Chưa thể chắc chắn về sai phạm của các nghệ sĩ trong hoạt động từ thiện | Vietcetera
Billboard banner

Chưa thể chắc chắn về sai phạm của các nghệ sĩ trong hoạt động từ thiện

Là những người tiêu thụ truyền thông, ta nên làm gì để tỉnh táo trước nhiều luồng thông tin?
Chưa thể chắc chắn về sai phạm của các nghệ sĩ trong hoạt động từ thiện

Cho đến nay, chưa có gì chắc chắn về những sai phạm (nếu có) của các nghệ sĩ. | Nguồn: Thủy Tiên.

1. Chuyện gì vừa xảy ra?

Tối 28/12, Bộ Công an đã thông báo về tiến trình điều tra hoạt động từ thiện của các nghệ sĩ. Theo đó, quá trình điều tra nhận thấy lượng tiền đổ vào tài khoản ít hơn số tiền được từ thiện. Việc này có xác nhận của các Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và cá nhân liên quan.

Tuy nhiên, Bộ Công an cũng cho biết đây chưa phải kết quả chính thức. Theo đó, cơ quan điều tra vẫn cần tiếp tục làm rõ một số nội dung liên quan, đến ngày 15/01/2022 sẽ thông báo kết quả cuối cùng.

2. Chúng ta đã biết, và chưa biết những gì?

Như tất cả chúng ta đã biết, trong mùa mưa lũ năm 2020, nhiều người nổi tiếng đã kêu gọi quyên góp ủng hộ cho đồng bào miền Trung. Nổi bật trong đó có ca sĩ Thủy Tiên (kêu gọi được hơn 177 tỷ đồng), MC Trấn Thành (kêu gọi được hơn 9 tỷ đồng) và danh hài Hoài Linh (kêu gọi được hơn 14 tỷ đồng).

Dù mùa mưa lũ đã qua, 3 nhân vật này bất ngờ được cộng đồng mạng “gọi tên” do nghi ngờ không minh bạch trong hoạt động từ thiện. Để chứng minh, Thủy Tiên và Trấn Thành đã tiến hành sao kê tài khoản kêu gọi từ thiện. Riêng Hoài Linh thì cho biết anh đã chậm giải ngân khoản tiền được quyên góp, tuy nhiên tuyên bố không có khuất tất và sau đó đã tiến hành giải ngân.

Tuy vậy, sự việc tiếp tục được quan tâm rộng rãi. Nhiều cá nhân đã gửi đơn tố cáo cho cơ quan công an, đề nghị điều tra sai phạm của các nhân vật này. Cơ quan điều tra vì thế vào cuộc để tiến hành xác minh, và đến nay vừa họp báo để thông báo sơ bộ, trước khi có kết quả điều tra cuối cùng vào ngày 15/01 tới.

Cho đến nay, chưa có gì chắc chắn về những sai phạm (nếu có) của các nghệ sĩ. Ở diễn biến mới nhất, Công an TP HCM cũng vừa xác định không có dấu hiệu tội phạm trong việc nghệ sĩ Hoài Linh quyên góp từ thiện, do đó không khởi tố vụ án.

3. Chờ đợi gì sau thông báo của Bộ Công an?

Thông báo của Bộ Công an chưa cho biết quá nhiều thông tin. Thông báo chỉ đề cập đến “một số nghệ sĩ”, chứ chưa nói rõ những nghệ sĩ được nhắc đến là ai. Ta chưa thể chắc chắn 100% liệu có khuất tất, hay oan sai trong các cáo buộc.

Ngoài ra, do không nói rõ, thông báo của Bộ Công an nhiều khả năng cũng mới cân nhắc từ số liệu mà các địa phương báo cáo lên, chứ chưa có thông tin về việc cơ quan điều tra làm việc với các ngân hàng và tổ chức liên quan khác.

Chính vì vậy, kết quả điều tra cuối cùng vào ngày 15/01 tới đây được kỳ vọng sẽ giải quyết những thắc mắc trên. Một thông báo đầy đủ, chỉ rõ liên quan của từng cá nhân và hướng xử lý tiếp theo sẽ giải quyết sự kiện tốn nhiều giấy mực này.

Công an TP HCM cũng vừa xác định không có dấu hiệu tội phạm trong việc nghệ sĩ Hoài Linh quyên góp từ thiện, do đó không khởi tố vụ án. | Nguồn: Thanh Niên.

4. Nghệ sĩ có thể làm gì để việc từ thiện hiệu quả hơn?

Theo chuyên gia Nguyễn Hoàng Khánh Tiên, Trưởng ban Đào tạo chương trình MDP thuộc AVSE Global, nghệ sĩ có thể cân nhắc kết hợp ngay từ đầu với các tổ chức chuyên nghiệp. Họ cũng có thể trở thành đại sứ cho những chiến dịch cứu trợ, giúp tăng cường khả năng huy động nguồn lực.

Nghệ sĩ cũng có thể tự kêu gọi, nhưng sau đó tham khảo hướng dẫn từ các tổ chức chuyên nghiệp để triển khai hoạt động cứu trợ nhân đạo, dự án phục hồi bền vững và tuân thủ minh bạch tài chính.

Ngoài ra, để tránh các rắc rối liên quan đến vấn đề minh bạch, các đơn vị kêu gọi từ thiện cũng nên chuẩn bị và lưu trữ các giấy tờ chứng minh được nguồn thu và nguồn chi. Đó có thể là giấy biên nhận, danh sách ký nhận, biên bản bàn giao giữa các bên, phiếu chuyển tiền từ ngân hàng, hay thậm chí là hình ảnh.

5. Nhà nước có thể quản lý tốt hơn việc từ thiện như thế nào?

Những lùm xùm xoay quanh chuyện từ thiện của các nghệ sĩ thời gian qua cho thấy những lỗ hổng chính sách nhất định. Với vai trò là chủ thể ban hành các chính sách, nhà nước là nhân tố quan trọng cho các sự thay đổi.

Luật pháp Việt Nam hiện tại chưa cho phép các cá nhân tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ để quyên góp. Nếu muốn làm từ thiện, ta có thể thành lập quỹ từ thiện, nhưng phải gồm ít nhất ba sáng lập viên, có ít nhất 2,5 tỷ đồng và mất ít nhất 40 ngày để làm hồ sơ xin phép.

Việc làm từ thiện vì thế nếu muốn hợp pháp cần xin được giấy phép, mà ta hay gọi là “giấy phép con”. Giấy phép con xưa nay vẫn được các cơ quan quản lý yêu cầu cho nhiều hoạt động dân sự và hoạt động kinh doanh, với kỳ vọng giúp quản lý chặt chẽ hơn. Tuy vậy, việc tồn tại quá nhiều thủ tục cần giấy phép con thực tế lại khiến việc quản lý trở nên khó khăn.

Vì thế, theo chuyên gia chính sách công Nguyễn Minh Đức, thay vì yêu cầu các cá nhân, tổ chức phải xin phép mới được làm, cơ quan nhà nước có thể yêu cầu các cá nhân tiếp nhận quyên góp phải công khai việc sử dụng số tiền này, đồng thời xử lý các hành vi lừa đảo, lợi dụng hoạt động này để chiếm đoạt thành của riêng.

Cắt giảm các giấy phép con trong hoạt động từ thiện giúp hiện thực hóa việc này, vì nó khuyến khích các cá nhân và tổ chức làm từ thiện công khai minh bạch. Các vấn đề liên quan cũng được chuyển sang cơ chế báo cáo thông tin và hậu kiểm, thay vì phải cấm triệt để ngay từ đầu.

Và trên thực tế, Chính phủ cũng đã nhận thấy những hạn chế của tình trạng giấy phép con trong kinh doanh, dẫn đến chỉ đạo quyết liệt để cắt giảm.

Từ thiện sao cho đúng và hiệu quả là việc không hề đơn giản. | Nguồn: Hanoimoi.

6. Từ thiện có phải chỉ dừng ở việc… sao kê?

Từ thiện sao cho đúng và hiệu quả là việc không hề đơn giản. Theo chuyên gia Nguyễn Hoàng Khánh Tiên, công tác phát triển cộng đồng gồm 3 tầng. Trong đó, các hoạt động cứu trợ, từ thiện nằm ở tầng 1. Hai tầng cao hơn lần lượt hướng đến xây dựng nội lực cho cộng đồng để từng bước vượt qua vấn đề của chính họ; và vận động để chính phủ ban hành quy định nhằm tạo nền tảng chính sách, hỗ trợ thực thi các giải pháp cộng đồng đã được kiểm chứng.

Việc sao kê vì vậy, dù được thực hiện đầy đủ đến đâu cũng chỉ cho thấy được các giao dịch thu - chi của các hoạt động thiện nguyện, chứ chưa thể đo đếm được độ hiệu quả, cũng như tính đúng mục đích như kêu gọi tài trợ ban đầu.

Hình ảnh ca sĩ Thủy Tiên phát tiền mặt cho người dân là minh chứng rõ rệt của việc từ thiện ở “tầng 1”. Trong khi nếu việc từ thiện được thực hiện một cách chuyên nghiệp hơn, số tiền lớn được kêu gọi bởi những người nổi tiếng có thể được sử dụng hiệu quả vào “tầng 2” và “tầng 3”, nơi chúng có thể đem lại kết quả tích cực lâu dài.

7. Là những người tiêu thụ truyền thông, ta nên làm gì để tỉnh táo trước nhiều luồng thông tin?

Chuyện từ thiện của các nghệ sĩ là một sự kiện, và những quan điểm từ các influencers trên mạng xã hội là chất xúc tác tạo nên những lùm xùm. Chính vì thế, ta cần tỉnh táo trước những luồng thông tin, để tiêu thụ truyền thông một cách đúng đắn.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Stuart Hall, để nâng cao kỹ năng phản biện truyền thông, ta nên tự trả lời 5 câu hỏi:

[1] Ai tạo ra thông tin này?

[2] Thông tin được tạo ra hướng tới ai?

[3] Thông tin được tạo ra trong hoàn cảnh nào?

[4] Thông tin được tạo ra nhằm mục đích gì?

[5] Ai được lợi, chịu thiệt từ thông tin này?

Hãy tỉnh táo, vì khi chưa có kết quả cuối cùng từ cơ quan điều tra, mọi lời kết luận/buộc tội là vô nghĩa.