Slow Fade - Nói chia tay thật khó thế sao? | Vietcetera
Billboard banner

Slow Fade - Nói chia tay thật khó thế sao?

Slow fade và ghosting, hành vi nào gây tổn thương nhiều hơn?

Slow Fade - Nói chia tay thật khó thế sao?

Nguồn: Unplash

1. Slow fade là gì?

Slow fade /sləʊ feɪd/ (động từ) là khi một người bơ tin nhắn, nhắn tin cụt ngủn hoặc trả lời rất chậm để từ chối tình cảm, chia tay ai đó mà không phải trực tiếp nói ra. 

Slow fade ban đầu nghĩa là ít nói chuyện dần với ai đó, rồi từ từ biến mất khỏi cuộc đời họ. Đến giai đoạn sau, thuật ngữ này được áp dụng nhiều hơn trong bối cảnh hẹn hò, yêu đương. 

2. Nguồn gốc của slow fade?

Hành động “từ từ biến mất” thực tế đã xuất hiện từ thập niên 90 nhưng chưa được “chỉ mặt đặt tên” rõ ràng. 

Vào năm 2007, slow fade được đưa vào từ điển tiếng lóng Urban Dictionary. Năm 2010, nghĩa của slow fade được mở rộng phạm vi, The Guardian sử dụng slow fade với nghĩa là cách để kết thúc tình bạn.

3. Lý do slow fade trở nên phổ biến?

Thời đại công nghệ thay đổi cách chúng ta hẹn hò. Ta dễ tìm được đối tượng tiềm năng qua ứng dụng hẹn hò, nhưng cũng dễ cắt đứt liên lạc với họ hơn. Điều này khiến những thuật ngữ hẹn hò như slow fade, ghosting hay cushioning trở nên phổ biến.

Vì sao ai đó slow fade?

Slow fade bắt nguồn từ cảm giác không muốn làm tổn thương người khác (marieclaire.com). Khi cảm thấy mối quan hệ đang chông chênh và cần kết thúc sớm để bớt đau khổ, người slow fade thường né tránh vấn đề thay vì trực tiếp nói ra. Với họ, cách làm này nhẹ nhõm hơn cho đôi bên.

Một động cơ khác là họ cảm thấy áp lực khi đối phương muốn tiến thêm một bước trong mối quan hệ. Họ thích duy trì một mối quan hệ mập mờ, không phải tình bạn nhưng cũng chưa nên là tình yêu.

Không khó để nhìn ra những dấu hiệu | Nguồn: Unplash

4. Cách nhận biết ai đó đang slow fade bạn

Không khó để nhận ra dấu hiệu khi ai đó đang slow fade bạn: 

  • Hiếm khi chủ động bắt chuyện;
  • Trả lời tin nhắn chậm hơn;
  • Nội dung tin ngắn gọn và không thấy được sự nhiệt tình.

Khi cảm thấy đối phương đang slow fade mình, hãy thử những cách sau:

  • Chỉ ra vấn đề và thẳng thắn về cảm xúc của bạn;
  • Ngừng níu kéo người không hợp với mình;
  • Đừng dằn vặt và đổ lỗi cho bản thân;
  • Giữ bản thân bận rộn với công việc và những mối quan hệ tích cực.

5. Slow fade và ghosting, điều gì gây “sát thương” nặng hơn?

Ghosting là hiện tượng “bơ toàn tập” ai đó bằng cách dừng liên lạc mà không giải thích lời nào. Người bị bỏ rơi dù rất sững sờ, bất ngờ nhưng ít nhất họ nhận được thông điệp rõ ràng, thẳng thừng: không cần duy trì mối quan hệ với người kia nữa. Và rồi họ buộc bản thân phải bước tiếp.

Nhiều người chọn slow fade vì nghĩ rằng biện pháp này “nhân đạo” hơn. Hơn nữa họ vẫn còn “phương án dự phòng” trong trường hợp thay đổi cảm xúc về sau. Tuy nhiên, slow fade chỉ là phiên bản ít dứt khoát hơn của ghosting, còn hậu quả gây ra thì “kẻ tám lạng, người nửa cân”. 

Người bị bỏ rơi sẽ đặt ra hàng loạt câu hỏi | Nguồn: Unplash

Slow fade thường khiến nạn nhân cảm thấy mâu thuẫn. Vì cho rằng đối phương rất bận rộn, họ sẵn sàng dành thời gian để chờ đợi. Đôi lúc, người bị slow fade không tránh khỏi cảm giác dằn vặt, trách móc bản thân. 

Nhìn chung, cả ghosting và slow fade đều không phải là cách giải quyết hiệu quả cho mối quan hệ. Khi muốn chia tay, hãy thẳng thắn.

6. Dùng slow fade như nào?

Tiếng Anh

A: What happened to that girl you were talking to?

B: I'm not that high on her anymore so I'm just gonna slow fade her out of my life.

Tiếng Việt

A: Sao mày không nói chuyện với nó nữa vậy?

B: Tao không còn hứng thú với nó nữa nên tao đang từ từ kết thúc mối quan hệ.