Đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc: “Sân khấu thể hiện tinh thần của đất nước trong thời gian rất dài”. | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu

Đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc: “Sân khấu thể hiện tinh thần của đất nước trong thời gian rất dài”.

Chính vì vậy, chúng ta phải cố gắng lưu giữ nó làm vốn cho các thế hệ sau.
Đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc: “Sân khấu thể hiện tinh thần của đất nước trong thời gian rất dài”.

Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Nguyễn Thị Minh Ngọc là đạo diễn, biên kịch, nhà văn, giảng viên nổi tiếng với hơn 50 năm cống hiến cho nghệ thuật sân khấu đương đại Việt Nam. Cô là người đồng sáng lập nhóm Tuổi Trẻ Cười, CLB Đạo diễn thể nghiệm (tiền thân Nhà hát sân khấu kịch 5B), từng chắp bút nhiều kịch bản giá trị như Một nửa của tôi đâu, Thương hoài ngàn năm hay Giữa hai bờ sương khói.

Ở lĩnh vực điện ảnh, cô được biết đến với nhiều kịch bản đoạt giải thưởng lớn, trong đó có Song Lang - phim từng đạt giải Bông sen vàng cùng 54 giải thưởng quốc tế ở nhiều hạng mục khác nhau. Ở độ tuổi 70, cô Minh Ngọc vẫn luôn sống và làm việc với tinh thần lạc quan, mong muốn lưu giữ nghệ thuật sân khấu Việt cho thế hệ tương lai và đưa nó đến gần hơn với quốc tế.

Trong Have A Sip số 184, chúng ta sẽ được lắng nghe cô chia sẻ về hành trình sống hết mình với nghệ thuật sân khấu Việt.

Việt Nam có nhiều sắc màu hơn là đỏ và vàng

Cô Minh Ngọc từng tham gia giảng dạy môn Việt Nam học ở cả Việt Nam và Mỹ, mà sân khấu truyền thống và đương đại cũng là một học phần trong đó. Trong quá trình giảng dạy, cô đã lắng nghe nhiều sinh viên chia sẻ rằng, họ biết đến Việt Nam phần nhiều qua những bộ phim của miền Bắc trước đây dịch ra tiếng Anh. Phải đến khi xem phim Song Lang, họ mới biết thêm về nghệ thuật cải lương miền Nam và nhiều mảng màu khác của văn hóa Việt.

Điều này khiến cô Minh Ngọc trăn trở rất nhiều về việc làm sao đưa được hình ảnh Việt Nam ra bạn bè quốc tế một cách đa dạng nhất có thể. Không chỉ vậy, cô cũng nghĩ tới những thế hệ sau này - những người sẽ học về lịch sử Việt Nam qua những trang sách, thước phim, sân khấu mà thời nay để lại. Cô mong rằng có thể ứng dụng nhiều phương pháp, từ truyền miệng, ghi chép đến những kỹ thuật hiện đại, để giữ lại chúng làm “vốn” văn hóa cho thế hệ mai sau.

Đây cũng là một trong những lý do cô Minh Ngọc thử sức ở nhiều lĩnh vực, từ biên kịch đến đạo diễn, từ sân khấu đến làm phim, từ trong nước đến quốc tế. Bản thân cô khi giảng dạy cũng cho sinh viên trải nghiệm nhiều hình thức sân khấu nhất có thể, thậm chí dựng và múa rối ngay tại lớp học để sinh viên có cảm nhận chân thực nhất.

18sep2024hasnguyeiinthiiminhngoickhooanguyen01jpg
Cô Minh Ngọc trăn trở nhiều về việc làm sao đưa được hình ảnh Việt Nam ra bạn bè quốc tế một cách đa dạng nhất có thể. | Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Dạy học là không được khuôn mẫu

Dù là khi đào tạo diễn viên hay khi giảng dạy về văn hóa Việt, cô Minh Ngọc cũng đi theo một đường lối khá “phi truyền thống”. Điển hình như trong podcast EduStation, cô từng kể chuyện cho học viên lớp diễn xuất đóng kịch câm.

Đây là ý tưởng khiến cô bị không ít người bảo là “khùng”, bởi thoại là kỹ năng sống còn với nghề diễn. Nhưng trên thực tế diễn kịch câm còn khó hơn kịch thoại, bởi khi không còn lời nói, bạn phải cố gắng hết mình để diễn ra cái hồn nhân vật qua ánh mắt và cử chỉ. Và nhiều người tốt nghiệp lớp đó đã thành diễn viên nổi tiếng trong nghề, bao gồm cả Hồng Đào.

Một câu chuyện tương tự cũng xảy ra khi cô giảng dạy môn Việt Nam học. Thay vì cho sinh viên đề cương để ôn tập, cô Ngọc ra đề ngay tại chỗ, với hai câu hỏi về buổi học yêu thích nhất và câu chuyện các bạn muốn dựng thành kịch bản nhất.

Đây là hai câu hỏi mở khiến sinh viên buộc phải suy nghĩ và tự phản ánh trên trải nghiệm của mình, chứ không thể học thuộc lòng hay chép bài lẫn nhau. Có như vậy, các bạn mới hình thành khả năng quan sát, tổng hợp thông tin và đưa ra ý kiến trong quá trình học của mình.

8sep2024hasnguyeiinthiiminhngoickhooanguyen32jpg
Cô Minh Ngọc áp dụng đường lối dạy học “phi truyền thống” để tránh sinh viên học thuộc, học theo khuôn mẫu. | Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Trong kịch có mâu thuẫn, trong mỗi chúng ta cũng vậy

Mỗi vở kịch đều có những mâu thuẫn, rồi mâu thuẫn lên cao trào, đỉnh điểm để các nhân vật tìm cách giải quyết. Đây cũng chính là hình ảnh ẩn dụ cho những chuỗi mâu thuẫn mà ta phải đối mặt hàng ngày, từ cả bên trong lẫn bên ngoài. Mâu thuẫn dù không hề dễ chịu, nhưng lại là tiền đề quan trọng giúp ta phát triển, tiến xa hơn trong công việc và cuộc sống.

Bản thân cô Minh Ngọc cũng trải qua nhiều mâu thuẫn trong suốt nửa thế kỷ theo nghiệp sân khấu, nhưng chính những mâu thuẫn ấy thúc đẩy cô sáng tạo và thích ứng, phát triển mạnh mẽ hơn trong nghề.

Chẳng hạn cô vốn học dự bị y khoa khi được anh trai khuyến khích theo nghề y, nhưng sau khi được khuyến khích theo nghiệp cầm bút, cô đã rẽ hướng và đỗ vào đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM. Đây chắc chắn là một quyết định không hề dễ dàng, mà cô Ngọc phải trải qua sự đấu tranh nội tâm để đưa ra.

18sep2024hasnguyeiinthiiminhngoickhooanguyen29jpg
Cô Minh Ngọc nhận định, sân khấu cũng phản ánh đời thực, đặc biệt ở khía cạnh mâu thuẫn trong mỗi chúng ta. | Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Hay như thời kỳ trước Đổi Mới, nhà hát nào cũng ưu tiên lớp diễn viên được học ở Liên Xô, Bulgaria hay Trung Quốc. Nếu cứ phát triển theo đường lối truyền thống, thì những diễn viên trẻ mới tốt nghiệp trong nước khó mà tìm thấy cơ hội.

Đó chính là lý do thôi thúc cô Ngọc sáng lập nhóm Tuổi Trẻ Cười, tập hợp các diễn viên trẻ tự viết kịch bản, tự bán vé, tự diễn cùng nhau. Nhờ hình thức bán vé cho các công đoàn mà nhóm kịch nhanh chóng được biết đến rộng rãi, tạo tiền đề vững chắc cho cô Ngọc cùng đồng đội phát triển xa hơn.