Tóm Lại Là: 100.000 chữ A, tin hay không tin? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Tóm Lại Là: 100.000 chữ A, tin hay không tin?

Đi tìm sự thật đằng sau phong trào 100.000 chữ A. Hiệp hội VAN có mục đích gì khi khởi xướng chiến dịch này trên mạng xã hội?
Tóm Lại Là: 100.000 chữ A, tin hay không tin?

Tóm Lại Là: 100.000 chữ A, tin hay không tin?

1. Chuyện gì đang xảy ra trên Facebook?

Hơn một tháng nay, hàng ngàn cư dân mạng đăng hình cá nhân cùng 3 hashtag bắt đầu bằng chữ A: #autism (hội chứng tự kỷ), #awareness (nhận thức), và #a365 (chương trình miễn phí hỗ trợ trẻ tự kỷ Autism 365).

Tháng 4 hằng năm là Tháng Tự kỷ Quốc tế (World Autism Month). Và 100.000 Chữ A là một chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về chứng tự kỷ.

2. Ai khởi xướng chiến dịch này?

Chiến dịch truyền thông 100.000 Chữ A do Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam (VAN) khởi xướng từ 10/03/2020 đến 15/04/2020.

Người tham gia sẽ đăng lên Facebook những bức hình đẹp, lạc quan (ưu tiên hoạt động thể thao), gắn 3 hashtag trên. Mỗi bài đăng tính là 3 chữ A.

Nếu thu thập đủ 100.000 chữ A, nhà tài trợ Grand Challenges Canadian sẽ tặng 200 triệu để VAN tổ chức các khóa tập huấn cho phụ huynh có con tự kỷ. Nếu không đủ, nhà tài trợ vẫn xem xét trao gói vì những nỗ lực của VAN.

3. Vì sao VAN khởi xướng 100.000 Chữ A?

Ngoài mở gói tài trợ, theo VAN, 100.000 Chữ A sẽ có hiệu ứng:

  • Lan tỏa trong cộng đồng mối quan tâm về tự kỷ, một hội chứng bị hiểu nhầm rất nhiều ở Việt Nam;
  • Khiến chứng tự kỷ được cộng đồng nhận thức sớm, phát hiện sớm;
  • Giúp gia đình can thiệp chứng tự kỷ bằng các phương pháp khoa học;
  • Giúp người tự kỷ sống độc lập, không trở thành gánh nặng xã hội;
  • Giới thiệu trang web A365 đến những gia đình đang cần.

4. Cư dân mạng phản ứng như nào với dự án này?

Những chiến dịch nhận thức và gây quỹ tương tự 100.000 Chữ A đã được tổ chức rất nhiều trên thế giới, đình đám nhất là Ice Bucket Challenge, Movember, và No Makeup Selfie.

Có hai đặc điểm chung giữa hầu hết chiến dịch nổi nhất. Đầu tiên, chúng cho người tham gia cơ hội thế hiện bản thân, như khoe hình đẹp, trổ tài, nói lên quan điểm. Thứ hai, chúng gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng.

Cư dân mạng nghi ngờ danh tính và động cơ của nhà tổ chức. Các nhà tài trợ bị chỉ trích vì lạm dụng từ thiện để đánh bóng tên tuổi.

Cộng đồng chất vấn hiệu quả thực tế của thứ gọi là “nhận thức”. Đăng hình bị cho là một cách “siêu lười” để giải quyết vấn đề xã hội và tạo ảo tưởng đóng góp (slacktivisim).

Và 100.000 Chữ A không phải ngoại lệ.

Cư dân mạng lo lắng việc VAN khuyến khích đăng hình trẻ nhỏ khiến quyền riêng tư và an toàn của các bé bị đe dọa. Nhiều người cho rằng 200 triệu là quá ít để xứng đáng với chiến dịch viral này, nên “chắc hẳn phải có gì mờ ám”, hoặc “ai đó âm thầm trục lợi từ dữ liệu người tham gia”.

Sau đó là vô vàn thuyết lừa đảo và âm mưu.

5. 100.000 Chữ A, tin hay không tin?

Từ khi chiến dịch này bị chỉ trích, rất nhiều phụ huynh và người nổi tiếng có con/người thân sống với tự kỷ lên tiếng bảo vệ VAN.

Họ chia sẻ trải nghiệm cá nhân khi được tổ chức này hỗ trợ. Họ giúp VAN giải đáp các chất vấn từ cộng đồng mạng. Họ giúp cư dân mạng xác thực lời đồn, chỉ ra VAN chưa bao giờ khuyến khích chia sẻ ảnh trẻ con mà chỉ kêu gọi đăng ảnh “đẹp, lạc quan”.

Nhiều thành viên mới cảm ơn chiến dịch đã mang họ tới cộng đồng hỗ trợ người có hội chứng tự kỷ mà trước đó họ không biết.

6. Cuối cùng VAN đã thu thập được bao nhiêu chữ A?

Khi chiến dịch kết thúc (16/04), VAN thu thập được gần 500,000 chữ A.

Tổ chức này gửi lời cảm ơn tới những người ủng hộ, và xin lỗi vì không có đủ nguồn lực giải đáp tất cả các thắc mắc của cộng đồng mạng.

7. Hậu 100.000 Chữ A, còn lại gì cho nhận thức?

Vietcetera hiểu, có thể bạn bị cuốn vào vòng xoáy tranh cãi nên chưa kịp Google để nâng cao nhận thức về hội chứng tự kỷ.

Vậy nên, chúng tôi tập hợp cho bạn 5 điều cơ bản nhất về hội chứng này:

1. Theo WHO, hội chứng Rối loạn phổ tự kỷ là một dạng khuyết tật phát triển suốt đời, bộc lộ ngay từ những năm đầu đời.

2. Đặc trưng của tự kỷ gồm khiếm khuyết về tương tác xã hội, khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ, cùng những hành vi và sở thích mang tính hạn hẹp, lặp đi lặp lại.

3. Tự kỷ là hội chứng bẩm sinh, không phải là bệnh hay một trạng thái tinh thần. Bạn không thể “mắc bệnh tự kỷ” vì sang chấn tâm lý, ở một mình quá lâu, hay có cha mẹ độc hại.

4. Không nên đăng những câu tếu táo như “ở nhà suốt vậy thì tự kỷ mất”. Nó khiến cộng đồng ngày càng hiểu sai về chứng tự kỷ, và bình thường hóa những câu đùa cợt về hội chứng này.

5. Cho tới nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm được nguyên nhân và cách điều trị hội chứng này.

6. Không nên dùng từ “bị (bệnh) tự kỷ”, “chữa (bệnh) tự kỷ”. Hãy dùng những từ ngữ tôn trọng, đúng khoa học như “người có hội chứng/rối loạn phổ tự kỷ”, “can thiệp, giúp đỡ người có hội chứng tự kỷ”.