Cảm giác tội lỗi khi tiêu tiền từ đâu mà có? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu

Cảm giác tội lỗi khi tiêu tiền từ đâu mà có?

Việc tự kiếm ra tiền không phải lúc nào cũng khiến bạn thấy tự do khi tiêu nó.
Cảm giác tội lỗi khi tiêu tiền từ đâu mà có?

Hình ảnh minh họa từ nguồn mở Streamline.

Hầu hết chúng ta đều gắn trưởng thành với việc tự kiếm ra tiền, từ đó có được tự do về tài chính. Nhưng nhiều khi, chúng ta bị trói buộc bởi chính đồng tiền mình kiếm ra theo các cách khác nhau. Cảm giác tội lỗi thi thoảng xuất hiện khi tiêu tiền chính là một ví dụ điển hình.

Vậy đâu là những yếu tố tâm lý đằng sau nghịch lý này? Và làm cách nào để tiêu tiền mà không phải lo lắng quá nhiều?

Tư duy khan hiếm

Đây là lối tư duy thường gặp ở những người lớn lên trong gia đình gặp nhiều khó khăn về tài chính. Vì chứng kiến gia đình vất vả cân đối từng đồng, họ gắn tiêu tiền với việc mua những thứ tối cần thiết để duy trì cuộc sống. Việc tiêu tiền vào bất cứ thứ gì nằm ngoài hạng mục này đều mang lại cảm giác tội lỗi.

Đôi khi tư duy khan hiếm không đến từ trải nghiệm cá nhân, mà từ cách chúng ta được giáo dục về tiền bạc. Chẳng hạn nếu bố mẹ lớn lên trong cảnh nghèo, họ có xu hướng khuyên con mình để dành tiền chứ không nên tiêu xài cho bản thân.

03aug2022hthmtientienintext1jpg
Tư duy khan hiếm khá phổ biến ở những người lớn lên trong gia đình nghèo khó.

Về bản chất, đây là một dạng niềm tin hạn chế. Não bộ “đóng đinh” rằng bạn có rất ít tiền để tiêu mỗi tháng, dù thực tế tình hình tài chính của bạn (hoặc gia đình) hiện tại khá hơn so với trước kia.

Tiền bạc và sự an toàn tài chính vốn gắn liền với cảm xúc. Việc có đủ tiền để mua những thứ bạn cần và muốn có khiến bạn cảm thấy tốt hơn. Trái lại, cảm giác tội lỗi sẽ xâm lấn tâm trí khi bạn thiếu hụt khả năng tài chính để chăm lo cho những nhu cầu đó.

Thiếu kế hoạch chi tiêu

Nếu từng có trải nghiệm ăn mì tôm vì trót tiêu hết ngân sách tháng, bạn sẽ hiểu cảm giác tội lỗi khi “nhỡ” tiêu tiền mà không lên kế hoạch. Nó khiến bạn rơi vào một tình huống mất kiểm soát, từ đó nghĩ lại về những khoản chi mà bạn thấy chưa chắc đã đáng tiền. Cảm giác hối hận sau khi chốt đơn chính là một ví dụ như vậy.

Tâm lý này đặc biệt dễ xảy ra trong những thời điểm bất định như dịch bệnh hoặc thay đổi công việc. Những sự kiện này gây ra thay đổi lớn trong dòng tiền vào và tiền ra, khiến bạn tập trung vào những chi phí cấp thiết hơn. Vì vậy bạn dễ có tâm lý tội lỗi nếu dành tiền mua những gì bạn muốn trong những thời điểm này.

03aug2022hthmtientienintext2jpg
Việc chi tiêu thiếu kế hoạch dễ dẫn đến cảm giác bất an và mất kiểm soát với dòng tiền.

Ở khía cạnh ngược lại, việc lên kế hoạch tài chính quá kỹ cũng có thể khiến bạn thấy tội lỗi khi tiêu tiền. Chẳng hạn bạn tình cờ thấy một bộ đồ đẹp mà bạn đã tìm kiếm rất lâu, nhưng lại không dám mua vì sẽ vượt ngân sách đã định. Lúc này bỏ qua bộ đồ thì tiếc, mà mua thì khó tránh khỏi cảm giác tội lỗi.

Áp lực tiêu tiền vào những thứ bạn không thực sự muốn

Nghe qua thì điều này tưởng chừng vô lý, vì theo bản năng không ai lại bỏ tiền ra mua thứ mình không thực sự muốn mua. Nhưng trong thời đại mà cuộc sống chịu ảnh hưởng lớn của truyền thông và mạng xã hội, nhiều khi chúng ta làm việc này mà không nhận ra.

Áp lực đồng trang lứa là một nguyên nhân phổ biến dẫn đến cách tiêu tiền này. Có người mua giày đẹp, túi hiệu chỉ để không “thua chị kém em”, trong khi thực tế những thứ này không phù hợp với giá trị họ theo đuổi. Hệ quả là họ thường hối hận sau khi mua, đặc biệt nếu nó khiến họ không còn đủ tiền mua những thứ họ thực sự có nhu cầu.

Nỗi sợ bỏ lỡ (FOMO) cũng dễ khiến bạn có những quyết định chi tiêu gây hối tiếc. Bạn mua vé xem một bộ phim chỉ vì nó hot và bạn không muốn bỏ lỡ, hoặc mua vé đi du lịch tới một địa điểm mà ai cũng check in trên mạng xã hội. Sau khi cảm thấy bộ phim hoặc chuyến đi không được như kỳ vọng của bản thân, bạn mới hối tiếc vì chưa cân nhắc kỹ trước đó.

03aug2022hthmtientienintext3jpg
Áp lực đồng trang lứa và nỗi sợ bỏ lỡ khiến bạn tiêu tiền vào thứ bạn không thực sự muốn.

Làm gì để vượt qua cảm giác tội lỗi khi tiêu tiền?

Tìm ra gốc rễ của cảm xúc tội lỗi

Như đã nói ở trên, sự an toàn về tài chính phụ thuộc khá nhiều vào cảm xúc. Vì vậy để lý giải nguyên nhân bạn cảm thấy tội lỗi khi tiêu tiền, cần xác định vấn đề gốc rễ của nó.

Nếu cảm giác này xuất phát từ tư duy khan hiếm hình thành khi còn nhỏ, thì bạn cần tách rời bản thân khỏi nó. Bạn cần nhận thức được rằng, việc tiêu tiền cho bản thân không phải là điều tồi tệ, đặc biệt nếu khoản chi đó khiến tinh thần bạn tốt lên.

Bản thân tôi có bố mẹ là công chức nhà nước, và tôi nhận thức được rằng họ phải chi tiêu hạn chế một chút để có tiền cho tôi đi du học. Tôi trưởng thành với lối tư duy này, nên luôn thấy hối hận mỗi khi mua thứ gì không phải đồ thiết yếu.

Phải mất một thời gian dài, tôi mới nhận ra mình không ở tình huống giống bố mẹ. Ở thời điểm hiện tại tôi độc thân, lại công tác trong khối tư nhân nên không nhất thiết phải áp dụng lối chi tiêu như bố mẹ tôi đã làm. Nhờ vậy tôi không còn thấy tội lỗi mỗi khi tiêu tiền cho việc giải trí hay du lịch, bởi tôi biết nó giúp ích cho sức khỏe tinh thần mình.

Lập kế hoạch tài chính cụ thể

Có nhiều nguyên nhân khiến chúng ta ngại lên kế hoạch quản lý tài chính. Một số người thấy căng thẳng vì tiền, hoặc xấu hổ vì tình hình tài chính hoặc thói quen chi tiêu của bản thân. Số khác lại cảm thấy việc lên ngân sách giống như “thiết quân luật” cho việc tiêu tiền nên muốn tránh.

Để vượt qua những yếu tố này, bạn cần thay đổi cách suy nghĩ của bản thân về việc lên ngân sách. Thay vì cho rằng nó “bóc mẽ” thói quen chi tiêu, bạn nên coi ngân sách như một kim chỉ nam để theo dõi dòng tiền. Việc lập nó sẽ giúp bạn nắm rõ mình đang có bao nhiêu tiền, tiền đi vào những đâu và tiết kiệm được bao nhiêu, từ đó tùy hoàn cảnh mà điều chỉnh cho phù hợp.

03aug2022hthmtientienintext4jpg
Việc lập ngân sách sẽ trở thành kim chỉ nam giúp bạn theo dõi dòng tiền.

Khi lập ngân sách, bạn cũng chú ý không khoán quá chặt số tiền được tiêu. Chẳng hạn ngoài những hạng mục đã định sẵn, bạn nên dành ra một hạng mục “chi phí linh hoạt” dành cho những khoản chi phát sinh không định trước. Như vậy bạn sẽ không còn cảm giác hối hận khi mua bộ đồ trong ví dụ ở trên.

Xác định điều gì là quan trọng

Khi gặp áp lực đồng trang lứa hoặc nỗi sợ bỏ lỡ, bạn nên làm một bài phân tích nhỏ trước khi quyết định tiêu tiền. Bạn có thể tham khảo các câu hỏi:

  • Bạn sẽ được lợi gì từ việc tiêu khoản tiền này?
  • Lợi ích này ngắn hạn hay dài hạn? Nó có phù hợp với giá trị hay sở thích của bạn không?
  • Khoản chi này khiến bạn thấy tiêu cực hay tích cực nhiều hơn?
  • Nếu không chi tiêu nó, bạn có gặp vấn đề gì không?

Bạn có thể sẽ gặp những câu trả lời trái ngược trong quá trình phân tích. Chẳng hạn, việc mua một chiếc túi hiệu sẽ giúp bạn chứng minh được đẳng cấp và có thêm chiếc túi dùng được lâu dài.

Nhưng nếu bạn không thực sự thích chơi đồ hiệu, thì khoản chi này đi ngược với giá trị bạn theo đuổi. Và việc mua túi hiệu sẽ khiến bạn không còn tiền đi du lịch (là điều bạn thực sự muốn), do đó nó mang lại cảm giác tiêu cực nhiều hơn.

Việc tập trung vào cảm giác tích cực là yếu tố quan trọng để vượt qua cảm giác tội lỗi khi tiêu tiền. Để hiểu thêm về những giá trị mà việc tiêu tiền có tính toán cẩn thận đem lại, bạn có thể tham khảo series Đáng Tiền.

Hình ảnh minh họa từ nguồn mở Streamline.