Bob Dylan: Nghệ thuật trước hết phải truyền cảm hứng | Vietcetera
Billboard banner

Bob Dylan: Nghệ thuật trước hết phải truyền cảm hứng

Âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung, bên cạnh những tuyên ngôn hay tư tưởng lớn lao, bản thân nó phải truyền được cảm hứng cho mọi người.
Bob Dylan: Nghệ thuật trước hết phải truyền cảm hứng

Chân dung Bob Dylan | Nguồn: Ultimate Classic Rock

Những người làm sáng tạo và nghệ thuật, suy nghĩ đầu tiên khi sáng tác luôn hướng đến những câu chuyện mang tính thời đại hay tác phẩm mang màu sắc cá nhân. Trăn trở đó có thể đưa nghệ sĩ đến các tác phẩm lớn mang tính đột phá, nhưng đồng thời cũng sẽ là rào cản cho những thể nghiệm hay cảm hứng cần được truyền tải.

Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh cho đến nay vẫn luôn là chủ đề còn nhiều tranh cãi. Nhưng trước khi chúng ta tìm được câu trả lời thỏa đáng cho những giá trị đó, Bob Dylan cho rằng hãy sáng tạo và làm nghệ thuật với một tâm hồn rộng mở, một trái tim thành thật.

Mục đích cao cả của nghệ thuật chỉ có một

Bob Dylan sinh năm 1941 tại Duluth, Minnesota. Ngay từ những ngày đầu của sự nghiệp, ông đã nổi tiếng với những phần lời ca khúc ấn tượng và một phong cách sáng tác khác lạ.

Bob Dylan là nghệ sĩ đa tài. Không chỉ là ca sĩ - nhạc sĩ, ông còn là họa sĩ, diễn viên, nhà thơ. Bob Dylan đã có không ít triển lãm tranh. Nhưng rất hiếm khi ông giải thích ý nghĩa các tác phẩm của mình, cũng giống như việc ông không bao giờ giải thích ý nghĩa các nhạc phẩm do ông sáng tác. 

Bức tranh Little Italy, Lower Mahattan (2019) của Bob Dylan

“Mỗi người sẽ tìm ra những ý nghĩa khác nhau trước những gì họ được nghe, được thấy. Đó là yếu tố khách quan”, ông nói. Với Bob Dylan, ông để cho âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung thực hiện nhiệm vụ lớn nhất của nó. Đó là khơi dậy những suy nghĩ và truyền cảm hứng đến mọi người. 

Họa sĩ Paul Rogers, khi vẽ minh họa cho cuốn sách Forever Young của Bob Dylan đã nhận xét: “Lắng nghe gần như tất cả các album của Bob Dylan trong khi minh họa cuốn sách này, tôi có thời gian để nghĩ về những người đã khơi nguồn cảm hứng cho ông và cách thức âm nhạc của ông đã khơi nguồn cảm hứng cho bao người khác”.

Trước Bob Dylan, không một nhà văn đoạt giải Nobel nào có tác phẩm được độc giả “đọc đi đọc lại” hàng trăm ngàn lần trên thế giới. Sau Bob Dylan, thế giới đã có những tác phẩm của một nhà văn đoạt giải Nobel mà để thưởng thức nó, người ta chỉ cần cắm tai nghe vào và nhắm mắt.

Khi gọi tên Bob Dylan cho giải thưởng Nobel văn học vào năm 2016, Sara Danius – Thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Thụy Điển cho biết: “Bob Dylan giành được giải thưởng về Văn học là bởi đã tạo ra những biểu thức thơ mới bên trong truyền thống âm nhạc của Mỹ bằng những sáng tác của mình.”

Nguồn: The Telegraph

Bob Dylan đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ văn sĩ, nhạc sĩ trong việc kết hợp từ ngữ một cách khác thường và thú vị. Hai nghệ sĩ nổi tiếng chịu ảnh hưởng nhiều từ ông là Paul Simon và Bruce Springsteen. Đúng như lời chia sẻ của Bob Dylan:

“Mục đích cao cả nhất của nghệ thuật chính là truyền cảm hứng. Liệu bạn có thể làm được gì khác nữa? Nếu không phải truyền cảm hứng, chúng ta còn có thể làm được gì cho mọi người?”

“The highest purpose of art is to inspire. What else can you do? What else can you do for anyone but inspire them?”

Muốn nghệ thuật truyền cảm hứng, đầu tiên phải thành thật với chính mình

Trong bộ phim tài liệu Rolling Thunder Revue về cuộc đời của Bob Dylan do Martin Scorsese làm đạo diễn, có đoạn chia sẻ từ nữ nghệ sĩ Joan Baez - người bạn thân thiết của Bob: "Mọi thứ đều được tha thứ hết khi anh ấy cất lên tiếng hát. Vẻ đẹp của ca từ hay sức hút mà anh ấy có được, tôi chưa từng thấy ở đâu, trước hay sau đó.”

Người ta bảo cái hay nhất của âm nhạc Bob Dylan nằm ở những lời thơ ca thông minh, sâu sắc và ý nghĩa. Người nghe hiểu và thấm thía sự đặc biệt đầy kỳ diệu ở nhạc của Dylan. 

Âm nhạc của Bob Dylan luôn có những con người và câu chuyện rất cụ thể. Ví dụ như một chàng trai tới New Orleans và làm việc trên con thuyền đánh cá trong “Tangled up in blues”, hay tội phạm da đen bị bắt giam vì bắn chết 3 người trong “Hurricane”.

Bob Dylan không dùng âm nhạc để hát về những điều lớn lao, chính trị hay thể chế nào. Với ông, âm nhạc là để kể chuyện về tình yêu, về đời người. Chính điều này khiến cho âm nhạc của ông vẫn được coi như một loại âm nhạc không tuổi. 

Bob Dylan thời trẻ | Nguồn: The Guardian

Tờ Telegraph từng chọn Bob Dylan đứng đầu tiên trong danh sách 10 nhạc sĩ vĩ đại. Nhưng đồng thời, họ cũng cho rằng ông hát dở vì chất giọng khàn khàn, thô mộc kiểu một gã say vừa bước ra khỏi quán rượu đầy khói thuốc của ông. 

Tuy vậy, với công chúng, xếp hạng này có thể không còn ý nghĩa vì Bob Dylan chứng tỏ ông có thể hát hay và rất hay những bản tình ca ngọt ngào, da diết. Nếu Bob Dylan hát bằng một chất giọng trong trẻo và ngọt ngào hơn, có lẽ đã không có quá nhiều thế hệ say mê âm nhạc của ông đến vậy. 

Quãng đời hoạt động nghệ thuật của Bob Dylan trải qua rất nhiều thăng trầm và biến cố. Ông có cả sự nổi tiếng lẫn tai tiếng. Nhưng người ta chưa bao giờ hoài nghi về một thứ âm nhạc chân thật, đầy tình cảm, vừa hài hước và lại mang tính biểu tượng của ông.

Trong cuốn sách “Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và Chốn tận cùng thế giới” của Haruki Murakami, nhân vật ông toán sư đã kết luận đầy cảm tính rằng, Bob Dylan hát cứ như là nghe một đứa trẻ đứng bên cửa sổ xem mưa.

Trên cuộc đời này và trong cả nghệ thuật nữa, có điều gì trong sáng, chân thành và khiến người ta rung động hơn thế?