1. Cà khịa là gì?
Cà khịa là gây sự để cãi nhau, đánh nhau. Ví dụ: Cà khịa với mọi người, tính hay cà khịa.
Cà khịa theo từ điển từ ngữ Nam Bộ còn có nghĩa là hay gây gổ, hay xen vào chuyện người khác, khiến mọi chuyện xấu đi.
Ngày nay, cộng đồng mạng dùng từ cà khịa với ý nghĩa: đâm chọt, nói móc một cách tế nhị, nhưng đem lại niềm vui, tiếng cười cho mọi người.
2. Nguồn gốc gây bất ngờ của cà khịa?
Cà khịa là từ vay mượn của tiếng Khmer và phổ biến ở khu vực miền Tây Nam Bộ, đặc biệt ở những tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc Khmer cao như Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang.
Các từ Khmer có cách đọc như khvay, chhvơ khi “hòa nhập” với tiếng Việt sẽ trở thành từ có nhiều tâm tiết. Âm tiết phụ biến thành âm tiết chính. Ví dụ: Lnong > lóng ngóng; Lngơ > lơ ngơ.
Từ “cà” trong cà khịa, cà nhắc, cà tàng được cho là biến âm từ âm tiết k trong tiếng Khmer.
Cà khịa là từ vựng “lâu đời” và đã được dùng trong nhiều tác phẩm văn học như “Dế Mèn phiêu lưu ký” hoặc “Kính vạn hoa”. Năm 2010, tác giả Huyền Trang còn xuất bản cuốn sách dành cho ba mẹ có tên “Đối mặt với những hành vi cà khịa của trẻ”.
Sự ảnh hưởng của tiếng Khmer không chỉ thể hiện trong lời nói xã giao hằng ngày của người dân miền Tây mà còn ở cách đặt tên địa danh: Sa Đéc (biến âm từ Psar Dec), Bạc Liêu (Po Loeuth), Cà Mau (Tuk Khmau).
3. Cà khịa phổ biến khi nào?
Cà khịa nổi lên vào năm 2019 nhờ vào loạt clip của nhóm hài Welax. Từ khóa này được tận dụng triệt để trong loạt clip hài, nổi bật là clip “Cách hoàn hảo nhất để cà khịa người yêu cũ”, đạt 3.3 triệu lượt xem trên Facebook.
Sau này, một số nghệ sĩ hài như Hoài Linh, Huỳnh Lập hoặc nhóm hài Vlog 1977 cũng tái sử dụng từ khóa này. “Vòng đời” của cà khịa phát triển cực đại vào khoảng tháng 8 năm 2019.
Trang “Best cà khịa” thành lập từ tháng 9 năm 2019, đến nay có hơn 532.619 người theo dõi. Đây là minh chứng cho tầm ảnh hưởng của cà khịa.
Xét về nghĩa gốc, cà khịa mang sắc thái tiêu cực, thường gắn với những lời nói và hành động lỗ mãng. Tuy nhiên khi trở thành trào lưu, mức độ của cà khịa đã trở nên nhẹ nhàng, “thanh lịch” hơn, chủ yếu để đùa vui giữa bạn bè.
Cà khịa ra đời trong “cơn khát” của văn hóa châm chọc. Trước đó, cư dân mạng thường chuộng dùng những từ như “đá xoáy”, “đâm chọc”, “xỉa xói” và gần nhất là “khẩu nghiệp”.
Sự phổ biến của mạng xã hội trao cho con người “quyền năng” được bình phẩm một cá nhân nào đó. Một scandal nổi lên, hàng chục bài viết “bóc phốt” xuất hiện, kéo theo theo sự “hả hê” của cộng đồng mạng khi được chỉ trích, chê bai ai đó.
Hiện tượng này diễn ra thường xuyên đến nỗi trở thành một hệ thống. Vì vậy mà bộ từ vựng (và cả từ đồng nghĩa) mô tả lại các cấp bậc của hệ thống này cũng được xây dựng “bài bản”.
4. Dùng cà khịa như nào?
Cà khịa có khả năng biến hóa linh hoạt, có thể “lắp” vào các câu châm ngôn, danh ngôn đến các lời “tuyên thệ”:
- Nhân chi sơ tính cà khịa: sinh ra đã phải gánh “nghiệp” đi mỉa mai người khác.
- Trong tất cả loại cà, thích nhất cà thẻ, ngon nhất cà phê, nhưng mê nhất là cà khịa: tận dụng lối chơi chữ. Có một cách nói tương tự là “trong tất cả các loại kèn, em ưa nhất là kèn cựa”.
- Đừng bao giờ đi cà khịa một mình: Chế từ sách “Đừng bao giờ đi ăn một mình”.
- Thanh xuân như một chén trà / sống không cà khịa thì trà mất ngon.