Tôi đang trải qua tháng đầu xa nhà trong chuyến du học 5 năm của mình, cũng là chuyến đi đầu tiên tôi có tới phương Tây. Xa nhà 13 vạn ki-lô-mét, miền Đông Nam Canada đòi hỏi những kinh nghiệm sống hoàn toàn khác so với những “ngôi nhà” tôi từng có trước đây trong khu vực Châu Á.
Điều tôi sợ là mình phải bỏ về vì “không hợp môi trường,” “không thể thích nghi” và một số lý do khác có thể phòng ngừa bằng việc chuẩn bị kỹ lưỡng. Đó là chuyện nhiều bạn bè, thậm chí người thân ruột thịt của tôi từng gặp phải.
May thay, kinh nghiệm sống, với tôi, hoàn toàn có thể chuẩn bị được từ trước - dù rằng mọi sự chuẩn bị chỉ là tương đối và sẽ luôn có bài học mới khi đặt chân tới nơi. Tôi mang toàn bộ vốn sống cũ của mình hoà vào kiến thức về một đất nước tôi mới chỉ biết sơ qua từ Wikipedia và meme.
Đừng chỉ hiểu tiếng họ, hãy hiểu văn hóa của họ
Biết ngoại ngữ luôn là yếu tố quan trọng khi bước chân khỏi Việt Nam, nhưng sẽ chỉ là tối thiểu. Văn hoá mới định hình cách sống của con người. Trước muôn vàn khó khăn của một người chuyển nhà, hiểu văn hoá là cách để bạn tìm kiếm sự giúp đỡ khi không còn người thân và bạn bè ở quanh.
Hoá ra thương hiệu “người Canada tốt bụng” có phần định kiến là thật, và họ còn đang cố khích lệ nó trên truyền thông để thu hút thêm nhiều lao động nhập cư. Họ chào bạn trên đường, nói lời cảm ơn và xin lỗi thường xuyên, luôn đề nghị giúp đỡ khi bạn bỡ ngỡ tìm đường hoặc phải khuân vác nặng.
Trên đường từ sân bay về nhà, tôi luôn nhận được lời khuyên trên đường, rằng tôi nên làm sim điện thoại ở đâu, mở số bảo hiểm xã hội như thế nào, ngân hàng nào tốt… để tôi hoà nhập nhanh hơn với cuộc sống mới.
Đây cũng là một đất nước của người nhập cư nên luôn có nhiều sắc tộc và nhiều nhóm văn hoá khác biệt cùng tồn tại song song. Ta có thể tìm hiểu nhiều hơn về văn hoá của người Ấn Độ và người Hồi giáo, nhóm chiếm phần đông nơi thành phố tôi sống.
Tôi thấy điều này đặc biệt quan trọng khi tôi thuê nhà và chia sẻ không gian sống cùng 1 người bạn Ấn Độ và 1 người bạn Bangladesh trong ít nhất 1 năm sắp tới. Bên cạnh đó, trước khi người da trắng cùng cộng đồng đa chủng tộc ở mọi nơi trên thế giới đặt chân đến đây, Canada là quê hương của nhiều cộng đồng dân tộc bản địa.
Dĩ nhiên, những hiểu biết về văn hoá như trên là rất rộng và cần thời gian. Còn để sinh tồn được ở đất khách những ngày đầu, với tôi, hãy luôn chuẩn bị cho mình các phương án để truy cập internet và liên lạc với người thân ở xa nếu cần sự giúp đỡ, và để vượt qua nỗi nhớ nhà.
Ngoài ra hãy nhớ chuẩn bị tiền mặt những ngày đầu khi chưa quen đi lại, vì một số dịch vụ di chuyển sẽ không nhận quẹt thẻ do có sự mập mờ về thuế chẳng hạn.
Đặt chữ “tiện lợi” lên đầu
Hãy nghĩ về ngôi nhà của ta ở quê hương và tự hỏi, đâu là những yếu tố cơ bản ở đó nhằm chu cấp cho sự sống. Có điện, có nước sạch, có wifi, có bếp để nấu nướng, có tủ lạnh để tích trữ đồ ăn, có máy giặt, v.v.
Nếu không có phương tiện cá nhân giúp tự di chuyển xa, và không có quá nhiều tiền để sử các dịch vụ taxi công nghệ, ta phải biết trạm xe buýt/tàu điện ở đâu và có những tuyến nào nối mình với thành phố.
Tôi chú ý tới mọi yếu tố trên khi vẫn còn ở Việt Nam, lướt web tìm nhà và liên hệ tới từng người chủ. Bên cạnh ảnh chụp và các dịch vụ được chủ nhà liệt kê trên internet đi kèm với giá thành, tôi kiểm tra kỹ càng hợp đồng thuê nhà. Trong đó không chỉ gạch đầu dòng cơ sở vật chất cần thiết, mà còn quy định rõ cách thức và thời gian bạn được sử dụng chúng.
Điều khó hơn là tìm hiểu về vị trí của ngôi nhà và các cách di chuyển đến nơi bạn cần đi. Ra khỏi nhà chủ yếu để đi học, tôi cần di chuyển tới trường thuận tiện nhất có thể. Tôi tìm nơi mà mình chỉ cần đi 1 chuyến bus là tới trường, và trong trường hợp xấu nhất, tôi có thể cuốc bộ mà không quá mỏi mệt.
Bên cạnh đó, siêu thị cũng là nơi cần ưu tiên. Tháng đầu tiên ở nước bạn, ta sẽ sống trong cảnh nhà cửa bừa bộn vali hoặc… chẳng có đồ đạc gì cả. Vì thế tôi cũng ưu tiên căn nhà gần siêu thị, nơi tôi có thể đi bộ tới chỉ trong một nốt nhạc.
Trường tôi nằm trên một ngọn núi, bọc quanh là rừng và hồ. Đó cũng là loại địa hình tôi chủ yếu sẽ đối diện khi cuốc bộ trên đường. Vì thế thay vì tiết kiệm tiền mua xe đạp ở đây, tôi chuẩn bị sẵn giầy leo núi ở nhà và xác định mỗi ngày ra cửa là một ngày tập thể dục thể thao.
Nhờ đó, sức khoẻ tôi cũng dần khá lên nhờ không khí trong lành và thói quen leo trèo, đi bộ đường dài. Tôi kịp thăm thú nhiều hồ tự nhiên và thác nước, đồng thời làm bạn với biết bao người tình cờ gặp mặt trên đường đi.
Đừng chỉ xem thời tiết trên bản tin và điện thoại
Bố mẹ thường nói “Canada rất lạnh nên phải mang sẵn quần áo đại hàn từ nhà,” thực tế lại không hoàn toàn như vậy. Đây là năm biến đổi khí hậu, nhiệt độ mùa hè tăng đột biến. Khi biết tôi sang vào cuối hè, giáo sư nhắc tôi cần chuẩn bị đủ quần áo mát cho khoảng 2 tháng đầu tiên nữa. Sự chuẩn bị này không thừa vì có những buổi trưa, thành phố tôi sống chạm ngưỡng 37 độ C.
Ứng dụng và bản tin dự báo thời tiết trên điện thoại không bao giờ là đủ, đặc biệt là ở nơi có địa hình phức tạp như nơi tôi sống. Tôi gia nhập các nhóm cộng đồng địa phương trên mạng xã hội, và chăm đọc cả báo chí địa phương. Nhờ đó, tôi biết biến đổi khí hậu là vấn đề thời sự cực nóng ở nơi tôi sống, với nhiều rừng và khu dự trữ sinh quyển quan trọng.
Tháng trước, người ta ước tính tổng diện tích cháy rừng ở Canada có thể bằng cả diện tích của Bồ Đào Nha. Khói bay tới một số thành phố lớn ở bờ đông khiến người dân phải theo dõi chỉ số chất lượng không khí hàng ngày, điều họ chưa từng phải làm trước đây.
Dân cư nơi tôi sống cũng ý thức rất rõ về tác động của con người tới thiên nhiên. Những thông tin tưởng như quá “hàn lâm” về biến đổi khí hậu và sự thay đổi của môi trường ngày càng được người dân quan tâm hơn.
Nhờ việc theo sát cộng đồng dân cư, tôi tự biết điều chỉnh lối sống mới để giữ sức khoẻ, và để phù hợp với điều kiện khí hậu cũng như môi trường ở vùng đất mới. Qua đó, tôi nhận thức được dù quê hương mình ở cách đây 13 vạn ki-lô-mét, tôi vẫn có trách nhiệm với văn hoá và thiên nhiên nơi đây. Đó vừa là cách để hoà nhập, vừa là bài học quý giá đầu tiên mà chuyến du học mang lại, không phải từ nhà trường, mà là từ lối sống.