COP26: 4 Hiểu lầm về biến đổi khí hậu cần sáng tỏ | Vietcetera
Billboard banner

COP26: 4 Hiểu lầm về biến đổi khí hậu cần sáng tỏ

4 Hiểu lầm cơ bản mà chúng ta hay gặp, cần phải bóc tách rõ ràng để nhìn rõ trách nhiệm và những gì ta có thể làm trước biến đổi khí hậu.

COP26: 4 Hiểu lầm về biến đổi khí hậu cần sáng tỏ

Nguồn: COP26

Có thể 31/10 năm nay bạn đang bận rộn nghĩ xem sẽ hóa trang nhân vật nào cho ngày lễ hội Halloween. Tuy nhiên, đúng 31/10 năm nay, cũng là ngày khai mạc Hội nghị lần thứ 26 của các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, gọi tắt COP26. 

Một trong hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo hàng trăm quốc gia tham gia trong bối cảnh nhiều thành phố trên khắp thế giới đang phải đối mặt với ngày càng nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã được mời và xác nhận tham gia.

“Biến đổi khí hậu”, “Thời tiết cực đoan” - dần đã trở thành những cụm từ không còn quá xa lạ với nhiều người những năm gần đây. Nhưng thực tế, không ít những điều tưởng như cơ bản và chắc chắn đúng mà chúng ta đang tin và nói lại là những hiểu lầm tai hại. 

Hiểu lầm 1: Lỗi tại mặt trời

Nếu Trái đất tham gia Halloween có khi không cần hóa trang mà chỉ cần đi kèm 1 cái nhiệt kế vì từ khóa phổ biến nhất khi nhắc đến biến đổi khí hậu là “hiện tượng nóng lên của trái đất”. Hiện tượng nóng lên của trái đất những năm gần đây biểu hiện rất nhiều nơi trên thế giới khi mà lúc nào cũng sẽ có những tin tức mùa hè này nhiệt độ nóng đạt kỷ lục sau XX năm. 

Rất nhiều người chỉ thường liên hệ hiện tượng nóng lên của trái đất với việc nhiệt độ mùa hè tăng cao hay băng ở vùng cực đang tan. Mà nóng thì lên thì chỉ có thể ngửa mặt và trách mặt trời! Nhưng thực tế đó có phải thủ phạm chính?

Mặt trời không phải thủ phạm chính gây biến đổi khí hậu

Đúng là mặt trời phải chịu trách nhiệm cho hiện tượng trái đất nóng lên trong thời gian dài trong quá khứ (kỷ Băng Hà trước đây). Đó là quá khứ dài 800 ngàn năm, mà cứ 100 ngàn năm, mặt trời tạo ra quá trình đóng băng tan chảy một lần.

Còn giờ đây, khi quá trình đó chỉ cần 150 năm đã quay trở lại, hiện tượng trái đất nóng lên với tốc độ khủng hoảng thì mặt trời đóng một vai trò trách nhiệm rất nhỏ. Theo NASA, cuối năm 2020 là thời điểm nhiệt lượng mặt trời tỏa ra ở mức thấp nhất từ năm 1750 và chỉ cao hơn mức nhiệt ở năm này là 0,1%.

97% các nghiên cứu khoa học về biến đổi khí hậu đồng tình rằng, hiện tượng trái đất nóng lên là do các hoạt động của con người.

Vì sao cần hiểu đúng?

Khi hiểu đúng chúng ta sẽ nhận thức được vai trò của con người trong nỗ lực ngăn chặn, hoặc làm chậm quá trình biến đổi khí hậu.

Hiểu lầm 2: Chỗ này nóng chỗ kia vẫn lạnh nên hiện tượng trái đất nóng lên chỉ diễn ra ở một số nơi

Thực tế nóng cực cao và lạnh cực sâu đều là những hiện tượng thời tiết cực đoan và xảy ra bất thường cũng sẽ được định nghĩa thuộc về biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu khiến trái đất nóng lên và băng tan ở hai cực

Biến đổi khí hậu, cụ thể là hiện tượng trái đất nóng lên gây tác động lên mọi nơi trên bề mặt hành tinh bởi nó thay đổi hệ sinh thái tự nhiên. Các hiện tượng thời tiết quen thuộc như bão, lốc, lũ lụt, thậm chí cả giá lạnh hay bão tuyết sẽ từ đó bị ảnh hưởng: bất thường hơn, nghiêm trọng hơn, thường xuyên hơn, và kéo dài hơn.

Đợt lạnh giá bất thường diễn ra tháng 2/2021 ở Texas, Mỹ là một ví dụ điển hình. Nhiệt độ tăng ở vùng cực làm biến đổi xoáy cực (polar vortex), vùng áp suất thấp thường nằm gọn ghẽ trên vùng cực.

Nhiệt độ trái đất bao gồm nhiệt độ vùng cực tăng khiến xoáy cực bị méo mó, từ đó làm biến dạng đường đi của dòng tia là các luồng gió (jet stream). Từ đó, không khí lạnh bị tràn xuống phía Nam.

Vì sao cần hiểu đúng?

Khi hiểu đúng, chúng ta sẽ đánh giá đúng hơn tầm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Cùng với đó ta sẽ nhận ra, biến đổi khí hậu không chừa một ai.

Hiểu lầm 3: Trung Quốc là quốc gia phải chịu trách nhiệm cho biến đổi khí hậu

Khi mà biến đổi khí hậu xảy ra tác nhân gây nên là do các hoạt động của con người, thì nước đông dân nhất thế giới – Trung Quốc có thể được cho là tác nhân gây “hậu quả nghiêm trọng” nhất trong quá trình này.

Trung Quốc đúng là quốc gia có lượng khí thải carbon cao nhất thế giới. Thế nhưng, lượng khí thải tính theo đầu người ở Trung Quốc chỉ đứng thứ 48. Thậm chí, ở trục thời gian, Trung Quốc không đứng trong top đầu những quốc gia có lịch sử dài lâu thải khí carbon ra môi trường.

Trung Quốc không hoàn toàn phải chịu trách nhiệm cho biến đổi khí hậu những năm gần đây

Hiểu lầm này nảy sinh do hai thực tế: dân số Trung Quốc cao nhất thế giới và tốc độ tăng trưởng chóng mặt của quốc gia này. Thêm vào đó, các báo cáo môi trường thường đo lượng khí thải tại quốc gia sản xuất hàng hóa. Nó không đo ở các quốc gia tiêu thụ hàng hóa hay các quốc gia có công ty sở hữu các nhà máy. 

Chính vì thế, “công xưởng của thế giới” phải gánh trách nhiệm cho lượng khí thải sản sinh ra để sản xuất hàng hóa cho thế giới. Nghịch lý tương tự cũng xảy ra với Việt Nam và các quốc gia sản xuất khác.

Tuy nhiên, quan niệm Trung Quốc, Ấn Độ hay bất kỳ quốc gia nào khác phải chịu trách nhiệm và chỉ cần nước này giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu đều là quan niệm sai lầm. Không ít quốc gia dùng hiểu lầm này như một biện minh trên bàn đàm phán.

Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, và không có một quốc gia nào có thể bỏ qua trách nhiệm hành động để giải quyết. Tất nhiên, khi các nước lớn (về dân số và cả về tầm vóc kinh tế) cam kết hành động quyết liệt về môi trường, thì chúng ta càng đạt được tới những mục tiêu tích cực nhanh hơn.

Vì sao cần hiểu đúng?

Khi hiểu đúng chúng ta sẽ thôi đổ lỗi hay chờ đợi nỗ lực của bất kỳ quốc gia nào, cá nhân nào riêng lẻ. Nỗ lực hành động là nỗ lực chung bao gồm nỗ lực của chính chúng ta.

Hiểu lầm 4: Năng lượng tái tạo rất đắt đỏ

Người ta thường quan niệm cái gì hiếm thì đắt. Năng lượng tái tạo đang là thứ không phổ biến nên năng lượng tái tạo thường được coi là đắt đỏ. Tuy nhiên, nguồn năng lượng để tạo ra điện, rẻ hơn nhiều so với hạt nhân, gas hay nguyên liệu hoá thạch, có thể khai thác chính từ mặt trời và gió

Trên thực tế, việc thay thế năng lượng tái tạo có thể tốn chi phí ban đầu. Lâu dài, chi phí sẽ nhanh chóng giảm. Phần lớn chúng ta đều nhìn vào chi phí thay thế và lắp đặt thiết bị tạo ra năng lượng tái tạo. Trong khi đó, chi phí vận hành các hệ thống này rẻ hơn việc sản xuất ra năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch. 

Các nhà máy sản xuất năng lượng gió và mặt trời có chi phí vận hành suốt đời thấp hơn 37% so với gas, và 67% so với than đá. Bên cạnh đó, có thể thấy năng lượng mặt trời và gió là năng lượng tự thân tự nhiên.

Năng lượng tái tạo có thể tốn kém ban đầu, nhưng lâu dài, chi phí sẽ giảm

Trong khi đó, gas và than đá là nguồn năng lượng cần phải khai thác và lượng dự trữ sẽ dần cạn và biến đổi theo thời gian. Vì vậy, xét về mặt đầu tư và sử dụng bền vững, năng lượng mặt trời và gió rẻ hơn năng lượng gas và than đá.

Tương tự, trong một báo cáo năm 2020, người ta ước tính thế giới cần chi ra 25 ngàn tỷ đô la để thực thi các giải pháp môi trường nhằm đạt được mục tiêu trong Thỏa Thuận Paris. Thế nhưng về lâu dài, các giải pháp này sẽ giúp thế giới tiết kiệm 140 ngàn tỷ đô la chi phí vận hành. Đồng thời, nó cũng cứu vãn thế giới khỏi việc phải trả cái giá không thể đo đếm, do những tác động kinh hoàng của biến đổi khí hậu.

Vì sao cần hiểu đúng?

Khi hiểu đúng, chúng ta sẽ có cái nhìn xa và rộng hơn. Con người sẽ không bám vào lý do chi phí ngắn hạn để trì hoãn các nỗ lực, hành động, thay đổi nhằm làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu, mang lại lợi ích lâu dài.