Đâu mới là điều bạn thực sự cần? 3 Sự thật nên biết | Vietcetera
Billboard banner
04 Thg 10, 2024
Chất Lượng Sống

Đâu mới là điều bạn thực sự cần? 3 Sự thật nên biết

Có thật là thứ bạn muốn lúc nào cũng là nhu cầu tiêu cực và thứ bạn cần thường là những thứ cơ bản dễ thấy?
Đâu mới là điều bạn thực sự cần? 3 Sự thật nên biết

Nguồn: Shutterstock

Bạn nghĩ gì khi nói về hai khái niệm “cần” và “muốn”? Trong quản lý tài chính, hầu hết mọi người sẽ khuyên bạn nên mua những thứ bạn cần, chỉ khi thật sự dư dả rồi mới để tâm đến thứ bạn muốn. Thế nhưng, dù đã thực hành điều này trong thời gian dài, bản thân mình vẫn không dám chắc mình có đủ sáng suốt để phân biệt được thứ mình muốn với thứ mình cần và mình đã chi tiền đúng cách hay chưa?

Trên thực tế, cần và muốn vốn là những bản năng rất căn bản của con người, trước khi được đem lên bàn cân trong tài chính, chúng đã là bài học đầu đời của tất cả chúng ta, chỉ là nó không được dạy bài bản trong sách vở.

Giống như một đứa trẻ sơ sinh khóc có thể là vì cần được ăn và sẽ nhanh chóng được đáp ứng. Lớn lên, khi chúng ăn vạ để đòi ăn bánh kẹo thì ba mẹ lại bảo “không được!”, vì đó là thứ “không tốt”. Nhưng nói cách khác thì do đó chỉ là thứ chúng muốn, chứ không phải thứ chúng cần.

Vậy có thật là thứ bạn muốn lúc nào cũng là nhu cầu tiêu cực và thứ bạn cần thường là những thứ cơ bản dễ thấy?

Trong bài viết này mình sẽ chia sẻ với bạn 3 sự thật khác về cần và muốn mà mình đã đúc kết được. Hy vọng có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về hai khái niệm này, từ đó hiểu hơn về nhu cầu của chính mình để đưa ra những lựa chọn thật sự phù hợp với bản thân.

3 Sự thật về cầnmuốn

Khi bạn muốn thì bạn mới cần

Trong quá trình tiến hóa, việc tích trữ và khám phá thêm nguồn tài nguyên mới giúp tổ tiên của chúng ta sống sót qua những thời kỳ khó khăn. Ở hiện tại, dù nhu cầu sinh tồn không còn khắc nghiệt như trước, chúng ta vẫn giữ bản năng đó – luôn tìm cách muốn có thêm dù đã có đủ, để gia tăng khả năng sống sót và phát triển.

Vì vậy việc chúng ta muốn một thứ gì đó là điều rất tự nhiên. Và chính cái "muốn" đó lại thúc đẩy cảm giác "cần". Chẳng hạn, khi bạn muốn mua một món đồ nào đó, bạn cần tiền để mua. Nếu không muốn mua sắm, thì cũng không cần tiền.

Đây là một lý thuyết trong tâm lý học, ở đó người ta định nghĩa "cần" là điều kiện bắt buộc để đạt được mục tiêu, còn "muốn" là khao khát không thể thiếu.

Tóm lại, cái chúng ta muốn hoàn toàn có thể là một mục tiêu lành mạnh. Vấn đề nằm ở cách thức đạt được mong muốn có lành mạnh hay không?

Chẳng hạn bạn cần tiền để mua sắm. Nhưng lúc đó bạn không dư dả, vậy thì bạn sẽ cần tăng ca, tiết kiệm để có thể mua được món đồ mình muốn. Cái muốn ở đây không xấu, thậm chí còn là điều tốt vì tạo động lực cho bạn làm việc chăm chỉ hơn. Nhưng nếu bạn lại chọn cách lừa đảo, trộm cắp thì cách thức rõ ràng đã bị biến tướng, dù động cơ vốn không sai.

Vậy nên đôi khi đừng quá băn khoăn vì cái mình muốn (tất nhiên là cái bạn muốn không vi phạm pháp luật). Câu hỏi quan trọng là cần làm gì để đạt được thứ mình muốn cho tốt?

Thứ bạn sợ có thể chính là thứ bạn cần

alt
Nguồn: Pexels

Khi bạn cảm thấy bồn chồn, lo lắng không yên sau khi nhận được lời đề nghị thăng chức, có thể bạn sẽ nhìn nhận đó như một dấu hiệu rằng mình chưa đủ sức để gánh vác vị trí mới, mình không cần phải gượng ép bản thân. Nhưng nó cũng có thể là dấu hiệu báo cho bạn biết đây là thứ bạn cần - một cơ hội mới để phát triển bản thân.

Theo mình có 3 cấp độ nỗi sợ ở con người, mỗi cấp độ đòi hỏi một cách ứng phó khác nhau và phần thưởng cũng sẽ thay đổi tùy thuộc vào nỗi sợ bạn vượt qua. Nhưng có một điểm chung là điều kỳ diệu mà bạn đang mong đợi, nằm ở ngay công việc bạn vẫn hằng lẩn tránh (The magic you are looking for is in the work you are avoiding).

Thế nên, câu hỏi đặt ra lúc này là bạn có đủ can đảm để đối mặt với những thứ bạn cần nhưng lại làm bạn sợ hãi?

Thứ bạn muốn đôi khi là thứ làm bạn tổn thương

Thứ bạn mong muốn có thể xuất phát từ một nỗi ám ảnh, cảm giác thiếu thốn, hoặc một nỗi đau trong quá khứ nào đó chưa nguôi ngoai. Chúng khiến bạn lầm tưởng đó là thứ mình muốn và cứ thế theo đuổi những điều độc hại.

  • Bạn có thể duy trì một mối quan hệ tồi tệ vì sợ bị cô đơn, sẽ chẳng còn ai yêu thương và chấp nhận mình.
  • Bạn làm việc đến mức kiệt sức vì cảm giác cần phải chứng tỏ bản thân, tìm kiếm sự công nhận từ người khác.
  • Bạn muốn sống cuộc sống xa hoa, vì mong muốn thỏa mãn những kỳ vọng của xã hội hoặc để khỏa lấp cảm giác thiếu hụt từ bên trong.

Vì thế, câu hỏi ở đây là bạn có dám buông bỏ những thứ bạn muốn nhưng lại làm mình đau khổ hay không?

Ngoài ba câu hỏi phía trên, để hiểu rõ về thứ mình cần và muốn bạn cũng nên lưu ý thêm về 3 loại hiệu ứng tâm lý ngấm ngầm gây lệch lạc quá trình nhận biết này.

3 Hiệu ứng tâm lý gây nhiễu giữa cần và muốn

alt
Nguồn: Pexels

Hiệu ứng thiên lệch nhận thức (cognitive bias)

Đây là trạng thái đưa ra quyết định dựa trên thông tin đã biết, làm bạn khó nhận ra sự khác biệt giữa thứ mình thật sự cần và thứ chỉ đơn thuần muốn.

Giống như mỗi lần xem Apple giới thiệu sản phẩm, bạn liên tục tiếp nhận những thông tin quảng bá dòng điện thoại mới này đỉnh thế nào, tuyệt vời ra sao khiến cho bạn cảm thấy mình cần phải lên đời iPhone ngay. Nhưng có khi bạn chỉ muốn thôi chứ chẳng cần nâng cấp điện thoại gì cả.

Hiệu ứng sở hữu (endowment effect)

Khi đã sở hữu thứ gì đó, chúng ta có xu hướng đánh giá nó cao hơn giá trị thực. Từ đó khiến cho bạn rơi vào trạng thái biết là không cần thiết nhưng vẫn cứ muốn giữ.

Mình từng mua tự mua một chiếc moto như một món quà sinh nhật năm 30 tuổi, nhưng sau đó lại chẳng mấy khi lái ra đường. Mình tính bán vài lần nhưng lưỡng lự mãi, vì đúng là mình không đi nhiều nhưng chiếc xe mang giá trị tinh thần rất lớn. Cuối cùng thì gần đây mình cũng bán nó đi, vì nhận ra thật sự mình chỉ muốn cái xe chứ mình không cần nó.

Hiệu ứng thiên lệch xác nhận (confirmation bias)

Người gặp hiệu ứng này sẽ có xu hướng tìm kiếm và chỉ chấp nhận những thông tin giống với niềm tin sẵn có của mình.

Khi bạn đang muốn mua một đôi giày mới, bạn chỉ tìm và chú ý đến các bài đánh giá tích cực về đôi giày đó, bỏ qua hoặc không tin những đánh giá tiêu cực. Trạng thái bất chấp này sẽ khiến não bộ của bạn bị đánh lừa rằng bạn rất cần đôi giày này và nó là một lựa chọn tuyệt vời. Nhưng hãy cẩn thận đừng để bị mắc bẫy.

Suy nghĩ cuối

Việc thấu hiểu và phân định rạch ròi giữa những nhu cầu cần và muốn của bản thân thực sự không dễ dàng. Vậy nên, mong rằng ba sự thật kể trên đã có thể giúp bạn định hướng được con đường, để bước ra khỏi vòng xoáy cảm xúc và sống đúng với nhu cầu thật sự của mình. Và từ đó đạt được hạnh phúc bền vững thay vì chỉ là sự thỏa mãn nhất thời.

Bởi sự thông thái không chỉ đến từ việc kiểm soát những điều ta muốn, mà còn từ việc biết đâu là thứ ta thực sự cần.