1. Trồng cây si là gì?
Trồng cây si được hiểu là việc “cắm rễ" một chỗ nhằm thu hút sự quan tâm của đối phương mà không nhất thiết phải nói rõ tình cảm. Bên cạnh đó, trồng cây si còn cách nói ví von tâm trạng theo đuổi ai đó của một người dù không chắc được nhận lời hay bị từ chối.
2. Nguồn gốc của trồng cây si?
Trồng cây si ra đời tại Việt Nam từ khoảng những năm 1980 bởi hình ảnh các chàng trai ngại ngần đứng trước ngõ hay nhà cô gái. Điều này phổ biến là bởi vì muốn cửa đổ cô gái phải đến nhà xin phép phụ huynh; thư tay thì lâu (nhiều khi còn ngại) mà Internet lại chưa có.
The Giving Tree, cuốn sách tranh thiếu nhi ra đời tại Mỹ (1964) kể câu chuyện một cây táo đứng yên một chỗ, cho đi và chờ đợi người bạn của mình. Sau này, ban nhạc rock Plain White T's (Mỹ) đã lấy cảm hứng câu chuyện này và viết ra ca khúc cùng tên với màu sắc “trồng cây si".
3. Trồng cây si phổ biến như thế nào?
Trồng cây si được sử dụng phổ biến trong cả giao tiếp hàng ngày lẫn văn chương, nghệ thuật. Mới đây, trồng cây si được nhắc đến nhiều hơn sau khi Đen Vâu ra mắt MV Trốn tìm và đạt top 1 trending trên Youtube. Trong đó, rapper “trồng cây si” mãi mới chịu bỏ đi vì không chờ được cô gái mà anh thương.
Bộ phim Hướng Dương Ngược Nắng gây sốt có phân đoạn nhân vật Kiên (Hồng Đăng) "trồng cây si" trước nhà Châu (Hồng Diễm) vào lúc nửa đêm, thu hút sự quan tâm của khán giả. Nhiều người xem đã khuyên nhân vật này nên về nhà kẻo muỗi cắn.
Trong âm nhạc, ca khúc Lắm mối tối nằm không (tác giả: Kata Trần và Thịnh Kainz) của Hoàng Thùy Linh cũng sử dụng cụm từ trồng cây si rất duyên dáng: "Anh kia trông rất hay/ Thấy anh ôm cây si trước sân nhà".
Nhiều câu chuyện về trồng cây si từ hạnh phúc đến thất bại từng được chia sẻ trên truyền thông và mạng xã hội. Streamer VirusS từng chia sẻ hiện tượng trồng cây si trong bài đăng trên mạng xã hội thu hút hơn 3,7 nghìn lượt yêu thích.
4. Cách trồng cây si?
Trồng cây si có thể ứng dụng trong trường hợp khác nhau. Nếu tính "cưa đổ" ai đó mà vẫn ngại ngần, bạn có thể trồng cây si trước cửa nhà nàng. Đây là chiến thuật chiếm lấy tình cảm của đối phương khá hiệu quả. Nhưng nhớ rằng, không phải trồng cây si lúc nào cũng… thành công.
Trồng cây si còn có thể được sử dụng như một "ý văn học" trong các tác phẩm nghệ thuật, gồm cả văn chương, điện ảnh, âm nhạc. Thay vì miêu tả một cách dài dòng, bạn có thể mượn hình tượng này để kể hoặc khiến cho câu chuyện thêm hấp dẫn.
Còn trong giao tiếp hàng ngày, trồng cây si có thể được dùng như sau:
A: Tao qua nhà cổ suốt mà cổ vẫn ngó lơ tao hoài.
B: Mày trồng cây si làm chi để rồi ôm tương tư một mình.