Cần quan tâm gì ở chuyện giám đốc đăng kiểm không biết chữ? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Cần quan tâm gì ở chuyện giám đốc đăng kiểm không biết chữ?

Vi phạm ở trung tâm đăng kiểm 50-17D Nhà Bè (TPHCM), dư luận chỉ đùa cợt chuyện giám đốc không biết chữ. Đây là sự đánh giá thiếu công tâm.
Cần quan tâm gì ở chuyện giám đốc đăng kiểm không biết chữ?

Nguồn: Thanh Niên

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Sự việc giám đốc trung tâm đăng kiểm 50-17D Nhà Bè (TPHCM) không biết chữ gây tốn kém nhiều giấy mực của giới truyền thông và dư luận.

Bên cạnh 18 người bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về các hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ và giả mạo trong công tác hoạt động đăng kiểm xe cơ giới, dư luận đặc biệt quan tâm tới ông Hồ Hữu Tài, người khai rằng mình mới học hết lớp 3 từ hàng chục năm về trước.

Ông này được đối tác đưa lên làm giám đốc trung tâm do là chủ nợ của người vận hành trung tâm này. Mọi quyết định quan trọng của trung tâm đều được thực hiện bởi cấp dưới, kể cả xác nhận kiểm định. Điều đó cũng có nghĩa là việc ông Tài biết chữ chưa chắc đã khiến trung tâm không vi phạm pháp luật.

Vi phạm của trung tâm đăng kiểm 50-17D Nhà Bè rất nghiêm trọng, nhưng dường như việc dư luận chỉ quan tâm đến vị giám đốc "mù chữ" có thể gây ra sự hiểu nhầm. Có sự liên hệ chặt chẽ giữa "không biết chữ" và sai phạm của doanh nghiệp này hay không? Hiện chưa có bằng chứng cụ thể.

2. Vì sao có chuyện giám đốc đăng kiểm không biết chữ?

Quay lại năm 2019, ông Nguyễn Thanh Phong là người lập ra trung tâm đăng kiểm 50-17D Nhà Bè. Do làm ăn trì trệ, trung tâm lâm vào cảnh nợ nần. Ông Hồ Hữu Tài là chủ nợ và phần ông cho vay được gán thành cổ phần của trung tâm đăng kiểm.

httpsvietceteracomuploadsimages09jan2023taigiamdoc99201672817157167385778981672824848jpg
Ông Hồ Hữu Tài | Nguồn: Vnexpress

"Con đường quan lộ" của ông Tài khá đơn giản. Con nợ của ông đưa ông lên làm giám đốc.

Khi ngồi trên ghế giám đốc, ông Tài đã giao lại hết công việc cho cấp dưới phụ trách, kể cả ký giấy xác nhận đăng kiểm.

Theo cơ quan điều tra, các đối tượng Nguyễn Thanh Phong và Trần Hữu Tài đã thông đồng, cho phép các đăng kiểm viên bỏ qua lỗi vi phạm để nhận tiền hối lộ, tăng doanh thu.

Ông Tài đưa Đinh Thành Trung (30 tuổi) vào làm nhân viên trung tâm 50-17D mà không có hợp đồng lao động. Anh này được giao nhận tiền và thông qua các đăng kiểm viên để nhận tiền "bôi trơn" từ các chủ xe khi đưa phương tiện đến kiểm định.

3. Vi phạm đăng kiểm gây hậu quả gì?

Hiện tượng tham nhũng trong hoạt động đăng kiểm có thể vô cùng tai hại đối với hoạt động giao thông và sự an toàn của con người.

Thiếu sự quản lý chặt chẽ, đăng kiểm viên và thực tập đăng kiểm có thể không thực hiện đầy đủ nội dung kiểm định, bỏ lỗi vi phạm, v.v.

Nghiêm trọng hơn, họ có thể nhận hối lộ, đút lót tới từ các chủ phương tiện không đạt yêu cầu nhằm kiếm lời. Cũng vì vậy, nhiều phương tiện không đạt chuẩn được phép lưu thông có thể gây ảnh hưởng tới trật tự an toàn đô thị, tính mạng, và môi trường.

httpsvietceteracomuploadsimages09jan2023trungtamdangkiem12191672817158jpg
Hình ảnh tại một trung tâm đăng kiểm | Nguồn: Vnexpress

Tuy vậy, nguyên nhân của sai phạm này nằm ở sự thiếu liêm chính cùng nhiều sai phạm trong việc điều hành và quản lý các trung tâm đăng kiểm. Việc ông Tài không biết chữ không liên quan đến bản chất nghiêm trọng của sự việc.

4. Vì sao chuyện giám đốc không biết chữ không quan trọng?

Không có bằng chứng liên kết trực tiếp giữa việc ông Tài không biết chữ, mới học hết lớp 3, với chuyện ông vi phạm pháp luậtkhi kiếm lời phi pháp tại trung tâm 50-17D. Nguyên nhân trực tiếp hơn là trung tâm đăng kiểm hoạt động như doanh nghiệp với nhiều lãnh đạo cùng điều hành. Mỗi người chịu trách nhiệm về một phần chuyên môn khác nhau và không phải ai cũng đáp ứng các yêu cầu công việc của mình.

Ta có thể lập luận rằng ông Tài hoàn toàn thiếu các kiến thức và kỹ năng chuyên môn cần thiết để điều hành cơ sở đăng kiểm vi phạm pháp luật, mà trong đó không biết chữ là một nguyên nhân rất lớn. Nhưng điều này không liên quan gì đến bản chất của sai phạm. Ông Tài không tham gia vào hoạt động chuyên môn và thậm chí còn không đưa ra xác nhận đăng kiểm nào cả.

Dù ông Tài có biết chữ hay không, thì quy trình vi phạm pháp luật của trung tâm 50-17D Nhà Bè hoàn toàn không hề thay đổi.

5. Vậy không biết chữ liệu có đáng trách?

Thiếu giáo dục không phải một tội. Không biết chữ nên được ghi nhận như sự thiếu lợi thế một cách hệ thống. Một ai đó không được đi học bởi họ không có đủ điều kiện về vật chất và xã hội. Điều này có thể khiến họ thuộc về nhóm yếu thế.

httpsvietceteracomuploadsimages09jan202306truonghoc01jpg
Theo một báo cáo năm 2019, ở Việt Nam có khoảng 1,49 triệu người mù chữ | Nguồn: baotintuc.vn

Trong sự việc này, xã hội chúng ta lại đang tư duy ngược lại. Ta nghĩ thiếu giáo dục là một vấn đề thuộc về phẩm chất sẵn có của con người. Mù chữ là nguyên nhân của vi phạm pháp luật, dẫn đến tình huống mà ông Tài gặp phải.

Nếu nhìn nhận như vậy, ta sẽ không bao giờ có thể nghiêm túc tìm giải pháp phổ cập giáo dục toàn dân. Thậm chí, ta có thể rơi vào não trạng đổ lỗi cho người thiếu cơ hội giáo dục, thay vì cổ vũ họ tìm đường thoát cho cuộc đời mình.

Câu chuyện về vị giám đốc đăng kiểm không biết chữ có thể không liên quan đến quá trình vi phạm pháp luật của trung tâm 50-17D Nhà Bè. Nhưng nó gợi ra vấn đề rộng hơn, rằng ở xã hội ta, không biết chữ đang bị coi là "tội" chứ không phải sự thiếu lợi thế và cần được giúp đỡ.