Cách tạo kết nối với thính giả và khách mời podcast của meomeotalks | Vietcetera
Billboard banner
18 Thg 08, 2021
Sáng TạoTruyền ThôngCastcamp

Cách tạo kết nối với thính giả và khách mời podcast của meomeotalks

Vì sao sự chân thật và cảm xúc là thứ giữ chân người nghe podcast?
Cách tạo kết nối với thính giả và khách mời podcast của meomeotalks

Nguồn: fanpage meomeotalks

Cast Camp 2021

Nhận ra mình có nhiều vấn đề khó khăn, bức xúc trong quá trình làm truyền thông - quảng cáo, Kim (Meomeotalks) đã thực hiện podcast Những Câu Chuyện Làm Ngành (NNCLN) để tìm nguồn cảm hứng và kinh nghiệm mới khi lắng nghe chia sẻ từ những người cùng ngành.

Xen kẽ với những kỳ podcast cùng khách mời trò chuyện, Kim cũng có những kỳ chia sẻ các câu chuyện cá nhân về công việc yêu thích của mình. Ngoài ra, bạn ấy còn có một series podcast khác tên meomeorants để nêu quan điểm về nhiều vấn đề trong cuộc sống.

it1
Nguồn: Fanpage meomeotalks.

Trong khuôn khổ Cast Camp 2021 - “trại podcast” đầu tiên tại Việt Nam - Vietcetera đã có cơ hội lắng nghe Kim chia sẻ về quá trình làm podcast, cũng như những kinh nghiệm, mẹo nhỏ mà bạn ấy đúc kết được về thính giả, cách sáng tạo nội dung và trò chuyện cùng khách mời.

Khi đã thích, khán giả podcast thường có một kết nối sâu sắc với podcaster

Kim Meomeo chia sẻ, podcast là một định dạng nội dung mang tính cá nhân rất cao. Không như những bài viết trên blog hay chương trình, NCCLN hay meomeorants đều không được lên kịch bản một cách chặt chẽ và hoàn chỉnh.

“Khi nghe các kênh podcast khác, Kim rất thích tính “candid” (sự chân thật) của những cuộc đối thoại. Điều này khiến host và khách mời gần gũi với đời thực, và Kim cũng muốn giữ tinh thần đó cho nội dung của mình.”

it2
Kim Meomeo cùng khách mời Hana's Lexis trong một buổi thu Những Câu Chuyện Làm Ngành. | Nguồn: meomeotalks.

Cho dù trò chuyện cùng khách mời quen hay lạ, Kim cũng chỉ liệt kê ra những ý chính cần phải nhắc tới. Đôi lúc còn chỉ cho khách mời biết về chủ đề, rồi để cho buổi thu diễn ra tự nhiên nhất có thể.

Kết quả là cả Kim và khách mời đều có cơ hội để thể hiện bản thân mình một cách thoải mái và chân thành nhất. Cho dù là cuộc trò chuyện mang tính chuyên môn, thì cách một người chia sẻ kiến thức mà không có sự chuẩn bị trước cũng rất riêng tư và độc đáo.

Khi xem lại các bình luận của khán giả, Kim nhận ra rằng các bạn thường nghe podcast của mình lúc ăn cơm, hay làm việc nhà. Mọi người nói rằng cảm giác như có bạn bè đang ngồi bên nói chuyện rù rì, tâm tình.

“Điều này giúp Kim nhận ra thế mạnh của podcast vẫn luôn là tính kết nối cá nhân rất sâu sắc. Podcast là nơi cả người host, lẫn khách mời có cơ hội được “vulnerable” (tạm dịch: mở lòng), sẵn sàng cho khán giả biết rằng mình không phải là một người lưu loát hay quá thông thái.

Có những lúc mình cũng nói “xàm”, lan man, lạc đề, nhưng khi thính giả đã chấp nhận được và lắng nghe mình qua 2, 3 kỳ podcast thì họ sẽ gắn bó với mình rất lâu dài. Điều này trở thành một phễu lọc để giúp cho podcaster tìm được những khán giả thực sự thích mình vì chính mình."

Luôn theo đuổi mục tiêu ban đầu của podcast

Theo Kim, cách một người làm podcast truyền tải thông điệp có thể thay đổi dựa trên sự trưởng thành của họ. Thế nhưng, chúng ta phải luôn giữ được mục tiêu được đặt ra từ ban đầu cho podcast.

Nếu mục tiêu và tầm nhìn không nhất quán, khán giả sẽ không biết được mình thực sự nhận được giá trị, thông tin gì từ podcast của bạn.

“Về thương hiệu cá nhân, Kim không chú tâm xây dựng tính cách gì cho mình cả mà chỉ là mình thôi. Bản chất của podcaster sẽ được phản ánh qua tầm nhìn và mục tiêu của mình với podcast. Cho dù sau này cách nói chuyện có thay đổi thì giá trị cốt lõi, thứ tạo sự kết nối giữa mình và khán giả ngay từ đầu, cũng sẽ giữ nguyên.

Lý do mà mình bắt đầu NCCLN là để có một “lối ra” cho cảm xúc tiêu cực trong công việc. Điều này hẳn các bạn cũng hiểu rõ, đã đi làm thì sẽ có những thứ rất áp lực, hay hoang mang về tương lai. Ngành quảng cáo cũng không ngoại lệ, đôi khi còn nghiêm trọng hơn.

Và Kim không muốn duy trì cảm xúc tiêu cực này, vì mình thực sự rất thích ngành quảng cáo. Vậy nên podcast này sẽ cho mình cảm hứng mới và những cảm xúc tích cực hơn khi mình nghe câu chuyện từ những người cùng ngành.”

Tạo nội dung dựa vào khách mời

Nếu là một người hướng nội như Kim Meomeo, làm podcast có thể là cơ hội để bạn bước ra khỏi vùng an toàn và kết nối với những người mình gặp được trong quá trình học tập, làm việc.

Kim chia sẻ, đầu tiên cần xác định ai là người mình muốn trò chuyện, sau đó xác định xem chủ đề nào là "trúng tim đen" của khách mời. Tìm được "long mạch" sẽ khiến họ chia sẻ những câu chuyện độc đáo nhất.

“Với ngành quảng cáo, những angle (hướng phát triển) nội dung đã có sẵn rất nhiều trên mạng. Nhưng cái Kim tìm cho podcast của mình là những góc nhìn độc đáo từ người trong ngành.

Để quản lý ý tưởng nội dung, Kim có 2 danh sách. Một là danh sách khách mời, hai là danh sách chủ đề. Sau khi chốt được khách mời thì mình sẽ nghiên cứu thêm về họ, rồi quay lại danh sách chủ đề và ghép nối cho phù hợp với khách mời.

Và Kim cũng chỉ giữ 5 ý tưởng trong kho thôi, xài hết lại nghĩ thêm để giữ được tính cập nhật, cũng như đỡ mất hứng khi mình ấp ủ nhiều ý tưởng quá lâu.”

it3
Nguồn: meomeotalks.

Cho dù chủ đề bạn chọn đã rất phổ biến (như truyền thông - quảng cáo), thì bạn vẫn có cách tạo được sự độc đáo cho nội dung của mình.

Kim Meomeo khuyên các bạn không nên có suy nghĩ “Ngành này nhiều người nói, viết, làm video về nó quá rồi, mình không làm nữa.” Vì podcast mang tính cá nhân cao, nên cách bạn quan tâm tới một chủ đề cũng sẽ mang sự độc đáo mà chỉ bạn có.

Vậy nếu các bạn hứng thú với chủ đề truyền thông quảng cáo, marketing, vân vân… thì các bạn nên tự hỏi: Mình làm điều này vì cái gì? Mình thích hay không thích ngành này ở khía cạnh nào?

“Ví dụ, trong ngành truyền thông marketing, sẽ có những bạn rất thích logic, giỏi phân tích dữ liệu, số má,... các bạn vẫn có thể làm podcast về khía cạnh này của ngành.

Khi đã tìm được một động lực, một niềm hứng thú từ bên trong, bạn sẽ có những nội dung độc đáo.” - Kim chia sẻ.

Vững tâm trước những góp ý, chê bai và biết vui với những thành công bé nhỏ

“Sau khi đăng số podcast đầu tiên, mình cũng nhận nhiều feedback khiến mình buồn: “Podcast dài hơn 40 phút ai mà nghe cho hết”. “Nói lan man không ai hiểu gì cả”... Bên cạnh những góp ý nhẹ nhàng từ người thân quen, thì cũng có những góp ý rất nặng lời làm mình tổn thương.

Cũng may là Kim đã thu một lần ba tập trong lần thu âm đầu tiên, nên cứ đăng tiếp thôi. Nếu mình chỉ thu 1 kỳ đầu tiên, xong thấy feedback nặng nề vậy chắc là bỏ cuộc luôn.

Đăng đến tập thứ ba thì lượt nghe bắt đầu tăng lên. Khi đó mình thấy được rằng, ngoài những người không hiểu, chưa chấp nhận hình thức mới thì cũng có những người yêu thích nó rồi. Từ đó mới có đà làm tiếp."

Cảm xúc là đòn bẩy để duy trì năng lượng cho podcast độc thoại

Kim cũng có một podcast độc thoại là meomeorants. Kim chia sẻ rằng khi bắt đầu meomeorants, bạn cũng gặp rất nhiều khó khăn, vì đã quen với format nói chuyện với khách mời từ NCCLN.

Lý do là năng lượng của podcast đối thoại có sự khác biệt, sẽ có những lúc host và khách mời tung hứng để giữ mức năng lượng của buổi thu. Nhưng khi làm một mình, sẽ không có ai kéo bạn lên khi năng lượng bị thấp.

“Ban đầu lúc làm meomeorants, cũng có những kỳ Kim cố đưa ra luận điểm rành mạch như viết một bài luận, nhưng việc đó làm Kim phải bỏ rất nhiều nỗ lực để duy trì mức năng lượng xuyên suốt.

Sau này thì Kim chọn những chủ đề mà mình thực sự có cảm xúc, dù là tích cực hay tiêu cực. Chính cảm xúc là đòn bẩy để bạn có thể duy trì năng lượng khi làm podcast một mình.”

Một bí quyết nữa của Kim Meomeo là dù có làm podcast độc thoại thì cũng nên thử tưởng tượng như bạn đang nói chuyện với một người bạn thân rất kiệm lời.

Với dạng podcast này, Kim Meomeo không ưu tiên về sự mạch lạc, lớp lang của nội dung, mà tập trung nhiều vào cảm xúc mình truyền tải được cho người nghe. Đừng chỉ viết kịch bản rồi ngồi đọc vì sẽ khiến podcast mất đi sự tự nhiên và tính kết nối riêng tư.

5 mẹo nhỏ khác về sản xuất podcast:

  • Một lỗi thường gặp của các podcaster mới là ra nội dung không đều. Khi mới làm, bạn rất hăng hái và có thể đăng 2, 3 kỳ trong một tuần, nhưng những tuần sau lại không có kỳ nào vì bí ý tưởng, kẹt khách mời...

    Hãy tạo một lịch phát sóng đều đặn và phù hợp với nhịp làm việc của bạn. Điều này sẽ có ảnh hưởng tốt tới lượt nghe và độ trung thành của thính giả.

  • Sắp xếp thu gối đầu nhiều số podcast khi có thể, vì công việc thường ngày có thể trở nên bận bịu bất ngờ, khiến bạn mất đà phát sóng.

  • Hãy tìm một niềm hứng thú xuất phát từ bên trong với chủ đề, và một mục tiêu, sứ mệnh rõ ràng để đi đường dài cùng podcast.

  • Ngoài việc để cho các ý chính dẫn dắt cuộc nói chuyện, hãy chủ động lắng nghe khách mời để “bắt” được những từ khóa chính. Những từ khóa này sẽ là công cụ để bạn lèo lái buổi thu, cũng như có sự chuyển giao mượt mà giữa các câu hỏi

  • Đừng đánh đổi sự tự nhiên của khách mời vì mục tiêu muốn làm podcast dễ hiểu hơn cho số đông. Những chủ đề podcast thường rất “niche” và các thính giả tìm tới thường đã có sự hứng thú, tìm hiểu nhất định về chủ đề này. Chỉ nên giải thích trong trường hợp ý tưởng, khái niệm của khách mời quá mới lạ, ít được nói tới.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm kinh nghiệm liên quan đến kỹ thuật làm podcast tại video dưới đây của kênh meomeotalks.

Xin cảm ơn các Nhà tài trợ đồng hành cùng Vietcetera tại "trại thi" Cast Camp 2021.

Prudential: Là lựa chọn số 1 về bảo hiểm nhân thọ cho mọi gia đình Việt.
Tiki: Sàn thương mai điện tử đáng tin cậy nhất Việt Nam theo khảo sát của Nielsen năm 2020.
Baemin: Là ứng dụng giao đồ ăn đến từ Hàn Quốc, hướng đền giới trẻ văn phòng - những người muốn dành nhiều thời gian để sống, làm việc và trải nghiệm hơn là vào việc chuẩn bị thức ăn.
Tiger: Tiger Collab - Dòng bia duy nhất đại diện cho Hệ Bản Lĩnh sẽ debut hoành tráng vào ngày 30/08.