"Check Var" Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Tây Ban Nha, penalty sút bay ghế | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

"Check Var" Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Tây Ban Nha, penalty sút bay ghế

Tới khi nào mới có những chiến dịch ngăn chặn nạn quấy rối tình dục trong thể thao nói chung và bóng đá nói riêng?
"Check Var" Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Tây Ban Nha, penalty sút bay ghế

Nguồn: Báo Thể thao & Văn hóa

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Mới đây, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Tây Ban Nha là ông Luis Rubiales đã từ chức sau bê bối cưỡng hôn một cầu thủ nữ tại World Cup nữ 2023. Trước đó, ông nhiều lần khẳng định sẽ không từ chức và nghĩ rằng việc ông làm không sai do nụ hôn đó - theo ông - được sự đồng ý của cầu thủ.

Trái với khẳng định đó, nữ cầu thủ đã đâm đơn kiện. Khoảng 81 cầu thủ tại Tây Ban Nha - bao gồm đội hình mới vô địch World Cup - cho biết họ sẽ không thi đấu nếu ông Luis còn tại vị. Nhiều cầu thủ nữ và liên đoàn bóng đá của các quốc gia khác cũng lên tiếng phản đối hành động của ông Luis.

2. Còn vụ xâm hại nào bị tố giác tại World Cup Nữ 2023

Không chỉ Chủ tịch Liên đoàn phải “bay ghế,” ông Jorge Vidal - huấn luyện viên trưởng của đội tuyển nữ nước này - cũng đã bị sa thải, bất chấp thành tích đưa đội tuyển lên ngôi vô địch.

Ông Jorge Vidal đã lợi dụng khoảnh khắc ăn mừng bàn thắng tại trận chung kết để động chạm khiếm nhã một nữ đồng nghiệp. Bên cạnh đó, vị cựu huấn luyện viên trưởng cũng đã bày tỏ sự ủng hộ với vị cựu chủ tịch khi ông này tuyên bố không từ chức.

14sep2023spanishcoachappearstotouchplayerschestduringworldcupcelebrationsjpg
Rất nhiều máy quay đã ghi lại hành động của ông Jorge Vidal. | Nguồn: indy100

Ngoài đội tuyển Tây Ban Nha ra thì trước khi giải đấu bắt đầu, xuất hiện những cáo buộc xâm hại tình dục hướng vào huấn luyện viên trưởng của đội tuyển Zambia là ông Bruce Mwape. Theo tờ The Guardian, ông đã lợi dụng việc hướng dẫn động tác trong lúc tập để động chạm khiếm nhã.

Ngoài hai trường hợp trên, còn có vụ việc của Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Haiti - ông Yves Jean-Bart. FIFA đã cấm ông xuất hiện tại World Cup Nữ 2023 do nhiều cáo buộc lạm dụng tình dục các cầu thủ nữ, bao gồm cả trẻ vị thành niên ở Haiti.

3. FIFA có làm gì không?

Quấy rối tình dục trong bóng đá giống như một bí mật công cộng: ai cũng biết về nó, nhưng không thấy ai nói gì. Đáng tiếc thay, cho tới nay FIFA mới chỉ tiếp cận vấn đề này theo từng vụ việc, mà chưa có một kế hoạch hành động có hệ thống.

Ta không phủ nhận những nỗ lực của Liên đoàn Bóng đá Thế giới trong việc giải quyết các vụ xâm hại tình dục. Chính FIFA đã điều tra rồi ra tay cấm nhiều trọng tài, huấn luyện viên, hay chủ tịch liên đoàn các nước khi họ bị phát hiện có hành vi xâm hại.

Liên đoàn cũng từng yêu cầu truyền thông ngưng tập trung phát hình ảnh các nữ cổ động viên gợi cảm trên khán đài để chống lại nạn quấy rối tình dục tại World Cup 2018.

Tuy nhiên, nếu như FIFA đã có những kế hoạch hành động rõ ràng với các vấn đề như phân biệt chủng tộc hay bạo lực trong thể thao, thì dường như tổ chức này còn rất bối rối trước quấy rối tình dục. Vụ việc của ông Luis Rubiales cho thấy FIFA cần phải chủ động hơn nữa, chứ không thể đợi mất bò mới lo làm chuồng.

4. Tại Việt Nam thì sao?

Đội tuyển nữ Việt Nam từng chịu những bình luận khiếm nhã vào tháng 5 năm nay, sau khi giành huy chương vàng tại SEA Games 2023. Nhiều người đã bình luận vào tấm hình cầu thủ Thanh Nhã đang ăn mừng rằng họ muốn “hôn lên ngực áo” của cô để “cảm ơn những đóng góp của Nhã cho bóng đá nước nhà.”

Có người còn bình luận khiếm nhã hơn như là “sờ vào trái tim để cảm nhận nhịp đập của nó khi cô là anh hùng của đất nước,” thậm chí đùa cợt rằng muốn đem quần áo của cô “về ngâm rượu” hay là muốn đội tuyển “đổi áo” khi trận đấu kết thúc.

14sep202334503941119090805961593579115768762456620356njpg
Thông điệp phản cảm của nhiều mạng xã hội về thể thao. | Nguồn: Facebook Nguyen Phuong Mai

Bóng đá nữ mới chỉ nhận được sự chú ý lớn từ người hâm mộ trong thời gian gần đây. Sự chú ý đó cũng đã để lộ những thói quen xâm hại bằng lời nói của cộng đồng mạng và tiêu chuẩn kép của nhiều người - họ có nói như vậy khi đội tuyển nam chiến thắng không?

5. Liệu vấn đề có được giải quyết triệt để trong tương lai?

Khi việc xâm hại bị phát giác, trong đầu nhiều người “nảy số” ngay câu hỏi: họ ở đâu và mặc gì? Họ viện dẫn rằng do nạn nhân ăn mặc hở hang, rằng tại sao lại đi vào đường vắng, từ đó đổ lỗi cho nạn nhân - một tâm lý lệch lạc nhưng rất phổ biến.

Với những vụ việc trình bày ở trên, người bị hại khoác trên mình trang phục thể thao với quốc kỳ. Họ xuất hiện trên truyền hình của nhiều quốc gia, được hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu người theo dõi. Nhưng hành vi xâm hại vẫn xảy ra, và đáng buồn thay, vẫn có người cương quyết bảo vệ kẻ xâm hại.

Điều mà ta cần làm là sát cánh cùng nạn nhân để tố giác tội ác, không phải là buộc tội họ. Trong vụ việc lần này, ông Luis Rubiales đã rất ngoan cố và một mực từ chối tội ác. Nhờ vào sự đoàn kết và kiên quyết đấu tranh của rất nhiều người, cuối cùng ông đã phải từ chức trước khi đối mặt với cáo buộc hình sự.

Đó là kết quả tốt, nhưng chưa phải là cái kết đẹp, bởi nó không đảm bảo rằng những sự xâm hại tương tự trong tương lai cũng sẽ được giải quyết thỏa đáng. Tuy vậy, ít ra đây sẽ là tiền lệ để FIFA và các tổ chức thể thao khác thực hiện các bộ luật, bộ quy tắc ứng xử để giải quyết triệt để vấn nạn xâm hại trong thể thao.