Ra đời từ năm 1941, Citizen Kane (Công dân Kane) luôn được xem là kiệt tác hàng đầu của điện ảnh Mỹ và thế giới. Năm 1998, nhân 100 năm ra đời bộ môn nghệ thuật thứ 7, Viện Phim Mỹ (American Film Institute) bình chọn bộ phim này đứng đầu trong 100 phim xuất sắc nhất mọi thời đại. Tờ Sight & Sound của Viện Phim Anh thì bình chọn nó đứng đầu suốt 5 thập niên liền và còn vô số cuộc bình chọn khác với vị trí “number one”… Sức ảnh hưởng về ngôn ngữ điện ảnh của Citizen Kane tác động tới rất nhiều bộ phim kinh điển sau này.
Vào đầu tháng 12 tới, bộ phim tiểu sử Mank của đạo diễn tài năng David Fincher ra mắt, được xem là ứng cử viên hàng đầu của Oscar 2021. Mank sẽ hé lộ cho khán giả những câu chuyện hậu trường chưa được kể, đặc biệt là mối quan hệ phức tạp giữa nhà biên kịch Herman J. Mankiewicz và đồng biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất, nam diễn viên chính Orson Welles trong quá trình thực hiện kiệt tác mang tính biểu tượng này.
Đó là lý do chúng tôi chọn Citizen Kane mở đầu cho series DVD – bộ sưu tập bài viết về những tác phẩm điện ảnh kinh điển.
Cái nhìn thấu nghiệm về sự vỡ mộng của giấc mơ Mỹ
Citizen Kane là một sự thấu nghiệm về sự phù du của giấc mơ Mỹ. Sự vĩ đại của Citizen Kane, có lẽ trước hết phải kể đến người làm ra nó, Orson Welles đồng viết kịch bản, làm sản xuất, làm đạo diễn và đóng vai chính của bộ phim Citizen Kane lúc ông mới… 25 tuổi. 25 tuổi và nắm trong tay 4 cương vị quan trọng trong bộ phim đầu tay của mình. Thật khó tưởng tượng nổi có một trường hợp thứ hai đạt được đỉnh cao tài năng ở độ tuổi đó trong điện ảnh.
Ở tuổi đó, hầu hết giới trẻ đang loay hoay lạc lối hay vẫn tìm đường đi cho mình, thì Orson Welles đã dựng nên một câu chuyện, một cái nhìn đầy sâu sắc về cuộc đời một con người, một ông hoàng, một đế chế, một giấc mơ Mỹ, một tấn thảm kịch mang phong cách cổ điển của Shakespeare.
Và không chỉ thế, Citizen Kane còn tạo ra những bước đột phá tiên phong trong điện ảnh, về kỹ thuật, về cấu trúc, về nghệ thuật dẫn chuyện, về góc máy camera, về dàn dựng, về xây dựng tính cách nhân vật… Tất cả chúng đều ảnh hưởng đến rất nhiều bộ phim lớn sau này. Đó có lẽ là lý do lớn nhất để Citizen Kane luôn nằm trong top những tác phẩm điện ảnh vĩ đại nhất của Mỹ và thế giới.
Citizen Kane là câu chuyện về cuộc đời của Charles Foster Kane, được xem là lấy cảm hứng từ cuộc đời của ông trùm truyền thông William Randolph Hearst, người xem ra không khác mấy với Trump bây giờ. Có lẽ vì vậy mà Hearst đã dùng quyền lực và sức mạnh truyền thông có trong tay mình để đè bẹp Citizen Kane và quyết nhấn chìm Orson Welles xuống bùn.
Nhưng cho dù Hearst dùng đến thế lực của mình, Kane vẫn tự đứng vững trên đôi chân của nó để đời sau phải cúi đầu. Tại mùa giải Oscar 1942, Citizen Kane nhận tới 9 đề cử Oscar, trong đó riêng Orson Welles đã nhận tới 4 đề cử cá nhân cho 4 hạng mục quan trọng nhất ở tuổi 26 – kỷ lục tất nhiên chưa lặp lại bao giờ: Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Diễn viên nam chính xuất sắc nhất và Biên kịch xuất sắc nhất.
Tuy nhiên Viện Hàn Lâm Mỹ đã không dám bỏ phiếu cho Citizen Kane, mà trao cho một bộ phim dưới tầm bị quên lãng từ lâu, nên cuối cùng Citizen Kane chỉ chiến thắng một giải Oscar duy nhất là Kịch bản gốc xuất sắc, chia đôi cho Orson Welles và người cộng sự của ông - Herman J. Mankiewicz.
Citizen Kane chỉ thực sự trở nên vĩ đại sau đó vài năm, và mãi mãi sau này.
"Rosebud" và đoạn kết của một con người vĩ đại
Citizen Kane mở đầu với cảnh cái chết của Charles Foster Kane, ông trùm truyền thông, ở lâu đài đang xây dang dở Xanadu. Kane nằm trên giường, cô độc một mình, tay cầm quả cầu thủy tinh. Nó lăn ra khỏi tay ông ta, rơi xuống đất và vỡ tan. Môi Kane mấp máy một từ duy nhất trước khi nhắm mắt lìa đời: “Rosebud”. Người giúp việc bước vào, đặt hai tay của Kane lên ngực và kéo vải, trùm lên mặt ông ta. Cuộc đời của một con người từng được sánh với Thành Cát Tư Hãn vừa kết thúc.
Cái chết của Kane tất nhiên trở thành tin tức lớn nhất. Một phóng sự về cuộc đời của Kane xuất hiện trên TV. Đoạn phóng sự tư liệu này được Orson Welles dàn dựng rất hấp dẫn và được coi là sự mẫu mực cho việc dàn dựng phim tài liệu chân dung sau này, trong đó có những trích dẫn cho thấy tầm ảnh hưởng của ông ta: “Đế chế của Kane trong thời đại huy hoàng của nó, đã nắm giữ 37 tờ báo, hai nghiệp đoàn thông tấn, một đài radio. Một đế chế trên mọi đế chế. Và Kane tiếp tục tấn công sang các tiệm tạp hóa, nhà máy giấy, các tòa chung cư, nhà máy, rừng, tàu viễn dương. Một đế chế trải qua 50 năm như một dòng chảy bất tận. Sự giàu có của ông được sánh với mỏ vàng lớn thứ 3 thế giới.
Nhưng cùng với những lời ca tụng về quyền lực và sự giàu sang, Kane cũng bị coi là một kẻ phát xít, kẻ khiến tầng lớp lao động bị bóc lột, mất việc và nghèo đói. Câu “tagline” (chủ đề) của bộ phim gần như nói đầy đủ những nhận xét của người đời về Kane: “Tôi ghét ông ta! Tôi yêu ông ta! Ông ta là một tên vô lại! Ông ta là một vị thánh! Ông ta là kẻ điên rồ. Ông ta là một thiên tài!”
Kane đã giúp thay đổi thế giới, nhưng thế giới của Kane giờ chỉ còn là lịch sử. Cuối đời, Kane sống một mình trong công trình nghỉ dưỡng vĩ đại chưa hoàn thiện và đang xuống cấp. Ông vua truyền thông ngày nào giờ đây chỉ còn là một kẻ cô độc, sống trên ngai vàng của mình và vẫn tự tay điều hành một đế chế đang hoang tàn cho đến ngày thần Chết đến rước ông ta đi.
Câu nói cuối cùng trên môi Kane “Rosebud” trở thành một từ khóa bí ẩn khiến báo chí nước Mỹ phải lao vào cuộc điều tra và tìm kiếm, xem ý nghĩa thực sự của nó là gì? Một người phụ nữ đẹp, một đóa hồng, hay một điều thầm kín gì khác chỉ có Kane biết được?
Và một anh chàng đã bắt tay vào cuộc điều tra, gặp gỡ những nhân vật từng gần gũi nhất với ông ta, để biết được ý nghĩa thực sự của Rosebud là gì?
Và đây mới là phần chính của Citizen Kane. Bộ phim quay ngược lại quá khứ, qua các lời kể của các nhân vật rồi lộn về hiện tại, cứ thế, dẫn dắt người xem tự sắp xếp lại những mảnh ghép trong trò chơi đánh đố về cuộc đời của một con người.
Phong cách kể chuyện phi tuyến tính của Orson Welles – vốn rất mới mẻ lúc bấy giờ, phải nói là mẫu mực, vừa theo cách kể của phim tài liệu chân dung, vừa sử dụng phong cách phim noir (hình sự đen) lật giở các mảnh ghép bí ẩn. Rất nhiều bộ phim “noir” sau này kế thừa phong cách của Orson Welles, điển hình như Chinatown của Roman Polanski.
Nghệ thuật kể chuyện đột phá
Cậu bé Kane từng có một tuổi thơ, dù nghèo nhưng hạnh phúc bên gia đình của mình ở một thị trấn nhỏ ở vùng núi Colorado. Nhưng khi người mẹ được kế thừa một mỏ vàng ngay trong khu đất của mình, Kane được gửi lên thành phố để được nuôi dạy tử tế, cho đến khi đủ tuổi 25 để kế thừa tài sản. Hình ảnh mà ta thấy về tuổi thơ của Kane là cậu bé đang trượt ván trước sân nhà dưới trời đổ tuyết, trước khi bị người giám hộ đưa đi mà không kịp thổn thức vì bị mẹ của mình bỏ rơi.
Ở phân đoạn “Colorado” sau này thường được các nhà chuyên môn và học thuật mang ra để phân tích, mổ xẻ, Orson Welles đã sáng tạo ra một thủ pháp độc nhất vô nhị lúc bấy giờ là “deep focus” (tiêu cự sâu) kết hợp với “low angle shot” (góc máy thấp) và long take (cú máy dài).
Với sự sáng tạo đột phá đó, ông có thể dựng được một phân đoạn phức tạp và giàu ý nghĩa biểu tượng trong vài cú máy, tạo được sự đồng nhất trong diễn xuất của diễn viên và tính thống nhất của thời gian và không gian. Hơn tất cả, qua thủ pháp đó, Orson Welles muốn nhấn mạnh đến bi kịch của một đứa trẻ, một con người bị định đoạt trong tay kẻ khác.
Những sáng tạo mang tính đột phá như vậy trong quay phim, âm thanh, dựng phim… làm nên tính tiên phong của ngôn ngữ điện ảnh mà hàng loạt đạo diễn lớn sau này phải chịu kế thừa. Nó cũng lý giải về con người tham vọng và gót chân Achilles của ông ta sau này: Kẻ tự tay dựng nên đế chế của mình. Một đế chế vừa đưa Kane lên cao, vừa nhốt chặt ông ta trong đó.
Cái nhìn thấu suốt về cuộc đời một con người
Citizen Kane của Orson Welles, với cái nhìn đầy thấu suốt về cuộc đời một con người, cho ta thấy, để thành công, người ta phải có một ý chí và sự quyết tâm khủng khiếp như thế nào. Nửa đầu phim, ta thấy Kane là một người hùng của nước Mỹ. Nhưng sự thành công cũng có thể đẩy người ta rơi vào những bến bờ ảo tưởng, với cái tôi khổng lồ, ngạo mạn và phản bội lại lý tưởng ban đầu của mình như thế nào.
Như Kane từng nói, “Người duy nhất trên thế giới này có thể bảo tôi làm gì, và có thể sai khiến được tôi, đó là… tôi”. Để rồi trong nửa sau phim, Kane dần dần biến thành một kẻ lố bịch, điên rồ và quái đản của nước Mỹ.
Vậy cuối cùng, từ khóa của bộ phim: “Rosebud” là gì? Liệu từ này có thể giải mã được cuộc đời của Kane? Khi một cây bút chuyên nghiệp nói rằng: “Nếu anh tìm ra được ý nghĩa của từ Rosebud, tôi đồ rằng nó sẽ giải thích được tất cả mọi chuyện”, Jerry Thompson đã trả lời rằng: “Không, Kane là một người đàn ông có tất cả những gì ông ta muốn và sau đó đánh mất tất cả. Có thể Rosebud là một điều gì đó mà ông ta không đạt được, hoặc ông ta đánh mất nó. Nhưng dù gì đi nữa, nó cũng không giải thích được bất cứ điều gì. Tôi không tin rằng chỉ một từ có thể giải thích được cuộc đời của một con người. Không. Tôi đồ rằng, Rosebud chỉ là một mảnh ghép trong trò chơi ghép chữ. Một mảnh ghép bị thất lạc.”
“Rosebud” là gì? Một mảnh ghép bị thất lạc, một tình yêu bị đánh mất? Sự hồn nhiên của tuổi thơ bị đánh cắp và định đoạt bởi kẻ khác?... Câu trả lời có ở phút cuối cùng của bộ phim, câu trả lời đến cả Jerry Thompson cũng không tìm ra được.
Orson Welles mang đến cho chúng ta một câu trả lời đầy mỉa mai và có phần cay đắng. Mỗi khán giả phải tự xem phim và tự giải mã cho mình câu đố hiểm hóc nhất và bất ngờ nhất của Orson Welles dành cho điện ảnh. Nhưng hãy nhớ lời nhắn nhủ của Orson Welles: “Tôi không tin rằng chỉ một từ có thể mô tả được cuộc đời của một con người”.
#DVD là bộ sưu tập bài viết về những tác phẩm điện ảnh kinh điển.