Điều gì "giật dây" sự hạnh phúc của bạn? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Điều gì "giật dây" sự hạnh phúc của bạn?

"Bí thuật" nào khiến nhiều người có vẻ hạnh phúc hơn hẳn người khác?
Điều gì "giật dây" sự hạnh phúc của bạn?

Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Có bao giờ bạn thắc mắc vì sao nhiều người lại có vẻ hạnh phúc hơn hẳn những người khác? Liệu có phải vì số tài sản họ sở hữu, những mối quan hệ họ có hay chức vụ của họ?

Thật ra khoa học tâm lý đã chứng minh rằng những tình huống bên ngoài chỉ tác động vỏn vẹn 10% mức độ hạnh phúc của con người, phần lớn còn lại đến từ hành động, suy nghĩ, và thói quen của bản thân. Nói cách khác, chính não bộ là tác nhân khiến ta không hạnh phúc!

Trí óc làm con người không thấy hạnh phúc?

Có 3 đặc điểm tự nhiên của trí óc là thủ phạm cản trở chúng ta hạnh phúc:

1. Không ngừng so sánh

Bổ Natildeo Hạnh phuacutec 1
Bạn có phải là một người hay so sánh?

Trí óc chúng ta thường không nhìn nhận hoặc đánh giá bản thân/sự việc theo bản chất thật sự, mà dựa trên sự so sánh với các điểm tham khảo (Reference Point).

Hai kiểu so sánh thường thấy là:

  • So sánh với bản thân mình trước đây: Ví dụ, nếu mức lương trước đây của bạn là 10 triệu VNĐ, bạn sẽ kỳ vọng mức lương hiện tại cao hơn mốc này. Điều này khiến bạn không hài lòng với mức hiện tại và luôn muốn kiếm được nhiều hơn so với mức trước đó.
  • So sánh xã hội (Social Comparison): Bạn dễ so sánh mình với những người gần gũi như bè bạn, đồng nghiệp… Một khảo sát cho thấy nếu đồng nghiệp lương càng cao hơn bạn, bạn sẽ càng cảm thấy không hài lòng với công việc của mình. Tai hại hơn, trí óc có thể chọn điểm tham khảo phi thực tế: thay vì so sánh lương của mình với đồng nghiệp, bạn so sánh với một tỷ phú.

2. Hiệu ứng thích nghi với khoái lạc (Hedonic Adaptation)

Nếu trúng 10 tỷ VND, chắc hẳn ngày đầu tiên bạn sẽ chìm trong vui sướng, nhưng sau vài tháng, mọi cảm giác đều biến mất. Đây chính là hedonic adaptation - quá trình trí óc thích nghi với các tác nhân tích cực hoặc tiêu cực, và dần phai nhạt cảm xúc với chúng (dù là tích cực hay tiêu cực) theo thời gian. Điều này sẽ khiến bạn cảm thấy không còn hạnh phúc với điều mình đang có, và liên tục tìm kiếm thứ tốt hơn để thấy vui vẻ hơn.

3. Thiên kiến về độ ảnh hưởng của cảm xúc (Impact Bias)

Impact Bias là thiên kiến đánh giá quá cao tác động của một cảm xúc về cường độ và thời gian nó tồn tại. Khuynh hướng này khiến bạn dự đoán sai tác động cảm xúc của một sự kiện tiêu cực và ngăn bạn tham gia chúng.

Ví dụ, bạn dự rằng việc nghe nhận xét của sếp sẽ làm bạn rất buồn và không dám tham gia buổi họp. Tuy nhiên, có thể mọi thứ không đáng sợ tới thế!

Có hai yếu tố dẫn đến Impact Bias: sự tập trung quá mức của ta về cảm xúc trong tương lai và chế độ "tạo cảm giác" ảo khi nghĩ đến những sự kiện sắp xảy ra mà quên rằng những cảm xúc đó có thể chỉ thoáng qua trong thực tế.

Làm thế nào để hạnh phúc hơn?

alt
Làm sao để cuộc sống luôn đong đầy hạnh phúc?

Bí quyết để hạnh phúc

Thật ra không khó để tạm dừng việc buồn bã và có một tâm trạng vui tươi hơn, như:

  • Tập trung vào các trải nghiệm thay vì chỉ chăm chú vào những vật cầm nắm được
  • Thử tưởng tượng cuộc sống bạn theo chiều hướng tiêu cực để trân trọng hiện tại
  • Cho bản thân một khoảng nghỉ khi biết rằng mình đang sợ hãi hoặc buồn bã. Thiền hoặc viết về cảm xúc cũng là một cách để ta bình tĩnh và bình an hơn.

Con người cũng cần sự không hạnh phúc?

Jennifer Hecht, một triết gia nghiên cứu về lịch sử của hạnh phúc, cho biết chúng ta không thể trải nghiệm tất cả loại hạnh phúc trong cùng một thời điểm.

Bạn có thể chán ghét việc học hành vào lúc này, bởi nó khiến bạn phải bỏ đi những thứ khiến bản thân vui vẻ (như tiệc tùng, chơi bời). Nhưng đó lại là tiền đề cho sự thỏa mãn khi đạt được mong ước về sự nghiệp trong tương lai. Khi hạnh phúc trong một lĩnh vực tăng lên, thông thường, lĩnh vực khác sẽ bị giảm sút.

Vậy nên, bài học đầu tiên để có một cuộc sống hạnh phúc hơn, là chấp nhận sự không hạnh phúc.