Tản văn về bánh chưng của nhà văn Phạm Thị Hoài gần đây đã khiến bao kẻ tâm đắc nhưng cũng khiến bao người giận tím mặt.
Bà chê bánh chưng, dù là một biểu tượng văn hóa có huyền sử từ thời vua Hùng, nhưng lại đòi hỏi sự chuẩn bị quá sức vất vả, “nấu như trường kỳ kháng chiến”, nhiều “nguy cơ nhão, thiu, mốc, sống, sượng”, chỉ “xơi một góc đã nghẹn”. Bà cho rằng bánh chưng cần được giải thiêng, vượt ra khỏi cái gọng kìm của sự tưởng tượng rằng nó đã 4000 năm không đổi, rời khỏi cái bàn thờ cúng cụ..
Để nói về cái bánh chưng của Phạm Thị Hoài, chúng ta hãy bắt đầu với một ví dụ về con bò.
Văn hóa là một chiến lược sinh tồn
Chúng ta thường nghe ông bà cha mẹ nói rằng, các thế hệ tiếp nối có nghĩa vụ tôn trọng và giữ gìn truyền thống văn hóa. Tuy nhiên, từ góc độ sinh học tiến hóa, văn hóa chỉ có giá trị khi nó giúp con người sinh tồn.
Ví dụ, một trong những giả thuyết về nguồn gốc thờ thần bò ở Ấn Độ là do bò được coi như một con vật tối quan trọng trong nông nghiệp. Việc thần thánh hóa con bò khiến con người như được cài đặt một cơ chế tự động, tự nhiên (automatic) coi bò là linh thiêng.
Về mặt tiến hóa, việc biến một yếu tố văn hóa có ích thành thói quen tự động với danh nghĩa tôn giáo hoặc truyền thống, rồi được truyền từ đời này sang đời khác là cách tiết kiệm năng lượng và hiệu quả nhất. Nó khiến ta có thể đỡ lo nghĩ hơn để dành thời gian, công sức cho nhiều việc khác.
Tuy nhiên, việc thần thánh hóa con bò và tự động hóa điều đó thành truyền thống và tôn giáo, dù hiệu quả, nhưng cũng tước đi một phần lớn khả năng đặt ngược vấn đề. Nó thậm chí khiến ta quên đi lý do tại sao truyền thống này được hình thành.
Khi ai đó bỗng dưng làm khác đi, kẻ đó dễ dàng bị tấn công vì truyền thống không còn trực tiếp gắn với nguyên nhân gốc rễ của sinh tồn nữa (bò có ích cho nông nghiệp). Nó được gắn với những lý do có sức nặng tình cảm và trách nhiệm thuộc hàng bom tấn như tâm linh, thần thánh, số phận, sự tiếp nối thế hệ, cội nguồn dân tộc, ký ức, thói quen và danh tính.
Cái bánh chưng cũng tương tự như tục thờ bò, dù ở một mức độ thấp và đơn giản hơn rất nhiều. Những lý do phản đối cách nhìn của Phạm Thị Hoài thường mang tính truyền thống và hồi tưởng. Nhiều người tự nhận không hề thích bánh chưng, cả Tết ăn chưa hết một góc. Nhưng vì nó gắn với bao hình tượng đẹp đẽ và lãng mạn nên việc ai chê bai nó trở thành một sự tổn thương, thậm chí xúc phạm.
Vậy đến khi nào thì một nét văn hóa trở thành hủ tục rồi bị tẩy chay, hoặc trở thành dĩ vãng và dần bị lãng quên?
Khung lý thuyết của Endler trong khoa học tiến hóa đề ra 3 quy tắc để quyết định về số phận của một thực thể văn hóa hoặc sinh học: Sự đa dạng về kiểu hình (phenotype), mức độ phù hợp (fitness) và tính kế thừa (inheritance).
Đa dạng kiểu hình
Về nguyên tắc, sự đa dạng kiểu hình giúp quá trình chọn lọc văn hóa hiệu quả hơn, giúp một thực thể văn hóa trở thành một chiến lược văn hóa có ích cho sinh tồn hơn. Vậy bánh chưng có những biến hóa về hình dáng, màu sắc, nguyên liệu, kỹ thuật như thế nào? Nó có nhiều kiểu hình đặc sắc và phong phú không?
Câu trả lời là dường như ngoài bánh tét và chiếc bánh nhỏ thường bán để ăn sáng thì bánh chưng không có nhiều biến tấu khác qua bao nghìn năm. Hoặc cũng có thể là, bánh chưng đã từng có nhiều biến tấu, và cấu trúc như hiện nay là kết quả của sàng lọc văn hóa. Theo Lĩnh Nam Chích Quái ở thế kỷ 15, bánh chưng hiện nay giống với bánh chưng sơ khởi thời hoàng tử Lang Liêu.
Để so sánh, nhà văn Phạm Thị Hoài nhắc đến những sản phẩm văn hóa Việt có sức nặng như bánh mỳ, phở và áo dài - đều là kết quả của lai tạo, biến đổi và hư cấu truyền thống.
Bánh mì từng bị gọi là “bánh tây”, Việt hóa bằng cắt cúp và biến thể chiếc bánh Pháp dài baguette. Phở là sự kết hợp của món mỳ dân gian và những phần thịt bò còn lại sau khi người Pháp ăn bít-tết. Áo dài cách tân là kết quả của việc phụ nữ bị ép mặc quần thay váy thời Minh Mạng, tiếp nối bằng một quá trình liên tục biến đổi từ chiếc áo dài Võ Vương tới áo dài Le Mur, Lê Phổ, Trần Lệ Xuân...
Và vì thế, Phạm Thị Hoài cách điệu bánh chưng thành một món ăn có dạng lát mỏng, trang trí sang trọng.
Gợi ý của bà khiến ta tự hỏi, liệu mình có thể tạm thời thoát ra khỏi chế độ tự động, mặc định đã là bánh chưng thì nhất thiết phải gói như thế với những nguyên liệu như thế? Biết đâu khi bánh được biến tấu khác đi với nhiều kiểu hình khác nhau và do đó, có tiềm năng được chọn lọc để trở nên một thực thể văn hóa hiệu quả hơn?
Đa dạng mức độ phù hợp
Vậy một thực thể văn hóa phải như thế nào mới là “hiệu quả”? Đó chính là tiêu chí phù hợp về mặt công dụng hoặc nghệ thuật. Không phải sự phù hợp nào cũng có ích, nhưng chỉ cần một vài yếu tố còn có ích thì thực thể văn hóa đó còn có lý do tồn tại.
Thứ nhất, với chiếc bánh chưng, có thể nói đó là một món ăn đơn giản phù hợp với văn hóa lúa nước. Chiếc bánh được nấu bằng nguyên liệu thông dụng với cách làm dân dã, ăn ít no lâu.
Thứ hai, về mặt tinh thần, nó là một cái cớ để chòm xóm xum vầy quanh đống lửa suốt hơn chục tiếng. Điều này rất quan trọng trong văn hóa lúa nước. Bởi chúng ta cần sự tương trợ lẫn nhau để tồn tại. Với những nền văn hóa không có chữ viết hoặc kẻ biết chữ chủ yếu là giai cấp thống trị, những câu chuyện kể, dân ca hò vè truyền miệng là một phương pháp quan trọng để giữ gìn những nét văn hóa có tính chiến lược với sự sinh tồn.
Thứ ba, "tám" (gossiping) là cách để người dân tham gia điều hành xã hội và cân bằng cán cân quyền lực với giai cấp thống trị. Những câu chuyện bên bếp lửa vào ngày nông nhàn cũng giống mạng xã hội ngày nay. Ngoài những bất cập thì nó giúp ta được lắng nghe, giúp lãnh đạo tiếp cận tiếng nói của dân và điều chỉnh chính sách, giúp giữ gìn trật tự xã hội khi kẻ xấu bị nguyền rủa và người tốt được tôn vinh…
Thứ tư, trong bối cảnh cuộc sống hiện đại, việc “có thể nấu bánh chưng” trở thành một tín hiệu của sự có điều kiện. Những gia đình thành thị hoặc người Việt xa quê có khả năng đầu tư để tổ chức gói nấu bánh chưng như một hoạt động vui chơi về nguồn cũng thường là những gia đình có khả năng kinh tế, thời gian và nhu cầu văn hóa cao.
Trong sinh học tiến hóa, hiệu ứng này thường được minh họa bằng hình ảnh cái đuôi công. Cái đuôi to lớn nặng nề dường như không có ích gì về mặt tiến hóa, chỉ khiến cho con công dễ bị săn đuổi. Tuy nhiên, nó lại là tín hiệu để báo với công cái rằng: “Dù phải mang cái cùm nặng nợ này mà tôi vẫn sống sót, tôi hẳn là giỏi giang”.
Cuối cùng, có lẽ bánh chưng tồn tại bởi sự phù hợp trong vai trò khẳng định văn hóa Việt trước cái bóng khổng lồ Trung Hoa. Nhiều phong tục Tết Việt có nguồn gốc từ phương Bắc như đón năm mới theo lịch âm-dương hay tiền mừng tuổi. Tuy nhiên, bánh chưng có khả năng là thuần Việt.
Những vùng như Vân Nam, Quảng Tây cũng có bánh chưng nhưng đây vốn là vùng đất tộc Việt cũ, nên rất có thể đã du nhập truyền thống gói bánh chưng. Việc bánh chưng Việt kiên định với các nguyên liệu cơ bản không thay đổi cũng có thể là để khác biệt với bánh tông tử của Trung Quốc có hình kim tự tháp với gạo nếp và nhiều loại nhân đa dạng: đậu đỏ, xúc xích, trứng muối…
Đa dạng tính kế thừa
Các thực thể văn hóa được kế thừa bằng cách truyền dạy. Nhiều thế hệ người Việt đã học cách nấu gói bánh chưng từ ông bà cha mẹ mình. Tuy nhiên, nông thôn và gia đình thành thị có điều kiện vẫn là những cộng đồng có khả năng duy trì tính kế thừa này cao hơn.
Tương lai của bánh chưng?
Chiếc bánh chưng là một thực thể văn hóa thú vị. Nó hội tụ cả điểm mạnh và yếu, và cho đến gần đây vẫn là một thực thể văn hóa có sức nặng. Tuy nhiên, nếu nhìn vào ba tiêu chuẩn kể trên thì tương lai của bánh chưng không mấy chắc chắn trong một xã hội hiện đại.
Ở tiêu chí “kiểu hình”, bánh chưng không có nhiều điểm cộng, ở tiêu chí “kế thừa”, bánh chưng ngày càng khó truyền thụ đại trà. Việc ăn bánh chưng vì hồi ức và thói quen sẽ dần dần phai nhạt nếu thực thể văn hóa này không đóng góp với vai trò chiến lược sinh tồn.
Vì vậy, bánh chưng có khả năng tồn tại cao nhất ở tiêu chí “phù hợp” với tư cách là vai trò danh tính văn hóa, nhất là khi danh tính đó ít liên quan đến Trung Hoa.
Để đạt được điều này thì bánh chưng vừa phải giữ nguyên gốc, vừa phải biến tấu một cách phù hợp, vừa phải được đầu tư như một chính sách văn hóa ở tầm vĩ mô hơn là để mặc cho dân gian tùy cơ ứng biến.
Phạm Thị Hoài cho rằng bánh chưng quá thô kệch để xuất hiện trong nhà hàng sang trọng. Ta có thể tự hỏi rằng “làm thế nào để bánh chưng trở thành một món phổ biến hơn trong các quán ăn và đời sống thường ngày?”
Châu Á bị ảnh hưởng mạnh của văn minh Trung Hoa. Ngoài việc chấp nhận và biến đổi những điều vay mượn, sự tự tin và tầm ảnh hưởng của một dân tộc phụ thuộc rất nhiều vào cách dân tộc đó tôn vinh và nâng tầng những nét văn hóa khác biệt, biến những điều khác biệt dù nhỏ thành đặc trưng của danh tính cộng đồng.
Ví dụ, bánh chưng và cây nêu hoàn toàn có thể là những thực thể văn hóa nền tảng để xây dựng một khái niệm Tết Việt nhuần nhị và gần gũi hơn.