David Lynch: "Câu" ý tưởng như câu cá | Vietcetera
Billboard banner

David Lynch: "Câu" ý tưởng như câu cá

Ý tưởng là thứ dẫn đường cho một người làm sáng tạo, nhưng chúng không dễ tìm. Nghệ sĩ gạo cội David Lynch có cái nhìn như thế nào về cách tìm ý tưởng?
David Lynch: "Câu" ý tưởng như câu cá

Đạo diễn David Lynch. | Nguồn: Amazon Library.

Ý tưởng là một từ khóa hấp dẫn với người làm sáng tạo, nhưng đồng thời nó cũng là một thứ khó hiểu. Ý tưởng trừu tượng và rất khó kiểm soát, nhưng lại quan trọng vì chúng kích hoạt quá trình sáng tạo diễn ra sau đó. 

Chúng ta dễ ngộ nhận rằng ý tưởng là nguyên bản, rằng chúng ta có thể tự tạo ra ý tưởng từ bộ não của mình. Không, với đạo diễn David Lynch, ý tưởng là con cá, chúng ta là người câu. Con cá chỉ thuộc sở hữu của bạn sau khi bạn câu được nó, và nó ngon hay dở cũng tùy vào cách bạn chế biến.

David Lynch là một nghệ sĩ người Mỹ đã sáng tạo hơn 40 năm. Ông thực hành nhiều bộ môn nghệ thuật, nhưng được biết đến nhiều nhất với vai trò đạo diễn. Phim của ông thường kỳ dị tới kinh dị... dù ông chẳng thực sự làm phim kinh dị.

Cảm giác kinh dị có lẽ tới từ không khí vừa mơ hồ, xa xăm, lại vừa thực tế, gần gũi. Đây là nguồn cơn của sự bất an cộp mác trong các tác phẩm của David Lynch. Có hẳn một tính từ cho cảm giác này: Lynchian

elephant man
Những nhân vật kỳ dị trong "The Elephant Man" và "Rabbits". Các tác phẩm tiêu biểu khác của David Lynch có thể kể đến: Muholland Drive, Blue Velvet, Inland Empire,....

Xem một bộ phim của David Lynch, nghĩa là bạn đang bước vào thế giới trừu tượng của những cảm xúc không thể gọi tên. Nhân vật của của David Lynch luôn có nội tâm bí ẩn thể hiện qua những hành động đáng ngờ. Ông có niềm hứng thú đặc biệt với những ngóc ngách mập mờ của tâm trí và sẽ tìm cách để đem chúng lên màn ảnh qua đôi mắt nghệ sĩ của mình.

Trong cõi hỗn mang này, David Lynch là bậc thầy trong việc điều hướng suy nghĩ của mình bằng những kỹ thuật tư duy. Với kỹ thuật thiền TM (transcendental meditation), ông đã rút ra một số nhận định về việc tìm ý tưởng. 

Câu ý tưởng như câu cá

David Lynch cho rằng ý tưởng là tất cả.

Không có ý tưởng dẫn dắt, chúng ta chẳng biết mình cần phải làm gì. Vì vậy, kỹ năng quan trọng hàng đầu của một người làm sáng tạo là tìm ý tưởng. Và ý tưởng đang trôi nổi ngoài kia, hàng triệu triệu cá thể. Thế nhưng ta sẽ không nhận biết được chúng cho tới khi ta kéo chúng vào miền tâm thức.

Tôi xem việc bắt ý tưởng như câu cá vậy. Và cũng như câu cá, bạn cần có một niềm ham muốn, và sự kiên nhẫn để câu được ý tưởng.

Trong quá trình suy nghĩ tìm ý tưởng, hãy bắt đầu với một mục tiêu, một ham muốn. Theo David Lynch, ham muốn này sẽ trở thành một loại mồi câu. Việc bạn suy nghĩ về ham muốn đó của mình cũng giống như đang móc mồi vào lưỡi câu và hạ xuống mặt nước.

Cũng như đi câu, bạn không biết lúc nào sẽ bắt được cá, không biết lúc nào một ý tưởng sẽ lóe lên trong bộ não khó hiểu của mình. Lúc này, hãy cứ giữ ham muốn, giữ sự kiên nhẫn, và sống tiếp cuộc đời của mình. Vì miễn là mồi đã được thả, sẽ tới khoảnh khắc bạn bắt được ý tưởng mình đang tìm kiếm.

Để rồi khi kéo câu, “con cá” ý tưởng mới bắt đầu tới với tâm thức chúng ta. 

Lúc này chúng ta bắt đầu quan sát được cận cảnh từng chi tiết của “con cá”: đôi mắt, miệng, từng chiếc vảy sáng bóng. Và rồi bạn đâm yêu “con cá” bé nhỏ này. Bạn để nó vào xô, hay viết ý tưởng của mình xuống. Nhưng chưa hết…

Giờ đây, chúng ta đã CÓ THÊM một mồi câu mới. Con cá vừa bắt được trở thành một miếng mồi hấp dẫn hơn, để bắt những con cá to hơn, để tìm thấy những ý tưởng thậm chí còn lớn và tuyệt vời hơn như vậy nữa.

Khi đã quan sát xong, hãy lặp lại quá trình thả câu với miếng mồi mới này ở một vùng nước sâu hơn. Những con cá khác cùng bầy sẽ bắt đầu vây quanh, và bạn dần tìm thấy nhiều hơn những mảnh ghép, và rồi một bức tranh, một kịch bản, một cảnh phim sẽ bắt đầu hiện hình.

Rồi phải viết ý tưởng đó xuống, viết làm sao để khi đọc lại, toàn bộ ý tưởng đó quay lại với chúng ta một cách hoàn chỉnh. 

Dành thời gian để mơ màng

Với David Lynch, ta không cần nhất thiết phải trải nghiệm một cảm giác mới có thể mô tả được nó. Ý tưởng có thể đến từ câu chuyện, cảm xúc, giấc mơ trong quá khứ; và cả từ bạn bè, người thân. Những trải nghiệm này sẽ không mất đi mà “bơi” vào hết chiếc bồn chứa của ký ức.

Chúng ta đã biết “câu” lấy ý tưởng, nhưng để tới được bồn chứa này, chúng ta còn cần dành thời gian để mơ màng, lan man và lang thang.

Thế nhưng, chúng ta không thể mơ màng trong một số trường hợp. Theo David, stress, lo âu, thù hằn, giận dữ, sợ hãi là những yếu tố khiến “bọn cá” cảm thấy bị đe dọa.

Nếu bạn đã từng ngồi thừ ra trước trang giấy trắng và nghĩ “Mình chẳng biết phải nói về điều gì cả.”, hãy thử thả trôi tâm trí và thực hiện kỹ thuật “câu cá” để kích hoạt quá trình mò mẫm, đào sâu tìm ý tưởng.