Elon Musk và hành trình biến Twitter thành của riêng mình | Vietcetera
Billboard banner

Elon Musk và hành trình biến Twitter thành của riêng mình

Apple là trở ngại tiếp theo trong hành trình biến Twitter thành tư nhân của Elon Musk. Nhưng ở thời điểm hiện tại, đó chưa chắc đã là thử thách lớn nhất.
Elon Musk và hành trình biến Twitter thành của riêng mình

Nguồn: 9to5Mac

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Trong một dòng tweet vào ngày 29/11, Elon Musk cho rằng Apple đang đe dọa sẽ gỡ Twitter ra khỏi App Store mà không đưa ra một lý do chính đáng. Trước đó, người chủ Twitter cũng ghi nhận rằng Apple gần như đã ngừng mọi hoạt động quảng cáo trên Twitter, vốn chiếm tới 4% doanh thu của mạng xã hội này.

Vụ việc này là một thách thức tiếp theo trong danh sách dài những thử thách mà Elon Musk phải đối mặt trong quá trình biến Twitter thành một công ty tư nhân.

Chúng ta thường hiểu "tư nhân" và "nhà nước" như hai hình thức sở hữu doanh nghiệp khác nhau và duy nhất. Nhưng trong trường hợp này, từ "tư nhân" có nghĩa là công ty chỉ được sở hữu bởi một cá nhân hoặc một nhóm thiểu số.

2. Lý do có thể là gì?

Hiện tại, Apple chưa đưa ra phát ngôn gì để đáp lại cáo buộc của Elon Musk, và tất cả vẫn chỉ dừng lại ở những phỏng đoán cá nhân của Elon. Nhưng viễn cảnh này hoàn toàn có thể xảy ra. Trong quá khứ, Apple đã từng gỡ tạm thời và vĩnh viễn một số ứng dụng do vi phạm danh mục điều kiện mà một phần mềm phải thỏa mãn nếu muốn xuất hiện trên App Store.

Một số chuyên gia và kênh truyền thông phỏng đoán rằng đây có thể sẽ là động cơ của Apple nếu họ có thực sự quyết định gỡ Twitter. Cụ thể, chính sách của Apple yêu cầu các ứng dụng như mạng xã hội phải có hệ thống quản lý nội dung. Trong năm 2020, App Store đã gỡ một đối thủ của Twitter là Parler do không thỏa mãn tiêu chí này.

30nov202220210108parlericoniphone013jpg
Parler bị gỡ vào 2020, và mất gần một năm mới có thể trở lại cửa hàng trực tuyến của Apple. | Nguồn: CNET

Chính sách quản lý nội dung của Twitter đã thay đổi chóng mặt từ khi Elon Musk nắm quyền. Việc này bao gồm bỏ lệnh cấm một số tài khoản Twitter như tài khoản Donald Trump, Jordan Peterson, hay Andrew Tate.

Bên cạnh đó, Elon Musk đã nới lỏng những quy định về tự do ngôn luận trên nền tảng, dẫn tới số lượng những bình luận thù ghét và phân biệt chủng tộc tăng cao.

3. Tại sao Elon Musk lại muốn biến Twitter thành công ty tư nhân?

Từ thời điểm lên sàn chứng khoán NASDAQ và NYSE vào năm 2013, Twitter chính thức trở thành một công ty đại chúng (publicly held company), có nghĩa là tất cả mọi người đều có thể mua cổ phần của Twitter. Việc chuyển công ty sang sở hữu tư nhân (privately held company) là một thay đổi lớn mà Elon Musk đã nhấn mạnh khi nói về thương vụ 44 tỉ đô của mình.

Nếu Twitter trở thành công ty tư nhân, hoàn toàn có khả năng Elon Musk nắm toàn bộ hoặc phần lớn cổ phần của Twitter. Điều này sẽ mang lại cho Elon quyền lực lớn hơn trên cương vị CEO và dễ dàng thực hiện các kế hoạch của mình mà không gặp phải sự kháng cự của các cổ đông.

Nhiều công ty tại Mỹ đã tư nhân hóa thành công, với ví dụ điển hình là đơn vị sản xuất máy tính, phần mềm, và linh kiện điện tử Dell. Trong tình cảnh thua lỗ nặng nề vào năm 2013, Dell xác định phải thay đổi hướng đi của công ty. Chiến lược táo bạo này hứa hẹn thành công dài hạn, nhưng sẽ gây ảnh hưởng tới lợi nhuận ngắn hạn.

30nov2022michaeldelljpg
Michael Dell - chiến lược gia đứng sau sự chuyển mình của công ty Dell. | Nguồn: Brands Vietnam

Dell nhận ra rằng nếu vẫn giữ mô hình công ty công, các cổ đông sẽ rút tiền khi thấy lỗ ngắn hạn, và công ty sẽ không có đủ vốn để thực hiện kế hoạch. Do đó, công ty quyết định tư nhân hóa để giữ nguồn tiền. Có lẽ đây chính là viễn cảnh mà Elon đang hướng tới: vừa bảo toàn vốn, vừa có quyền tự do quyết định hướng đi của Twitter.

4. Công ty tư nhân và công ty đại chúng Mỹ khác gì nhau?

Một công ty đại chúng tại Mỹ không có nghĩa là nó được sở hữu bởi nhà nước, mà nghĩa là nó được sở hữu bởi nhiều cổ đông, và ai cũng có thể mua cổ phần. Các công ty này chịu nhiều ràng buộc hơn, phải tiết lộ nhiều thông tin về quy trình vận hành và tình trạng tài chính cho công chúng theo từng quý.

Về cơ bản, tất cả những công ty mà chúng ta thấy trên sàn giao dịch NASDAQ và NYSE đều là những công ty đại chúng. Điều này có nghĩa là rất nhiều thương hiệu tiền tỉ như ngân hàng JP Morgan Chase, Amazon, Apple, Microsoft, Meta, và cả công ty Tesla của Elon Musk cũng được sở hữu bởi đại chúng.

Bạn đọc có thể thắc mắc: tại sao một siêu cường tư bản như Mỹ lại có nhiều công ty cho phép đại chúng "nắm đầu" vậy? Thực ra, sự khác biệt giữa đại chúng và tư nhân không nằm ở việc ai nắm cổ phần, bởi dù thế nào thì người hay nhóm người sở hữu công ty vẫn là giới tài phiệt tư bản. "Đại chúng" ở đây không đồng nghĩa với "nhân dân."

Trong khi đó một công ty tư nhân thường chỉ có một vài cổ đông, thậm chí một cổ đông duy nhất. Việc mua cổ phần của những công ty này gần như là bất khả. Bên cạnh đó, các công ty tư không bắt buộc phải tiết lộ thông tin và tình trạng công ty cho chính phủ và công chúng.

5. Twitter đang bị giám sát bởi chính phủ Mỹ?

Vào ngày 28/11, thư ký báo chí Nhà Trắng tiết lộ rằng chính phủ Mỹ đang giám sát mạng xã hội Twitter. Lý do được đưa ra là bởi họ cho rằng Twitter đang dần trở thành nền tảng truyền bá tin giả, gia tăng sự thù ghét, và kích động bạo lực giữa các cộng đồng dân cư.

30nov2022karinejeanpierre1jpg
Thư ký báo chí Nhà Trắng, bà Karine Jean-Pierre | Nguồn: Reuters

Chúng ta sẽ cần nhiều thời gian hơn để thấy nhận định này đúng hoặc sai tới đâu. Nhưng ở thời điểm hiện tại, phát ngôn của Nhà Trắng không phải là vô căn cứ, bởi số lượng các hành vi phân biệt chủng tộc trên Twitter đã tăng mạnh. Tình trạng giả mạo danh tính cũng trở nên phổ biến khi Elon Musk đưa ra kế hoạch mới với tích xanh của Twitter.

Trong làn sóng sa thải mới đây, Elon Musk đã làm “bay màu” nhiều nhân viên kiểm duyệt nội dung. Các kênh truyền thông như AP và New York Times cho rằng đây chính là nguồn cơn dẫn tới khối lượng lớn các nội dung xấu và mang tính phân biệt trên Twitter hiện nay.