Vài năm trước, một anh bạn đồng nghiệp đã gán cho mình biệt danh “Mr. Lý sự”– một danh hiệu xuất phát từ việc mình có thói quen tranh luận và mở rộng mọi vấn đề. Với mình, danh hiệu này có chê mà cũng có khen. Nó phản ánh sự hoài nghi của mình, đồng thời là ước muốn khám phá thấu đáo gốc rễ vấn đề trước khi đưa ra kết luận cho bất kỳ điều gì.
Khi còn nhỏ, mình đã trở thành “nạn nhân” của nhiều “sự thật” từ người lớn. Chẳng hạn mình đã từng tin sái cổ rằng nếu để chuồn chuồn cắn rốn thì sẽ biết bơi. Kết quả là dù bị cắn nhiều lần, mình vẫn không biết bơi, thậm chí đã vài lần suýt đuối nước. Hay chuyện nếu nuốt hạt, cây sẽ mọc qua miệng, tai, hay mũi từng gây cho mình nhiều nỗi sợ hãi.
Bây giờ mình biết chúng chỉ là trò đùa, nhưng nhu cầu cần biết sự thật toàn cảnh không vì vậy mà biến mất. Nhất là ở thời đại này, việc tiếp cận thông tin quá dễ dàng khiến cho con sông kiến thức của mỗi người càng dễ trở nên ô nhiễm vì những thứ không có thật, bị kịch tính hóa, hoặc chỉ lấy các khía cạnh tiêu cực để câu view. Khi đó mình Dẫn tới việc hình thành nhiều niềm tin sai lệch.
Bên cạnh việc học cách unlearn, chúng ta cũng nên tự xây dựng một bộ lọc thông tin. Hãy bắt đầu từ việc phân tích những lý do vì sao chúng ta lại dễ tin vào một loại thông tin nào đó.
Tại sao chúng ta dễ dàng tin vào một điều gì đó?
Bên dưới là bản tóm tắt những lý do mà mình cho rằng thường xuyên dẫn đến việc mọi người dễ tin vào một thứ gì đó, đặc biệt là thông tin họ mới tiếp nhận. Việc nhận thức về những lý do này sẽ giúp chúng ta nhanh chóng nhận biết các dấu hiệu bất thường để kích hoạt bộ lọc kiến thức.
- Hiệu ứng hào quang (Halo effect): Đây là một hình thức thiên vị nhận thức, nơi mà đánh giá tổng quan của chúng ta về một người hay một sự việc nào đó chỉ dựa trên một khía cạnh nhất định. Chẳng hạn, ta dễ có kỳ vọng rằng một người có tài năng thiết kế cũng là người có những nhận định sáng suốt về nghệ thuật điện ảnh, hay thậm chí là về chính trị, giáo dục. Hay một người có khả năng năng ăn nói giỏi cũng là một người có chuyên môn cao, và ngược lại.
- Hiệu ứng đám đông (Bandwagon effect): Đây là xu hướng lẫn lộn giữa "thông tin được chia sẻ rộng rãi" với "thông tin chính xác". Một bài viết thu hút nhiều sự tương tác không có nghĩa là thông tin bên trong đó hoàn toàn chính xác và toàn diện.
- Hiệu ứng sẵn có (Availability heuristic): Chúng ta thường dựa vào những thông tin có sẵn để đưa ra quyết định hoặc đánh giá. Nếu một thông tin xuất hiện thường xuyên trên internet, hoặc được nhiều người đề cập, vì sự thuận tiện, chúng ta sẽ dễ tin rằng đó là sự thật mà không kiểm tra xem có bằng chứng xác thực hay không.
- Hiệu ứng buồng vang thông tin (Echo chamber): Nếu không chủ động tìm kiếm bên ngoài vòng tròn thông tin quen thuộc, chúng ta dễ rơi vào trạng thái chỉ tiếp nhận những quan điểm củng cố cho niềm tin sẵn có. Khi đó, việc một thông tin nào đó được lặp đi lặp lại liên tục có thể tạo ra "ảo tưởng về sự thật" (illusion of truth effect). Như khi một tin tức được nhiều trang tin lớn đồng thời đăng tải, chúng ta sẽ dễ tin rằng đó là sự thật.
- FOMO (Fear of Missing Out): Khi một thông tin trở nên phổ biến, thay vì kiểm tra và phân tích, chúng ta thường nhanh chóng tin tưởng và tham gia vào cuộc thảo luận do sợ bị bỏ lỡ điều gì đó.
- Thiên kiến xác nhận (Confirmation bias): Là xu hướng tìm kiếm thông tin để ủng hộ niềm tin hiện tại của bản thân. Ví dụ, khi bạn đã không thích một người nổi tiếng nào đó, bạn sẽ có xu hướng tìm kiếm những bình luận có ý kiến tương tự như mình.
- Kỳ vọng internet: Sự thuận tiện và niềm tin vào độ tin cậy của một vài nguồn thông tin nào đó trên internet dễ khiến chúng ta tin rằng thông tin từ đó là chính xác. Đặc biệt là những thông tin đơn giản, dễ hiểu và ngắn gọn, như video Reel, clip TikTok, bài viết ngắn, v.v…
- Thiếu kiến thức tổng quan: Khi không am hiểu rõ về một chủ đề cụ thể, chúng ta có thể tin vào những thông tin sai lệch hoặc không chính xác. Điều này càng trở nên nguy hiểm khi kết hợp với hiệu ứng "Dunning-Kruger", nơi mà chúng ta đánh giá quá cao khả năng của bản thân.
Trang bị "bộ lọc" thông tin, bạn được gì?
Ngoài việc giúp chúng ta tránh những thông tin gây ra sự hiểu lầm và niềm tin sai lệch, việc sở hữu một bộ lọc thông tin còn mang lại những lợi ích sau đây:
- Nâng cao hiểu biết: Bộ lọc thông tin giúp chúng ta tập trung vào những thông tin chất lượng và hữu ích, qua đó, dần dà tăng cường sự hiểu biết và kiến thức giá trị.
- Tiết kiệm thời gian: Chúng ta không thể đọc, hiểu và ghi nhớ mọi thông tin. Bộ lọc thông tin giúp chúng ta lọc bỏ những thông tin không cần thiết, từ đó, tận dụng thời gian một cách hiệu quả.
- Ngăn ngừa quá tải thông tin: Sự tiếp xúc với lượng thông tin lớn có thể gây stress, giảm khả năng tập trung và suy nghĩ một cách minh bạch. Bộ lọc thông tin giúp chúng ta giảm bớt số lượng, đảm bảo cân đối và chất lượng thông tin nhận được.
- Hình thành quan điểm cá nhân đa chiều: Thông qua việc tìm hiểu từ nhiều nguồn thông tin đáng tin cậy, chúng ta có thể xây dựng một cái nhìn đa chiều về một vấn đề, thay vì chỉ nhìn từ một góc độ duy nhất.
- Tránh bị lợi dụng: Hay nói cách khác, bộ lọc thông tin giúp chúng ta tránh bị thao túng bởi những tổ chức lớn muốn điều hướng dư luận.
- Đưa ra quyết định tốt hơn: Bộ lọc thông tin giúp chúng ta dựa trên thông tin chính xác và đáng tin cậy để ra quyết định một cách tỉ mỉ và thông minh hơn.
Cách mình hình thành "bộ lọc" thông tin
Tương tự như cấu tạo của bộ lọc nước, mình cho rằng bộ lọc thông tin cũng có thể được chia thành nhiều lớp nhằm giúp việc xây dựng và áp dụng trở nên dễ dàng hơn.
1. Lọc theo nguồn
Tư duy: Nhận thức rằng chúng ta có thể bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng Halo.
Thói quen: Hãy luôn kiểm tra độ tin cậy, uy tín và năng lực của nguồn thông tin. Ưu tiên những thông tin được xác nhận bởi nhiều nguồn tin cậy hơn là chỉ dựa vào một nguồn duy nhất.
Kỹ năng: Biết đánh giá và tìm kiếm thông tin từ đa nguồn.
2. Lọc theo bằng chứng
Tư duy: Nhận biết rằng thông tin cần được hỗ trợ bằng bằng chứng và không nên tin vào mọi thông tin không có bằng chứng.
Thói quen: Luôn tìm kiếm và đánh giá bằng chứng khi tiếp xúc với thông tin mới.
Kỹ năng: Nhận biết sự khác biệt giữa bằng chứng mạnh và bằng chứng yếu.
3. Lọc theo thời gian
Tư duy: Hiểu rằng thông tin mới xuất hiện có khả năng sẽ chưa chính xác hoặc chưa đầy đủ.
Thói quen: Luôn để ý tới thời điểm thông tin được đăng tải hay xuất hiện.
Kỹ năng: Xác định được ngày, thời điểm của thông tin.
4. Lọc theo nội dung
Tư duy: Nhận biết rằng nội dung thông tin có thể bị biên tập, chỉ trình bày một phần của sự thật cho một mục đích cụ thể, đặc biệt là những thông tin gây sốc, chứa đựng nhiều yếu tố cảm xúc.
Thói quen: Luôn đọc kỹ bài viết, không chỉ dừng lại ở tiêu đề, và cố gắng đặt mình vào các góc nhìn từ những chủ thể khác nhau trong nội dung.
Kỹ năng: Đọc hiểu, đồng cảm và khả năng nhận biết từ nhiều góc độ.
5. Lớp theo mục đích
Tư duy: Hiểu rằng không phải tất cả thông tin đều cần thiết và hữu ích. Đánh giá thông tin dựa trên nhu cầu và mục tiêu cá nhân.
Thói quen: Đặt câu hỏi "Thông tin này giúp mình làm gì?" trước khi tiếp xúc với một thông tin mới.
Kỹ năng: Đặt ra các câu hỏi phù hợp để đánh giá mục đích của thông tin.
Suy nghĩ cuối
Khoảng 2 năm trước mình cũng từng viết một bài tựa đề “Này bạn, đừng vội tin ngay những điều mình viết”, với mong muốn nhắc nhở bạn là hãy luôn đọc những gì mình viết với thái độ hoài nghi hợp lý, tự lựa chọn những thông tin hữu ích cho riêng bạn.
Cũng muốn nhắc lại rằng tất cả những thứ mình viết chưa chắc sẽ phản ánh đúng năng lực của mình. Vì năng lực thực sự không chỉ thể hiện qua những gì mình biết mà nó là sự tổng hợp của biết, nghĩ, làm và kết quả.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian cho những suy nghĩ của Hoàng.