Blood Simple (1984) và Reservoir Dogs (1992) là hai bộ phim đầu tay của Coen Brothers và Quentin Tarantino, ngay lập tức khẳng định tài năng đạo diễn nổi bật và phát lộ những đặc trưng về phong cách kể chuyện đã được tiếp nối trong các tuyệt tác về sau của họ. Đây cũng là hai “cult films” không thể bỏ qua đối với những khán giả mê phong cách có một không ai của anh em nhà Coen và Tarantino.
Coen Brothers và Quentin Tarantino là hai (+) đạo diễn quái kiệt của điện ảnh thế giới đương đại với lượng fan đông đảo toàn cầu. Thậm chí, tên riêng của họ còn biến thành tính từ (Coenesque và Tarantinoesque) được đưa vào từ điển nhằm mô tả những chất đặc trưng dị biệt trong phong cách. Nếu “Coenesque” gợi liên tưởng đến những bộ phim kể về những âm mưu kỳ quái, những vụ án mạng đẫm máu, chất hài hước đen tối thì “Tarantinoesque” ngay lập tức khiến ta nghĩ tới chất bạo lực điên rồ, lối kể chuyện phi tuyến tính châm biếm giễu nhại văn hóa, những màn đối thoại phóng túng và thô tục.
Xuyên suốt những tác phẩm của họ đều có bạo lực và chất hài đen, nhưng phong cách kể chuyện mang màu sắc cá nhân đậm nét khiến họ chưa bao giờ dẫm chân lên nhau. Bọn họ đi trên hai con đường độc đạo và cống hiến cho điện ảnh những tuyệt tác mà mỗi lần xem lại, ta vừa cảm thấy rùng mình vì chất bạo lực dữ dội lại vừa có thể bật cười với những câu thoại thông minh, những nhân vật ngốc nghếch và lối hành xử điên rồ dẫn đến những cái kết bi thảm không thể tránh khỏi.
Điện ảnh của Coen Brothers và Tarantino là điện ảnh của những kẻ phá vỡ các khuôn mẫu và mang lại tiếng cười giễu nhại sảng khoái về văn hóa đại chúng Mỹ. Có lẽ vì thế mà họ chưa bao giờ thôi hấp dẫn người xem.
Blood Simple (1984) - "Khôn ngoan không lại với giời"
Coen Brothers là hai anh em đạo diễn người Mỹ gốc Do Thái, với Joel Coen – người anh – thường nắm giữ vai trò đạo diễn và viết kịch bản còn Ethan Coen giữ vai trò sản xuất và đồng viết kịch bản. Họ làm nên một cặp anh em đạo diễn hiếm hoi với một sự nghiệp điện ảnh lừng lẫy kéo dài hơn 4 thập niên qua.
Sự hợp tác ăn ý và tôn nhau qua mỗi bộ phim khiến họ thường được gọi với cái tên hài hước khác là “The Two-Headed Director” (Đạo diễn hai đầu). Nếu là một “mọt phim”, chắc chắn bạn phải biết đến Fargo (1996), The Big Lebowski (1998), No Country for Old Men (2007) hay True Grit (2010) – đó chỉ là vài tuyệt tác điện ảnh trong hơn 20 bộ phim mà họ đã cống hiến cho điện ảnh.
Tài năng anh em nhà Coen được chứng minh bằng hàng loạt giải thưởng điện ảnh hàng đầu, trong đó có giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes năm 1991 với Barton Fink, giải thưởng Lớn (Grand Prix) tại Cannes năm 2013 với Inside Llewyn Davis và 3 lần thắng giải Đạo diễn xuất sắc tại Cannes năm 1991 với Barton Fink, năm 1996 với Fargo và năm 2001 với The Man Who Wasn't There – một kỷ lục mà chưa có đạo diễn nào có thể vượt qua. Với giải Oscar, họ cũng thắng 4 giải quan trọng, trong đó có giải Kịch bản gốc xuất sắc với Fargo và 3 giải cho Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc và Kịch bản chuyển thể xuất sắc với No Country For Old Men. Nếu tính các giải thưởng điện ảnh khác, con số mà họ mang về phải tính bằng… tá và phải cần tới vài cái tủ để đựng hết.
Hầu hết những tuyệt phẩm điện ảnh của Coen Brothers đều có một đặc trưng riêng biệt về phong cách kể chuyện khiến người hâm mộ chỉ cần “nếm” vài thước phim và nhận ra ngay “vị” của họ. Đó là những tiếng cười châm biếm mà chua chát về lòng tham của con người và cái giá phải trả quá đắt (hoặc đôi khi vô nghĩa đến tận cùng).
Phim của Coen thường khai thác những câu chuyện về những âm mưu bị đổ vỡ, kéo theo một chuỗi án mạng đẫm máu như những quân cờ domino. Kịch bản của anh em nhà Coen thoạt tiên tưởng vô cùng đơn giản, nhưng thật ra họ chỉ đang xây dựng không khí “slow-burn”. Người xem bị đặt vào một tình huống như con ếch trong nồi nước sôi, chậm rãi lúc ban đầu cho tới khi những nguy hiểm đột ngột kéo đến, tạo hiệu ứng dây chuyền dẫn đến điểm cao trào của tác phẩm.
Tất cả những điều này đều có trong Blood Simple, một bộ phim đầu tay mà ngay từ khi mới xuất hiện đã khiến giới phê bình phải ngả mũ và Joel Coen được trao giải đạo diễn xuất sắc tại LHP Sundance và giải Independent Spirit Awards – hai diễn đàn quan trọng hàng đầu của dòng phim độc lập.
Blood Simple là bộ phim kết hợp giữa nhiều thể loại, từ tội phạm (crime), noir (hình sự đen) và screwball comedy (phim hài giễu nhại) ảnh hưởng từ những bộ phim kinh điển thời “hoàng kim”, thể hiện sự tri ân của anh em Coen với những bộ phim của các đạo diễn bậc thầy.
Marty, một tay chủ quán bar cục cằn ở Texas phát hiện ra cô vợ trẻ Abby (Frances McDormand) đang dan díu với Ray, gã bartender trong quầy rượu. Khi chuyện vở lỡ và đôi tình nhân lên kế hoạch bỏ trốn, Marty thuê Visser (M. Emmet Walsh), một tay thám tử tư có hành vi mờ ám bám theo bọn họ để thủ tiêu và phi tang. Thế nhưng, kế hoạch “trật bánh” và dẫn đến hàng loạt những tình huống ngoài dự tính, đem nguy hiểm đến tất cả những người liên quan.
Blood Simple có một kịch bản vô cùng đơn giản, nhưng đồng thời cũng vô cùng hiệu quả cho một tác phẩm đầu tay với nguồn kinh phí khiêm tốn. Với những cái bẫy tưởng chừng tinh vi nhưng đôi khi “gậy ông lại đập lưng ông”, với những tình huống trớ trêu của những kẻ “khôn ngoan không lại với giời”; Coen đã kể một câu chuyện đơn giản nhưng đậm chất ngụ ngôn hiện đại về những nhân vật là nạn nhân của lòng tham và sự cám dỗ. Chất hài đen với những tiếng cười phi lý làm nên đặc trưng trong Blood Simple và được tiếp diễn trong các bộ phim sau đó của anh em đạo diễn.
Và một “đặc sản” khác của phim của Coen là những nhân vật phản diện có xuất thân bí ẩn, ngoại hình kỳ dị, lạnh lùng ít nói, thể chất mạnh mẽ và ra tay cực kỳ hung bạo, khó lường. Trong Blood Simple, tay thám tử tư Visser qua diễn xuất tuyệt vời của M. Emme Walsh đã tạo nên hình mẫu nhân vật phản diện xuất sắc tiếp tục được Coen phát triển trong hai bộ phim sau này là Fargo và đặc biệt là No Country for Old Men.
Tuy nhiên, nhân vật tạo được dấu ấn lớn nhất trong Blood Simple chính là nhân vật người vợ ngoại tình Abby do Frances McDormand đóng. Ngay từ bộ phim đầu tay này, McDormand đã bộc lộ tài năng diễn xuất với một mẫu nhân vật đơn giản, kẻ đứng ngoài những âm mưu của những gã đàn ông nhưng lại là “trùm cuối” bất đắc dĩ.
Cuộc rượt đuổi kiểu “mèo vờn chuột” giữa tay thám tử hung bạo Visser và Abby ở phần cuối Blood Simple tạo nên xúc tác hấp dẫn cho bộ phim, trong đó có chi tiết kinh điển Abby dùng dao cắm phập vào bàn tay của Visser khi hắn tìm cách mở khóa cánh cửa sổ để giết cô luôn được nhắc lại trong sự nghiệp của bà.
Blood Simple cũng trở thành bộ phim “kết duyên” giữa Frances McDormand và Joel Coen. Đây không chỉ là bộ phim đầu tay của anh em nhà Coen mà còn là bộ phim đầu tiên của vợ chồng Joel và Frances – hai nghệ sĩ tài năng hàng đầu của điện ảnh Mỹ đương đại. Bộ ba này tiếp tục hợp tác với nhiều bộ phim sau đó. Và năm 1996, với Fargo, một bộ phim tội phạm kinh điển, Frances McDormand giành được giải Oscar đầu tiên cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, còn hai anh em Coen giành giải Kịch bản gốc xuất sắc nhất.
Sau nhiều năm cộng tác với các đạo diễn khác và giành thêm 2 giải Oscar về diễn xuất, Frances McDormand quay trở lại đóng phim trong tác phẩm mới nhất của chồng bà là The Tragedy of Macbeth. Bộ phim vừa ra mắt tại LHP New York và tiếp tục nhận được những lời tán thưởng của giới phê bình và được xem là một trong những ứng cử viên hàng đầu của mùa giải Oscar 2022, đặc biệt là các hạng mục như Phim, Đạo diễn, Kịch bản (Joel Coen), Nam (Denzel Washington) và Nữ chính (Frances McDormand).
Reservoir Dogs (1992) - Vẫy vùng trong vũng máu
Quentin Tarantino xuất hiện sau anh em nhà Coen khoảng 8 năm và cũng ngay lập tức gây tiếng vang từ bộ phim đầu tay là Reservoir Dogs (1992). Sau đó chỉ 2 năm, Pulp Fiction (1994) đã đưa tên tuổi của Tarantino vươn tầm khi giành giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes và được xem là “quái kiệt” của điện ảnh đương đại vì sự hòa trộn nhuần nhuyễn giữa tiếng cười nghịch dị và chất bạo lực điên cuồng.
Cũng thường xuyên chọn những đề tài thuộc thể loại gangster, nhưng phong cách của Tarantino khác hẳn sự mẫu mực của Coppola với bộ ba The Godfather, khác hẳn sự tiên phong của Martin Scorsese với Taxi Driver hay Goodfellas và tất nhiên cũng khác chất hài đen giễu nhại kiểu Coen Brothers với Blood Simple hay Crossing’s Miller… Điện ảnh của Tarantino ngập tràn sự phóng túng, đậm chất văn hóa đường phố, với ngôn ngữ đa thanh pha trộn từ nhiều dòng văn hóa đại chúng Mỹ.
Là một người đi sau các đàn anh trong nghề, Tarantino luôn tìm ra một ngôn ngữ kể chuyện riêng biệt, từ việc thay đổi cấu trúc tuyến tính, phá vỡ các khuôn mẫu thể loại và xây dựng một hệ thống nhân vật và lời thoại không giống ai. Phim của Tarantino thách đố sự thưởng thức của người xem vì thường khai thác những đề tài “tầm phào” (thậm chí chọn hẳn nhan đề phim là Pulp Fiction – Chuyện tào lao) nhưng đằng sau những câu chuyện tưởng như tầm phào đó luôn là tiếng cười trào lộng về sự vô nghĩa và tầm thường của bạo lực. Tất cả những điều này đã được thể hiện ngay từ bộ phim đầu tay là Reservoir Dogs, tác phẩm mà đến nay luôn nằm trong các cuộc bình chọn về phim đầu tay xuất sắc nhất. Thậm chí, nó còn được xem là phim đầu tay xuất sắc nhất chỉ sau Citizen Kane (1941) của huyền thoại Orson Welles.
Bộ phim có một kịch bản tưởng như không thể đơn giản hơn. Sáu tên tội phạm xa lạ, không biết về xuất thân của nhau, được phân biệt bởi những bí danh như Mr. White (Harvey Keitel), Mr. Orange (Tim Roth), Mr. Blonde (Michael Madsen), Mr. Pink (Steve Buscemi), Mr. Brown (Quentin Tarantino) & Mr. Blue (Edward Bunker). Bọn chúng được cha con ông trùm Joe Cabot (Lawrence Tierney) và Nice Guy Eddie (Chris Penn) thuê để thực hiện một phi vụ đánh cướp tiệm kim cương. Nhưng rồi cảnh sát xuất hiện và kế hoạch vở lỡ. Hai trong số bọn họ bị giết chết trong vụ xả súng, một bị thương nặng. Những kẻ còn lại trong bọn chúng tụ tập tại nhà kho, hoảng loạn cao độ và nghi ngờ rằng có một “cớm chìm” trong nhóm. Nhưng kẻ nội gián đó là ai?
Trong nhiều cuộc trả lời phỏng vấn, Quentin Tarantino không ngần ngại thừa nhận Reservoir Dogs ảnh hưởng và “vay mượn” từ bộ phim xã hội đen của Hongkong là City on Fire (Long hổ phong vân - 1987) của đạo diễn Ringo Lam. Vốn xuất thân là nhân viên của một cửa hàng băng đĩa và có một tình yêu mãnh liệt với điện ảnh, Tarantino xem hàng loạt các bộ phim thuộc nhiều thể loại và các nền điện ảnh khác nhau trên thế giới, trong đó ông luôn dành sự tri ân đối với các bộ phim xã hội đen của điện ảnh Hongkong và Nhật Bản, cũng như không ngần ngại vay mượn chất liệu từ các bộ phim của hai nước này. Để so sánh Tarantino vay mượn Ringo Lam (Lâm Lĩnh Đông) đến đâu, tôi xem lại bộ phim gốc này và nhận ra sự cải biên thông minh của kẻ đến sau.
Vẫn là câu chuyện của một cảnh sát được cài vào một băng đảng và bị bại lộ danh phận sau một kế hoạch cướp tiệm kim cương thất bại, Reservoir Dogs gần như khác biệt hoàn toàn với City on Fire về cấu trúc và phong cách kể chuyện. Ta vẫn nhận thấy một vài tri ân của Tarantino với bộ phim gốc, từ ý tưởng “nguồn” (original idea) cho đến những chi tiết mang tính biểu tưởng (màn đấu súng kiểu Mexican Standoff rất đặc trưng trong phim xã hội đen Hongkong); nhưng Tarantino đã phá vỡ những khuôn mẫu về thể loại này, ông gần như cắt bỏ hoàn toàn phân đoạn quan trọng là vụ cướp tiệm vàng/kim cương (vốn là phân đoạn quan trọng nhất trong phim gốc) mà chỉ tập trung kể câu chuyện một nhóm gangster trước và sau khi kế hoạch đánh cướp của bọn chúng thất bại.
Đây là một chủ ý của Tarantino vì muốn khán giả thay đổi cách nhìn về thể loại (genre), đặc biệt là những chi tiết vốn đã quá sáo mòn (cliche). Thay vào đó, Tarantino tập trung xây dựng không khí đậm đặc của văn hóa đường phố Mỹ, chuyện nội bộ nực cười của các băng đảng Mỹ. Đoạn mở đầu dài khoảng 7 phút trong Reservoir Dogs trở thành một trong những đoạn mở đầu hay nhất của điện ảnh Mỹ vì cách xây dựng không khí phóng túng và những đoạn thoại đậm chất giễu nhại văn hóa đại chúng.
Thay vì lên kế hoạch đánh cướp tiệm kim cương, nhóm các quý ông “màu” bàn tán với nhau đủ thứ chuyện tầm phào, từ album Like a Virgin của Madonna đến Pam Grier (người sau đó được mời đóng chính trong Jackie Brown của Tarantino) và truyện tranh Silver Surfer… “We talk all around things. We talk about bullshit” (Bọn ta nói đủ chuyện trên đời, toàn chuyện “xàm”) – câu thoại trong phim điển hình cho phong cách xây dựng thoại vừa thô tục, tràn ngập tiếng long nhưng lại giàu nhịp điệu ở trong phim của bậc thầy giễu nhại này.
Cùng với những đoạn hội thoại vô tiền khoáng hậu, chất bạo lực cũng được đẩy đến tận cùng. Tarantino là một trong ít đạo diễn sử dụng nhiều máu giả nhất trong thế giới điện ảnh và phim nào của ông ta cũng là một bữa tiệc máu. Điều này được thể hiện rõ nhất trong bộ phim đầu tay Reservoir Dogs, nơi những thành viên còn lại của nhóm gangster vẫy vùng trong vũng máu, từ chuyện tra tấn viên cảnh sát bọn chúng bắt được, chỉa súng vào nhau để tìm ra kẻ nội gián và màn “Mexican standoff” căng như dây đàn ở gần cuối phim. Nhân vật Mr. Blonde qua diễn xuất của Michael Madsen ấn tượng hơn cả với màn cắt tai kinh điển viên cảnh sát và có những hành động bạo lực của một kẻ loạn thần, thái nhân cách, một “kiểu” nhân vật đậm chất Tarantino được ông tiếp tục phát triển trong các bộ phim sau này.
Với lối kể chuyện phi tuyến tính, Tarantino sử dụng cấu trúc phân đoạn và hồi tưởng trong Reservoir Dogs, xây dựng từng “chương” riêng về các nhân vật quan trọng và kết nối câu chuyện của nhóm gangster này trước và sau khi xảy ra vụ cướp bất thành.
Để thực hiện bộ phim đầu tay với kịch bản tưởng như “tầm phào” này, Tarantino phải viết kịch bản thuê cho nhiều đạo diễn khác (các bạn có thể nhận ra “chất” của Tarantino qua hai bộ phim True Romance, 1993 của đạo diễn Tony Scott và Natural Born Killers của Oliver Stone). Trong khi kịch bản đầu tay của mình thì luôn nằm trong chồng kịch bản xếp xó ở các hãng phim. Nhan đề bộ phim “Reservoir Dogs” của Tarantino cũng xuất phát từ câu chuyện này khi ông đến thăm một công ty sản xuất phim và thấy họ có một chồng kịch bản được dán nhãn “reservoir dogs” – có thể hiểu là những kịch bản xếp xó trong ngăn kéo.
Cuối cùng, Tarantino quyết định tự bỏ tiền làm bộ phim với kinh phí vô cùng khiêm tốn là 30.000 USD và một máy quay phim 16mm, cùng với nhóm diễn viên nhận cát xê tượng trưng và thậm chí còn phải tự chuẩn bị trang phục cho mình. May mắn sau đó, Harvey Keitel (người đóng vai Mr. White) gọi cho Tarantino đồng ý tài trợ kinh phí cho bộ phim sau khi đọc được kịch bản.
Nhờ có Harvey Keitel và tên tuổi của ông (vốn được Martin Scorsese phát hiện từ thập niên 70 và nổi tiếng qua hai bộ phim thời đầu của ông là Mean Street, 1973 và Taxi Driver, 1975), kinh phí của bộ phim được tăng lên 1,5 triệu USD. Reservoir Dogs được quay trong vòng chưa đầy 5 tuần vào mùa hè năm 1991 trong một nhà kho vốn là nhà xác của bệnh viện, với cái sàn nhà bị dính đầy máu giả bị khô dưới ánh sáng và sức nóng của đèn chiếu.
Và sự nghiệp của Quentin Tarantino, một trong những bậc thầy của điện ảnh đương đại Mỹ - đã bắt đầu sự nghiệp lừng lẫy của mình từ bộ phim đầu tay đó.