Đùa vô tư về nữ quyền, liệu có vô duyên? | Vietcetera
Billboard banner

Đùa vô tư về nữ quyền, liệu có vô duyên?

Chính sự ‘hiểu nhầm’ trong khái niệm kết hợp với những khuôn mẫu đã dẫn đến những câu đùa không vui liên quan tới vấn đề nữ quyền cũng như giới tính.
Đùa vô tư về nữ quyền, liệu có vô duyên?

Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Vừa qua, một bài đăng của một bạn họa sĩ có tiếng đã gây nên nhiều tranh cãi. Trong mẩu truyện ngắn, bạn đã nhắc tới feminist là một trong những lý do khiến bạn ‘không vẽ' nữa.

alt
Bài đăng gây nhiều tranh cãi | Nguồn: Nguyễn Hưng

Trước bài đăng này, nhiều cuộc tranh luận đã nảy ra việc tác phẩm của tác giả có đang đem lại cái nhìn sai về nữ quyền? Một số còn lại cũng cho rằng những người phản đối tác phẩm cũng đang ‘làm quá lên’ vấn đề khi tác giả chỉ đơn thuần đưa ra quan điểm.

2. Tại sao lại có tranh cãi?

Có thể thấy tại Việt Nam phong trào nữ quyền vẫn tạo ra nhiều tranh cãi. Gần đây nhất ta có vụ việc Trấn Thành nhận xét “Phụ nữ mà tự tin, hay ho như thế thì làm gì phải đi đòi nữ quyền”.

Câu nói này xuất phát từ việc hiểu sai về ‘nữ quyền'. Cuộc đấu tranh này thường bị gắn với cái nhãn ‘làm quá', ‘muốn ngồi lên đầu đàn ông’ hay ‘bài xích nam giới'.

Suboi cũng đã nói rằng, thay vì dùng từ nữ quyền tạo cảm giác phụ nữ phải gồng lên cho bằng đàn ông, ta dùng chữ ‘quyền nữ'. Từ này nhấn mạnh việc phụ nữ có ‘quyền' được lựa chọn cuộc sống của họ, vượt lên những định kiến.

3. Những hiểu lầm xoay quanh ‘nữ quyền' là?

Vietcetera đã từng viết về những ý kiến cá nhân dẫn đến việc bài trừ phong trào nữ quyền. Có 3 hiểu lầm về nữ quyền chính:

Thứ nhất là đấu tranh nữ quyền không phải đòi phụ nữ được hơn đàn ông. Phong trào này đấu tranh để ‘giải phóng' cho cả nam và nữ (gender equality) khỏi những định kiến đang chèn ép họ.

Nhiều người vẫn cho rằng phụ nữ đã có đủ quyền được quy định trong pháp luật. Nhưng thật ra sự bất bình đẳng vẫn tồn tại mỗi ngày len lỏi trong cuộc sống nơi pháp luật chưa chạm tới.

Và cuối cùng, phong trào nữ quyền không chối bỏ sự khác biệt về giới tính sinh học. Bản chất của nó là trao đi cơ hội và điều kiện để cả 2 giới tính có thể làm công việc họ muốn, bỏ qua những định kiến và kỳ vọng về giới tính.

Chính sự ‘hiểu nhầm’ trong khái niệm kết hợp với những khuôn mẫu đã dẫn đến những câu đùa không vui liên quan tới vấn đề nữ quyền cũng như giới tính.

4. Câu đùa phân biệt giới tính là gì?

Câu đùa miệt thị (disparagement humor) là kiểu đùa ác ý về một người hoặc một tập thể (thường là các nhóm thiểu số hoặc yếu thế trong xã hội). Đa số những câu đùa này dựa trên việc chê bai hay sỉ nhục để gây cười. Một trong những trò đùa hay thấy nhất chính là câu đùa phân biệt giới tính.

“Đùa thôi mà" là câu nói thường được gắn với các câu đùa kiểu này. Bằng cách biến mình thành chú hề hài hước vô tư, những câu đùa vô duyên này mặc nhiên bị ‘tẩy trắng'. Định kiến ngầm trong câu nói bỗng chốc trở nên vô tư và bình thường.

5. Sức nặng của câu đùa?

Meyer (2000) và Lockyer và Pickering’s (2008) chỉ ra rằng trò đùa phân biệt giới tính có thể gây hậu quả nghiêm trọng về xã hội và văn hóa tùy thuộc vào chủ đề của nó. Cụ thể hơn nó thúc đẩy sự phân biệt đối với nhóm người bị đem ra giễu cợt.

Lấy ví dụ trường hợp của câu đùa hiếp dâm. “Văn hóa hiếp dâm" và những trò đùa có mối quan hệ chặt chẽ. Thuật ngữ “văn hóa ủng hộ hiếp dâm" ra đời năm 1975 được dùng để nói về việc này. Những câu đùa đã vô tình bình thường hóa các hành động bạo lực tình dục cũng như hiếp dâm khi giảm nhẹ tính quan trọng của nó ngang với một trò đùa.

Nói cách khác nó thúc đẩy hành vi phân biệt giới tính ở nam giới và nhận thức của họ về sự phân biệt đối xử với phụ nữ.

6. Chỉ là một cách khác để thể hiện sự kỳ thị giới tính?

Giáo sư tâm lý xã hội Thomas E. Ford đã so sánh các trò đùa phân biệt giới tính bằng một sợi dây chun. Bình thường thì những thứ mà xã hội không chấp nhận (quấy rối tình dục, bất bình đẳng giới,...) sẽ nằm ngoài sợ dây chun.

alt
Thomas E. Ford minh họa về sợi giây chun của 'trò đùa phân biệt giới tính'

Tuy nhiên những câu đùa phân biệt giới tính đã kéo căng sợi dây ấy, biến những thứ không phù hợp thành chấp nhận được.

7. Người Việt có hay đùa ‘không vui'?

Có lẽ chúng ta vẫn đang quá vô tư trước những câu đùa vô duyên. ‘Truyền thông' vẫn “vô tình” đem nạn nhân hiếp dâm ra để làm trò đùa, vẽ nên những câu chuyện không có thật.

Theanh28 xuyen tac vu an hiep dam anh 1
Một trang truyền thông bị cư dân mạng 'tố' vô duyên | Nguồn: Zing

Còn cư dân mạng vẫn ‘vô ý thức' đem chuyện quấy rối tình dục người khác ra mà tự hào rêu rao.

Dễ dãi trong việc sử dụng ngôn từ và thiếu cân nhắc trước khi phát ngôn đã dẫn đến hành vi cổ xúy cho những tư tưởng không lành mạnh trong xã hội. Và đây cũng là câu trả lời cho câu hỏi “Sao cứ phải đòi nữ quyền?”.