Dorothea Lange - Đừng dừng lại trước khi khai thác mọi tiềm năng | Vietcetera
Billboard banner

Dorothea Lange - Đừng dừng lại trước khi khai thác mọi tiềm năng

“Nếu biết trước điều bạn đang tìm kiếm, đồng nghĩa với việc bạn đang chụp lại định kiến của mình.”

Dorothea Lange - Đừng dừng lại trước khi khai thác mọi tiềm năng

Paul S. Taylor chụp Dorothea Lange ở Texas, 1935

Dorothea Lange là nhiếp ảnh gia người Mỹ, một trong những người đặt nền móng cho dòng nhiếp ảnh tư liệu. Bà nổi tiếng nhất với dự án ảnh về cảnh bần hàn của người lao động Mỹ trong cuộc Đại Khủng Hoảng, với một ống kính giàu lòng trắc ẩn.    

Khám phá một chủ thể đến cùng

Bà nhắn nhủ rằng “Nhiều người nhiếp ảnh gia dừng chụp một chủ thể quá sớm, trước khi họ có thể khám phá mọi tiềm năng.”

Người Mẹ Di Cư là một biểu chứng về việc khám phá chủ thể thật kĩ càng. Trong 5 năm của cuộc Đại Khủng Hoảng, Lange và chồng, Giáo sư Paul Schuster Taylor, làm việc cho Resettlement Administration - một cơ quan chính phủ hỗ trợ nông dân nghèo. 

Họ đi khắp vùng California, phỏng vấn, lấy số liệu về người dân, trong khi Lange chụp hình cuộc sống của người nông dân thất nghiệp, tha hương.

Đầu tháng 3, 1936, Lange lái xe ngang qua biến hiệu ghi “Trại của người thu hoạch đậu” ở Nipomo, California. Khi đã đi quá 20 dặm, Lange đổi ý và vòng xe quay lại Trại. Sau đó, Lange bắt gặp Thompson, người mẹ 32 tuổi cùng 7 đứa con trong cảnh bần hàn, xe bị hỏng giữa đường. 

Migrant Mother, 1936 (trái) và những góc ảnh khác. Đây là “bức ảnh được in lại nhiều nhất thế giới” - theo giám tuyển Sarah Hermanson Meister của MoMA.

Lange đã chụp 7 tấm trong series này, và bức cuối cùng - Migrant Mother trở thành một biểu tượng của nỗi đau thời kỳ Đại Khủng Hoảng. Cùng ngày Migrant Mother được đăng báo, Cơ quan Cứu trợ Quốc gia quyết định chuyển thực phẩm cho 2000 người thu hoạch trái cây ở Nipomo.

Suốt hành trình này, Lange đã hình thành một phương pháp cá nhân: bà quan sát, nói chuyện với nhân vật trong khi họ đang làm việc, giúp họ thả lỏng và mở lòng. 

Chính cách tiếp cận trắc ẩn, kiên nhẫn ấy giúp Lange làm nên những thước ảnh nhân văn, không giật gân, không tầm thường hóa nhân vật và vấn đề. Những người lao động trong ảnh Lange tuy bần hàn, nhưng giàu suy tư và khao khát vượt qua nghịch cảnh.

Không chỉ khám phá tới cùng một chủ thể cho một bức ảnh, nhiếp ảnh gia phải làm việc sâu sát trên một chủ đề, làm nên một khối lượng tác phẩm dày dặn. Như lời Dorothea Lange:

“Hãy chọn một chủ đề và khai thác đến điểm cực hạn… chủ thể phải là một điều bạn thật sự yêu quý, hoặc thật sự căm ghét.”

“Pick a theme and work it to exhaustion... the subject must be something you truly love or truly hate.” 

Để thấy mọi tiềm năng, không thể chụp hình với những kỳ vọng 

Nhiếp ảnh tư liệu hướng đến việc khai thác sự thật về cuộc đời nhân vật, nói lên những vấn đề bức thiết của xã hội. Như vậy, chụp hình với những định kiến và kỳ vọng không chỉ hạn chế tầm nhìn, còn có thể khiến nhiếp ảnh gia bóp méo sự thật. 

Như Lange viết: “Nếu biết trước điều bạn đang tìm kiếm, đồng nghĩa với việc bạn đang chụp lại định kiến của mình. Định kiến hạn chế ta, và thường sai lệch.” Nếu Lange chụp hình với định kiến về đói nghèo, bà sẽ không thể hiểu nhân vật như những con người thật.

Lange nói về cách chụp của mình: “Phương pháp của tôi dựa trên ba nguyên tắc: Trước hết, tôi không sắp xếp, chỉnh sửa hay thay đổi cảnh thật. Thứ hai, xây dựng cảm giác về không gian bằng cách không tách rời chủ thể bức ảnh với bối cảnh thật xung quanh. Cuối cùng, xây dựng cảm nhận về thời gian với ý niệm chụp tấm ảnh như một phần của quá khứ hoặc trong thời khắc hiện tại.”

Lange chụp một gia đình ở bang Oklahoma bị đuổi khỏi nhà, tháng 6 năm 1938. 

Lange chụp một gia đình ở bang Oklahoma bị đuổi khỏi nhà, tháng 6 năm 1938. Giáo sư Taylor chồng bà kể lại: Lange không bao giờ sắp đặt bối cảnh. Bà luôn hỏi ý kiến nhân vật, dành thời gian, thậm chí sống cùng họ.

Chỉ khi nhân vật thoải mái và hành xử tự nhiên, Lange mới bắt đầu chụp hình. Như bà nói: “ Quan trọng nhất là những lời trực tiếp từ nhân vật. Nếu bạn thay thế dù chỉ một phần bằng ngôn ngữ của bạn, tất cả ý nghĩa sẽ biến mất.”

Cuộc đời dù còn nhiều điều tồi tệ, vẫn luôn xứng đáng để ta đấu tranh

Năm 1933, khi xưởng chụp ảnh chân dung của Lange đang tấp nập khách hàng trung lưu, Lange vẫn mong mỏi được kể câu chuyện của những người thất nghiệp và nghèo đói bà đã gặp ở San Francisco và trên khắp nước Mỹ. “Tôi nhận thức rằng có một thế giới rộng lớn ngoài kia mà tôi chưa chạm đến, vì thế tôi quyết định mình phải cố gắng hơn.”

White Angel Breadline (1933). Lúc này, khủng hoảng kinh tế đang tồi tệ nhất, tại Mỹ 14 triệu lao động thất nghiệp, nhiều người sống nay đây mai đó trong cảnh đói ăn.

Bức ảnh White Angel Breadline được chụp không xa xưởng nhiếp ảnh của Lange: một người đàn ông trong dòng người xếp hàng trước bếp từ thiện, trong tay là một chiếc ca rỗng. Những bức ảnh này khởi nguồn cho hoạt động nhiếp ảnh tư liệu của Lange, và giúp bà được giao dự án ảnh từ Resettlement Administration sau này.

Bằng nhiếp ảnh, Lange giúp công chúng nhận thức và thấu cảm trước những bất công xã hội. Nước Mỹ qua ảnh của Lange đa dạng với những người nông dân, người di cư, công nhân và người giúp việc, đa dạng cả về giới tính, tôn giáo lẫn chủng tộc. 

“Pledge of Allegiance, Raphael Weill Elementary School”, San Francisco, 1942. Sau trận Trân Châu Cảng, người Mỹ gốc Nhật bị giam giữ, trẻ em bị tách rời khỏi bố mẹ. Dự án ảnh tư liệu này của Lange là lời nhắc nhở ám ảnh về sự sai trái của việc giam giữ những người vô tội chỉ vì màu da.

Hậu thế chiến, giới nhiếp ảnh chú trọng vào tạo hình, trở nên trừu tượng và nội tâm hơn. Lange nhắc nhở người nhiếp ảnh gia không nên bị kéo đi bởi những trào lưu hào nhoáng và dị thường mà bỏ quên những gì gần gũi, đời thường. 

Bà viết năm 1952, nhắn nhủ người sáng tạo kết nối với thế giới thực: “Dù thế giới quen thuộc này không thỏa mãn ta, đây không phải là nơi ta có thể từ bỏ… Dù tồi tệ đến mấy, thế giới này vẫn giàu cơ hội cho những tấm ảnh đẹp. Nhưng để một tấm ảnh đẹp, trước hết, nó phải giàu chất đời”.