Tại sao lại gọi là đồ si-đa? | Vietcetera
Billboard banner

Tại sao lại gọi là đồ si-đa?

Đồ SIDA (hay si-đa) không hề liên quan gì đến bệnh SIDA.
Tại sao lại gọi là đồ si-đa?

Nguồn: Hân Nguyễn cho Vietcetera

1. Đồ si là gì?

Đồ si hay còn gọi là đồ SIDA. Đây là dạng quần áo được nhập về theo kiện, đã qua sử dụng nhưng vẫn có chất lượng tốt.

Có nhiều cái tên khác để gọi mặt hàng này như đồ si (hoặc xi), đồ sổ, đồ 2hand, đồ xôn. Không như mọi người thuờng nghĩ, đồ SIDA (hay si-đa) không hề liên quan gì đến bệnh SIDA (Hội chứng suy giảm miễn dịch). SIDA trong trường hợp này là ghi tắt của chữ Swedish International Development Cooperation Agency (Tổ chức hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển).

2. Đồ si phổ biến khi nào?

Thuỵ Điển là một trong những nước phương Tây đầu tiên đã công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ năm 1969. Trong khoảng thời gian đó, tổ chức SIDA đại diện cho Thuỵ Điển đã liên tục hỗ trợ cho Việt Nam về nhiều mặt, từ phát triển kinh tế đến các mặt hàng thông dụng.

Vào khoảng thập niên 1980s, các kiện quần áo được người dân Thuỵ Điển khuyên góp và giặt sạch sẽ sau đó gửi tới hỗ trợ người dân Việt Nam trong thời kỳ Đổi Mới. Và đó là cách mà cái tên "quần áo si-đa" ra đời. Dù bây giờ quần áo cũ theo kiện được nhập từ nhiều nguồn khác nhau nhưng cái tên đồ si vẫn hay được sử dụng.

Trong những năm gần đây xu hướng thời trang bền vững và thời trang các thập niên trước lên ngôi. Đồ si quay lại và chinh phục giới trẻ. Sự độc-lạ và chỉ có duy nhất một món của đồ si cũng là lý do loại đồ này được lòng những người yêu thời trang.

Với tâm lý cũ người mới ta, nhiều cửa hàng mở ra để bán hàng si “tuyển chọn" kỹ lưỡng với nhiều mẫu mã. Điều này cũng “đẩy giá” đồ si lên một mức mới. Đó là chưa kể đôi khi trong một kiện đồ sẽ có những món hàng cũ-nhưng-cổ của những nhãn hàng lớn, mang tính sưu tầm cao.

3. Dùng từ đồ si như thế nào?

Từ "đồ si" hay "quần áo si-đa" đã sớm trở thành một “loại" quần áo riêng. Trong tiếng Anh chúng ta có từ “secondhand" hay “thrift-clothes".

Thường thì giới trẻ dùng cụm từ “săn đồ si", “lựa đồ si" nhấn mạnh tính chất “truy lùng" để tìm được món đồ độc lạ ưng ý.