Khi nói đến nghệ thuật ý niệm (conceptual art), không thể không nhắc đến cái tên Đặng Văn Phúc. Thuộc thế hệ nghệ sĩ “đàn anh” của nền nghệ thuật đương đại Việt Nam, Phúc hiện đang sinh sống và làm việc tại thành phố Horsens, Đan Mạch với nghệ danh Phucisme. Các tác phẩm của anh không chỉ được tạo ra trên giấy, mà còn tồn tại trên các mảnh tường, dãy kính, các bộ quần áo hay các tấm ván trượt.
Sau 7 năm đầu hoạt động nghệ thuật, Phúc quyết định thu gọn sân chơi của mình về 2 màu trắng và đen. Với anh, sắc đen là hình thái của những cái bóng. Bóng đen có sức mạnh của riêng nó, bởi nếu không có bóng đen, ta sẽ không có ánh sáng và sự sống.
Các tác phẩm của Phúc thường lấy con người làm điểm trung tâm, từ đó thể hiện những lát cắt sâu hơn về văn hoá và xã hội. Nếu may mắn được chứng kiến quá trình tạo ra một tác phẩm, bạn sẽ thấy được tính kể chuyện trong từng đường cọ cong tròn. Đây cũng chính là điều mấu chốt của nghệ thuật ý niệm: mỗi tác phẩm là một cuộc khám phá, và quá trình chính là thứ dẫn lối người nghệ sĩ.
3 năm sau cuộc trò chuyện đầu tiên với Vietcetera, chúng tôi lại kết nối với anh, và nghe anh kể tiếp câu chuyện bằng các tác phẩm của mình.
1. Điều gì khiến anh khó chịu nhất về công việc của mình?
Không đủ thời gian để hoàn thành tác phẩm. Nếu không đủ thời gian, tôi sẽ không thể làm tốt công việc, và tôi sẽ khó chịu về chuyện đó. Rất khó để đặt ra mức thời gian cho nghệ thuật bởi nó là một quá trình dài. Phải cho nghệ thuật đủ thời gian thì ta mới có thể chạm đến những ngưỡng sâu hơn.
2. Cảm xúc nào giúp anh sáng tác hiệu quả nhất?
Tôi làm việc với nhiều concept khác nhau. Vì vậy cảm xúc của tôi cũng thay đổi theo từng tác phẩm. Tôi luôn chuyển hoá những câu chuyện thành những cảm xúc hữu hình. Những cảm xúc ấy có thể đến từ thiên nhiên, lời một bài hát, hay một bộ phim tài liệu.
3. Lần đầu tiên anh gọi mình là nghệ sĩ là khi nào? Cảm giác ấy ra sao?
Thật ra tôi vẫn chưa dám nhận mình là nghệ sĩ vì công việc của tôi bao hàm cả nghệ thuật, thiết kế và văn hoá. Tôi không đặt nặng chuyện gán cho mình một chức danh. Quan trọng là những tác phẩm tôi tạo ra phải dung hoà được những gì tôi đam mê và những gì tôi muốn mang lại cho cộng đồng và xã hội.
4. Điều gì trong nghệ thuật khiến anh nổi da gà?
Tác phẩm nào cũng mang trong mình một câu chuyện và một cảm xúc. Nghệ thuật với tôi là kết nối tâm hồn mình với một tác phẩm. Khi tìm thấy sự kết nối ấy, tôi sẽ đắm mình trong sung sướng.
5. Theo anh, thế nào là tự do trong nghệ thuật?
Nghệ thuật đâu chỉ dừng lại ở sản phẩm. Quá trình tạo ra nó cũng quan trọng không kém. Hãy tự do và là chính mình!
6. Có tác phẩm nào khiến anh sợ khi sáng tác không?
Vũ trụ nghệ thuật của tôi mang 2 màu trắng-đen, vì vậy tôi chủ yếu hoạt động trong những góc tối của nghệ thuật. Tôi không sợ bóng tối vì khi ở trong tối, tôi mới nhìn thấy ánh sáng rõ nhất. Khi giới hạn cách biểu đạt của mình, bạn sẽ tìm thấy sự hài hoà giữa hai thái cực này.
7. Nếu không phải trắng và đen, anh sẽ chọn màu gì?
Chắc sẽ là một màu tông đất nào đó — một tông màu gần với tự nhiên.
8. Lời khuyên sự nghiệp hay nhất anh từng nghe?
Một công việc đúng sẽ luôn hợp lý trong mắt bạn. Và nhớ theo đuổi đam mê!
9. 10 năm nữa anh nghĩ mình sẽ thế nào?
Tôi mong rằng trong tương lai mình sẽ mở một trường dạy sáng tạo tại Việt Nam. Tôi sẽ truyền dạy cho các thế hệ sau những lối tư duy mở, và cách dùng nghệ thuật để biểu cảm tâm tư.
10. Việt Nam đang chứng kiến một làn sóng nghệ sĩ trẻ theo đuổi nghệ thuật ý niệm. Anh nghĩ sao về điều này?
Thật vui khi biết người trẻ đang bắt đầu tìm đến nghệ thuật ý niệm. Quan trọng là nội dung và chất lượng của tác phẩm phải toát lên được concept chung. Hãy tiếp tục khám phá vì đó là cách để bạn tìm ra con đường sáng tạo nghệ thuật của riêng mình.