Để nghe nhạc chill như "dân chuyên" | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
09 Thg 07, 2021
Âm Nhạc

Để nghe nhạc chill như "dân chuyên"

Ở một thế giới có quá nhiều âm thanh, đi đâu cũng có thể "nghe thấy nhạc", thì việc "nghe nhạc" dường như cần nhiều nỗ lực hơn.
Để nghe nhạc chill như "dân chuyên"

Nguồn: Andrea Piacquadio/Pexels

Nhờ khoảnh khắc nổi da gà khi nghe một bài hát yêu thích gần đây, tôi mới chợt nhận ra đã lâu rồi mình không thực sự "nghe nhạc", theo đúng nghĩa "listen to music". Tôi chỉ "nghe thấy" nhạc, như trong tiếng Anh người ta nói "hear music".

Một ngày làm việc 8 tiếng thì không ít hơn 4 tiếng tôi mở nhạc rộn ràng bên tai mình, nhưng khi đó tôi không cần cố gắng gì, cứ thế để giai điệu bài nhạc đi vào trong tai mình và rung lên. Cảm xúc thì có đó nhưng không đọng lại nhiều. 

"Làm thế nào để nghe nhạc?" - Tôi đi tìm lại đoạn video đã từng truyền cảm hứng cho mình, và học lại từ đầu cách sử dụng âm nhạc để nuôi dưỡng đời sống tinh thần mình tốt hơn.  

Bước 1: Nghe nhạc chủ động như một nghệ sĩ

Nghe chủ động (active listening) tức là tập trung hoàn toàn vào việc nghe, để âm nhạc làm đối tượng chính. Đây là một phần của chương trình đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp, nhưng bạn không cần phải theo đuổi nghiệp nhạc sĩ, nghệ sĩ để thực sự hưởng lợi từ nó. 

Về cơ bản, nghe chủ động cho phép bạn nhận diện cấu trúc và các âm thanh (nhạc cụ) cấu tạo nên một bản nhạc, từ đó cảm thụ được sự phức tạp hoặc đơn giản tinh tế của nó. Bạn trân trọng hơn sức sáng tạo của người nghệ sĩ mình yêu thích. Bạn hiểu được bài nhạc, và thông qua đó cũng hiểu sở thích của chính mình.

Hãy bắt đầu bằng tác phẩm bạn yêu thích nhất, nhắm mắt lại và lắng nghe. Lần thứ nhất, hãy nghe xem có những nhạc cụ nào được chơi. Chúng tạo cho bạn cảm xúc gì? Lần tiếp theo, tập trung vào âm thanh từ một nhạc cụ mà bạn yêu thích, chẳng hạn như trống, bass, piano... Nếu tác phẩm có lời, bạn có thể chỉ tập trung vào ca từ của bài hát, và cách ca sĩ thể hiện tác phẩm qua cách họ ngân rung, phát âm câu chữ. 

Lắng nghe, không chỉ một mà nhiều lần, và kết nối với từng chi tiết trong bản nhạc. 
Lắng nghe, không chỉ một mà nhiều lần, và kết nối với từng chi tiết trong bản nhạc. | Nguồn: Kuo-Chiao Lin/Unsplash.

Khi nghe đúng cách và chọn đúng bài, âm nhạc sẽ giúp não bộ khuếch đại cảm xúc mà nó cảm thấy cần thiết. Nhờ đó, chúng ta có khả năng giải quyết những điều phiền muộn nhỏ nhặt trong cuộc sống tốt hơn. Chẳng hạn như khi bạn thấu cảm được sự bất cần trong rap/hip hop hoặc sự phóng khoáng, tự do trong nhạc electro, alternative, các cảm xúc tiêu cực sau một ngày dài có thể được giải tỏa. “Buổi họp không diễn ra tốt đẹp ư? Không sao, vũ trụ này vẫn quay... Chuyện đâu rồi có đó.” 

Và ai biết được, bạn còn có thể nhận được nhiều hơn thế từ việc lắng nghe. Chẳng hạn như bạn bắt đầu nhận thấy định dạng âm thanh (streaming/đĩa CD…), hoặc chiếc loa/tai nghe của mình thực sự tốt (hoặc chưa tốt) thế nào!? Bạn bắt đầu đầu tư hơn cho trải nghiệm âm nhạc, cũng như đời sống tinh thần của mình.

Nếu ví việc thích nghe nhạc giống như đang yêu một người, thì bạn vừa hoàn thành xong bước nhìn lại mối quan hệ để cảm nhận mình yêu đặc điểm gì ở người kia. Bước tiếp theo là bổ sung từ vựng để diễn đạt chúng thành lời.

Bước 2: Hiểu nhạc như hiểu "người yêu" với các thuật ngữ cơ bản

Một lưu ý nhỏ là, việc tìm hiểu sâu hơn về các thuật ngữ có thể khiến bạn bật chế độ tự động phân tích một bài nhạc, mà mất đi sự tận hưởng âm nhạc thuần khiết. Người ta gọi đó là “lời nguyền của kiến thức”. Ngay chính các nghệ sĩ cũng đôi khi thừa nhận đây là mặt trái của việc làm nghề.

Vì vậy, phần tiếp theo của bài viết chỉ điểm lại các khái niệm thuộc nhóm cơ bản nhất trong âm nhạc. Nếu bạn muốn đào sâu hơn hãy cân nhắc mục đích nhé.

Giai điệu (Melody) - Phần nhạc bạn không thể ngừng ngân nga theo

Giai điệu là một chuỗi các nốt nhạc (từ nhạc cụ) hoặc giọng hát diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định. Giai điệu của một bài hát thường là phần dễ nhớ, dễ nhận biết nhất và được lặp lại nhiều lần trong bài.

Hai yếu tố chính của giai điệu là cao độ và nhịp điệu:

  • Cao độ (pitch) là mức độ "trầm" hay "bổng" của một nốt nhạc. Nó chính là cách bạn hát Đô-Rê-Mi-Fa-Sol-La-Si.
  • Nhịp điệu (rhythm) là cách sắp xếp các các nốt có độ dài âm thanh khác nhau chẳng hạn như nốt đơn, nốt kép, nốt tròn, nốt lặng… để tạo nên sự nhấn nhá. Một ví dụ điển hình của nhịp điệu là tiếng tí tách, hay lộp độp của mưa. 

Trong nhịp điệu lại có các khái niệm chính nhỏ hơn như:

  • Nhịp/Phách (beat): các nhịp lặp lại đều đặn tạo nên một khuôn mẫu, chẳng hạn như nhịp đập của tim.
  • Nhịp độ (tempo): tốc độ nhanh chậm của đoạn nhịp đó.
Để dễ hình dung hơn, khi nhìn trên bản phổ nhạc, cao độ là vị trí các nốt theo chiều dọc, còn nhịp điệu là sự sắp xếp các nốt theo chiều ngang.
Để dễ hình dung hơn, khi nhìn trên bản phổ nhạc, cao độ là vị trí các nốt theo chiều dọc, còn nhịp điệu là sự sắp xếp các nốt theo chiều ngang. | Nguồn: Kiy Turk/Unsplash.

Hoà âm (Harmony) - Yếu tố tạo nên bản nhạc "thuận tai" hay "chói tai"

Hòa âm là khi nhiều nốt nhạc hoặc giọng hát được phát ra đồng thời để tạo ra một tổ hợp âm thanh mới, nhằm diễn tả các âm sắc và cảm xúc phức tạp hơn.

Chữ "hoà" trong "hoà âm" thường khiến chúng ta nghĩ đến "hoà hợp". Tuy nhiên, không phải tất cả các bản hòa âm đều thuận tai. Có hai loại hòa âm chính là bất hòa và hài hoà.

  • Hòa âm bất hòa (dissonant harmony) là tổ hợp những nốt nhạc tạo nên âm thanh không mấy dễ chịu khi chơi cùng nhau, thường được dùng để tạo điểm nhấn kịch tính. 
  • Hòa âm hài hoà (consonant harmony) ngược lại là những nốt khi đi cùng thì làm cho âm thanh ổn định và vui tai. 

Nhạc sĩ thường kết hợp hòa âm phụ âm và bất hoà để làm cho âm nhạc thêm sôi động và hấp dẫn. 

Nếu muốn thấy chi tiết quá trình hoà âm, bạn có thể quan sát cách các nhạc công trong dàn giao hưởng kết hợp với nhau theo chỉ huy của nhạc trưởng. Tại một giây phút bất kỳ nào đó trong bản nhạc, bạn hãy thử để ý có những nốt trầm/bổng từ nhạc cụ nào cùng vang lên?

Đến bước này, sau khi nghe một bài nhạc theo cách chủ động, bạn có thể diễn tả cảm nhận của mình đại khái như: “Cao độ tiếng piano tăng dần ở phần đầu mang lại cảm giác như mình được nâng đỡ. Rồi âm thanh 'méo mó' đó của đàn violin (distortion - dissonant harmony) tạo nên đoạn cao trào thật cuốn ở phần gần kết. Nhịp độ (tempo) nhanh tổng thể của bài nhạc giúp mình cảm nhận được sự phấn khích trong đó!” 

Việc luyện tập nghe chủ động sẽ giúp chúng ta dễ tìm kiếm các trải nghiệm cảm xúc tương tự hơn. Chẳng hạn như, khi buồn ta biết nên bật một bài hát có giai điệu ra sao, thuộc thể loại nào. Như vậy, mặc cho thế giới ngoài kia đang xoay vần thế nào, ít nhất chúng ta cũng phần nào kiểm soát được cách mình cảm nhận cuộc sống.

Nếu dạo gần đây, bạn cũng chỉ hay mở nhạc để học tập, hay làm việc "tập trung hơn", thì hôm nay hãy thử dành chút thời gian cùng ngồi xuống và "listen to music" nhé.