Các podcaster kiếm tiền như thế nào? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Các podcaster kiếm tiền như thế nào?

Những nhà phát triển nội dung podcast đang kiếm tiền như thế nào? Liệu thị trường podcast có tiềm năng và đủ nguồn thu để bạn làm một podcaster fulltime?
Các podcaster kiếm tiền như thế nào?

Nguồn: Unplash

Theo chia sẻ từ CEO của Spotify, Daniel Ek, cho biết sự phát triển của podcast đã mang lại cho nền tảng stream nhạc này doanh thu quảng cáo cao nhất mọi thời đại, là 375 triệu đô-la (vào tháng 10/2021). Hãng dự đoán khoảng 20% doanh thu của mình sẽ đến từ quảng cáo vào năm 2022 và phần lớn nhờ việc đi trước kế hoạch kiếm tiền từ podcast.

Đi cùng với xu hướng phát triển của podcast trên toàn thế giới, thị trường Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoay này. Podcast đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu với người nghe và trở thành một công cụ mới dành cho những người sáng tạo nội dung.

1. Podcast kiếm tiền từ các nhà tài trợ

Một trong những nguồn thu nhập chính của các kênh podcast là tiền đến từ các nhà tài trợ. Mỗi kênh podcast sẽ có đối tượng người nghe khác nhau. Do đó, các nhà sản xuất nội dung podcast sẽ có được nguồn thu nhập thông qua việc hợp tác với nhãn hàng mong muốn mở rộng phạm vi tiếp cận phù hợp với kênh podcast của mình.

Hay hiểu đơn giản hơn là quảng cáo cho nhà tài trợ. Cách thức quảng cáo này có thể dưới hình thức gián tiếp hoặc trực tiếp:

  • Gián tiếp: podcaster vẫn giữ nguyên câu chuyện mà kênh của mình truyền tải, nhưng lồng ghép thêm các yếu tố có liên quan của nhà tài trợ. Ví dụ: Kênh Advertising Việt Nam với nội dung chính là truyền tải các kiến thức Marketing cho người nghe, quảng cáo cho nhãn hàng Maybelline New York bằng việc phân tích một dự án quảng cáo thành công của hãng.
  • Trực tiếp: podcaster chia sẻ ngắt đoạn trong từng phần của tập podcast đó “Podcast này được tài trợ bởi…”. Nếu là một khán giả của các podcast từ Vietcetera, hẳn bạn cũng sẽ bắt gặp lời cảm ơn này trong các tập của Vietnam Innovator hay Cởi Mở.
alt
Một trong những nguồn thu nhập chính của các kênh podcast là tiền đến từ các nhà tài trợ | Nguồn: Unplash

Nhu cầu được nghe của thính giả càng cao phát triển song song với việc có nhiều nội dung podcast mới lạ và hấp dẫn hơn. Đồng thời, các thương hiệu với nhu cầu mở rộng đa kênh quảng bá sản phẩm hơn, nhằm tăng độ phủ trong thị trường kinh doanh cho chính bản thân họ và tăng độ nhận biết với người dùng. Do đó, có thể coi đây là nguồn thu lớn nhất của các kênh podcast.

2. Podcast kiếm tiền bằng cách liên kết với kênh Youtube

Bên cạnh những nội dung của podcast có tiếng, các nhà sản xuất nội dung podcast còn có thể mở rộng sang việc làm video-cast và đăng tải song song tại Youtube.

Nội dung của từng tập có thể đơn giản chỉ là khung hình người dẫn và khách mời trò chuyện với nhau, hoặc các slide ảnh được trình chiếu trong đoạn video. Nhưng bằng việc mở rộng podcast qua kênh Youtube, chủ nhân của kênh có thể kiếm tiền chéo từ kênh Youtube của mình.

Việc kiếm tiền từ podcast có thể mới phát triển những năm gần đây, nhưng sức hấp dẫn của cuộc chơi tạo ra thu nhập từ Youtube đã có từ lâu. Bằng việc đăng tải các tập podcast của mình lên nền tảng chia sẻ video trực tuyến lớn nhất hành tinh này, chủ nhân của kênh có thể kiếm tiền dựa trên 2 cách đơn giản nhất là lượt xem và bật tính năng quảng cáo.

Ở thị trường Việt Nam, bạn có thể bắt gặp một vài kênh podcast trên Spotify đang có lượt view rất tốt từ Youtube thông qua việc phát triển song song phần nghe và nhìn là Sunhyun Podcast, The Present Writer, hay cả Have A Sip nữa.

3. Kiếm tiền bằng tiếp thị liên kết

Tiếp thị liên kết (Affiliate Marketing) là hình thức giúp người tạo các link liên kết kiếm tiền bằng các lượt click vào website. Tiền kiếm được từ một lượt nhấn này sẽ tính trên số phần trăm trên giá trị sản phẩm và số phần trăm này có xu hướng tăng cao hơn khi người nhấn mua hàng.

alt
Tiếp thị liên kết (Affiliate Marketing) là hình thức giúp người tạo các link liên kết kiếm tiền bằng các lượt click vào website | Nguồn: Unplash

Các kênh podcast khi cho ra mắt các tập podcast của mình, thường sẽ quảng bá thông qua blog cá nhân hoặc các kênh mạng xã hội như Facebook, Instagram, Tik Tok… Bằng cách thu hút người nghe, dẫn họ về các trang cá nhân của mình và click vào link sản phẩm được kèm theo, người sáng tạo nội dung sẽ có thêm dòng tiền thu nhập thụ động thông qua các đường link này.

Đặc biệt là tại Việt Nam, song song với việc thị trường thương mại điện tử nở rộ là sự phát triển đi kèm của Affiliate Marketing.

Lấy ví dụ, bạn là chủ nhân của một kênh podcast về sách, mỗi tập podcast của bạn giới thiệu một cuốn sách. Sau đó, khi chia sẻ lại mỗi tập podcast của mình, bạn đều kèm theo đường link mua cuốn sách đó tại Tiki, Shopee hoặc Lazada. Mỗi click mà thính giả của bạn tương tác sẽ đem về cho bạn 1% thu nhập trên giá bìa cuốn sách đó, và khi có người mua cuốn sách đó, bạn sẽ có thêm 5% thu nhập trên giá bìa.

Một số podcast về sách và văn học ở Việt Nam như Trạm Radio đang sử dụng hình thức này để có thêm thu nhập từ lĩnh vực này.

4. Kiếm tiền bằng cách bán các dịch vụ đi kèm

Khi một kênh podcast thu hút được một lượng người hâm mộ nhất định các podcaster có thể mở các sự kiện (miễn phí hoặc thu phí), thu hút các độc giả của họ tham dự.

Những người tham dự sẽ đến vì các lý do phổ biến nhất bởi được truyền cảm hứng và học thêm kiến thức mới. Từ đó, podcaster có thể bán các khóa học đi kèm hoặc sản phẩm độc quyền của kênh.

alt
Các khoản donate của người hâm mộ cũng là một trong những nguồn thu nhập ổn định cho những nhà sáng tạo nội dung podcast | Nguồn: Unplash

SR Fashion Business School là kênh podcast cung cấp các kiến thức trong lĩnh vực thời trang. Bằng việc phát triển kênh podcast của mình, họ không chỉ sáng tạo các nội dung liên quan đến ngành công nghiệp sản xuất quần áo, mà còn bán các khóa học về kinh doanh thời trang cho các thính giả của mình.

5. Kiếm tiền từ khoản đóng góp của người hâm mộ

Các khoản donate của người hâm mộ cũng là một trong những nguồn thu nhập ổn định cho những nhà sáng tạo nội dung podcast. Các khoản đóng góp này thường được thông qua dịch vụ của bên thứ 3 như chuyển khoản ngân hàng, Paypal, Momo,...

Bằng việc đăng tải các tập podcast thông qua các podcast hosting (hay còn gọi là nguồn cấp dữ liệu RSS, bạn không thể đăng tải trực tiếp nội dung podcast của mình lên các nền tảng stream) như Anchor hoặc Buzz Sprout.

Các nguồn cấp dữ liệu này sẽ giúp nhà sáng tạo nội dung có link donate đính kèm trên kênh podcast tại Spotify, Apple Music.

Kết

Podcast hiện tại đang là một thị trường màu mỡ dành cho các nhà sáng tạo nội dung. Càng thu hút nhiều lượt nghe, lượt xem và lượt tiếp cận, càng có nhiều cơ hội để họ làm dày ví tiền của mình.

Thế nhưng, bên cạnh đó, chất lượng nội dung của kênh podcast cũng là một trong các yếu tố cần được quan tâm nhằm thu hút và giữ chân người nghe. Để cân bằng được nội dung podcast và cả việc kinh doanh dựa vào podcast, đây sẽ là một bài toán khác dành cho các nhà sáng tạo nội dung.