1. Năm COVID-19 nhứ nhất (lịch âm), đang chuẩn bị Tết thì Cô Vy lại ghé thăm!
Sau 55 ngày bình yên, chủng biến thể mới của COVID-19 lại xuất hiện tại Hải Dương và Quảng Ninh. Đây là lý do chúng ta không nên vội vui mừng dù đã có vacxin. Ổ dịch này được cho là lớn nhất trong cộng động từ trước đến nay. Để tăng khả năng phòng dịch, thời gian cách ly cũng đã được gia tăng từ 14 lên tới 21 ngày.
Được biết, biến thể mới xuất hiện này tới từ Anh, tên VUI (Variant Under Investigation - Biến thể đang được điều tra). Việc virus đột biến không phải là điều mới, các nhà khoa học vẫn luôn theo dõi từng chi tiết về sự đột biến này . Tuy nhiên, trước tháng 12, các chủng biến thể này không xuất hiện những dấu hiệu lạ thường như hiện tại. Có thể thấy virus vẫn đang tiếp tục tiến hoá mạnh mẽ. Vậy nên việc sản xuất vacxin trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Cho tới hiện tại thì Việt Nam cùng với New Zealand vẫn đang nằm trong danh sách chống dịch tốt nhất thế giới, tuy nhiên không vì thế mà chúng ta được phép trở nên chủ quan.
2. Vừa lên chức, tổng thống Biden tập trung chống dịch
Nhà Trắng bày tỏ sự quan ngại về việc Trung Quốc có thể đã cung cấp những thông tin sai lệch về nguồn gốc của COVID-19. Chính vì vậy mà người phát ngôn của Nhà Trắng Jen Psaki đã thay mặt chính quyền Biden, bày tỏ sự cần thiết trong việc điều tra kỹ càng về nguồn gốc của đại dịch cũng như cách nó lây lan.
Trong những ngày đầu nắm quyền, ông Biden bày tỏ rõ quan điểm của mình trong việc chống dịch. Cụ thể, ông kêu gọi tất cả người Mỹ tình nguyện đeo khẩu trang trong 100 ngày, đồng thời cam kết phân phối 100 triệu liều vacxin.
Bên cạnh đó, ông cũng đã ký văn bản yêu cầu không liên hệ nguồn gốc COVID-19 với vị trí địa lý. Cụ thể là không gọi đây là “cúm Vũ Hán", “cúm Trung Quốc”. Đây là một trong những nỗ lực chống lại phân biệt chủng tộc tại đất nước này khi vừa qua đã có quá nhiều người Mỹ gốc Á phải hứng chịu hậu quả nặng nề không chỉ từ COVID-19 mà còn cả từ người dân nước này.
3. Trung Quốc lại làm thế giới bối rối với cách xét nghiệm mới
Phương pháp xét nghiệm này sẽ lấy mẫu từ hậu môn của bệnh nhân! Nghe thì kỳ lạ tuy nhiên các chuyên gia cho biết virus tồn tại ở trong hậu môn lâu hơn trong đường thở. Cách lấy dịch hậu môn có thể tăng tỷ lệ phát hiện các ca nhiễm nhanh hơn.
Bắc Kinh sẽ mở một cuộc xét nghiệm theo quy mô lớn qua đường hậu môn. Đã có nhiều ca bệnh mặc dù được xét nghiệm âm tính, nhưng khi kiểm tra dịch hậu môn lại cho ra kết quả dương tính với COVID-19.
Lễ Tết đang tới gần, chính quyền Trung Quốc đang cố gắng làm mọi cách để chống lại dịch bệnh. Thậm chí một vài thành phố còn đề nghị trả tiền cho người dân để họ không đi du lịch trong dịp Tết!
4. Phim về Cô Vy ra ngay cho kịp “trend” nhưng lại flop thảm hại
Nhà tổ chức LHP Cannes 2021 đã quyết định hoãn liên hoan phim này cho tới tháng 7 vì lo ngại dịch bệnh COVID-19. Nhiều LHP nhỏ khác của Châu Âu cũng đã phải hoãn hoặc chuyển qua chiếu phim online. Thị trường phim ảnh nháo nhào vì COVID-19. Tại Việt Nam thì các bộ phim Tết cũng bị hoãn lịch ra mắt tại Hà Nội.
Không gặp thời, thị trường phim “buồn hiu". Tuy nhiên bộ phim lấy chủ đề dịch bệnh COVID-19: Songbird tưởng là “bắt trend” thành công bỗng chốc hóa thảm họa. Bộ phim tình cảm giật gân được đạo diễn bởi người chơi hệ “cháy nổ” Michael Bay bị miêu tả là “vô cảm, dửng dưng và tồi tệ". Bộ phim vấp phải làn sóng phản đối khi mà chất liệu của phim chính là sự đau khổ và khó khăn của người Mỹ trong đại dịch.
Trong khi người Mỹ làm phim và bị ném “gạch" thì ở Anh, phim trường của Peaky Blinder - series phim tội phạm ăn khách của Anh - đã biến thành nơi tiêm vacxin. Cụ thể hơn, địa điểm này là bảo tàng lịch sử Black Country Living. Sau thời gian dài không được hoạt động vì dịch, Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh đã chọn nơi này làm điểm tập trung tiêm vacxin trên cả nước.
5. Thời đại khẩu trang lên ngôi
Vật phẩm bất ly thân trong những ngày này chắc hẳn chính là chiếc khẩu trang. Chính điều này đã gây ra nhiều những lo ngại về môi trường khi mà số lượng khẩu trang thải ra còn nhiều hơn cả sứa ngoài biển. Tuy nhiên với những chuyển biến bất thường hiện nay của biến chủng COVID-19 thì việc ra ngoài mà không có khẩu trang trở nên hết sức nguy hiểm.
Nhu cầu sử dụng càng tăng khiến các nhà thiết kế khẩu trang sáng tạo ra những loại khẩu trang mới không chỉ đẹp mà còn đem lại hiệu quả cao. Công ty Air99 đã kết hợp phương pháp gấp giấy Origami và chất liệu polypropylene (dùng để gói dụng cụ phẫu thuật) để tạo ra khẩu trang Airgami. Khẩu trang này giải quyết các vấn để về kích cỡ, khiến loại nó này ôm sát mặt người dùng và đem lại hiệu quả cao hơn.
Không thua kém gì, nhóm nghiên cứu Nguyen Lab tại Đại học Connecticut (Mỹ) đã sáng chế thành công loại khẩu trang sinh học đặc biệt. Khẩu trang này có hiệu quả lọc cao gần như N95 nhưng lại có thể tái sử dụng bằng các phương pháp khử trùng đơn giản. Với phát minh này hy vọng có thể giải quyết được tình trạng ô nhiễm gây ra bởi khẩu trang cũng như sự thiếu hụt dụng cụ y tế chống dịch trên thế giới.