Đám cưới của công chúa Nhật Bản nói gì về áp lực của phụ nữ hoàng gia? | Vietcetera
Billboard banner

Đám cưới của công chúa Nhật Bản nói gì về áp lực của phụ nữ hoàng gia?

Lần đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản thời hậu chiến, một đám cưới hoàng gia được tổ chức mà không bao gồm các nghi lễ hoàng gia.
Đám cưới của công chúa Nhật Bản nói gì về áp lực của phụ nữ hoàng gia?

Công chúa Mako và hôn phu Kei Komuro. | Nguồn: The Japan Times.

1. Chuyện gì vừa xảy ra?

Ngày 26/10 vừa qua, Hoàng gia Nhật Bản thông báo Công chúa Mako đã kết hôn. Hôn phu của công chúa Mako là Kei Komuro, một thường dân.

Dù đây không phải là lần đầu một công chúa Nhật Bản kết hôn với thường dân, cuộc hôn nhân vẫn hứng chịu phản đối từ công chúng. Sau kết hôn, công chúa Mako cũng từ bỏ tước vị hoàng gia, đồng thời đổi tên thành Mako Komuro theo họ chồng.

2. Kei Komuro - hôn phu của công chúa là ai?

Komuro vừa nhận bằng tiến sĩ ngành luật tại Đại học Fordham ở tuổi 30. Anh hiện làm việc cho một văn phòng luật tại New York.

Trong quá khứ, Komuro là sinh viên tại Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế (ICU) ở Tokyo - nơi anh gặp Công chúa Mako. Anh cũng là đại sứ du lịch cho thành phố Fujisawa, tỉnh Kanagawa ở tuổi 18.

Trước đây, công chúng và truyền thông Nhật Bản từng ủng hộ Komuro, ca ngợi anh là một chàng trai giỏi giang và có học thức.

3. Hôn lễ của Công chúa Mako diễn ra như thế nào?

Do hứng chịu nhiều phản đối từ công chúng và ảnh hưởng của đại dịch, đám cưới của Công chúa Mako và Komuro được tổ chức đơn giản trong lặng lẽ. Họ chỉ thông báo đã đăng ký kết hôn, sau đó tổ chức họp báo tại một khách sạn, thay vì dinh thự hoàng gia.

Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản thời hậu chiến, hôn lễ được tổ chức mà không bao gồm các nghi lễ hoàng gia và tiệc chiêu đãi. Công chúa Mako cũng xuất hiện trước công chúng trong bộ váy xanh nhạt đơn giản, thay vì một bộ kimono như truyền thống.

Trang phục đơn giản của Công chúa Mako. | Nguồn: The Japan Times.

4. Tại sao cuộc hôn nhân bị phản đối?

Không lâu sau khi Công chúa Mako và Komuro đính hôn vào năm 2017, bê bối tài chính của nhà Komuro bị phanh phui. Theo đó, hôn phu cũ của mẹ Komuro cho rằng hai mẹ con Komuro đang nợ ông tổng cộng 4 triệu yen (khoảng 36 nghìn USD). Trong số này có cả học phí cho Komuro.

Dù Komuro cho rằng đây là khoản tiền được tặng chứ không phải cho vay, vấn đề vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn. Bê bối này khiến công chúng và truyền thông Nhật Bản không còn ủng hộ cuộc hôn nhân. Họ cho rằng Komuro không xứng với một công chúa hoàng gia, và rằng anh cưới Công chúa Mako là để “đào mỏ”.

Chính vì thế, để tránh thị phi, hôn lễ đã diễn ra thầm lặng và nhanh chóng. Công chúa Mako cũng từ chối khoản tiền hồi môn 150 triệu yen (hơn 1,3 triệu USD).

5. Sự việc nói gì về áp lực lên những người phụ nữ trong Hoàng gia Nhật Bản?

Nữ giới trong Hoàng gia Nhật Bản luôn là tâm điểm chú ý của truyền thông và công chúng. Họ được kỳ vọng sẽ tuân theo những giá trị xưa cũ và thực hiện đúng vai trò của nữ giới trong hoàng gia.

Theo giáo sư Rika Kayama tại Đại học Rikkyo ở Tokyo, một người phụ nữ hoàng gia được trông đợi sẽ thực hiện tốt các nghĩa vụ hoàng gia, có một phong cách thời trang đẹp, một cuộc hôn nhân “xứng đôi vừa lứa” và sinh được con trai. Ngoài ra, họ còn bị để ý kỹ về phong cách sống và các mối quan hệ xung quanh.

6. Những áp lực này gây hậu quả gì?

Những chuẩn mực khắt khe khiến phụ nữ hoàng gia nhận chỉ trích nếu không thực hiện tốt. Điều này khiến không ít người trở thành nạn nhân.

Thượng hoàng hậu Michiko từng hứng chịu chỉ trích chỉ vì mặc quá nhiều bộ trang phục khác nhau vào thời điểm bà còn là thái tử phi. Việc bà tiến hành cải tạo dinh thự cũng bị đánh giá là không thể hiện đủ tôn trọng với hoàng gia.

Đương kim Hoàng hậu Masako từng đưa ra một tuyên bố vào năm 2004, nói rằng bà đã “kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần" vì nhận quá nhiều sự chú ý. Việc không sinh được con trai cũng khiến bà nhận chỉ trích từ những người ủng hộ hoàng gia.

Chính Công chúa Mako cũng được chẩn đoán mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn vì những sức ép trong cuộc sống. Việc kết hôn với Komuro - người không được công chúng ủng hộ càng khiến hình ảnh của công chúa xấu đi.

Một bộ phận công chúng thậm chí đã cáo buộc Công chúa Mako giả vờ căng thẳng, đồng thời gọi công chúa là “kẻ trộm”, dù cô đã tuyên bố từ bỏ khoản tiền hồi môn.

Áp lực lên phụ nữ Hoàng gia Nhật Bản là rất lớn, dù ở thời đại nào. | Nguồn: Kyodo News.

7. Công chúa Mako và hôn phu chuẩn bị gì cho cuộc sống sau hôn nhân?

Sau kết hôn, Công chúa Mako và Komuro dự định chuyển đến sống tại New York - nơi Komuro đang làm việc tại một văn phòng luật. Komuro sẽ sang Mỹ trước để tiếp tục công việc, trong khi Công chúa Mako sẽ rời Nhật Bản sớm nhất là tháng 11, do phải làm thủ tục xin cấp hộ chiếu.

Theo đài NHK, cặp đôi hiện đã tìm được nơi ở tại New York, có giá thuê khoảng 11 nghìn USD/tháng. Căn hộ cách một dinh thự của hoàng gia Nhật Bản chỉ 10 phút lái xe.

Công chúa Mako cũng được cho là sẽ tìm kiếm việc làm để trang trải cuộc sống tại Mỹ. Cô hiện có bằng cử nhân ngành di sản văn hóa và nghệ thuật, và thạc sĩ ngành nghiên cứu bảo tàng.