Climate doomism - Biến đổi khí hậu là định mệnh không thể tránh? | Vietcetera
Billboard banner

Climate doomism - Biến đổi khí hậu là định mệnh không thể tránh?

Giữa những thay đổi cực đoan của môi trường, chúng ta tích cực được tới bao giờ?
Climate doomism - Biến đổi khí hậu là định mệnh không thể tránh?

Nguồn: Unsplash

1. Climate doomism là gì

Climate doomism là niềm tin cực đoan rằng con người bất lực trước đổi khí hậu. Người theo tư tưởng này là climate doomer, thuộc nhóm “người bất hoạt” (inactivist).

Cùng trường phái với xu hướng này phải kể đến climate denialism, chủ nghĩa phủ nhận - cho rằng con người không phải là tác nhân của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, thuật ngữ climate fatalism (thuyết định mệnh) tin rằng con người không thể thay đổi định mệnh của tự nhiên.

Những lối suy nghĩ này có phần tương đồng với nhau và đều khiến nhiều người quan ngại khi mục đích của nó đi ngược lại với nỗ lực bảo vệ môi trường của thế giới.

Tháng 5 vừa qua, chúng ta vừa phải đón nhận một tin không vui khi nồng độ CO2 trong khí quyển tăng kỷ lục, cao hơn 50% so với thời kỳ tiền công nghiệp.

alt
Lượng CO2 trong khí quyển ngày càng tăng cao | Nguồn: Unsplash

Sự nóng lên toàn cầu là một trong những sự kiện “đen tối” giữa rừng thông tin hỗn loạn khác: đại dịch, chiến tranh, lũ lụt, bạo lực, mạt sát. Viễn cảnh này không khỏi khiến nhiều người cảm thấy bi quan về tương lai của nhân loại.

2. Nguồn gốc của climate doomism?

Climate doomism là thuật ngữ “non trẻ”, mới bắt đầu được tìm kiếm trên Google Trends vào năm 2018.

Sơ khai hơn thì nó được phát triển từ thuật ngữ “doomer" - những thanh niên chán đời và bi quan. Nhưng climate doomism đặc biệt nhấn mạnh về sự tuyệt vọng với vấn đề khí hậu, mà không chỉ có ở người trẻ.

3. Vì sao climate doomism phổ biến?

Theo một nghiên cứu trên 17 quốc gia, nhiều người sẵn sàng thay đổi để bảo vệ môi trường, nhưng lại không tự tin rằng môi trường sẽ thay đổi nhờ họ. Sự tự ti dễ biến thành climate doomism khi đặt trong thời buổi bất an như hiện nay.

Một trong những người đi đầu là Tiến sĩ McPherson - tín đồ của sự diệt vong. Ông khẳng định chúng ta không còn thời gian để ngăn chặn khủng hoảng do lượng lớn khí mêtan giải phóng từ Bắc Cực.

alt
Khủng hoảng khí metan ở Bắc Cực | Nguồn: Unsplash

Giáo sư Jem Bendell (Viện nghiên cứu lãnh đạo và bền vững tại trường Đại học kinh doanh Cumbria, Anh) đã tự xuất bản bài báo “Deep Adaptation” năm 2018. Trong đó, ông đinh ninh xã hội sẽ sụp đổ trong vài thập kỷ tới vì biến đổi khí hậu và con người buộc phải chấp thuận.

Hàng trăm nghìn người đã tải bài viết, thậm chí, điều chỉnh cuộc sống dựa trên đó. Nhưng bài báo bị “lật tẩy” với nhiều thông tin sai lệch, trích nguồn không uy tín, ngụy biện và phản khoa học chính thống.

Climate doomism gây tranh cãi khi dần trở thành cái cớ cho sự vô trách nhiệm. Nếu ta cứ né tránh vì nghĩ “không thể làm được gì” thì hậu quả mà ta tạo nên sẽ dội ngược lại. Con người phải giải quyết vấn đề mình gây ra, Giám đốc UNEP Andersen nhấn mạnh.

Tại sao climate doomism vẫn có sức hút mạnh mẽ?

Sau đây là ba nguyên nhân phổ biến:

Thiên kiến tiêu cực (negativity bias)

Thiên kiến này xảy ra khi những thông tin nguy cấp về nhiệt độ Trái Đất, thời tiết cực đoan xuất hiện nhiều trên truyền thông với các tiêu đề “giật gân”. Trong khi đó, tín hiệu lạc quan khan hiếm, không đủ kéo ta khỏi vòng xoáy tiêu cực.

Eco-anxiety (lo âu về khí hậu) nhờ đó phát triển, lâu dần, tiến tới phiên bản nâng cấp là climate doomism.

Tư duy nhị nguyên phân cực

Các vấn đề về khí hậu đang được gói gọn trong hai thái cực: tốt và tệ, sự sống và diệt vong. Chúng ta phải chọn một trong hai nhưng quên mất rằng ta có nhiều hơn thế.

Theo Tiến sĩ Francis (Trung tâm Nghiên cứu khí hậu Woodwell) mọi chuyện có thể xấu đi, nhưng điều ít nhất ta có thể làm là đừng để nó tệ nhất.

Hiểu lầm về khoa học

Theo nhà khí hậu học Michael Mann, những câu chuyện "quá trễ" để thay đổi thường dựa trên sự hiểu lầm về khoa học. Nổi bật là những cái tên như Franzen, David Wallace-Wells, phong trào “Deep Adaptation”.

Tất cả đều bắt nguồn từ quan niệm sai lầm rằng “bom mêtan” ở Bắc Cực sẽ làm bùng nhiệt và dập tắt mọi sự sống trên Trái Đất trong vòng 10 năm. Nhưng báo cáo của IPCC lại cho biết, "không có dự báo khoa học về sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ tới."

Vẫn chưa quá muộn!

Liên Hợp Quốc kêu gọi “vẫn chưa quá muộn để hành động” và ưu tiên trên hết là giới hạn nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Nhiều nhà khoa học đặt niềm tin vào sự phát triển của công nghệ và cam kết giảm thiểu chất thải.

Theo những phân tích mới nhất, chỉ mất vài năm để lượng phát thải ròng bằng không nếu carbon được hấp thụ bởi thực vật và đất. Vì thế, phục hồi rừng và đất ngập nước là điều cần thiết.

alt
Phục hồi rừng là cần thiết | Nguồn: Unsplash

Theo tờ Guardian, đây là những cách bạn có thể giữ cái đầu lạnh và trái tim đầy hy vọng trước nhưng tiêu cực:

  • Kiểm chứng thông tin bằng những nguồn uy tín
  • Phản biện vấn đề của biến đổi khí hậu
  • Nhìn lên trên lợi ích cá nhân và kết nối với cộng đồng
  • Tin rằng tương lai chưa được định đoạt
  • Tưởng tượng về không gian sống mơ ước
  • Học từ lịch sử nhiều hơn tương lai
  • Cảm nhận vẻ đẹp của tự nhiên

3. Dùng climate doomism như thế nào?

Tiếng Anh

A: These days, I keep wondering how long it will take for humans to win against climate change. I suddenly find the future of our Earth so uncertain.

B: Oh, It seems that you are having climate doomism.

Tiếng Việt

A: Dạo này tớ cứ thắc mắc con người phải nỗ lực đến bao giờ mới thắng được biến đổi khí hậu. Mà tự dưng thấy tương lai của Trái Đất mông lung quá.

B: Vậy chắc là cậu đang rơi vào tư tưởng diệt vong khí hậu rồi.