Biết không tốt nhưng vẫn tự dối lòng, vì sao ta làm thế? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu
23 Thg 09, 2024
Chất Lượng Sống

Biết không tốt nhưng vẫn tự dối lòng, vì sao ta làm thế?

Và cách tận dụng lời nói dối để vượt qua thế rối trong lòng.
Biết không tốt nhưng vẫn tự dối lòng, vì sao ta làm thế?

Nguồn: Pexels

Theo chuẩn mực xã hội, chúng ta ghét sự lừa dối. Nhưng trong tự nhiên, nó không hoàn toàn bị coi là xấu mà thậm chí là điều cần thiết để sinh tồn. Có nhiều loài động vật sở hữu hẳn cơ chế giả chết để tránh được kẻ săn mồi.

Nhà sinh vật học về thuyết tiến hóa Robert Trivers nói rằng: “Sự dối trá là một đặc trưng được cấy vào cuộc sống. Nó xuất hiện ở mọi cấp độ - từ đoạn gen đến tế bào, từ tế bào đến cá nhân, từ cá nhân đến tập thể - và điều này dường như cần thiết theo mọi cách”.

Và loài người cũng không ngoại lệ, sự dối trá là một phần bản chất con người để đảm bảo cạnh tranh trong quá trình tiến hóa. Tuy nhiên, với sự phát triển của nền văn minh, loài người đã có nhiều tiêu chuẩn, quy cách đạo đức được đặt ra để hạn chế sự dối trá trong cộng đồng. Thế nên, chuyện chúng ta lên án hành vi lừa dối người khác là điều dễ hiểu.

Nhưng kỳ lạ là chúng ta còn tự lừa dối bản thân mà nhiều khi còn không nhận ra. Hay thậm chí ngay cả khi chúng ta biết rằng mình đang tự huyễn hoặc bản thân thì ta vẫn không muốn thừa nhận sự thật. Bởi chúng ta cho rằng đó là sự mơ mộng, là lời động viên “mình đang tin vào bản thân”, là hướng suy nghĩ tích cực “mối quan hệ hiện tại không lành mạnh nhưng nếu kiên nhẫn thêm, đối phương sẽ thay đổi”.

Điều gì đã khiến não bộ tạo ra cơ chế phản kháng này? Thay vì tiếp tục phủ nhận, chúng ta sẽ cần đối diện và thấu hiểu động cơ ẩn giấu phía sau của bộ não. Và từ đó “tận dụng” thiên hướng này cho một động thái tích cực hơn.

Tự lừa dối - 2 góc nhìn từ tâm lý học

1. Tự lừa dối bản thân để tự vệ

Theo Sigmund Freud, tâm trí con người có ba phần:

  • Phần con (id): Bao gồm các hành vi bản năng và nguyên thủy, đòi hỏi sự thỏa mãn ngay lập tức bất kỳ một ham muốn hay nhu cầu nào đó.
  • Cái tôi (ego): Đóng vai trò trung gian, là phần nhân cách chịu trách nhiệm xử trí với thực tế.
  • Cái siêu tôi (super ego): Phần nhân cách lưu trữ tất cả các lý tưởng và tiêu chuẩn đạo đức.

Khi phần con và cái siêu tôi xảy ra mâu thuẫn, hay nói cách khác là khi nhu cầu bản năng của con người đối nghịch với các quy chuẩn đạo đức, xã hội, cái tôi sẽ bật cơ chế phòng vệ để bảo vệ tâm trí khỏi sự xung đột nội tâm.

Và từ đó, nó bắt đầu thực hiện hành vi tự dối lòng bằng cách (1) phủ nhận, từ chối chấp nhận sự thật đau đớn khó chịu; (2) hợp lý hóa, tự thuyết phục bản thân rằng quyết định của mình là đúng hoặc (3) đè nén, tự nhủ bản thân phải mạnh mẽ, không chấp nhận cảm xúc đang có.

Nhà tâm lý học đầu tiên nghiên cứu thực nghiệm về sự tự lừa dối từng nói trong podcast Radiolab: “Chúng ta dễ bị tổn thương đến mức đủ sức bóp méo mọi thứ. Tuy nhiên, nếu chúng ta tư duy theo cách này, nghĩa là tự lừa dối để bảo vệ lòng tự trọng hay hạn chế lo âu, nó có thể đem lại lợi ích bây giờ nhưng về mặt lâu dài lại gây hại khôn lường”.

Chẳng hạn bạn vừa trải qua một ngày làm việc căng thẳng, mệt mỏi và cảm thấy thèm ăn một chiếc bánh ngọt thật lớn để giải tỏa stress. Bản năng của bạn bảo: “Ăn đi, ăn liền đi!” Nhưng ở phía bên kia, hình ảnh của vị bác sĩ hiện ra, bảo bạn rằng: “Ủa tui dặn là kiêng đồ ngọt rồi mà”.

Lúc này bạn sẽ từ chối chấp nhận sự thật rằng mình phải kiêng đồ ngọt: "Mình vẫn còn khoẻ chán. Ăn một cái bánh thôi nhằm nhò gì. Bác sĩ cứ làm quá lên." Sau đó nghĩ ra thêm lý do để thuyết phục bản thân: "Cả ngày nay mình đã làm việc cực kỳ chăm chỉ rồi, mình xứng đáng được thưởng".

Có thể về mặt tâm lý bạn sẽ thấy thoải mái, thanh thản và đánh chén chiếc bánh một cách ngon lành. Nhưng rõ ràng chiếc bánh ngọt cỡ lớn đó sẽ là một lượng calo cực kỳ dư thừa vào cuối ngày và chẳng tốt đẹp gì cho sức khỏe vốn đã phải kiêng của bạn.

Hoặc nếu bạn phản ứng theo hướng đè nén cảm xúc: “Thôi không được ăn, mình không thèm”. Bạn sẽ cứ liên tục giằng co tinh thần cho tới lúc mệt quá đi ngủ luôn. Thân thể tránh được lượng đường quá tải nạp vào nhưng tâm lý lại chẳng dễ chịu chút nào.

2. Tự lừa dối bản thân để kiểm soát

alt
Nguồn: Pexels

Khi đưa thêm góc nhìn kinh tế học để giải thích hành vi lừa dối, các nhà tâm lý học đã tìm ra một động cơ khác của việc tự lừa dối. Đó là chúng ta lừa dối bản thân để kiểm soát tình huống, nhất là khi tính chất cạnh tranh của tình huống rất cao, thậm chí là một sống một còn.

Bởi vậy, huyền thoại quyền anh Muhammad Ali nổi tiếng với câu nói: “Tôi là nhà vô địch vĩ đại nhất!” - một niềm tin mà nhiều người có thể cho là tự cao tự đại, nhưng đó là cách anh đánh lừa tâm trí, tin vào điều chưa chắc đúng sự thật nhưng giúp anh duy trì tinh thần chiến đấu để biến nó thành sự thật.

Hay tay vợt nổi tiếng Rafael Nadal cũng thường phải “đánh lạc hướng” bản thân rằng mình không đau dù đang phải thi đấu với chấn thương không hề nhẹ.

Có thể thấy dù động cơ phía sau là gì, việc tự lừa dối bản thân phần nào sẽ giúp ta đạt được mục đích nhưng luôn đi kèm với một giá “đau đớn” không kém. Vậy chúng ta nên làm gì?

Không dễ để đưa ra giải pháp. Tự lừa dối bản thân là một phần cơ chế bảo vệ tự động của cơ thể. Vậy nên, bước đầu bạn cần học cách chấp nhận nó. Sau đó, luyện tập để tăng khả năng nhận thức biết được khi nào mình đang tự dối lòng.

Và rồi sử dụng những hiểu biết đã nói ở trên về động cơ của việc tự lừa dối để ý thức, cân nhắc kỹ lưỡng hơn trong các quyết định. Đôi khi bạn cần đối diện thành thật với bản thân, nhưng cũng có khi bạn cần phải nói dối chính mình một chút.

Một số cách tận dụng sự tự lừa dối

1. Thúc đẩy sự tự tin trong các khoảnh khắc quan trọng

Trong những tình huống căng thẳng hoặc đầy áp lực, việc tạm thời tự lừa dối bản thân có thể giúp bạn giữ bình tĩnh và đối mặt với thử thách đúng như câu nói “Fake it until you made it” (cứ giả vờ cho đến khi bạn thực sự làm được).

Chẳng hạn khi đến sát giờ thi hoặc buổi thuyết trình quan trọng, nếu bạn cảm thấy lo lắng, hãy thử đánh lừa bản thân bằng cách nói với mình rằng: "Mình đã sẵn sàng rồi". Kể cả những vận động viên và nghệ sĩ nổi tiếng nhất cũng luôn phải đối diện với nỗi sợ trước giờ G và đây là cách để họ vượt qua và lao ra ngoài “chiến đấu”.

2. Đối phó với những thay đổi đột ngột

alt
Nguồn: Pexels

Khi bạn bất ngờ gặp chuyện quá đau đớn hoặc khó chấp nhận nổi hãy tự nói với mình rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi. Một chút lời động viên và an ủi không thể giải quyết được vấn đề ngay nhưng sẽ giúp bạn bình tĩnh hơn để xử lý cảm xúc của mình. Bạn không né tránh vấn đề mà chỉ là đang tìm cách kéo dài thời gian, chuẩn bị tinh thần vững vàng để đối diện tốt nhất với sự thật.

3. Thúc đẩy sự sáng tạo

Vào khoảnh khắc bạn tin rằng “mình có thể làm được”, dù bạn chưa hề thực hiện được niềm tin đó trên thực tế, nhưng chính tâm thế chủ động và tự tin rằng mình “có cách” sẽ giúp bạn thúc đẩy được tư duy sáng tạo, để nghĩ ra được càng nhiều ý tưởng càng tốt ở giai đoạn đầu.

Trong cuốn tự truyện về Steve Jobs kể lại, một ngày ông ghé vào phòng của Larry Kenyon - kỹ sư phụ trách hệ điều hành của Macintosh và phàn nàn rằng máy tính mất quá nhiều thời gian để khởi động.

Kenyon bắt đầu giải thích lý do vì sao giảm thời gian khởi động của máy là điều không thể, nhưng Jobs ngắt lời: "Nếu điều đó có thể cứu mạng người, liệu anh có thể tìm ra cách giảm 10 giây khởi động máy?” Kenyon sau đó đáp rằng có thể. Vài tuần sau đó, Kenyon đã khiến máy tính khởi động nhanh hơn 28 giây.

Rõ ràng không phải ai “bẻ cong sự thật” cũng có khả năng thành công được như Jobs. Dẫu vậy đây vẫn là một ví dụ thực sự truyền cảm hứng, về một con người dù nhận thức rõ ràng những giới hạn kỹ thuật, vẫn chọn cách xoay chuyển thực tại để thách thức các chuẩn mực và sáng tạo không ngừng.

Suy nghĩ cuối

Sự tự lừa dối là một phần không thể tránh khỏi trong cuộc sống con người. Nó đã ăn sâu vào cấp độ tế bào đến trong tiềm thức con người. Điều quan trọng không phải là tránh hoàn toàn sự tự lừa dối, mà là hiểu nó và biết cách kiểm soát. Để rồi từ đó chúng ta có thể đưa ra những quyết định khôn ngoan hơn cho bản thân, biết cách nói dối như thế nào để đưa bản thân vượt qua thế rối.