Christoph Niemann: Muốn thú vị thì phải cam chịu | Vietcetera
Billboard banner

Christoph Niemann: Muốn thú vị thì phải cam chịu

Làm sao để đối mặt với khó khăn của nghề sáng tạo mà vẫn giữ sự háo hức trẻ thơ?
Christoph Niemann: Muốn thú vị thì phải cam chịu

Christoph Niemann chụp bởi Matthew Priestley

Christoph Niemann được coi là một họa sĩ minh họa nổi tiếng nhất trong 2 thập niên vừa qua. Anh thường minh họa cho những tờ báo lớn như New Yorker Times hay The New Yorker, cũng như vô số dự án, sách, triển lãm cá nhân.

Dự án nổi tiếng nhất có lẽ là Sunday Sketches, khi anh biến những vật dụng đời thường thành những bức tranh tinh tế và hài hước.

Muốn thú vị thì phải cam chịu

Niemann thường xuyên vẽ những bức tự họa mà trong đó, người họa sĩ bứt rứt, phân bua với tờ giấy trắng. Sau tất cả những trăn trở chật vật, có thể một ý tưởng thú vị sẽ thành hình, có thể không.

Như Niemann trả lời The Talk:

“Tôi nghĩ điều khác biệt cốt lõi giữa một người thành công với một kẻ thất bại trong nghệ thuật là việc họ có thể chịu được thất vọng mà không mất đi lòng háo hức trẻ thơ.”

“I think the most important difference between a person who is successful in art and a person who is not successful is how much frustration a person can take without losing this childish enthusiasm.”

Hai tác phẩm từ chùm tranh The Creative Process

Người sáng tạo phải cam chịu khi lên ý tưởng, chấp nhận bỏ đi những ý tưởng chưa đạt và đẩy trí tưởng tượng đi khỏi vùng an toàn. Như Niemann trả lời Designboom năm 2013: “Con đường duy nhất dẫn tới thành công đi qua dãy núi của những ý tưởng đã bị tiêu diệt.”

Dù một ý tưởng phù hợp lóe sáng, quá trình thực hiện và chỉnh sửa vẫn chẳng hề dễ dàng. Niemann miêu tả quá trình không ngừng chỉnh sửa của mình, để kết quả cuối cùng trông như thể “đương nhiên”, như “từ trên trời rơi xuống”, như đáp án tất yếu cho đề bài ấy.

“Quá trình hoàn thiện tranh của tôi chẳng có gì thần kỳ hấp dẫn. Giống như điêu khắc, khi tôi phải gọt đi từng phần của một tảng đá và chậm rãi tiến đến một hình khối hoàn chỉnh. Đó cũng là mong mỏi đạt đến một hình hài duyên dáng khiến người đọc cảm thấy xúc động.”

Chậm rãi và chật vật là con đường đúng. Niemann trả lời FvF: “Tôi có thể thực hiện hiệu quả lịch làm việc hàng ngày, công nghệ và mọi thứ khác. Nhưng có một thứ không được và không-thể hiệu quả được, đó là việc sáng tạo. Một khi bạn bắt đầu tính toán cách nào nhanh hơn hoặc tốt hơn, bạn bắt đầu bỏ qua những sai lầm. Nên tôi cố gắng càng kém hiệu quả [trong việc sáng tạo] càng tốt.”

Một số tranh Sunday Sketches của Niemann. Mỗi bức tranh là một lần Niemann ngồi trước một đồ vật mà không có ý tưởng mặc định để thử nghiệm mọi cách sắp xếp và góc nhìn.

Quả thật, quá trình sáng tạo sẽ thường xuyên khó chịu, đầy ắp sự thất vọng và tự nghi hoặc. Trốn chạy không phải giải pháp - ta phải đối mặt trực diện và tiếp tục sáng tác mặc cho cảm giác thất vọng cận kề.

Như Niemann nói với NPR: “Bạn cần những giây phút khó chịu, những cảm xúc bất mãn. Khi bạn chạy bộ, bạn biết rằng mình sẽ đổ mồ hôi và có lúc kiệt sức. Chỉ khi bạn chấp nhận thực tế ấy rồi thì mới có thể tận hưởng những điều khác. Tôi nhận ra rằng, khi bạn chấp nhận [sự khó chịu] cũng là lúc bạn từ bỏ mong muốn điều khiển, và thả mình vào sự bất định. Chỉ khi đó, bạn mới đạt đến một cảnh giới công việc đem lại cảm giác thỏa mãn.”

Tìm đúng phong cách để diễn đạt ý tưởng

Một trăn trở lớn khi sáng tạo, đặc biệt trong giới minh họa, là việc đi tìm phong cách cá nhân. Mỗi người sáng tạo sẽ có một con đường riêng: có người gắn bó và phát triển dựa trên một phong cách, và cũng có người có nhiều phong cách đa dạng mà không mất đi “chất riêng.”

Trái: Tranh Niemann thực hiện trong chuyến đi cho National Geographic tại Việt Nam. Phải: Tranh bìa cho ZEIT Magazin vẽ Nhà hát Deutsche Oper, Berlin

Khi nói về phong cách, Niemann trả lời It’s Nice That: “Tôi dùng phong cách như một phông chữ - thứ gắn kết một tác phẩm chính là ý tưởng (concept).” Quả thật, Niemann có nhiều cách minh họa đa dạng, từ lối tả thực giàu tính ấn tượng cho đến những đường nét giản lược.

Các tác phẩm có thể khác biệt về phong cách và chất liệu, nhưng luôn giàu tính kể chuyện và ý tưởng sắc bén, tạo cảm giác kết nối đầy trữ tình với người xem. Với Niemann, anh ứng dụng linh hoạt nhiều phong cách nhờ theo học chuyên ngành thiết kế đồ họa khi còn học đại học, nơi anh học về nhiếp ảnh, hoạt hình, thiết kế chữ và dàn trang.

Một số bìa The New Yorker của Niemann.

Cụ thể, trong bài phỏng vấn với Eye Magazine năm 2009, Niemann nói: “Tôi vốn là một nhà thiết kế từ khi đi học, và cách tôi làm việc với phong cách vẽ minh họa tương tự như một nhà thiết kế đồ họa dùng các phông chữ... Cuối cùng thì ý tưởng mới là thứ quyết định phong cách tôi sẽ dùng."

Mỗi ý tưởng cần vừa đúng một lượng tả thực hay trừu tượng, giữa sự ấm áp của cảm xúc hoặc hình ảnh khách quan sắc lạnh. Tôi luôn mở rộng phong cách của mình, và thực hành những cách giải quyết vấn đề mới, không phải để thỏa mãn lòng tự phụ, mà vì đây là một thực hành thiết yếu với tôi.”

Cần đề phòng với việc bó buộc bản thân vào một phong cách thể hiện, mà nên thử mọi phong cách và phương tiện để biểu đạt tốt nhất ý tưởng của mình. Với việc minh họa và thiết kế, luôn có một vấn đề, một bài toán cần được giải đáp.

Niemann trả lời It's Nice That năm 2012: “Tôi luôn nghĩ về bản thân như một người giải quyết vấn đề! Bất kỳ dự án nào, dù cá nhân hay đến từ một khách hàng, đều cần được chia nhỏ thành từng nhóm vấn đề mà tôi cần giải quyết - một chu trình không mấy hấp dẫn như mọi người thường nghĩ.”

Quá trình thử nghiệm và chỉnh sửa ấy được vén màn trong tập đầu tiên trong series phim tài liệu Abstract: The Art of Design của Netflix, khi Niemann đang chuẩn bị cho bìa tờ The New Yorker.

Hành trình sáng tạo luôn gian nan, vì đây cũng chính là hành trình để ta khám phá bản thân mình. Như cách nhìn của Niemann: “Cuối cùng thì, kết hợp giữa sự thất vọng, sự chống đối và lòng nhiệt thành, tôi mong mình sẽ tìm thêm được chút tâm hồn.”