Ra mắt toàn quốc tại Việt Nam vào ngày 30 tháng 7, Ròm là kết tinh của một quá trình nghệ thuật kéo dài đến 8 năm. Phim đã thu hút được nhiều sự chú ý của công chúng, cũng như nhận được đánh giá cao từ giới phê bình. Vượt qua những dư luận xung quanh quá trình sản xuất và phát hành, Ròm đã trở thành bộ phim Việt Nam đầu tiên giành được giải New Currents Grand Prize tại Liên hoan phim Busan.
Ròm gây ấn tượng nhờ vào kỹ xảo điện ảnh lôi cuốn và chủ đề độc đáo. Bước vào không gian của Ròm, khán giả sẽ theo chân hành trình sinh tồn của nhân vật chính trong thế giới của những người nghèo chốn thành thị, nơi mỗi ngày là một cuộc mưu sinh.
Đằng sau tác phẩm điện ảnh ấn tượng này là EAST Films: một nhóm nhà làm phim người Việt và Việt Kiều, khao khát khắc họa những câu chuyện của Việt Nam và châu Á lên màn ảnh toàn cầu. EAST Films là một nỗ lực hợp tác đa quốc gia, được thành lập bởi những nhân vật kỳ cựu trong ngành như đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, đạo diễn Bảo Nguyễn, đạo diễn Hàm Trần, Kenneth Nguyễn, Jenni Trang Lê, Lee Ngô và giám đốc sản xuất Anderson Lê.
Hãy cùng Vietcetera gặp gỡ đội ngũ của EAST Films về nghe họ chia sẻ về mối tương duyên thông qua điện ảnh, góc nhìn của họ về ngành công nghiệp phim Việt Nam và những kế hoạch tương lai dành cho EAST Films.
Lý do nào đã thúc đẩy EAST Films hợp tác và sản xuất phim cùng nhau? Quan điểm của mọi người về điện ảnh và xu hướng thị trường phim ở Việt Nam là gì?
Anderson: Chúng tôi nhận ra sự ngắn ngủi của cuộc sống sau khi một người bạn thân, Stephane Gauger, qua đời. Không muốn lãng phí thời gian, chúng tôi quyết định chính thức tập hợp đội ngũ EAST Films.
Để trả lời câu hỏi thứ hai, tôi nghĩ rằng Việt Nam, hiện là điểm tụ hội của điện ảnh Thái Bình Dương, là mảnh đất màu mỡ cho cho mô hình xem phim theo yêu cầu (movie-on-demand). Netflix đã khảo sát thành phố Hồ Chí Minh được một thời gian và vừa tung ra giao diện bằng tiếng Việt. Đây chính là dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang nằm trong tầm ngắm của họ.
Lee: Theo quan sát của tôi, nền địa ảnh Việt Nam đang được thúc đẩy bởi một làn sóng sáng tạo từ cộng đồng làm phim người Việt và Việt Kiều. EAST Films là đóng góp của chúng tôi cho phong trào này. Chúng tôi muốn làm những bộ phim nghệ thuật (arthouse) có thể đạt thành công thương mại, cùng những phim thuộc thể loại kén người xem hơn. Chúng tôi nghĩ thị trường Việt Nam đã chín muồi cho những tác phẩm như thế này.
Linh: Đối với tôi, làm phim là một niềm đam mê và tôi muốn chia sẻ niềm đam mê này với những người bạn cùng chí hướng. Chúng tôi xem nhau như những người đồng hành trên hành trình tạo ra những tác phẩm chất lượng cao, phù hợp với thị trường phim đang trên đà phát triển ở Việt Nam.
Bảo: Nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam đang phát triển vượt bậc. Nếu như trước đây, thị trường chỉ tiếp nhận 7-8 phim nội địa trong một năm, thì bây giờ 50-60 phim là một con số bình thường. Song song với sự tăng trưởng trong sản xuất phim là sự xuất hiện của những tài năng mới, được dẫn dắt bởi các dự án như Xine House và Autumn Meet. Đây là những ‘vườn ươm’ điện ảnh nơi những nhà làm phim Việt trẻ có thể phát huy được tầm nhìn của mình.
Jenni: Điều tôi yêu nhất về cộng động làm phim Việt chính là sự đoàn kết. Trong công việc sản xuất, tôi có thể dễ dàng tìm kiếm sự giúp đỡ từ các nhà làm phim khác và ngược lại. Bất cứ khi nào tôi cần tư vấn, tôi chỉ việc liên hệ với mọi người. Không có mấy ai ‘giấu nghề'. Trong 15 năm qua, tôi và bạn bè đã cùng nhau làm việc, nên cuộc hội tụ hội này đến một cách tự nhiên như một cách duy trì niềm đam mê chung.
Kenneth: Tôi có một niềm hãnh diện lớn về những thành tựu mà tôi và các cộng sự đã đạt được. Việc được mời gia nhập nhóm cũng là một cơ hội để tôi đóng góp sức mình cho những thành công chung. Trong những năm tới, Việt Nam sẽ còn có nhiều đột phá hơn trên màn ảnh cũng như tại phòng vé. Đây chính là thời điểm thuận lợi để EAST Films nhập cuộc.
Những bộ phim của EAST Films được dự kiến sẽ ra mắt và gặt hái nhiều thành công ở thị trường quốc tế. EAST Films sẽ làm thế nào để giới thiệu những nét đặc trưng của Việt Nam và châu Á trong các tác phẩm của mình?
Anderson: EAST Films làm được điều này nhờ có sự góp mặt của những tài năng trong đội ngũ nội dung. Đó là Phan Gia Nhật Linh, người mang quốc tịch Việt Nam đầu tiên theo học tại USC School of Cinematic tại Hoa Kỳ; Hàm Trần, cựu sinh viên khoa Điện ảnh của UCLA và là một đạo diễn xuất sắc; cùng Bảo Nguyễn, một nhà làm phim với tư tưởng đột phá, là chủ nhân của BE WATER — ứng cử viên chính thức cho Liên hoan phim Cannes. Chúng tôi còn đón nhận và đào tạo các nhà làm phim Việt trẻ, những người ấp ủ những dự án mang tầm vóc quốc tế.
Lee: Các đối tác của EAST Films hầu hết sinh ra, lớn lên và được đào tạo tại Mỹ, nhưng tinh thần Việt Nam và châu Á vẫn hiện hữu trọng các tác phẩm của họ. Đa số các đạo diễn của chúng tôi cũng chọn Việt Nam làm bối cảnh hoặc tiêu điểm của phim. Ở EAST Films, Việt Nam và châu Á không chỉ xuất hiện làm phông nền, chúng tôi lấy chúng làm trọng tâm trong các tác phẩm.
Linh: Có lẽ vì tôi sinh ra và lớn lên ở Việt Nam nên tôi luôn cố gắng kết hợp văn hóa và tinh hoa dân tộc vào các bộ phim của mình, ngay cả khi chúng được làm lại từ kịch bản nước ngoài.
Bảo: Chúng tôi là tập hợp những người Việt và người gốc Việt, nên khi chúng tôi làm phim từ tâm, những yếu tố này sẽ xuất hiện một cách tự nhiên. Chúng tôi lấy nét những độc đáo về văn hóa để kể truyền tải những thông điệp và giá trị mà khán giả khắp nơi có thể đồng cảm được.
Jenni: Tuy đến từ những hoàn cảnh khác nhau nhưng chúng tôi vẫn được thừa hưởng nguồn tài nguyên chung là văn hóa Việt Nam. Chất liệu này xuất hiện trong mọi bộ phim chúng tôi sản xuất. Nhờ tài nguyên là kinh nghiệm sống và làm việc tại nhiều ‘quê hương', những tác phẩm của chúng tôi được tô điểm thêm màu sắc văn hóa đa dạng.
Kenneth: Tại EAST Films, chúng tôi đan xen những giá trị Việt vào những câu chuyện trên màn ảnh. Những câu chuyện này phản ánh Việt Nam và châu Á cũng như trải nghiệm của chúng tôi dưới góc nhìn chân thực.
Với kinh nghiệm sản xuất nhiều dự án thành công, EAST Films có dự đoán gì cho các nhà làm phim Việt trong tương lai?
Anderson: Họ sẽ tạo nên những nội dung vươn xa khỏi Việt Nam. Thông qua những nền tảng phát trực tiếp (streaming) toàn cầu, cũng như các dịch vụ xem phim theo yêu cầu (VOD - Video on Demand) cho châu Á, các nhà làm phim Việt có cơ hội xây dựng tư tưởng quốc tế, trở nên nhạy bén hơn trong quy trình trình sản xuất và chế tác nội dung. Tầng lớp sáng tạo cũng sẽ được đào tạo tốt hơn.
Lee: Là những chuyên gia trong việc xây dựng, sản xuất và phân phối nội dung, EAST Films dành sự ưu ái đặc biệt cho các nhà làm phim. Họ là những người với đam mê bùng cháy, dám khắc họa những chủ đề như bất công xã hội, bất bình đẳng giới, hay những vấn đề về môi trường. Tương lai của điện ảnh Việt Nam được vẽ nên bởi họ.
Linh: Tôi nghĩ trong tương lai các nhà làm phim Việt sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách. Họ cần có có sự biến chuyển độc đáo để thu hút khán giả trong nước. Bên cạnh đó, họ còn phải giới thiệu những nét đặc sắc của Việt Nam đến khán giả thế giới. Các nhà làm phim cần cân bằng hai yếu tố này để có thể cạnh tranh trên màn ảnh toàn cầu.
Bảo: Có lập trường cho rằng trong nghệ thuật, bạn chỉ nên lấy trải nghiệm bản thân làm ranh giới sáng tạo. Quan điểm đó hợp lý, nhưng tôi tin rằng các nhà làm phim Việt cần bức phá, tự tin bước ra khỏi vùng an toàn để xây dựng những thế giới điện ảnh mới.
Jenni: Tôi cảm thấy được truyền cảm hứng từ thế hệ nhà làm phim mới này. Họ khao khát học hỏi để mở rộng ống kính. Mục tiêu của EAST Films là hỗ trợ và giúp họ làm điều đó.
Kenneth: Kế hoạch của chúng tôi là tạo cơ hội cho các nhà làm phim Việt đưa tầm nhìn của mình lên màn ảnh lớn. EAST Films sẽ là không gian nuôi dưỡng tài năng của họ.
Có vẻ như khán giả Việt Nam dành nhiều sự ưu ái cho các bộ phim Mỹ-Anh và phim Việt thuộc thể loại phù hợp với đại chúng. EAST Films có kế hoạch gì để mang lại nhiều hơn những bộ phim Việt chất lượng cao đến khán giả hay không?
Anderson: Chúng tôi có lợi thế là các nhà làm phim trẻ. Với tư duy toàn cầu, họ có khả năng xây dựng những nội dung vừa đậm chất Việt vừa mang tính quốc tế. Lấy EAST Films bệ phóng, những nhà làm phim này sẽ nâng tầm trải nghiệm điện ảnh cho khán giả Việt Nam.
Lee: Tuy sai lệch nhưng quan điểm đã là phim phương Tây thì ắt hẳn hay hơn khá phổ biến. Trên thực tế, khoảng cách chất lượng của hai nền điện ảnh đã được rút ngắn nhiều. Ngay cả cha mẹ tôi, những người đã từng có định kiến với phim Việt, đã thay đổi ý kiến sau khi xem những tác phẩm gần đây. Tôi nghĩ định kiến sẽ vẫn tiếp diễn, nhưng chất lượng điện ảnh Việt cũng sẽ ngày càng đi lên với sự ủng hộ của người xem.
Linh: Tôi nghĩ thị hiếu của khán giả Việt Nam đi nhanh hơn so với tốc độ phát triển của điện ảnh trong nước. Các bộ phim bom tấn rất được ưa chuộng, nhưng các nhà làm phim Việt vẫn đang gặp khó khăn với các dự án quy mô nhỏ, kinh phí thấp. Tuy nhiên, tôi tin rằng nếu EAST Films có thể tạo ra một bộ phim hay, ngay cả khi đó là một tác phẩm với chủ đề mới lạ, nó vẫn có cơ hội thành công. Và đó là lý do EAST Films đang chuẩn bị nhiều dự án chất lượng để chinh phục khán giả.
Bảo: Đây là một lối mòn của nền điện ảnh Việt Nam. Chúng tôi phải đưa ra những tác phẩm chất lượng cao, thành công về mặt tài chính để thu hút khán giả trong nước, nhưng chúng tôi cũng cần sự ủng hộ từ họ để có nguồn lực để tiếp tục làm phim. EAST Films rất gắt gao trong tiêu chuẩn sản xuất, nhưng chúng tôi cũng chỉ là phần nhỏ trong một tập thể lớn — cần phối hợp với nhau để giúp điện ảnh Việt Nam phát triển cả về nội dung lẫn hình ảnh trong mắt công chúng.
Jenni: Tôi lại nghĩ rằng Việt Nam độc đáo ở chỗ khán giả trong nước sẵn sàng ủng hộ những bộ phim Việt thực sự xuất sắc. Đã có những trường hợp phim nội địa vượt xa các bom tấn toàn cầu tại phòng vé. Nền điện ảnh trong nước vẫn có khả năng cạnh tranh rất cao.
Kenneth: Để thu hút khán giả, EAST Films sẽ tuyển chọn và sản xuất những nội dung hay nhất từ các nhà làm phim tài năng.Từng bước, khán giả trong nước và quốc tế Việt sẽ biết đến nhiều hơn và bị chinh phục bởi những nội dung chân thực và lôi cuốn này.