Nỗi đau ở Làng Nủ bị đem ra “câu view” và chuyện trẻ nhỏ thành nguồn thu lớn | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu

Nỗi đau ở Làng Nủ bị đem ra “câu view” và chuyện trẻ nhỏ thành nguồn thu lớn

Trẻ em đang bất đắc dĩ trở thành cần câu cơm cho nội dung thiếu lành mạnh?
Nỗi đau ở Làng Nủ bị đem ra “câu view” và chuyện trẻ nhỏ thành nguồn thu lớn

Nguồn: Sunrise Media

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Do ảnh hưởng của cơn bão Yagi, làng Nủ đã phải hứng chịu trận lũ quét, sạt lở đất kinh hoàng, với những mất mát to lớn cả về người và của, tính đến thời điểm hiện tại đã có 53 người qua đời, 13 người còn đang mất tích, 15 người bị thương điều trị tại bệnh viện.

Vậy mà những đau thương ấy lại bị lợi dụng đem ra “câu view”. Hình ảnh về một video hoạt hình có tựa đề "Quả báo Làng Nủ Lào Cai" đang bị nhiều người lên án gay gắt. Nội dung của video kể về câu chuyện một con hổ tàn phá làng mạc, quấy nhiễu người dân, hoàn toàn không liên quan tới thôn Làng Nủ nhưng lại nhắc tới tên địa danh này trên tiêu đề hòng thu hút sự chú ý.

Đáng nói hơn, video này còn đến từ một kênh YouTube chuyên làm hoạt hình hướng tới đối tượng trẻ em có tên Những bài học nhỏ. Thế nhưng, những nội dung được đăng tải lại toàn những tiêu đề chẳng hề phù hợp cho lứa tuổi này.

alt
Kênh YouTube Những Bài Học Nhỏ với những tiêu đề video đầy rẫy ngôn từ thiếu lành mạnh cho trẻ nhỏ.

Trước làn sóng phản ứng dữ dội của cộng đồng mạng, sau vài tiếng đăng tải video đã bị gỡ xuống, kênh YouTube cũng vội vàng đổi tên đến hai lần. Và tới sáng ngày 18/9, công ty chủ quản đã gửi thông cáo báo chí xin lỗi và thông báo cho thôi việc Trưởng phòng YouTube. Cùng trong ngày hôm đó, Công an quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) cho biết, đang phối hợp với đơn vị chuyên môn Bộ Công an để xác minh và tiến hành xử lý sự việc.

2. Nội dung cho trẻ nhỏ nhưng thu về lợi nhuận to?

Nội dung cho trẻ em là một thị trường hấp dẫn, có khả năng sinh lời cao vì lứa tuổi này rất dễ bị thu hút bởi những video gây nghiện với hình ảnh sinh động, âm thanh vui nhộn và có tính lặp lại thúc đẩy trẻ xem nhiều lần. Hơn nữa, các bậc phụ huynh hiện nay cũng hay tận dụng video như một bảo mẫu trông trẻ đa năng vừa có thể dụ trẻ ăn, vừa giữ trẻ ngồi im không quậy phá. Nhờ đó đã tạo nên số lượt xem khổng lồ cho kênh.

Trong danh sách Top 10 những kênh YouTube nhiều lượt đăng ký nhất Việt Nam có ba kênh làm nội dung cho trẻ em:

  • Vị trí thứ 2 - Like Nastya VNM: 20,3 triệu.
  • Vị trí thứ 3 - POPS Kids: 18,1 triệu.
  • Vị trí thứ 7 - Kênh Thiếu Nhi - BHMEDIA: 12,8 triệu.

Theo số liệu thống kê của Social Blade, doanh thu mỗi năm YouTube trả cho Kênh Thiếu Nhi - BHMEDIA dựa trên số lượt xem có thể đạt từ 5,1 - 6,9 tỷ đồng. Còn với POPS Kids con số thậm chí có thể lên tới 1,5 tỉ đồng/tháng và 18 tỉ đồng/năm.

alt
Tại Việt Nam, trong ngành sản xuất nội dung cho trẻ em POPS Kids là một trong những đơn vị đi đầu cả về chất lượng lẫn số lượng thành tích đạt được, đi kèm với đo dĩ nhiên là nguồn doanh thu không nhỏ.

Ngoài ra, nhiều trẻ nhỏ chưa phát triển đủ nhận thức để phân biệt được nội dung thuần giải trí với quảng cáo được thêm vào. Và khi quảng cáo được xem tới tận lúc kết thúc thay vì bị nhấn nút bỏ qua thì số tiền thu về trên mỗi lượt xem sẽ cao hơn hẳn. Chưa kể, trẻ con còn có xu hướng đòi bố mẹ mua các sản phẩm xuất hiện trên video khiến các nhãn hàng càng sẵn sàng trả tiền cho các bên sản xuất nội dung để tiếp tục đặt quảng cáo.

Cùng với đó, các kênh YouTube dành cho trẻ em thường không đòi hỏi sự đầu tư quá lớn về mặt chi phí sản xuất. Nhiều kênh chỉ cần dùng hình ảnh hoạt hình đơn giản, tận dụng kho tàng truyện cổ tích có sẵn hoặc các cảnh quay đời sống thường ngày của trẻ là dễ dàng thu hút cả triệu lượt xem. Thậm chí có những đơn vị còn “tái sử dụng” luôn nội dung của bên khác chỉ vẽ lại, đồ thêm nét trên nền hình ảnh cũ.

3. Có phải cứ phạt là sẽ giải quyết được vấn đề?

Có thể thấy, bên cạnh những nội dung chất lượng, giáo dục cho trẻ thông điệp nhân văn, ý nghĩa, thì cũng còn tồn tại vô vàn kênh nội dung gắn mác “thiếu nhi” nhưng chỉ chăm chăm vào số lượng nguồn tiền kiếm về. Những kênh này có thể đi theo hướng triển khai chủ đề phản cảm, hình ảnh lố lăng hoặc ngay cả khi làm nội dung bình thường thì cũng sẽ cố gắng “giật tít câu view” để đánh vào bản tính tò mò và nhận thức còn non nớt ở trẻ nhỏ.

Không dễ để ngăn chặn những dạng nội dung biến tướng như thế này. Ở Việt Nam đã có nhiều trường hợp bị xử phạt như kênh YouTube Thơ Nguyễn với mức 7,5 triệu đồng vì "cung cấp, chia sẻ thông tin mê tín dị đoan".

Hay kênh YouTube Timmy TV bị xử phạt hành chính 15 triệu đồng và nhận yêu cầu đóng kênh do vi phạm quy định về cung cấp thông tin trên môi trường mạng, gây ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em. Tuy nhiên đây đều là kênh lớn dễ phát hiện sai phạm, còn vô vàn những kênh sản xuất nội dung nhỏ tràn lan ngoài kia mà cơ quan chức năng khó lòng kiểm soát hết được.

Vì vậy, các gia đình nên chủ động tự bảo vệ con trẻ, có thể cân nhắc tắt tính năng tìm kiếm, gợi ý các video hay cài đặt chế độ lọc nội dung trên YouTube, tạo sẵn danh mục phát video cho con xem để hạn chế các video độc hại. Và hơn hết là tập định hướng cho trẻ lựa chọn, tiêu thụ nội dung trên mạng sao cho đúng cách.