Điều gì xảy ra khi bạn tiếp xúc với kiến thức mới? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
04 Thg 09, 2023
Chất Lượng Sống

Điều gì xảy ra khi bạn tiếp xúc với kiến thức mới?

Một chia sẻ gửi đến các bạn trong bối cảnh các khoá học trực tuyến mọc lên như nấm.
Điều gì xảy ra khi bạn tiếp xúc với kiến thức mới?

Nguồn: George Pak/ Pexels

Mình ở Sài Gòn, một trong những thành phố có chi phí sinh hoạt cao nhất Việt Nam. Trong một lần về quê, khi ngồi nói chuyện với họ hàng, mình có kể rằng: "Ở thành phố, có một nhà hàng tên là Yeebo - họ bán một con vịt quay giá tới 6 triệu nhưng vẫn luôn đông khách."

Với những người làm nông chất phác ít khi ra khỏi làng và đang nuôi cả đàn vịt hàng trăm con thì hiển nhiên đây là một thông tin mới với họ. Trước thông tin này, có ba phản ứng (có thể) xảy ra:

  • Họ không tin mình.
  • Họ tin mình, nhưng không biết phải làm gì.
  • Họ tin mình, một cách mù quáng.

Điều gì sẽ xảy ra khi họ không tin mình?

Dựa trên kinh nghiệm của họ, từ khi vịt mới nở cho đến khi có thể bán là mất khoảng hơn 2 tháng, với giá mỗi con là khoảng 75K. Vì vậy, việc một nhà hàng bán vịt với giá 6 triệu là điều khó tin đối với họ.

Họ có thể nghĩ rằng mình đang phô trương và khoác lác. Kết quả là họ mất lòng tin vào mình và bắt đầu hoài nghi về mọi lời mình nói sau đó. Điều đáng lo ngại hơn, thái độ của họ với mình cũng bắt đầu thay đổi.

Đây chính là thời điểm mà người tiếp nhận thông tin cần phá vỡ tầng nhận thức của mình, để thay đổi những quan điểm và niềm tin hiện tại. Để thực hiện việc này không dễ dàng. Nó đòi hỏi sự kiên nhẫn, việc giải thích rõ ràng và đưa ra bằng chứng từ phía mình. Cũng như việc người nghe cần phải đầu tư thêm nhiều chi phí khác.

Họ có thể cần dành thời gian để vào thăm Sài Gòn, chi trả một khoản tiền để thử nghiệm một bữa tại Yeebo. Họ cần phải tận mắt - tận tai trải nghiệm những điều đó thì mới tin.

Nhưng sau khi trải nghiệm, họ sẽ nhận ra rằng còn một thế giới rộng lớn với nhiều cơ hội đang chờ đợi ở phía trước, giúp họ có cái nhìn mới và nâng cao chất lượng cuộc sống nếu họ mong muốn.

Nguồn Orlie Wayne Faustorilla Pexels
Nguồn: Orlie Wayne Faustorilla/ Pexels

Điều gì sẽ xảy ra khi họ tin mình, nhưng không biết làm gì với thông tin đó?

Họ hiểu rằng những con vịt phải qua tay nhiều lái buôn, công đoạn trung gian và với mức thu nhập ở thành phố, thì mới có giá cao như vậy. Tuy nhiên, với hoàn cảnh và khả năng hiện tại của bản thân, họ cảm thấy bất lực và không biết phải làm gì.

Họ không thể chuyển lên thành phố để sinh sống, cũng không có khả năng tự mình tham gia vào các khâu trung gian để đặt được mức giá cao nhất cho sản phẩm của mình.

Trong mắt họ, luôn có quá nhiều khó khăn, cản trở và những thứ họ chưa từng làm bao giờ. Do đó, họ chỉ đơn thuần tiếp nhận thông tin và sau đó dần dần quên mất.

Ở đây người nhận kiến thức cần nâng tầng nhận thức. Họ phải tự mình nhận ra rằng để đạt được điều chưa có ở hiện tại, họ phải làm những thứ chưa từng làm trước đây.

Vì vậy, họ bắt đầu khởi động hành trình cải thiện bản thân, bổ sung những kỹ năng còn thiếu và bước ra khỏi vùng an toàn. Ngay cả khi gặp thất bại, họ cũng không đổ lỗi cho bất kỳ ai.

Điều gì sẽ xảy ra nếu họ tin tưởng và hành động một cách mù quáng?

Thông tin về một con vịt quay có giá 6 triệu mà mình đưa ra đã tạo nên một hình ảnh tươi sáng về tương lai trong tâm trí họ.

Không chần chừ, họ ngay lập tức tìm kiếm trên mạng về cách chế biến vịt quay. Bắt hơn chục con vịt ngoài vườn vào thử từng công thức cho tới khi có được công thức họ cho là ngon nhất. Dù họ có tham khảo ý kiến từ bạn bè, nhưng không chắc họ sẽ lắng nghe.

Họ quyết định vay tiền từ ngân hàng hoặc cầm cố tài sản để mở một nhà hàng vịt quay ngay tại quê nhà. Họ tin rằng, chỉ cần bán với giá 3 triệu/con - nửa giá so với ở thành phố, thì việc kinh doanh sẽ thuận lợi. Khi có người thân hoặc bạn bè cảnh báo, họ dễ dàng phản ứng mạnh mẽ:

"Mày biết gì mà nói? Ở thành phố người ta bán với giá 6 triệu/con đấy. Hay mày ghen ghét, sợ tao thành công nên mới cản trở?"

Đây là khi người nhận kiến thức bị rơi vào tình trạng sai lệch tầng nhận thức, vì quá vội vã tin ngay những thông tin mới nhận được, mà quên phân tích theo ngữ cảnh thực tế và hoàn cảnh hiện tại của bản thân. Rất có khả năng, họ sẽ gặp khó khăn, thất bại và thậm chí còn gây mất lòng với những người xung quanh.

Khi mọi chuyện không diễn ra như mong đợi, người đầu tiên họ trách móc có lẽ sẽ là mình - người đã cung cấp thông tin sai lệch, nguyên nhân của tất cả. Dù rằng điều mình nói là sự thật, nhà hàng Yeebo vẫn đang kinh doanh với mức giá đó và đã thành công suốt nhiều năm.

Nguồn Huỳnh Acircn Pexels
Nguồn: Huỳnh Ân/ Pexels

Suy nghĩ cuối

Câu chuyện trên có thể được phóng đại một chút để giúp bạn đọc dễ dàng hình dung và áp dụng vào những tình huống thực tế, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi mà các khóa học trực tuyến mọc lên như nấm và tác động mạnh mẽ vào tâm lý FOMO (Fear of Missing Out) của giới trẻ.

Khi đứng ở vị trí của người truyền đạt kiến thức, mình nhận ra tầm quan trọng của việc chọn lọc thông tin và cách thức truyền tải một cách cẩn trọng, đa dạng và khách quan, nhằm tránh việc người nghe bị "sai lệch tầng nhận thức".

Là một người luôn muốn khám phá và học hỏi, mình đã tự xây dựng một bộ lọc thông tin cho mình, như đã chia sẻ trong bài viết: Tự tin, nhưng đừng vội tin.

Để kết thúc, xin trích dẫn một phần từ bài viết khác của mình: Kinh nghiệm giống như một bộ đồ cũ, có thể sẽ vừa nhưng không phải là thứ bạn muốn. Hãy xem những lời khuyên của mình như là thông tin tham khảo cho sự phát triển của bạn.