Cold feet - Đã bao giờ bạn mong muốn được "quay xe"? | Vietcetera
Billboard banner

Cold feet - Đã bao giờ bạn mong muốn được "quay xe"?

"Quay xe" và "bàn chân lạnh" liên quan đến nhau thế nào?
Cold feet - Đã bao giờ bạn mong muốn được "quay xe"?

Nguồn: phim How I met your mother

1. Cold feet là gì?

Theo từ điển Merriam – Webster, cold feet là cụm từ được sử dụng khi bạn chuẩn bị làm một việc nhưng lại quá lo lắng và sợ hãi đến nỗi muốn buông bỏ mặc dù đã lên kế hoạch kỹ lưỡng trước đó.

Thành ngữ “get cold feet” mang ý nghĩa giống từ “chùn chân” trong tiếng Việt.

2. Cold feet bắt nguồn từ đâu?

Theo Từ điển Anh ngữ Oxford, cold feet được sử dụng với ý nghĩa “chùn chân” lần đầu tiên bởi nhà văn/nhà thơ Stephen Crane của Mỹ vào năm 1896 trong cuốn tiểu thuyết Maggie: A Girl of the Street. Sau đó, vào năm 1901, cụm từ “to get cold feet in a subject” được đưa vào danh sách thuật ngữ sử dụng trong trường đại học và được định nghĩa là “từ bỏ một môn học vì quá chán nản và mệt mỏi”.

Cũng có giả thuyết cho rằng thành ngữ “get cold feet” bắt nguồn từ thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ Nhất. Trong thời tiết băng giá, những binh lính bị lạnh cóng chân nên không thể tham chiến được gọi là “cold footer”.

Tuy nhiên, có nhiều tài liệu cho rằng, cụm từ này đã xuất hiện từ trước đó rất lâu với ý nghĩa khác. Vào những năm đầu của thế kỷ 17, cold feet được sử dụng trong vở kịch của Ben Johnson như một câu thành ngữ của Ý, mang ý nghĩa là “không có tiền”.

3. Vì sao cold feet trở nên phổ biến?

Hiện nay cụm từ cold feet được sử dụng phổ biến nhất khi nói về cảm xúc sợ hãi, lo lắng, muốn chạy trốn của cô dâu/chú rể ngay trước đám cưới. Có rất nhiều bộ phim Mỹ nhắc đến cụm từ này khi nhân vật bị hoảng loạn và định bỏ trốn ngay trước lễ cưới, như Barney trong series How I met your mother, Maggie trong phim Runaway Bride hay Mr. Big trong Sex and the City.

Không chỉ trên phim ảnh, "get a cold feet" trước thềm đám cưới cũng xảy ra ngoài đời. Tờ Insider đã có một bài viết tổng hợp những câu chuyện "chùn chân" từ Reddit:

"10 ngày trước khi cưới tôi đã nhận ra đó là một sai lầm nhưng cố thuyết phục là mình chỉ 'chùn chân' và bị níu kéo bởi số tiền cọc lẫn tiền đi lại của khách mời. Bây giờ chúng tôi ly hôn rồi."

"Trong lúc đợi chị tôi, anh rể bảo là cần đi toilet và đi ngược ra phía sau nhà thờ. Một phút sau, tôi chợt nhận ra là toilet không nằm ở hướng đó, thế là tôi đi tìm nhưng chẳng thấy. Chúng tôi không nghe tin gì trong suốt 3 ngày, và sau đó thì biết anh ta đang ở châu Âu."


"Cả lớp tôi đi dự đám cưới của cô giáo lớp bốn. Chú rể quyết định từ bỏ khi cô dâu đã đi được 3/4 lễ đường."

"Mục sư hỏi: 'Anh có lấy người phụ nữ này làm vợ không?' Chú rể nhìn cô dâu, rồi lại nhìn mục sư, và nói 'Không.'"

"Vào ngày cưới, tôi đã trốn trong phòng trưng bày phía trên của nhà thờ."

"Tôi vẫn cưới anh ta dù nội tâm gào thét. Cuộc hôn nhân 13 tháng đã dạy tôi lắng nghe trực giác của mình."

Ngoài ra, cold feet cũng được sử dụng để diễn tả cảm giác quá lo lắng và hồi hộp trước khi bước vào một sự kiện mà bạn đã chuẩn bị tinh thần từ lâu, như buổi phỏng vấn, kỳ thi hay bài thuyết trình.

Khi chúng ta gặp tình trạng căng thẳng, cơ thể sẽ tự kích hoạt giải phóng hormone adrenaline vào trong máu (Nguồn: medicalnewstoday.com). Hormone này sẽ làm cho các mạch máu ngoại vi co lại và làm giảm lưu lượng máu đến các bộ phận ngoài cùng của cơ thể như tay, chân. Phản ứng này giúp máu được tập trung vào những bộ phận quan trọng hơn như não hay nội tạng, để dự trữ năng lượng và bảo vệ cơ thể khỏi những tổn thương mà tình trạng căng thẳng gây ra.

4. Dùng từ cold feet như thế nào?

Tiếng Anh

A: I am going to give a speech, but I get cold feet.

B: No worries. Just take a deep breath and go onstage.

Tiếng Việt

A: Sắp đến lượt tao lên thuyết trình rồi, lo quá mày ơi.

B: Không phải lo đâu. Hít một hơi thật sâu và lên sân khấu nào.