Tiểu thuyết của Frank Herbert: Tượng đài của văn học khoa học viễn tưởng
Câu chuyện bắt đầu vào năm 1959. Nhà văn Frank Herbert, khi đó mới chỉ sáng tác vài mẩu truyện ngắn và một cuốn sách không mấy người mua, bắt đầu nghiên cứu cho tiểu thuyết tiếp theo, tác phẩm mà ông tin rằng sẽ là bước ngoặt trong sự nghiệp của mình.
Sáu năm sau, Dune ra đời. Và chưa bao giờ kể từ thời của H. G. Wells, lại xuất hiện một tác phẩm mang tính đột phá tới vậy. Chiến thắng những giải thưởng danh giá nhất, Dune được các nhà phê bình ca ngợi về cách xây dựng thế giới tỉ mỉ và khăng khít, thậm chí được đánh giá là tiểu thuyết khoa học viễn tưởng hay nhất mọi thời đại.
Tác phẩm của Frank Herbert cũng trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất trong thể loại của nó. Tầm ảnh hưởng của Dune vẫn hiện hữu tới ngày nay, trong văn học, ca nhạc, điện ảnh tới trò chơi điện tử. Đáng chú ý nhất có thể kể đến loạt phim Star Wars.
Vậy mà trong suốt hơn nửa thế kỷ, Dune vẫn bị gắn mác là một tác phẩm không thể chuyển thể.
Lý do là bởi cuốn tiểu thuyết, cùng những phần hậu truyện sau đó, chứa đựng những chủ đề hết sức vĩ mô về truyền thuyết, tôn giáo và chính trị, liên tục chuyển từ góc nhìn của nhân vật này qua nhân vật khác, và bao gồm cả một bách khoa toàn thư những thuật ngữ và chi tiết nhỏ lẻ về thế giới.
Nhiều người từng cố gắng đưa cuốn tiểu thuyết kinh điển này lên màn bạc, nhưng chỉ một trường hợp là thực sự thành công.
Dune của Alejandro Jodorowsky: Quá tham vọng để tồn tại
Nỗ lực đầu tiên tới vào năm 1971. Khi đó, đạo diễn David Lean (Lawrence of Arabia) được nhắm để đưa Dune lên màn ảnh. Nhưng ba năm trôi qua, dự án này đổ bể khi chủ hãng phim qua đời, và Lean cũng từ chối tham gia.
Bản quyền của tác phẩm đổi chủ, lần này về tay một hãng phim Pháp, với đạo diễn nổi tiếng của dòng phim thể nghiệm Alejandro Jodorowsky (The Holy Mountain) được “chọn mặt gửi vàng.” Sự kỳ dị của dự án bắt đầu ngay từ lý do mà Jodorowsky đồng ý tham gia. Ông chia sẻ rằng mình được một vị thần tới báo mộng, nói rằng bộ phim tiếp theo của ông phải là Dune.
Vị đạo diễn người Chile tập hợp một dàn cast không thể nào lạ lùng hơn, bao gồm những huyền thoại màn bạc như Orson Welles (Citizen Kane) hay Gloria Swanson (Sunset Boulevard), họa sĩ siêu thực Salvador Dalí và ca sĩ Mick Jagger của ban nhạc Rolling Stones.
Thậm chí, ông còn muốn người con trai 12 tuổi đóng vai nhân vật chính Paul Atreides, và bắt cậu bé tập võ 6 tiếng mỗi ngày.
Không lâu sau, những vấn đề bắt đầu xuất hiện. Dalí liên tục cãi vã với Jodorowsky về kịch bản, và đòi mức lương khổng lồ 100.000 USD cho mỗi giờ quay.
Con số này phi lý tới mức Jodorowsky đã lên kế hoạch chỉ để Dalí ghi hình trong đúng một tiếng đồng hồ, rồi sẽ sử dụng robot thay thế. Tuy nhiên sau đó, vị họa sĩ cũng được mời ngừng tham gia phim vì lý do chính trị.
Khi khâu thiết kế và viết kịch bản hoàn thành cũng là lúc nguồn tiền vốn dừng lại. Chính nhà văn Frank Herbert phải tới Paris để kiểm tra, và phát hiện thấy Alejandro Jodorowsky đã dùng hết gần 1/4 số tiền chỉ cho giai đoạn tiền kỳ.
Tệ hơn, vị đạo diễn khi đó đang có trong tay một cuốn kịch bản dài gần 1000 trang, tức tương đương với một bộ phim khoảng 14 tiếng, với một câu chuyện không có nét tương đồng dù là nhỏ nhất so với nguyên tác.
Sau cùng, dự án của Jodorowsky bị bỏ dở giữa chừng. Dan O'Bannon, trưởng bộ phận kỹ xảo, thậm chí phải nhập viện tâm thần vì sang chấn do bộ phim thất bại.
Dune của David Lynch: Dở đến mức bị đạo diễn “từ mặt”
Sau thất bại của Alejandro Jodorowsky, bản quyền của Dune lại một lần nữa được mua lại. Lần này, vị trí đạo diễn được trao cho Ridley Scott (Alien). Tuy nhiên Scott cũng phải rời dự án để thực hiện phim Blade Runner, sau khi thấy quá trình tiền kỳ của Dune diễn ra quá chậm.
Người được lựa chọn thay thế ông là một đạo diễn trẻ lập dị mang tên David Lynch. Sau thành công của hai tác phẩm The Elephant Man và Eraserhead, Lynch khi đó đang là một trong những nhà làm phim có triển vọng nhất Hollywood, thậm chí được mời để đạo diễn phần phim Star Wars thứ ba.
Dune của David Lynch cũng quy tụ một dàn cast hùng hậu không kém phiên bản thất bại của Jodorowsky. Thủ vai Paul Atreides là Kyle MacLachlan (Twin Peaks), cùng những gương mặt nổi bật khác như Patrick Stewart (X-Men) hay ca sĩ Sting.
Nhưng một lần nữa, các vấn đề trong khâu sản xuất lại lộ diện. David Lynch phải viết tới sáu bản nháp trước khi tìm ra kịch bản vừa ý. Trường quay thì liên tục mất điện, và đồ ăn không ít lần khiến đoàn làm phim bị ngộ độc thực phẩm.
Sau bao khốn khó, Lynch cũng hoàn thành quá trình quay và cắt ghép được một bộ phim dài ba tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, ông bị hãng phim Universal yêu cầu gọt giũa tác phẩm xuống hai tiếng, và phải trở lại phim trường để gấp rút quay thêm cảnh trám.
Dune của David Lynch không phải không có điểm đáng khen. Qua bộ óc sáng tạo đầy lập dị của vị đạo diễn, thế giới của Dune hiện lên với một vẻ đẹp lạ lùng tới siêu thực. Frank Herbert cũng dành lời khen cho phim, nói rằng Lynch đã thành công trong việc chuyển thể tác phẩm.
Vậy nhưng bộ phim lại bị chê bai không thương tiếc bởi giới phê bình. Họ cho rằng Dune quá lộn xộn, thiếu đi cấu trúc hay sự rõ ràng cần có của một kịch bản phim.
Tác phẩm cố gắng nhồi nhét toàn bộ những chi tiết quan trọng của cuốn tiểu thuyết, bắt khán giả phải ghi nhớ một lượng thông tin khổng lồ mà bỏ quên việc phát triển nhân vật.
Chính David Lynch cũng rất không hài lòng với bộ phim. Thậm chí, ông còn yêu cầu hãng phim gỡ tên mình khỏi mọi bản cắt sau đó và thay bằng Alan Smithee, danh xưng chuyên dùng cho những đạo diễn muốn “từ mặt” tác phẩm của họ.
Dune của Denis Villeneuve: Bản chuyển thể xứng đáng
17 năm, hai series truyền hình và một dự án thất bại từ khâu ý tưởng sau đó, bản quyền của Dune trôi về tay hãng phim Legendary, và Denis Villeneuve (Blade Runner 2049) là người tiếp theo dũng cảm đảm nhận trách nhiệm đạo diễn.
Từ lâu, nhà làm phim người Canada đã mong muốn được chuyển thể Dune, và chỉ cần nhìn qua những tác phẩm cũ của ông, có thể thấy vị đạo diễn đặc biệt đam mê thể loại khoa học viễn tưởng.
Như một truyền thống, phiên bản Dune của thế kỷ 21 cũng quy tụ một dàn cast gồm toàn những ngôi sao hạng A, đặc biệt là với hai diễn viên trẻ đầy triển vọng Timothée Chalamet (Call Me By Your Name) và Zendaya (Euphoria) trong vai Paul Atreides và Chani.
Dự án được cấp kinh phí khổng lồ 165 triệu USD, đủ để Villeneuve cùng các đồng nghiệp tái hiện thế giới của Dune lên màn ảnh rộng. Vị đạo diễn cũng quyết định sẽ không vội vàng như David Lynch, mà chỉ chuyển thể một nửa cuốn tiểu thuyết dài gần 1000 trang trong bộ phim đầu tiên, và nửa còn lại để dành cho Dune: Part Two.
Và vậy là sau hơn nửa thế kỷ, và những dự án thất bại vì nhiều lý do khác nhau, cuối cùng cuốn tiểu thuyết kinh điển của Frank Herbert cũng được trao cho một phiên bản chuyển thể xứng đáng trên màn ảnh.
Không kỳ lạ như ý tưởng của Lynch hay Jodorowsky, Dune của Villeneuve hùng vĩ hệt như những gì độc giả tưởng tượng khi đọc nguyên tác.
Bất chấp ra mắt trong giai đoạn COVID-19, Dune thu về hơn 400 triệu USD trên toàn cầu. Tại lễ trao giải Oscar năm đó, bộ phim cũng giành được sáu tượng vàng Oscar.