Nam quốc sơn hà là bài thơ nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, được sáng tác vào thế kỷ 11. Bài thơ được coi là “Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam”, khẳng định chủ quyền của nước Đại Việt. Tương truyền bài thơ này được thần linh ban tặng, đã hai lần giúp Lê Hoàn và Lý Thường Kiệt chống quân Tống năm 981 và 1077.
Trong nhiệm kỳ Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, tôi từng được Đại tá Tôn Thất Tuấn - Tùy viên Quốc phòng Hoa Kỳ tại Việt Nam - đề xuất nên tham quan Khu Di tích Bạch Đằng Giang. Nghe lời gợi ý của anh, tôi đến thăm Khu Di tích cùng Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương hải quân Hoa Kỳ.
Tại đây, Đô đốc Swift và tôi đã cùng dâng hương trước tượng đài 3 vị anh hùng dân tộc của Việt Nam: Vua Ngô Quyền, Hoàng đế Lê Đại Hành, và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn - những người đã có công bảo vệ đất nước trước các cuộc xâm lăng từ phương Bắc.
Cũng tại Khu Di tích Bạch Đằng Giang, tôi đã đọc bài thơ Nam quốc sơn hà:
"Sông núi nước Nam, vua Nam ở
Rành rành định phận ở sách trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời!"
Trên sông Bạch Đằng vẫn còn chiến tích các bãi cọc được sử dụng làm trận địa chống giặc ngoại xâm. Những cây cọc đều được cắm sâu xuống bùn, được che phủ khi thủy triều lên và nhô lên khi nước rút, ngăn cản thuyền giặc tháo chạy. Đô đốc Swift và tôi cũng đã được xem một chiếc cọc nguyên bản được bảo tồn với phần đầu vót nhọn.
Ở cương vị Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương hải quân Hoa Kỳ, Đô đốc Swift đề cao ý nghĩa của chuyến tham quan này. Anh hiểu rõ rằng, việc tôn vinh các anh hùng dân tộc và bày tỏ lòng kính trọng đối với lịch sử của Việt Nam sẽ giúp chúng tôi đưa ra những chính sách giúp thắt chặt quan hệ an ninh giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ở thời điểm hiện tại.
Trong trận Bạch Đằng vào năm 938, Ngô Quyền tập hợp lực lượng, quyết chiến và đánh thắng quân Nam Hán. Sau đó vào năm 981, vua Lê Đại Hành đã chỉ huy kháng chiến đánh bại thủy quân nhà Tống, cũng nhờ trận địa bãi cọc trên sông Bạch Đằng.
Suốt 500 năm sau đó, trong các thời Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, và Hồ, dân tộc Đại Việt vẫn kiên trì chiến đấu để đẩy lùi giặc ngoại xâm. Vào năm 1288, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã sử dụng chiến lược đóng cọc trên sông Bạch Đằng, tương tự như Ngô Quyền trước đó, để đẩy lùi quân xâm lược Nguyên Mông.
Hơn 400 chiến thuyền của quân Nguyên Mông bị bắt, khẳng định thắng lợi của Đại Việt trong cuộc Chiến tranh Nguyên Mông - Đại Việt lần thứ ba. Thắng lợi này cũng phá tan âm mưu xâm lược Đại Việt của Hốt Tất Liệt, và cũng từ đó chấm dứt khát vọng chinh phục Đông Nam Á của Đế quốc Mông Cổ.
Là một nhà ngoại giao Hoa Kỳ, tôi đặc biệt có ấn tượng với Khu Di tích Bạch Đằng Giang và những câu chuyện lịch sử gắn liền với nơi đây. Trong suốt 11 thế kỷ, kể từ ngày khai sinh của đất nước, mối quan hệ với Trung Quốc luôn là một thách thức trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Ngoài ra, di tích lịch sử này cũng đã cho tôi thấy chiến lược xuyên suốt 11 thế kỷ của Việt Nam: lấy nhu chế cương, xoay chuyển sức mạnh của đối thủ thành lợi thế cho mình. Việt Nam đã sử dụng phương pháp này không chỉ để đối phó với Trung Quốc mà còn với cả Pháp và Hoa Kỳ. Có lẽ không có gì là vô lý khi nghĩ rằng Việt Nam sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược này sau hơn 11 thế kỷ áp dụng một cách thành công.
Hiện cuốn sách tự thuật của Ted Osius, “Nothing is Impossible: America's Reconciliation with Vietnam”, với lời nói đầu được chấp bút bởi ông John Kerry (Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ, hiện là Đặc phái viên khí hậu của Hoa Kỳ), sẽ được Nhà xuất bản Đại học Rutgers (Rutgers University Press) cho ra mắt bản tiếng Anh vào tháng 10/2021, và bản tiếng Việt sẽ được phát hành trong năm 2022.
Sử dụng mã RFLR19 để được giảm giá 30% cho cả hai phiên bản sách in (và miễn phí giao hàng tại Mỹ) cũng như bản ebook khi preorder tại website của Rutgers University Press.
Để biết thêm thông tin về sách - bao gồm cả những phần quà tặng đặc biệt - bạn có thể truy cập trang web www.tedosius.com và đăng nhập bằng địa chỉ email.