Khi ghé đến các quán bar, giữa những thương hiệu ngoại nổi tiếng được trưng bày san sát trên kệ, ánh nhìn của chúng tôi luôn bị thu hút bởi một cái tên rất đỗi thân thuộc, một nhân tố mới trong thị trường — Sông Cái Việt Nam Dry Gin, một sản phẩm của Sông Cái Distillery.
Năm 2018, Sông Cái Distillery ra đời với sứ mệnh tiếp nối những giá trị và câu chuyện văn hoá. Sứ mệnh này xuất phát từ niềm tin của người sáng lập thương hiệu, Master Distiller Daniel Nguyễn, rằng: “Người Việt luôn sẵn sàng ủng hộ thương hiệu Việt, miễn là thương hiệu đủ chỉn chu và được đầu tư nghiêm túc về chất lượng lẫn hình ảnh, đồng thời, tạo ra các giá trị bền vững. Sự ưu ái đó đặc biệt dành cho những thương hiệu có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, thể hiện rõ nét nỗ lực trân trọng và tôn vinh các giá trị văn hóa Việt Nam.”
Phát triển dựa trên nền tảng đó, dù chỉ mới tròn 2 năm tuổi, Sông Cái Distillery đã sớm trở thành niềm tự hào mới của Việt Nam khi đạt được nhiều giải thưởng từ các cuộc thi về rượu uy tín hàng đầu, điển hình là huy chương vàng tại Gin Master 2020, và gần đây nhất là giải thưởng kép tại Spirit International Prestige (SIP) Awards: Best of Class Platinum cho Sông Cái Việt Nam Dry Gin và Double Gold cho Sông Cái Việt Nam Floral Gin.
Là dòng Gin đầu tiên của Việt Nam, câu chuyện của Sông Cái Việt Nam Dry Gin là sự kết tinh của núi rừng Tây Bắc và văn hoá dân gian của miền xuôi.
Những năm tháng ở bản
Sinh ra và lớn lên tại California, Daniel trở về Việt Nam theo lời mời làm việc trong dự án phát triển bền vững trên lưu vực sông Mekong (tập trung vào chuỗi cung ứng nông sản) của Oxfam America, tổ chức WETLAND của Mỹ và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Thời gian sau đó, anh chuyển đến sinh sống và làm việc tại các tỉnh cao nguyên thuộc miền núi Tây Bắc. Chất liệu để phát triển thương hiệu và nguyên liệu dùng để chưng cất Sông Cái Distillery đều đến từ vùng đất mà anh đã gắn bó trong suốt 4 năm.
Tại đây, Daniel nhận thấy rằng các giống thảo mộc và ngô bản địa đang bị mất đi rất nhanh. Lý do là vì các giống ngô bản địa có năng suất thấp, thời gian để thu hoạch lại lâu, nên bà con ở đây ngày càng gieo trồng ít đi.
Khôi phục giống là một điều khó. Nhưng với anh, thử thách lớn nhất vẫn là xây dựng mối quan hệ tin tưởng với bà con, để từ đó hướng dẫn cho bà con cách gia tăng chất lượng ngô và thảo mộc, kỹ thuật canh tác, vận hành hợp tác xã, cách viết hoá đơn, tính thuế... Với tất cả nỗ lực này, Daniel hy vọng có thể phần nào cải thiện cuộc sống cho bà con.
Bên cạnh việc cho đi, những năm tháng ở bản, Daniel cũng may mắn nhận lại từ bà con miền núi nhiều giá trị văn hoá mang đậm hơi thở bản địa.
Càng ở lâu, Daniel càng thêm yêu và gắn bó sâu sắc với mảnh đất này. Mong muốn thực hiện trách nhiệm với quê hương và giúp bà con dân tộc thiểu số có một cuộc sống tốt đẹp hơn thôi thúc anh phải đào sâu hơn vào gốc rễ vấn đề.
Với bà con vùng cao, ngô và những loại thảo mộc như mắc khén, hồi, tiêu, thảo quả,.. là những nông sản chủ yếu bán trong nước hoặc xuất khẩu với giá rất rẻ.
Daniel trăn trở tìm kiếm hướng đi mới, bởi nếu chỉ dùng làm gia vị thì giá trị của chúng cũng không tăng lên bao nhiêu. Cuối cùng, anh quyết định dùng nguồn nguyên liệu này để chưng cất rượu, lấy tên là Sông Cái Distillery.
Sông Cái, nghĩa chữ là "Sông Mẹ" — dòng sông lớn trong khu vực, là nguồn nước chính cho nền nông nghiệp và nâng đỡ đời sống tinh thần cho cộng đồng sống dọc theo dòng sông. Tương tự như vậy, Sông Cái Distillery ra đời, đại diện cho vẻ đẹp và sự hào sảng của những người con đất Việt.
Là một thương hiệu thuần Việt, tầm nhìn của Sông Cái Distillery là chinh phục trái tim Việt, đồng thời vươn tầm sánh ngang với các thương hiệu quốc tế.
Những mẻ rượu đầu tiên
Vốn kiến thức về hoá sinh đã giúp Daniel biết đâu là loại thảo mộc anh cần trong vô vàn những nguyên liệu đa dạng vùng cao. Cam thảo, nghệ, thông rừng, mắc khén, mắc mật, tiêu đen,… đều là những gia vị bản địa được thu hoạch thủ công theo thời tiết và điều kiện địa lý của mảnh đất Tây Bắc. Vì thế, sau này, Daniel cũng quyết định đặt chuỗi cung ứng ở vùng cao để có thể giữ được mùi vị đặc trưng của từng loại thảo mộc sau khi thu hái.
Bốn năm “nằm gai nếm mật”. Một năm dành để thu lượm và thử nghiệm các giống thảo mộc bản địa đầy mê hoặc, kết hợp với quả bách xù đến từ Macedonia. Từ đó, Daniel cùng với 70 hộ dân H'mong và Dao Đỏ đã sáng tạo nên 44 công thức, sử dụng kỹ thuật chưng cất trực tiếp trên bếp lửa.
Sau quá trình tham khảo ý kiến của hàng trăm bạn bè gần xa, anh và đội ngũ lựa chọn được một công thức yêu thích nhất để giới thiệu đến mọi người, đó chính là công thức của Sông Cái Việt Nam Dry Gin.
Cái quý của Sông Cái Distillery không chỉ vì đây là thương hiệu thuần Việt, mà còn vì những giá trị bền vững được thương hiệu cam kết theo đuổi từ những ngày đầu. Với Sông Cái Distillery, giá trị bền vững được xây nên từ 4 trụ cột: Phát triển kỹ năng cho bà con; Khai thác tài nguyên thiên nhiên có trách nhiệm; Minh bạch về tài chính; và Bảo tồn di sản văn hoá.
Sông núi hội tụ
Trên tay chúng ta ngày hôm nay là một chai Sông Cái Việt Nam Dry Gin đầy kiêu hãnh, với mặt trước chai là logo — mang biểu tượng liềm, dao đi rừng và thảo mộc của vùng cao, trên nền màu chàm truyền thống của vùng cao. Nhãn sau của chai được lấy cảm hứng từ tranh Hàng Trống với sự hỗ trợ của nghệ nhân Lê Đình Nghiên, khắc hoạ hình tượng “Mẫu Thượng ngàn", bao quanh bởi những nguyên tố “Thiên thời, Địa lợi, Nhân hoà" và bầu rượu.
Với mong muốn tiếp nối những giá trị và câu chuyện văn hóa qua mỗi sản phẩm, Sông Cái Distillery đã dùng nhãn chai như là phương tiện để tôn vinh văn hoá miền xuôi, với thông điệp giao thoa giữa tinh thần hào sảng phóng khoáng của đại ngàn và sự giàu có, trù phú của vùng đồng bằng, nơi phố thị.
Để có được thành phẩm như ngày hôm nay, lội ngược về quá trình đi tìm nguồn cảm hứng cho nhãn chai của mình, cả đội ngũ Sông Cái Distillery chia sẻ họ đã bị chinh phục bởi vẻ đẹp và ý nghĩa của tranh Hàng Trống.
Khởi điểm từ các phố Hàng Trống, Hàng Nón, Hàng Hòm và Hàng Quạt của Hà Nội, tranh Hàng Trống là một trong ba dòng tranh dân gian nổi tiếng của Việt Nam, cùng với tranh Đông Hồ và tranh Kim Hoàng.
Tranh Hàng Trống được chia thành hai dòng chính: tranh thờ và tranh chơi. Để hoàn thành một bức vẽ, trước tiên người nghệ nhân sẽ dùng khuôn gỗ để in các đường nét viền chính bằng mực đen, sau đó hoàn thiện các đường vẽ và tô màu bằng tay. Những tông màu rực rỡ của tranh Hàng Trống thể hiện sự náo nhiệt, muôn màu của cuộc sống nơi phố thị.
Do công đoạn tô màu hoàn toàn bằng tay, mỗi bức tranh thể hiện tính cách, tâm trạng riêng biệt của người nghệ nhân thông qua các đường vẽ màu đậm nhạt khác nhau, và mỗi tác phẩm là độc đáo và duy nhất.
Để tìm được người hiểu rõ về các nguyên tắc phối màu, ý nghĩa các họa tiết cũng như bố cục tranh chuẩn chỉnh nhất của dòng tranh Hàng Trống, Sông Cái Distillery đã phối hợp cùng S River — một đơn vị đã nghiên cứu rất kỹ về tranh Hàng Trống nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung, và đi đầu trong việc số hóa các họa tiết đặc trưng của văn hóa Việt Nam để lên ý tưởng cho các nhãn mới mà Sông Cái Distillery sắp ra mắt.
Như một lẽ tự nhiên, Sông Cái Distillery và S River tìm đến bác Lê Đình Nghiên. Ngày nay, bác là nghệ nhân duy nhất còn lại nắm giữ được những kỹ thuật truyền thống của dòng tranh này. Và con trai bác là người đang theo học với mong muốn duy trì được tranh Hàng Trống.
Với sự giúp đỡ của nghệ nhân Lê Đình Nghiên, những yếu tố truyền thống đã được thiết kế một cách hài hoà, phù hợp nhất với tính cách thương hiệu.
Sắp tới đây, Sông Cái Distillery sẽ ra mắt thêm các dòng sản phẩm sử dụng nguyên liệu cũng như có bao bì kết hợp với các nghệ nhân để phản ánh sự đặc trưng vùng miền của Việt Nam, qua đó giới thiệu và khẳng định vẻ đẹp phong phú, đa dạng của đất nước mình.
Gởi gắm di sản để người trẻ tiếp nối
Tháng 6 vừa qua, Sông Cái Distillery cũng vừa phát động cuộc thi Sông Cái Competition 2020, lần đầu tổ chức dành riêng cho các bạn bartender trên toàn quốc. Qua cuộc thi này, Sông Cái Distillery mong muốn khơi lại ngọn lửa trong các bạn bartender Việt sau một chặng đường dài nửa năm đầy khó khăn.
Đặc biệt, trong khuôn khổ cuộc thi này, Sông Cái Distillery cũng tổ chức một chuyến đi trải nghiệm cho các bạn thí sinh đến Hà Giang, vùng đất địa đầu cực Bắc của Việt Nam. Đây là dịp để các bạn có cơ hội sinh hoạt và tìm hiểu sâu hơn về văn hoá bản địa, bà con đồng bào để khẳng định và vun đắp thêm tình yêu Việt Nam trong mỗi người.
Chuyến đi trải nghiệm đầu tiên là ở phương Bắc. Bởi Sông Cái Distillery quan niệm rằng bản thân thương hiệu và các bạn cùng là những người lữ hành trên một cuộc hành trình học hỏi và tìm hiểu về kiến thức bản địa Việt Nam. Và với những người lữ hành dù ở bất kì văn hóa nào, ngôi sao phương Bắc luôn đóng vai trò soi sáng, dẫn đường chỉ lối.
Song song với đó, dự án sách cocktail của Sông Cái Distillery cũng đang trong quá trình hoàn thiện, cuốn sách sẽ khai thác sâu hơn về nguồn gốc, văn hoá các vùng Việt Nam và truyền tải sự đặc sắc này qua những món cocktail mà Sông Cái Distillery cùng đội ngũ các bartender khách mời sẽ cùng nhau sáng tạo.
Sông Cái Distillery là câu chuyện đậm đà bản sắc dân tộc, là một thương hiệu thuần Việt mà chúng tôi tin rằng sẽ còn thăng hoa nhiều hơn trong thời gian tới. Cùng chúng tôi dõi theo hành trình mang tinh hoa dân tộc đến với văn hóa thưởng thức rượu hiện đại của Sông Cái Distillery.