Nguyễn Phan Anh có nickname là Phan và là một nghệ sĩ trẻ sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Phan Anh tự đặt cho mình nghệ danh Colorcolortomtom — một cái tên kết hợp giữa tên bố mẹ đặt và gu thẩm mỹ của bản thân, rồi được lặp lại hai lần vì “điều gì quan trọng thì nên nói hai lần!”
Tuy vì vừa tốt nghiệp trung học phổ thông, Phan Anh đã bắt đầu thực hành nghệ thuật khá nghiêm túc. Các tác phẩm của anh hướng đến phong cách pop art và cartoon, mang nhiều âm hưởng của điện ảnh và truyện tranh.
Đối với Phan Anh, vẽ đơn giản là đặt xuống bút và cọ chứ không phải đặt một chủ đề cụ thể hay kỳ vọng cho tác phẩm. Khi ép bản thân vẽ một thứ gì đó to lớn, anh sẽ kết thúc bằng sự chán chường, mệt mỏi mà chẳng đi đến đâu. Phan Anh tin rằng, nếu giữ mọi thứ như một cuộc dạo chơi, tự do đắm chìm và đầy thơ ngây, biết đâu chúng ta sẽ đi tới đích.
1. Sa mạc hay nam cực?
Hai nơi đều nghe vô cùng cô đơn…
Nhưng nếu đã phải cô đơn thì mình xin phép chọn Nam Cực để có thể vừa cô đơn mà vẫn mặc được đồ đẹp. Vả lại, lạnh mà nghe nhạc thì cũng tâm trạng phết đấy :) Nóng thì chỉ thấy khát thôi chứ mình chưa thấy lãng mạn chỗ nào.
2. Bạn hay nghe nhạc gì khi sáng tác?
Mình không có một thể loại nhạc cụ thể nào để nghe khi sáng tác cả. Cơ mà nhạc mình bật ảnh hưởng rất nhiều đến sáng tác của mình.
Đôi lúc nhạc là thứ mang lại cho mình điểm bắt đầu của ý tưởng, đôi lúc ý tưởng bắt đầu và nhạc đưa nó tới về đích.
3. Nếu được vẽ lại một cảnh phim, bạn sẽ vẽ cảnh nào?
Khó chọn quá nhỉ, có nhiều cảnh phim tuyệt quá!
Nhưng hiện tại đầu mình nghĩ đến cảnh prom trong The Perks of Being a Wallflower, khi bài Come on Eileen vang lên và các nhân vật nhảy múa. Có lẽ chúng ta đều muốn cảm giác vô tận ấy xảy ra.
4. Cảm hứng sáng tác của bạn chủ yếu đến từ đâu?
Âm nhạc, phim ảnh, thời trang, truyện tranh, văn hóa đại chúng. Ngoài ra cảm hứng còn đến từ những gì mình trải qua hay những người mình từng gặp.
Mỗi bức tranh đều có chút này, chút nọ, cộng hưởng với nhau tạo nên một tổng thể hoàn thiện trong đầu mình, từ đó hữu hình với mọi người.
Cơ mà vậy là gần như mọi thứ rồi nhỉ. Thế giới này vốn nhiều màu mà ;)
5. Bạn làm gì khi bị bí ý tưởng?
Trước khi giãn cách xã hội thì mình sẽ đeo tai nghe rồi xách ván trượt tới quán cafe nào xa xa khu mình sống chút, mua cafe rồi thong thả trượt về.
Còn hiện tại, mình vẫn đeo tai nghe, đi bộ ra máy pha cafe gần nhà bấm nút, rồi cầm cốc đi vòng vòng quanh nhà. Nhạc vẫn vang lên, mình vẫn nhún nhảy, dẹp đi suy nghĩ trong một lúc cũng hay :)
6. Mùa giãn cách có ảnh hưởng đến cách bạn sáng tác không?
Với một con người thực sự thích ra ngoài như mình, sự chán chường với việc lặp lại như vô tận mùa giãn cách này là không thể tránh khỏi, và nó ít nhiều tác động đến cách mình suy nghĩ để vẽ.
Tuy nhiên ngoài đặc tính hay chán thì mình cũng thấy mình là một người lạc quan (hơi nhiều). Vì vậy khi đặt màu, những cảm xúc tiêu cực của mình kỳ thực vẫn ở đấy, nhưng lại được biểu hiện bằng sự tích cực mà mình tin, rằng mọi thứ rồi sẽ ổn thôi.
7. Nếu có thể vẽ ai đó bất kỳ, bạn sẽ vẽ ai? Trong lúc họ đang làm gì?
Mình nghĩ mình sẽ vẽ bất kì ai nếu mình thích vẻ đẹp của họ, từ gu thẩm mỹ cho tới các tác phẩm họ tạo nên.
Với mình, một người sẽ đẹp nhất khi họ đang say đắm với điều họ yêu, mình sẽ muốn bắt và vẽ lại khoảnh khắc đó.
8. Kiếm nhiều tiền từ việc mình không thích làm và kiếm ít tiền hơn từ đam mê, bạn chọn cái nào?
Tuy rất muốn bay bổng trong câu trả lời nhưng mình vẫn sẽ chọn kiếm nhiều tiền từ việc mình không thích!
Hơi thực tế nhưng ít nhất lúc đó mình có thể tự lo cho bản thân. Cơ mà nếu mình đã không thích làm gì thì mình sẽ làm dở lắm. Chả hiểu ai lại muốn trả nhiều tiền cho mình nữa.
9. Dự án Fàshon đã thay đổi bạn thế nào?
Fàshon là lần đầu tiên mình được hoàn toàn nắm quyền triển khai một tầm nhìn, được làm nó với đầy cảm hứng và đam mê cùng với những người đồng đội. Sản phẩm cuối chứa đựng sự tự hào và công sức của mình và ekip.
Dự án là câu chuyện về niềm tin của mình dành cho một thế hệ trẻ đầy tiềm năng, là minh chứng với mình rằng mọi điều sẽ thật đẹp nếu ta biết yêu.
Fàshon sẽ luôn là một dấu mốc để bắt đầu những câu chuyện tiếp theo.
10. Một câu hỏi mà bạn nghĩ sẽ không bao giờ có thể trả lời là gì?
Mình tin là không có câu hỏi nào mà không có câu trả lời cả, ít nhất đến thời điểm hiện tại. Còn chất lượng của đáp án thì có lẽ phần nhiều dựa vào sự cố gắng của người trả lời.
Nếu đã có một câu hỏi, thường mình sẽ cố gắng đi tìm đáp án. Có thể trên đường đi, mình sẽ trả lời thêm được nhiều câu hỏi khác. Có lẽ mình sẽ chẳng tìm thấy câu trả lời, vì biết đâu mình đã trả lời mà mình còn không nhận ra.
Mà trả lời được hay không thì cũng cứ mỉm cười trước rồi tính. Bạn đang đọc cũng vậy nhé :)