bám theo sự giàu có mà thiếu đi những nền tảng cần thiết.

Trong đại dịch, giới siêu giàu này cũng chính là “thiên thần” để lý giải cho việc ngành hàng xa xỉ vẫn tăng trưởng dù hầu như thế giới đang bất động. Milton Pedraza - nhà sáng lập của Luxury Institute - cho biết giới siêu giàu chiếm đến 20% tổng lượng khách hàng của các thương hiệu xa xỉ. Đa số doanh thu của các công ty đến từ những vị khách “rủng rỉnh” và chịu chi này. Nhờ đó, các công ty xa xỉ thường có xu hướng trải qua suy thoái trễ hơn những ngành hàng khác.

4. Neutral Shades

Neutral shade hay còn có những từ khác để mô tả như earth-tone, woody-tone… là những gam màu trung tính. Chúng là các màu như đen, nâu, xám và trắng. Đối với thời trang bền vững nói chung và “quiet fashion” nói riêng, các sắc màu trung tính luôn là sự lựa chọn hàng đầu. Bạn hay nghe nói về màu trung tính nhưng thực sự có biết “quyền lực” của nó có từ đâu không?

Đầu tiên, màu trung tính theo tâm lý học mang lại cảm giác trung lập và cân bằng. Chúng thường được coi là màu sắc không thiên vị, tạo ra một phông nền cho phép các màu hoặc yếu tố khác nổi bật. Điều này giúp người giàu “yên tĩnh” vừa khẳng định vị thế và sự uy tín, đáng tin của mình, nhưng đồng thời vẫn khiến người đối diện cảm thấy không bị lấn át.

alt
Bộ sưu tập Dior Couture với bảng màu trung tính | Nguồn: Dior

Kế đến, màu trung tính được xếp vào loại những màu sắc vượt thời gian và cổ điển. Mỗi năm Pantone luôn công bố màu sắc của năm, nhưng với các màu trung tính, sức sống của chúng là bất tận. Chúng gợi lên cảm giác tinh tế và sang trọng và đặc biệt có quyền lực mạnh mẽ trong việc kết hợp màu sắc. Đơn cử như bạn sẽ luôn mệt mỏi khi không biết nên chọn màu gì khi mặc với áo màu đỏ, hồng cam… Nhưng sẽ dễ dàng cho bạn hơn nếu bộ trang phục bạn mặc đã có sẵn những màu trung tính.

Và điều cuối cùng, màu sắc trung tính là “vua” của sự thư giãn và yên tĩnh. Nó cùng với “quiet luxury” quả là cặp tri kỉ không thể tách rời. Chúng ta thường gắn xa xỉ với các tuần lễ thời trang nhộn nhịp, những màn tuyên đại sứ thương hiệu ồn ào. Thế nhưng, những khách hàng thật sự mua chúng lại ưa chuộng một đời sống yên ổn và bình lặng. Trong ngành xa xỉ, tính riêng tư, an toàn là yêu cầu tối thượng. Và màu sắc trung tính chính là bảng màu tạo nên cảm giác này.

5. Splashy brands

Để có thể hiểu hơn về “quiet fashion”, ta cũng cần nhìn vào một thế giới thời trang đối lập của những “splashy brands” - ý chỉ những thương hiệu cá tính mạnh, ngùn ngụt ấn tượng. Thông qua khía cạnh về việc sử dụng màu sắc, phom dáng của chúng, ta lại càng hiểu hơn về thế giới của xa xỉ tĩnh lặng.

“Splashy brands” là nơi cho ra đời những bộ sưu tập quần áo hoặc phụ kiện sử dụng màu sắc rực rỡ, họa tiết độc đáo hoặc các chi tiết gây ấn tượng mạnh về thị giác. Một vài tên tuổi điển hình của phong cách này là Diesel, Gucci, Balenciaga,.. Chúng bắt mắt và dễ dàng thu hút sự chú ý từ những người xung quanh. Kể cả những thương hiệu thời trang xa xỉ hàng đầu như Chanel hay Dior vẫn có các thiết kế “phô trương” để truyền thông rầm rộ trước công chúng. Nên sẽ hơi thiếu công bằng nếu cho rằng splashy là “kém sang” và không phù hợp với thị hiếu hiện nay.

alt
Đôi khi thương hiệu thanh lịch cũng có lúc “làm quá" | Nguồn: Vogue

Bên cạnh đó, sự “lặng thinh” của quiet fashion và sự “ồn ào” của splashy brands không hề tạo ra sự mâu thuẫn, mà ngược lại có thể bổ trợ nhau theo nhiều cách. Đầu tiên, những chi tiết phô trương có thể giúp tạo điểm nhấn thú vị cho bộ trang phục đơn giản mà vẫn đảm bảo sự thanh lịch và sang trọng. Ví dụ, bạn có thể trở thú vị hơn khi kết hợp một chiếc đầm trung tính cùng đôi LOEWE Balloon màu đỏ.

alt
Phối hợp giữa "quite luxury" và "splashy fashion" | Nguồn: Lyst

Ngoài ra, sự tương phản giữa đậm và nhạt, giữa “tĩnh” và “động” có thể nâng tầm bộ trang phục của bạn. Ví dụ, sự kết hợp giữa chiếc áo sơ mi lụa đơn giản, sang trọng với một chiếc váy hai dây lấp lánh có thể giúp bạn khoác lên vẻ ngoài năng động nhưng vẫn tao nhã.

Tuy nhiên, có thể thấy các BST gần đây của những nhà mốt “táo bạo” kể trên cũng có phần hiền hòa đôi chút. Jodi Kahn - Phó chủ tịch của chuỗi bán lẻ thời trang cao cấp Neiman Marcus - cho biết các thương hiệu như Loewe, Louis Vuitton, Miu Miu,.. cũng bắt đầu có bước chuyển mình sang các phong cách thanh lịch và kín đáo hơn.