Công việc của tôi được chia ra quản lý bởi hai người sếp. Điều làm tôi khá lo lắng là không ai trong số họ tường tận về toàn bộ công việc của mình.
Làm cách nào để điều này không gây bất lợi cho tôi, đặc biệt là vào những đợt đánh giá thành tích?
Sẽ thế nào khi dưới “trướng” hai sếp quản lý?
Việc này thi thoảng xảy ra vì khối lượng công việc chính của nhân viên không đủ lớn để lấp đầy toàn bộ thời gian trong ngày. Nhìn theo cách khác thì công ty đang làm mọi cách để “tận dụng” triệt để sức lao động của nhân viên. (Chủ nghĩa tư bản là thế đấy! Nhân viên không hơn kém gì một công cụ lao động!).
Tuy nhiên, nếu nhìn một cách tích cực thì đây có thể là cơ hội phát triển sự nghiệp cho bạn. Thêm một người quản lý, một dự án hay thách thức đồng nghĩa thêm cơ hội thể hiện năng lực tới nhiều khán giả hơn cũng như học hỏi từ nhiều vị lãnh đạo hơn.
Tích cực là thế, nhưng hãy thận trọng khi nghe những lời “đường mật” của sếp về lợi ích của việc có hai người quản lý. Cụ thể là làm sao chắc rằng bạn sẽ được đánh giá công bằng và toàn diện khi không có ai phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về bạn?
Ai là người chịu trách nhiệm chính về bạn?
Nếu thu xếp được, hãy cố gắng để một sếp lãnh trách nhiệm nhiều hơn về bạn. Không nhất thiết phải ra một con số cụ thể như 51%, ý chính ở đây là bạn sẽ cần một người sếp trực tiếp giám sát phần lớn công việc và họ có thể dựa vào đó, làm cơ sở đánh giá hiệu suất của bạn.
Nếu không, làm sao phân trần được khi họ cho rằng bạn dành phần lớn thời gian làm việc để theo dõi những video unboxing vô bổ trên YouTube?
Bạn cũng nên trao đổi thẳng thắn với sếp về mục đích của việc này. Liệu đây có phải chỉ là hoàn thành công việc rồi báo cáo thêm cho một sếp nữa không?
Nếu vậy thì ổn thôi, nhưng họ dự định để bạn làm điều đó bao lâu? Hơn nữa, công việc được giao phó có tạo điều kiện cho bạn học hỏi từ người có chuyên môn không? Trong trường hợp đó, chỉ tiêu đánh giá sẽ là gì?
Làm sao để năng lực của bạn được đánh giá đúng?
Một vấn đề chung khi làm việc dưới trướng nhiều quản lý là các sếp thường cho rằng nhân viên không đủ chuyên cần và luôn chậm trễ trong công việc. Trong khi đó, nhân viên lại không hiểu lý do cho những đánh giá đó – họ luôn bận tối mắt tối mũi từ hết dự án của quản lý A cho đến dự án của quản lý B.
Để dập tắt việc này trước khi nó bùng thành vấn đề, tôi xin có lời khuyên:
"Hãy chủ động báo cáo công việc hàng tuần bằng cách ghi chú ngắn gọn và gửi mail cho tất cả các sếp."
Bằng cách này, bạn vừa cung cấp cho họ cái nhìn tổng quát về công việc của mình, vừa có minh chứng vững chắc cho bản thân tự đánh giá sau này hay có lý do cụ thể cho việc ưu tiên một dự án nào đó trong danh sách nhiệm vụ.
Tùy thuộc quy trình đánh giá của công ty, hãy đảm bảo rằng người sếp thứ hai cũng tham gia vào quá trình này và gửi gắm vài lời nhận xét cho bạn.
Thậm chí bạn có thể đề xuất một cuộc họp ba bên ngay từ khi bắt đầu để cùng thống nhất tiêu chí đánh giá – tuy nhiên hãy chú ý đến văn hóa công ty bởi điều này có thể không thiết thực và rườm rà ở những môi trường hay biến động hoặc thay đổi không ngừng.
Kết
Nếu mọi chuyện suôn sẻ, bạn sẽ có hai người sếp quen thuộc với quy trình hay phong cách làm việc của mình và xác nhận được năng lực của bạn trong giai đoạn đánh giá thành tích. Hai luôn tốt hơn một (và bạn cũng có gấp đôi mạng lưới quan hệ khi muốn thăng tiến sâu hơn trong sự nghiệp).
Bài viết được chuyển ngữ bởi Đức Toại theo bài viết gốc của Jessica Powell đăng trên Medium.
Xem thêm:
[Bài viết] Thưa sếp, đây là những gì millennials mong mỏi!
[Bài viết] Office Gossip: Nhận diện ‘sếp xấu tính’ và ‘sếp khó tính’