Đào, Phở và Piano – Giải mã “ngựa ô” của mùa phim Tết 2024 | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu
01 Thg 03, 2024
Điện Ảnh

Đào, Phở và Piano – Giải mã “ngựa ô” của mùa phim Tết 2024

Sau tất cả những sự hưởng ứng, những khen và cả chê từ người xem thì Đào, Phở, và Piano để lại điều gì cho người xem và cho ngành công nghiệp điện ảnh?
Đào, Phở và Piano – Giải mã “ngựa ô” của mùa phim Tết 2024

Nguồn: Công ty Cổ phần Phim truyện

Tiếng Anh có cụm từ "black horse" - tương ứng với cụm "ngựa ô" của tiếng Việt - để nói về những nhân tố gây bất ngờ trong một cuộc đua hay cuộc thi. Giới điện ảnh toàn cầu cũng dùng cách nói này để mô tả những bộ phim gây tiếng vang dù không được nhiều kỳ vọng.

Ngựa ô chính là vị thế của Đào, Phở, và Piano - bộ phim đang khiến khán giả Việt tò mò và rung động. Nhiều người đã tưởng rằng phim sẽ khó bán vé giống như nhiều tác phẩm bị gắn mác “phim Nhà nước” khác, nhưng Đào, Phở và Piano hoá ra lại trở thành “case study” đáng nghiên cứu và học hỏi của ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam.

Vậy, Đào, Phở và Piano có gì hấp dẫn và khác biệt để gây nên hiệu ứng mạnh mẽ như thế? Và đằng sau hiệu ứng truyền miệng giúp phim lan tỏa, ngành công nghiệp điện ảnh có thể rút ra điều gì để khắc phục cho những bộ phim nhà nước đặt hàng tiếp theo?

Những điểm sáng mới lạ trên phong cách làm phim cũ kỹ

Ngay từ cái tên, Đào, Phở và Piano đã gây ra sự tò mò nhất định. Phim có chủ đề chiến tranh, tái hiện không khí của trận chiến quyết liệt bảo vệ Hà Nội trong 60 ngày đêm từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947.

Nhưng trên thực tế, tác phẩm nhìn chung khá nhẹ nhàng, xúc động, không tập trung nhiều vào cuộc chiến đẫm máu, ác liệt, mà chú trọng hơn đến cách con người tận hưởng cuộc sống giữa bom đạn. Đào, Phở và Piano chính là hình ảnh tượng trưng cho những thú vui nghệ thuật được người Hà Nội ưa chuộng: thưởng hoa, ăn phở và nghe nhạc.

26feb20243826033663346100123580017231420465064474488n1708338630448104144841170839769065917083976907411331040332jpg
Người Hà Nội xưa và những thú chơi. | Nguồn: Công ty Cổ phần Phim truyện I

Xem phim, ta có cảm giác cuộc chiến cam go chỉ là cái nền để đạo diễn Phi Tiến Sơn tôn vinh câu chuyện tình yêu của những con người có tâm hồn nghệ thuật. Đó là mối tình lãng mạn giữa anh cảm tử quân tên Dân do Doãn Quốc Đam thủ vai và cô tiểu thư Hà thành do Cao Thị Thùy Linh hoá thân.

Đó là tình yêu hội họa của ông hoạ sĩ già (NSND Trần Lực), người luôn mong vẽ nên một tác phẩm để đời. Đó cũng là đôi vợ chồng với tình yêu dành cho món phở đặc trưng của Hà Nội, hay là chú bé đánh giày chỉ ước ao được đội trên đầu chiếc mũ cảm tử quân.

Những góc máy, màu sắc trong phim vẫn giống nhiều tác phẩm lịch sử tuyên truyền về thời kỳ cách mạng khác. Tuy nhiên, Đào, Phở và Piano có sự thú vị trong việc dựng phim, để mỗi nhân vật đều có đất diễn và câu chuyện của riêng mình, không ai thực sự lấn át ai.

26feb20243833481873346063823583645094138596773020320n170833858303119736577461708397688031170839768815919958539jpg
Câu chuyện về mối tình trong lửa đạn. | Nguồn: Công ty Cổ phần Phim truyện I

Phim giống như tuyển tập những bộ phim ngắn về cuộc đời của những con người thú vị, ở các tầng lớp, độ tuổi, xuất thân khác nhau. Để rồi họ gặp nhau trong giao điểm ở “tình yêu cái đẹp, đam mê tao nhã, khí chất lãng tử và lòng yêu nước ngập tràn” (theo đạo diễn Phi Tiến Sơn).

Bên cạnh đó, phim cũng lựa chọn cách kể chuyện phi tuyến tính, thay vì đi theo mạch logic thông thường. Mở đầu phim là hình ảnh Dân và người vợ mới cưới mặn nồng trong đêm tân hôn. Họ như hồi tưởng lại tất cả những ký ức tươi đẹp trước đây về Hà Nội, về cách họ gặp gỡ và bước vào cuộc đời nhau… Để rồi kết thúc bằng cú nổ ác liệt, nhấn chìm cả phe ta và phe địch trong máu và khói lửa.

Vai diễn thuyết phục của NSND Trần Lực

Đánh giá khách quan, dàn diễn viên của Đào, Phở và Piano đều làm tròn vai trò của mình, mang đến màn trình diễn tổng hoà giàu cảm xúc. Song, với cá nhân người viết, điểm sáng lớn nhất trong diễn xuất của bộ phim này thuộc về cái tên gạo cội – NSND Trần Lực.

Trong vai một hoạ sĩ già lúc nào cũng lãnh đạm, bình thản với mọi thứ, NSND Trần Lực thể hiện chiều sâu và sự dạn dày kinh nghiệm của mình. Ông không cần gồng lên diễn xuất nhưng vẫn thể hiện được sự bất lực của một nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật, sự hài hước, tếu táo khi vun vén cho cặp vợ chồng trẻ, hay thái độ bình tĩnh khi đối mặt với phe đối địch.

26feb20243jpeg
NSND Trần Lực trong phim. | Nguồn: Công ty Cổ phần Phim truyện I

Hình ảnh gây xúc động và để lại ấn tượng lớn nhất với tôi là khi người hoạ sĩ già kiên trì hoàn thành bức tranh để đời của mình về tình yêu Tổ quốc, bất chấp bên ngoài quân địch đang nhả đạn ráo riết. Ông dùng máu để tô màu cờ Việt Nam, tỉ mỉ, cẩn thận trong từng nét vẽ uốn lượn.

Trong giây phút đó, ông quên đi những bất ổn xung quanh mình, chỉ để thăng hoa và dành trọn trái tim cho nghệ thuật.

Đó cũng là chi tiết thể hiện rõ ràng nhất sự lạc quan và tinh thần bất khuất của con người Hà Nội. Đào, Phở và Piano không phải là một bộ phim tuyên truyền nhàm chán mà là một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa, với sự tồn tại song hành của nhiều mặt đối lập: tình yêu và chiến tranh, nghệ thuật mộng mơ và thực tại tàn khốc, ước mơ, lý tưởng và những hi sinh, đánh đổi, v.v.

Hiện tượng điện ảnh đầu 2024 và những điều chưa trọn vẹn

Đào, Phở và Piano là một bộ phim được sản xuất chỉn chu với ý tưởng thú vị, cùng nhiều điểm mạnh trong quá trình khai thác. Đây là “hiện tượng” bất ngờ, điểm sáng hiếm hoi của dòng phim lịch sử khô khan vốn không được nhiều khán giả yêu thích.

Tuy nhiên, phim không phải là một tác phẩm trọn vẹn. Điểm trừ lớn nhất của tác phẩm, theo người viết, nằm ở khâu lồng tiếng và bối cảnh, kỹ xảo cũ kỹ. Nhiều câu thoại được ghép không khớp khẩu hình của diễn viên, cũng như nhiều bối cảnh tạo cảm giác hơi giả, thiếu đi sự tự nhiên và chân thật.

26feb20241jpg
Một số bối cảnh chưa thuyết phục được người xem. | Nguồn: Công ty Cổ phần Phim truyện I

Một vài diễn viên trẻ đôi khi bộc lộ sự non nớt trong cách diễn, cộng với cách nhả thoại nặng tính kịch, tạo cảm giác gượng ép và thiếu cảm xúc khi xem.

Đào, Phở và Piano sử dụng những cảnh hồi tưởng để diễn tả rõ hơn quá khứ và cảm nhận của nhân vật. Song, các cảnh chuyển này thiếu sự mượt mà nên dù không lạm dụng flashback, người xem vẫn cảm thấy bị “đẩy” ra khỏi tác phẩm đôi chút mỗi khi nhân vật nhớ về những kỷ niệm xưa cũ.

Do tập trung vào mối quan hệ giữa các nhân vật, những cảnh chiến đấu, rượt đuổi của phim bị thiếu “lửa,” mất đi phần nào chất hồi hộp của một bộ phim làm về thời kỳ chiến tranh.

Đặc biệt, hình tượng nhân vật nữ trong phim đi vào lối mòn của nhiều phim lịch sử Việt Nam cũ kỹ khác: nhẫn nhịn, hiền lành, đôi khi cam chịu, lựa chọn hy sinh bản thân dù bị đàn áp, cưỡng bức. Đặt trong bối cảnh hiện đại, mẫu nhân vật phụ nữ truyền thống như vậy không còn được khán giả trẻ yêu thích, đón nhận vì quá rập khuôn và an toàn.

Kiểu mẫu nam chính theo chủ nghĩa anh hùng như Dân cũng rơi vào vòng lặp thường thấy trong dòng phim chiến tranh tại Việt Nam. Dân yêu nước điên cuồng, thậm chí thể hiện sự dũng cảm và quan điểm cá nhân của mình mạnh mẽ đến mức có cảm giác trở thành sự bướng bỉnh, vô tâm.

Nhìn chung, Đào, Phở và Piano có những yếu tố khác biệt đủ để trở nên nổi bật trong vô vàn các bộ phim ra rạp mỗi ngày. Nhưng sẽ khó để tiếp tục có một “chú ngựa ô” bất ngờ như thế lần thứ hai nếu chỉ trông chờ vào may mắn mà thiếu đi định hướng trong việc phổ biến, phát hành phim tới đông đảo đối tượng khán giả.