"Bố Già" và hành trình nguôi giận để tin yêu của tôi | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
09 Thg 03, 2021
Điện Ảnh

"Bố Già" và hành trình nguôi giận để tin yêu của tôi

Giữa những lời khen dành cho Bố Già, tôi bị choáng ngợp và tự hỏi: "Sao phim chán thế mà mọi người khen dữ vậy?". Hành trình "nguôi giận" của tôi bắt đầu...
"Bố Già" và hành trình nguôi giận để tin yêu của tôi

Nguồn: Phim Bố Già

Bài viết có thể tiết lộ nội dung phim.

Khi vừa bước ra khỏi một trong những buổi công chiếu đầu tiên của Bố Già cho báo giới, tôi giận tím người, cúi gằm mặt và chạy ra bãi xe nhanh nhất có thể. Giữa những lời khen có cánh dành cho Bố Già, tôi bị choáng ngợp đến khi ra tới cổng rạp mới hoàng hồn và tự hỏi: "Sao phim chán thế mà mọi người khen dữ vậy?".

Facebook ngập tràn những lời khen Bố Già: phim Việt nguyên bản trọn vẹn nhất đối với người viết, phim về gia đình xuất sắc nhất của điện ảnh Việt Nam... Tôi đã đi từ cảm giác "không tin vào mắt mình" sang "nghi ngờ khả năng thưởng thức" của mình. Vậy nên, tôi quyết định dành một ngày nữa để xem lại Bố Già.

2 tiếng đồng hồ ngồi lại với từng nhân vật, lắng nghe từng câu thoại, bỏ ra nhiều giờ để đọc và nghe những lời khen dành cho phim. Quẩn quanh với nhiều suy nghĩ, tôi mới nhận ra một chân lý.

Bố Già về bản chất y như ông Ba Sang mà nghệ sĩ Trấn Thành thủ vai trong phim. Tôi thì như thằng Wuắn, luôn thấy ổng kì cục, không thuyết phục, đầy lỗi lầm và chả có một tí lý lẽ nào ra hồn đến mức khiến tôi phát điên. Nhưng cuối cùng thì cả tôi, cả Wuắn đều nhận ra "Bố Già" mang lại những điều tốt đẹp cho tất cả những người xung quanh ổng, cũng như bộ phim đang đem đến nhiều giá trị cho khán giả và điện ảnh Việt Nam, ngay cả khi tôi đang gõ những dòng này.

Trong phim Wuắn luocircn thấy bố migravenh noacutei chuyện khocircng coacute lyacute lẽ nhưng dần hiểu được caacutei tacircm vagrave tấm lograveng của ocircng
Trong phim, Wuắn luôn thấy bố mình nói chuyện không có lý lẽ, nhưng dần hiểu được cái tâm và tấm lòng của ông. | Phim Bố Già

Và thế là, hành trình "nguôi giận" của tôi với Bố Già bắt đầu. Tôi dần nhìn lại những gì tôi không thích ở phim một cách tỉnh táo nhất dưới góc độ phê bình điện ảnh, hay nói như phim là “trả lại sự cân bằng cho vạn vật”, cũng như công nhận những giá trị của phim, những điểm khiến nó "ăn tiền", chạm đến tim khán giả và cả những thành quả nó đạt được.

Bố Già: một bộ phim chưa có câu chuyện rõ ràng mà chỉ toàn “drama"

Cảm xúc đầu tiên nhất của tôi về Bố Già chính là... không biết phim đang muốn kể câu chuyện gì.

Ở đầu phim, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng giới thiệu một cái xóm hẻm và những nhân vật trong gia đình bốn anh chị em Giàu, Sang, Phú, Quý bằng một cú one shot (cú máy liền) rất chỉn chu, hứa hẹn một câu chuyện thật như đời.

Nguồn Phim Bố Giagrave
Nguồn: Phim Bố Già

Tuy nhiên, hai cảnh sau đó, khi phim giới thiệu Wuắn, cậu con trai livestreamer của Ba Sang, cậu đang biến căn nhà nhỏ chật hẹp thành một buổi tiệc dưới nước xa hoa. Phân đoạn (sequence) này dài quá mức cần thiết trong phần đầu của phim, với các góc máy dưới nước quay cận vào đàn cá đang bơi, cô gái trong bộ đồ bikini đang ngụp lặn bỗng nhiên bị chệch khỏi cảm giác ban đầu phim mang lại.

Sau đó, tôi nhìn ra một điểm phi logic, rằng một cái nhà có thể chứa nước dâng đến ngang hông chỉ bằng việc... khoá cửa trước lại. Nước chỉ chảy ra khi nhận vật chính... về đến nhà. Về mặt vật lý, chi tiết này phi thực tế, khiến tôi bị… tuột mood khỏi hứa hẹn “chân thật như đời” mà cảnh phim one shot mở màn đã gieo trước đó.

Nếu biết một chút về biên kịch, có lẽ các bạn sẽ biết thuật ngữ "cấu trúc điện ảnh", tức ở đầu tác phẩm (đặc biệt là tác phẩm thương mại) luôn phải giới thiệu được nhân vật chính, họ là người như thế nào và sự kiện châm ngòi hay biến cố nào đã đẩy họ phát triển.

Nhưng trong khoảng gần 15 phút sau đó, không có biến cố nào xảy ra và các nhân vật cũng không có dấu hiệu gì là đang phát triển. Đều là những màn đấu khẩu, đối thoại đầy lớp lang, mở đầu bằng màn đối đáp giữa ba cha con nhà Ba Sang, sau đó đến những người trong gia đình tại bữa tiệc trong xóm. Mọi thứ trở nên ồn ào hơn khi bữa tiệc xảy ra xích mích nhưng cũng không dẫn đến một sự kiện hay biến cố nào quan trọng.

Bố Giagrave khocircng theo một cấu truacutec điện ảnh nagraveo magrave lagrave một tập hợp caacutec drama xuyecircn suốt
Bố Già không theo một cấu trúc điện ảnh nào mà là một tập hợp các drama xuyên suốt. | Nguồn: Phim Bố Già

Vì là một người xem nhiều phim, tôi đánh giá một phim điện ảnh ở khả năng dẫn dắt khán giả vào câu chuyện phim muốn kể ngay ở trong khoảng 15 đến 30 phút đầu của phim. Trong trường hợp Bố Già, tôi thấy phim chưa tốt trong việc dẫn dắt này vì với tôi mọi thứ được xây dựng bằng những tình tiết chưa đi vào trọng tâm, còn "râu ria bên lề" và chưa có được sự hứa hẹn về một câu chuyện hấp dẫn.

Nhưng cái rõ nhất tôi cảm nhận được trong phần đầu này của phim, và cũng là nỗi e sợ lớn: tôi sợ đây là một thước phim nói quá nhiều và không đi theo quy tắc lớn nhất của phim điện ảnh- show, don't tell.

Nghe “Bố Già" nhiều, nhưng chưa thật sự kết nối được với “Bố Già"

Được coi là quy tắc vàng của phim điện ảnh, "show, don't tell" (hãy thể hiện, đừng chỉ nói) là kim chỉ nam cho rất nhiều tác phẩm thành công và với tôi, là một trong những nhân tố phân định giữa phim điện ảnh với phim dài tập hay sân khấu kịch.

Về định nghĩa, quy tắc này đòi hỏi khoảng lặng giữa những đối thoại của phim khi câu chuyện, cảm xúc được kể bằng hình ảnh và những kỹ thuật đã làm nên đặc thù của điện ảnh hơn là từng câu thoại. Đó là sự chơi đùa với khung hình, sự sáng tạo trong cách xử lý bối cảnh, sự đa dạng của cú máy, góc quay để khám phá những nét tâm lý nhân vật trong thế giới của họ, để nhân vật không cần phải nói mà khán giả vẫn cảm thấy hết được những gì họ đang trải nghiệm.

Đây là yếu tố mà Bố Già thiếu: sự kết nối với nhân vật bằng ngôn ngữ điện ảnh, thay vì ngôn ngữ nói.

Trải dài suốt 2 tiếng phim là đầy ắp những cuộc đối thoại theo một cách ồn ào nhất. Không ai có thể phủ nhận, tất cả những câu thoại đã được viết rất kỹ để dễ dàng in hằn vào tâm trí người xem, nhưng thoại càng hay, tôi nghĩ người làm phim càng phải cân nhắc sự tiết chế.

alt
Cứ 4 câu thoại được cất lên sẽ có một câu “punchline”, hay nói cách khác là một câu “ăn tiền". | Phim Bố Già

Những mâu thuẫn trong Bố Già luôn được đẩy đến cao trào bởi một cuộc đấu khẩu nảy lửa giữa các thành viên trong gia đình và không có sự tiết chế về ngôn ngữ nói. Nếu để ý kỹ, người xem sẽ thấy rằng cứ 4 câu thoại được cất lên sẽ có một câu “punchline”, hay nói cách khác là một câu “ăn tiền".

Khi nhân vật Bình Lợi, một anh chàng môi giới nhà đất ăn “tiền cò" cắt cổ đang trong cơn hăng máu cãi nhau, nhân vật Phú, em trai của Ba Sang đã cản Bình Lợi lại và nói: “Bác biết con lời nặng rồi, không cần nặng lời nữa". Đây là một câu chơi chữ hay, nhưng đặt vào không đúng hoàn cảnh, vừa lạc khỏi cảm xúc của cuộc cãi nhau, vừa cho thấy sự tính toán lộ liễu và thiếu tiết chế.

Digrave Aacutenh Lan Phương một trong số caacutec nhacircn vật ồn agraveo vagrave thiếu thực tế nhất phim
Dì Ánh (Lan Phương) - một trong số các nhân vật ồn ào và thiếu thực tế nhất phim. | Nguồn: Phim Bố Già

Những ví dụ như trên ngập tràn Bố Già. Một bộ phim đầy những câu thoại chưa có sự tinh giản. Một kịch bản thiếu khoảng trống để tôn lên vẻ đẹp của khung hình, của xóm lao động, của sự lam lũ người cha. Vấn đề về thoại này còn được thể hiện ở các nhân vật phụ, khiến họ trở nên một chiều, luôn lặp lại những gì đã được “lập trình". Các nhân vật như bà Giàu (Ngọc Giàu), Bình Lợi (Quốc Khánh), dì Ánh (Lan Phương) đều phải thể hiện tính cách mình qua những câu thoại có phần lố lăng và phi thực tế.

Có lẽ gia đình nào cũng có một bà cô đáng ghét như bà Hai Giàu, hay một bà dì luôn lấn lướt chồng như dì Ánh, nhưng không có nghĩa rằng họ là tuýp người khi xuất hiện đều phải quát tháo nhau, tỏ thái độ bằng những ngôn từ kém sang để cho cả thế giới biết mình là người như thế.

Đi từ vấn đề trên, chúng ta nói về một “đặc sản" của phim này. Với tôi, đây là một điểm trừ và cũng là một điểm cộng của phim. Bố Già chiếu đèn sân khấu quá nhiều vào nghệ sĩ Trấn Thành. Và vì thế, những nhân vật khác được xây dựng chỉ để tôn lên hình ảnh ông Ba Sang.

Khi kịch bản dồn quá nhiều spotlight vào Trấn Thành

Việc xây dựng thoại và nhiều tình huống cho các nhân vật phụ đã khiến họ trở thành những con người thiếu văn hoá, vô minh và phi logic. Chẳng hạn khi ông Ba Sang rủ cả họ qua chung cư chơi, bà Hai Giàu và dì Ánh đã có những hành vi cực kỳ “ba chấm" với bảo vệ.

Những lời lẽ mà dì Ánh và bà Giàu buông ra không giống hành vi của một người bình thường trong xã hội. Vì dù bản tính có xấu, con người cũng không hành động thái quá, đậm chất "kịch" như vậy ở chốn công cộng trong điều kiện bình thường. Cả khi dì Ánh buông lời “cho dì mượn 2 tỷ đồng" cũng là một câu thoại không thuyết phục.

Trong nhiều cảnh phim khác nữa, khán giả có thể nhận ra các nhân vật phụ đều được xây dựng sao cho phiến diện nhất và đáng ghét nhất, để dành những lý lẽ, sự sáng suốt dành cho Ba Sang của Trấn Thành. Ngay cả việc phim để biến cố xảy đến với một thành viên trong gia đình cũng là để tăng kịch tính cho nhân vật Ba Sang. Khi nhân vật đó qua đời, tôi khá thất vọng vì một bộ phim đề cao giá trị gia đình lại xử lý chuyện người thân mất một cách hời hợt chỉ để dồn hết sự chú ý vào nhân vật chính. Ngay cả những thành viên trong gia đình cũng gần như vô tâm và có những câu thoại “kém duyên", gây cười không đúng chỗ.

Nhưng sự tập trung vào Trấn Thành, cái mà tôi không thích, lại là cái cứu cả bộ phim này. Nếu Bố Già không phải dự án của anh Trấn Thành mà của một ekip khác, phim sẽ thật thảm hại về doanh thu và không thể trở thành hiện tượng như ngày hôm nay.

Dồn hết sự tập trung vào Trấn Thành là cái khán giả cần vào lúc này: một diễn viên thực lực, có tài biến hóa câu chữ khôn lường, một gương mặt đúng nghĩa “nghệ sĩ nhân dân", với nét duyên quen thuộc mà ai cũng công nhận. Ba Sang chưa thoát khỏi hình ảnh của chính Trấn Thành. Ông bố già này hoạt ngôn quá, khôn khéo quá, lớp lang quá để có thể là một ông già ở xóm lao động.

Trấn Thagravenh lagrave điểm saacuteng của phim nhưng cũng lagrave điểm chưa ổn
Trấn Thành là điểm sáng của phim nhưng cũng là điểm chưa ổn. | Nguồn: Phim Bố Già

Vậy mà khán giả lại mê. Họ mê nét diễn gần gũi, mê những câu câu thoại chứa nhiều tính giải trí lẫn tính triết lý dễ cảm, dễ thấm. Chỉ một câu “nuôi con thì dễ, chứ còn con nuôi nó nhục" đã đủ chiếm lấy trái tim của tất cả người xem, mặc cho tất cả những điều phi logic và chưa ổn trước đó. Câu thoại này mà vào một diễn viên khác, tôi tin sẽ không có sức nặng bằng Trấn Thành.

Ánh sáng của anh toả ra nơi Ba Sang càng về cuối phim càng mạnh, đẩy cảm xúc khán giả đến mức cùng cực, khiến nước mắt họ chảy ra và khiến cả bộ phim đầu tay của Trấn Thành chinh phục được khán giả.

Đây là một bộ phim kỳ lạ của điện ảnh Việt Nam: một tác phẩm với chất lượng chưa xuất sắc và khiến những người lý tính như tôi cảm thấy khó chịu, nhưng lại có được sự ủng hộ tuyệt đối từ khán giả đại chúng.

Niềm tin vào các tác phẩm điện ảnh Việt Nam cho thập kỷ mới

Bố Già thật sự đã trở thành một hiện tượng. Theo thống kê ngày 8.3 vừa rồi, cứ mỗi một tiếng trôi qua, Bố Già lại thu về 1 tỷ. Nhìn vào những phim Việt khác chật vật để kiếm 1 tỷ trong 3 ngày cuối tuần, tức 72 tiếng, chúng ta dễ dàng thấy được sức nóng của nó, thấy được cả niềm tin của khán giả vào tác phẩm khi đến giờ vẫn chưa có quá nhiều lời chê hay những góc nhìn khó tính như của tôi, mà chỉ toàn những giọt nước mắt, những sự đồng cảm và cảm xúc yêu đời hơn khi khán giả bước ra khỏi rạp.

Đi ăn ở một quán lề đường và nghe hai người phụ nữ trung niên ngồi bàn bên khen Bố Già, tôi chợt cảm thấy tôn trọng ekip. Họ đã chạm được tới cả những đối tượng khán giả mà tôi cho rằng ít khi ra rạp nhất.

Đúng người, đúng thời điểm, Bố Già là minh chứng cho nỗ lực vùng dậy của điện ảnh Việt nhiều năm qua: không cần xuất sắc, chỉ cần vừa đủ và biết khán giả muốn gì. Song, dưới góc độ của một người phê bình phim, tôi vẫn hy vọng đây chưa phải là đỉnh cao nhất trong sự nghiệp của Trấn Thành.

alt
Đúng người, đúng thời điểm, Bố Già là minh chứng cho nỗ lực vùng dậy của điện ảnh Việt nhiều năm qua. | Nguồn: Phim Bố Già

Stan Lee, cha đẻ của các siêu anh hùng Marvel, nói: “Sức mạnh càng vĩ đại, trách nhiệm càng lớn” (with great power comes great responsibilities). Thị trường điện ảnh Việt Nam không lớn. Sự thành công của dự án này sẽ luôn là tấm gương cho những dự án khác. Sẽ thật không vui gì khi tất cả các nhà đầu tư trong thời gian tới đều muốn mọi tác phẩm phải như Bố Già, hay “chỉ cần như Bố Già”. Mọi cố gắng để đa dạng hoá thể loại, để thể nghiệm những chân trời mới của điện ảnh Việt sẽ gặp khó khăn.

Chính vì thế, tôi mong Bố Già hãy là một chuẩn mực mới: một mức ngạch để dần “chọn lọc tự nhiên” tất cả những tác phẩm điện ảnh kém chất lượng, những thảm họa phim Việt đã khiến khán giả mất niềm tin vào thị trường nhiều năm qua, đồng thời cũng là một xuất phát điểm để đi lên cho tất cả những tác phẩm sau này.

Nếu không thể làm nên một kiệt tác, thì chí ít, hãy học theo Bố Già và Trấn Thành. Khởi đầu sự nghiệp làm phim điện ảnh của mình với một kỷ lục mới mà phim Việt chưa từng có, tôi hy vọng Trấn Thành sẽ lên tay trong những tác phẩm sau này, tiếp thu những điểm chưa được cũng như phát huy những thế mạnh của Bố Già.

Vì tôi tin nếu phải nêu ra những cái tên có thể lèo lái được thị trường này cho những kỷ lục tiếp theo, Trấn Thành là một trong số những cái tên đó.